Tiêu Thụ

Có lợi gì khi chờ đến năm 70 tuổi mới lãnh tiền An Sinh Xã Hội?

Friday, 11/03/2011 - 07:43:12

Lãnh hưu non thì mỗi năm tiền An Sinh Xã Hội (ASXH, cũng gọi là tiền SSA) của bạn thiệt THÊM 6,6%. Xin để ý chữ THÊM, bởi vì năm ...

Eric Trần/Viễn Đông

Như chúng ta đã biết trong các bài trước, tuổi hưu chính thức (THCT) của nước Mỹ hiện nay là 66, và tuổi hưu non sớm nhất là 62.


Lãnh hưu non thì mỗi năm tiền An Sinh Xã Hội (ASXH, cũng gọi là tiền SSA) của bạn thiệt THÊM 6,6%. Xin để ý chữ THÊM, bởi vì năm sau lại thiệt hơn năm trước, cho đến năm cuối cùng khi thiệt tới 25% là bạn vừa tới 66 tuổi, thì không bị thiệt thêm nữa. Nói như vậy cũng không có nghĩa là số tiền bạn lãnh được càng lúc càng ít đi. Không, số tiền không thay đổi, nói “hơn thiệt” là do so sánh với những người chờ đến THCT mới lãnh tiền hưu thôi.
Đó là sự thiệt hại khi về hưu non. Một mặt khác, nếu bạn về hưu trễ, tức là chờ quá THCT mới lãnh, thì càng chờ càng có lợi: Mỗi năm tiền ASXH của bạn sẽ được cộng thêm 8% cho đến năm 70 tuổi là hạn chót. Chờ đến lúc bấy giờ mới lãnh thì quyền lợi của bạn sẽ cao hơn 32% so với người lãnh ở THCT. Nhưng chờ đến năm 70 tuổi không có rủi ro gì sao? Trong trường hợp nào mới nên chờ? Và trường hợp nào thì không?

1. Lợi hại khi chờ đợi?

Chờ đợi được đến năm 70 tuổi thì cái lợi đã thấy trước mắt: Tiền ASXH thêm được 32%, nghĩa là người khác lãnh 1.000 Mỹ kim/tháng, còn mình 1.320 Mỹ kim/tháng!
Nhưng rủi ro cũng rất rõ:
Thứ nhất, ai dám chắc rằng mình sẽ sống cho đến ngày đó? Người Việt Nam có câu “Già néo đứt dây” để cảnh cáo những người “lì” quá có thể mất hết. Thực vậy, nếu bạn chủ trương hưu trễ mà lại chết vào năm 68 tuổi thì sao?
Thứ hai, dù có sống tới 70 tuổi và lãnh được thêm mỗi tháng 320 Mỹ kim nữa, thì liệu tổng số tiền lãnh được tới cuối đời có ngang bằng tổng số tiền của người lãnh sớm không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ xét trường hợp điển hình của Bà Giáp là người đã chờ đợi đến năm 70 tuổi mới lãnh ASXH với số tiền 1.320 Mỹ kim, một tháng. Cái lợi thấy rõ ràng, nhưng sự thiệt hại cũng không kém rõ ràng, là vì bà đã bỏ qua quyền lợi của mình (1.000 Mỹ kim/tháng) trong 4 năm, tổng cộng 48.000 Mỹ kim. Để bù lại số mất mát này, bà phải thọ tới ít nhất 82 tuổi 6 tháng mới …. huề vốn. Nếu bà qua đời trước tuổi đó, thì bà thiệt, càng qua đời sớm càng thiệt nhiều. Bắt đầu 82 tuổi 7 tháng, bà mới có thể nói rằng mình được lợi mỗi tháng 320Mỹ kim. Đối với người không còn khả năng làm việc, thì quả thật đó là một món tiền không nhỏ. Càng sống lâu sau đó, càng chứng tỏ quyết định “hưu trễ” của bà là khôn ngoan.
Chuyện sống chết là chuyện của trời, nên có ai dám mạnh miệng bảo mình khôn ngoan? Tuy nhiên, sau khi đã nghe ngóng về tình hình sức khỏe của mình, bạn muốn “đánh một canh bài số mạng”, thì thiết tưởng, đây là một canh bài rất nên đánh!
Đó là nói về trường hợp người độc thân, không có vợ/chồng hoặc con cái. Nếu bạn có lập gia đình, đã từng lập gia đình, hoặc có con cái thì việc chờ đợi “hưu trễ” rất có lý, và không còn mang tính rủi ro của một canh bài nữa. Bởi vì, chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho những người thân yêu của mình.

2. Lợi ích cho những người thân yêu

Đúng vậy, nếu bạn có những người thân yêu từng chia sẻ đời sống với mình, thì câu  trả lời là dứt khoát: Càng chờ lâu càng có lợi…. cho những người thân yêu còn sống. Là vì, nếu bạn có qua đời khi chưa kịp lãnh tiền hưu chăng nữa, thì tất cả những quyền lợi ấy sẽ chuyển cho những người thân yêu của bạn, gồm những thành phần sau đây: Vợ/chồng, con cái, cha mẹ... và đến cả người vợ/chồng đã ly dị! (Ở dưới suối vàng, gác lại mọi phiền muộn thế gian, chắc bạn cũng sẵn sàng nhận người vợ/chồng đã ly dị vào số những người thân yêu, và không ngần ngại chia cho người đó một phần nào quyền lợi của bạn chứ?).
Mỗi thành phần được bao nhiêu phần trăm? Điều đó được luật pháp qui định tùy từng trường hợp. Nhân viên văn phòng ASXH sẽ tính toán giúp bạn, chi tiết đến từng xu. Nhưng rõ ràng là nếu tiền hưu của bạn lúc còn sinh thời mà nhiều, thì quyền lợi của những người thân yêu còn sống (survivor benefits) cũng sẽ tăng lên một cách tương ứng. Như vậy, tại sao bạn không chờ đợi đến thời hạn chót để nâng quyền lợi lên mức tối đa! Về đại thể là như thế, chúng ta sẽ nói thêm về một vài con số rất thú vị trong bài sau.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về những vấn đề liên quan đến An Sinh Xã Hội, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư của bạn.

Eric Trần
Erictran15751@gmail.com







Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT