Người Việt Khắp Nơi

Cô Hồng Ân bị bác đơn tị nạn, sắp bị Đức trục xuất về VN

Tuesday, 04/06/2019 - 04:02:41

Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, 20 tuổi, con gái của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân, cho VOA biết có nhiều khả năng cô sẽ bị chính phủ Đức trục xuất trong hai tuần nữa.

Hồng Ân cùng cha mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp Đại Học Âm Nhạc Nuremberg ngày 12 tháng 2, 2019. Hơn một tháng sau thì cha mẹ cô bị cưỡng bách hồi hương, nay đến phiên cô cũng sắp bị trục xuất về Việt Nam. (Hình: Thời Báo tại Đức)

 

NUREMBERG - Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, 20 tuổi, con gái của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân, cho VOA biết có nhiều khả năng cô sẽ bị chính phủ Đức trục xuất trong hai tuần nữa.

Từ thành phố Nuremberg, sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân nói cô có thể bị trục xuất ra khỏi Đức trước ngày 16/6.

“Rất rõ ràng là họ chỉ cho tôi có hai tuần. Họ nói rằng lệnh trục xuất đã có và đơn tị nạn bị bác rồi. Họ có thể trục xuất bất cứ lúc nào. Họ đã đưa ra lời cảnh cáo rất rõ ràng như vậy.”

Trước đó, vào hôm 26/3/2019, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ đã bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi gia đình ông đang chờ xin Canada cấp quy chế tị nạn. Khi ấy, theo cô Hồng Ân, hộ chiếu của cô đã hết hạn, nên chưa bị trục xuất cùng cha mẹ.

Cô Hồng Ân cho biết các cộng đồng ở Đức đã lên tiếng bảo vệ cô và gia đình nhưng chính quyền thành phố cương quyết “mạnh tay trục xuất.”


Nguyễn Quang Hồng Ân từng thắng những giải thi dương cầm quốc tế. (Hình: Thời Báo tại Đức)

 

“Họ lên tiếng cũng rất nhiều. Không chỉ cộng đồng người Việt mà các đảng phái đối lập như SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức), Grune, STV… cũng lên tiếng, nhưng tôi cảm thấy chính quyền lại làm lơ, họ lại muốn mạnh tay trục xuất.”

Trong bức thư của Cộng Đồng Người Việt vùng Nuremberg gửi chính quyền thành phố và các cơ quan chính quyền hôm 1/6, ông Nguyễn Thế Bảo, Phó Chủ Tịch Cộng đồng, viết: “Tất cả chúng tôi một lần nữa kinh hoàng trước hành vi của chính quyền thành phố ngày 31/05/2019, đã khiến Hồng Ân một lần nữa rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc.”

Ông Hồng Nhân, cha của cô Hồng Ân, là một nhà hoạt động nhân quyền và từng bị giam cầm ở Việt Nam trước khi đến Đức xin tị nạn vào năm 2015.

“Báo chí Việt Nam, Hội Cờ Đỏ, Nghệ An Thời báo … lên án ba mẹ tôi rất dữ. Tinh thần ba tôi tệ dần, cảm thấy cả cuộc đời đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam… nay đã mất hết. Một đất nước tự do nơi mình tìm đến lại đối xử như vậy… Ba tôi cảm thấy thất vọng.”

Hồng Ân là một tài năng âm nhạc, đã tham dự những cuộc thi quốc tế ở Âu Châu và Bắc Mỹ. Cô đã theo cha mẹ xin tị nạn tại Đức bốn năm trước, nhưng nay chính sách không bao dung với di dân, kể cả với người tị nạn cộng sản, đã được thi hành một cách vô tâm.

Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, còn được biết đến là nhà văn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang, từng bị nhà cầm quyền Việt Nam cầm tù.

Năm 1979, ông Nguyễn Quang bị tòa án ở thành phố Nha Trang cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào đầu năm 2018, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân nói, “Sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì tôi hoạt động về nhân quyền, nhưng sau đó tổ chức bị vỡ. Sau khi ra tù tôi thấy Việt Nam thiếu về nghề nghiệp nên tôi mới mở một trường công nghệ ở Đà Lạt để đào tạo ngành nghề cho sinh viên, nhưng họ biết tôi ở tù mới ra cho nên họ đóng cửa. Trong khoảng thời gian 8 năm liền tôi không làm được gì nên tôi chỉ viết sách – viết khoảng 20 quyển sách và phát hành trên Amazon cho đến khi tôi rời khỏi Việt Nam vào năm 2015.

“Tôi cũng cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm, thành lập Diễn đàn Đại học Nhân quyền, và sau đó là Viện Nhân quyền Việt Nam. Đó là những việc làm mà khiến chính quyền Việt Nam để ý và theo dõi rất nhiều.”
(Nguồn VOA)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT