Gỡ Rối Tơ Lòng

Có nên hay không?

Saturday, 10/09/2016 - 12:02:20

Chỉ có một điều là hai đứa con cháu, mặc dầu rất ngoan, dễ bảo nhưng lại tỏ vẻ không thích cô ấy, và cô ấy hình như cũng có ác cảm với hai cháu.

Cha còn trẻ nhưng góa vợ, muốn tiến tới với một cô khác, nhưng nghĩ đến con nên phải xét lại và đặt hạnh phúc của con lên hàng đầu. (Getty Images)


Thưa Bác, gia đình cháu có hai chị em. Chị cháu sanh trước cháu 5 năm. Chị cháu chẳng may sinh thiếu tháng cho nên tình trạng sức khỏe rất bết bát. Mặc dầu bố mẹ cháu hết sức chạy chữa nhưng khi lớn lên thì mới biết rằng trí óc chị cháu bất bình thường. Nhưng mà mặt mũi chị cháu rất xinh xắn.
Ngày nay chị đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình. Bố cháu đã mất, cháu đã có chồng con, chị ở với mẹ cháu - năm nay mẹ cháu đã ngoài 80 - sức khỏe mẹ cháu mỗi ngày một hao mòn vì mẹ cháu bị đủ mọi bệnh “cao”: cao đường, cao mỡ, cao áp huyết nhưng mẹ cháu không chịu ăn kiêng, còn thuốc thì uống ngày đực ngày cái.
Gần đây có một ông góa vợ, có bốn đứa con trai, đứa lớn nhất mới 15 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới lên 7. Ông ấy ở gần nhà nên để ý đến chị cháu và tỏ ý muốn chắp nối với chị cháu. Mẹ cháu không biết tính thế nào vì sợ chị cháu hiền lành, ngớ ngẩn nên bị con chồng bắt nạt nên không muốn gả chị.
Nhưng có lúc mẹ cháu lại nghĩ rằng hồi này mẹ cháu không được khỏe, nếu mẹ cháu mệnh hệ gì thì ai là người chăm sóc chị? Cháu còn gia đình của cháu và các con còn nhỏ cả thì tuy cháu có thương chị cháu thì cũng chẳng thể chăm nom cho chị được, cho nên mẹ cháu nghĩ hay là gả chị cháu cho ông này để ngày sau chị có chỗ nương thân?
Cứ hai chuyện gả hay không gả mà mẹ cháu suy tính hoài không biết nên làm thế nào cho phải. Cháu bàn với mẹ cháu viết thư hỏi bác, nhờ bác tính giùm. Cháu xin cám ơn bác trước.

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu ạ, bác thấy rằng vấn đề không phải là gả hay không gả mà cần phải điều tra gia cảnh và con người của cái ông muốn cưới chị cháu.
Thứ nhất là xem mục đích của ông ấy lấy chị cháu là vì muốn có một người vợ để chia sẻ vui buồn trong cuộc sống hay là muốn có một chị vú để trông nom con cái, một con sen để dọn dẹp nhà cửa, một chị bếp để nấu ăn cho cả bố lẫn các con.
Cái sự lo lắng của mẹ cháu rất chính xác khi sợ rằng chị ấy chậm chạp, đầu óc không được tinh tường thì sẽ bị con chồng bắt nạt. Điều này có thể nói chắc chắn đến 90%. Những đứa trẻ ở tuổi teenager là cái tuổi rất khó dậy, chị ấy chẳng thể nào điều khiển chúng được. Vì thể theo ý bác, cần phải điều tra nếp sống của gia đình ấy, mức đạo đức của họ và nền giáo dục của bố mẹ đối với các con.
Nếu ông ta là một người tốt, có đạo đức có nề nếp gia phong, thật sự thương chị cháu, muốn có một người vợ chia sẻ tình cảm lúc cuối đời và sẽ bao bọc và bảo vệ chị thì hãy nên gả còn không thì không nên. Nếu mai kia mẹ cháu có mệnh hệ gì thì bác nghĩ, cháu không cần phải tự tay chăm sóc chị nhưng gửi chị vào một nhà chăm sóc người già có uy tín để chị sống cho hết cuộc đời và dù ở xa cháu vẫn có thể để mắt trông nom chị. Đối với xã hội, chị là một người khuyết tật về tinh thần cho nên nhà nước chăm nom rất tận tình, miễn là có người thân theo dõi và trông nom.

Những đứa con ích kỷ
Cháu thật là buồn phải dùng cái từ ngữ nặng nề này để gọi hai bà chị của cháu. Mẹ cháu mới mất hai năm nay sau một cơn bệnh nặng. Trong khi mẹ cháu bệnh bố cháu chăm sóc mẹ cháu rất tận tình.
Hai bà chị cháu thì đều có chồng con và gia đình riêng. Một bà ở xa nhà bố mẹ cháu hai tiếng lái xe còn một bà ở tiểu bang khác, một năm về thăm bố mẹ hai lần, một lần vào hè và một lần vào Christmas.
Từ khi mẹ cháu mất, nghĩa là hai năm nay chỉ có bà ở gần thì về thăm còn bà ở xa thì thôi luôn. Gần đây, bố cháu tìm được một bà bạn mới. Cô này ngày xưa là bạn mẹ cháu, cháu thấy thỉnh thoảng vẫn đến chơi với mẹ cháu. Bố cháu giới thiệu với chúng cháu và nói rằng muốn cưới cô.
Bố cháu kêu hai bà chị về và bàn đến chuyện hôn nhân của bố. Điều đầu tiên hai bà chị khóc lóc um sùm, kể lể công ơn của mẹ và nói rằng bố lấy vợ như vậy là đã quên không còn thương yêu mẹ gì nữa. Một bà thì nói nếu bố muốn lấy vợ thì chia gia tài đi đã, sau đó hai bà cùng đồng thanh nói: có bộ tuổi tác chẳng hơn gì tụi này bao nhiêu, đứng có hòng lên mặt làm mẹ kế mà có chuyện to.
Mà bố cháu có giàu có gì đâu. Bố chỉ có cái pension và cái 401K thôi. Mà hai cái đó là thuộc về bố và người vợ của bố chứ đâu có thuộc về các con. Cháu là con trai út, chưa có vợ, vẫn ở với bố, nghe hai chị cháu nói vậy cháu la lên cho hai bà ấy im miệng lại và nói không ai có quyền cấm bố làm lại cuộc đời.
Bố mẹ đã có với nhau 40 năm hạnh phúc, bây giờ bố mới có 70 tuổi, bố còn cả cuộc đời dài trước mặt phải để cho bố hưởng. Cháu nói rằng cô Thanh không phải là loại người chạy theo đồng tiền của bố mà cô thương bố thành thật và cô không bao giờ có ý muốn thay thế mẹ cháu cả. Cháu thấy cô là một người rất biết điều và hiền hậu. Không ai có quyền ngăn cản bố tìm hạnh phúc cuối đời.
Cháu nói vậy, các bà ấy và hai ông anh rể giận cháu và bảo cháu nịnh bố để ăn bám vào bố. Cháu thấy các chị cháu thật là tồi tệ và ích kỷ, nghĩ xấu cho người khác vì trong bụng các chị ấy xấu. Cháu đâu có ăn bám vào bố. Cuối năm nay cháu ra trường và đã có công việc rồi. Cháu sẽ ra riêng để bố cháu có cuộc sống tự do của bố cháu.
Theo ý bác thì cháu phải hay là hai chị cháu đúng?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu đã dùng từ ngữ rất chính xác để gọi các chị cháu, chẳng những ích kỷ mà lại còn bất hiếu với bố và tham lam. Ngày nay ở xứ Mỹ này, nền tảng gia đình đã thay đổi, gia đình chỉ gồm có bố mẹ và con cái. Các chị ấy đã có chồng có con thì gia đình của các chị ấy không làm gì có chỗ dành cho bố cháu.
Thử hỏi nếu một ngày nào đấy, bố cháu đau ốm thì ai là người chăm sóc bố cháu. Liệu có chị nào hay ông anh rể nào mời bố về nhà để phụng dưỡng không mà bây giờ lại cấm không cho bố lấy vợ nữa?
Thông thường bác thấy mấy người con cái của các bạn bác khi bố mẹ một người ra đi thì các con luôn luôn mong cho người ở lại tìm được đối tượng để làm bạn đi nốt cuối đời, chứ chẳng ai giữ, không cho bố mẹ đi bước nữa cả, vì họ biết cho dù họ có thương bố mẹ thì cũng còn phải có gánh nặng đối với gia đình riêng của mình nên không thể làm tròn bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ được.
Bác rất khen cháu là sinh ở bên này mà biết suy nghĩ và cảm thông cho bố. Cháu đã rất đúng khi dạy cho các bà chị một bài học. Bố cháu không có bổn phận phải chia gia tài cho các cháu mà tiền bạc đó là để dành cho lúc ông về già có phương tiện tự lo cho bản thân.
Nay ông gặp được người tử tế, ông còn có nhiều năm tháng hạnh phúc ở trước mặt thì số tiền về hưu của ông là để ông sống và chia sẻ với người sẽ đi hết quãng đời còn lại với ông chứ không phải để chia cho những người con trưởng thành. Bác rất khen cháu và mừng cho bố cháu có ít nhất được một đứa con ngoan.

Ác cảm tự nhiên
Thưa Bác, cháu năm nay mới ngoài 50, góa vợ được bốn năm nay rồi. Cháu có hai đứa con gái một đứa 7 tuổi và một đứa 10 tuổi.
Trong những năm đầu góa vợ, cô em gái cháu chưa lập gia đình nên ở cùng với cháu để giúp cháu nuôi nấng mấy đứa con của cháu. Cô ấy mới lấy chồng hồi đầu năm nay, cháu cảm thấy rất cô đơn và lúng túng trong việc chăm sóc các con.
Trước khi đi lấy chồng em cháu có giới thiệu cho cháu một cô bạn của nó. Cô này hình như cũng đã có bạn trai nhưng sau hai người bỏ nhau, điều này đối với cháu không quan trọng. Cô ấy cũng đã ngoài 40, sắc vóc cũng dễ trông và tính tình cũng dễ chịu.
Chỉ có một điều là hai đứa con cháu, mặc dầu rất ngoan, dễ bảo nhưng lại tỏ vẻ không thích cô ấy, và cô ấy hình như cũng có ác cảm với hai cháu. Cô ta đã cố gắng giấu diếm nhưng cái điều đó mọi người không cần nhìn thấy nhưng cũng cảm thấy rất dễ dàng phải không bác.
Cháu có đem chuyện này ra bàn với cô thì cô nói chắc tại chưa quen, cứ để từ từ khi về ở chung nhà, tình cảm sẽ nẩy nở qua sự va chạm hàng ngày. Nhưng mẹ cháu và các em cháu không tin điều đó.
Theo ý bác thì bác nghĩ thế nào? Cháu có thể tiến tới được không?

Bà Ba Phải trả lời:
Theo ý kiến của bác thì khi người ta lập gia đình lần đầu tiên thì là mình lấy vợ lấy chồng cho bản thân mình. Nhưng khi đã có con cái thì không thể nào quên rằng bên cạnh mình còn có một cái rờ moọc bổn phận và trách nhiệm khá lớn, không thể đùn cho ai. Bác nói thế có nghĩa là, cháu lấy vợ lần này không phải cho một mình cháu mà còn gồm cả hai đứa con nhỏ.
Khi người cháu chọn lại không hợp và không có cảm tình với các con cháu thì điều kiện tiên quyết đã không thành tựu. Con nít chúng có một giác quan thứ sáu rất bén nhậy chẳng kém gì những con chó. Chúng cảm thấy người nào yêu chúng và người nào không yêu chúng. Cho dù cô bạn gái của cháu có đóng kịch yêu thương giỏi đến mấy thì những “con chó con” của cháu cũng cảm thấy cái tình cảm ấy là giả tạo.
Theo ý bác khi cháu không lấy cô này thì có lẽ chỉ một mình cháu buồn nhưng hai con cháu và cô bạn kia sẽ không khổ. Còn như nếu cháu cứ ép buộc mình tiến tới thì bác cam đoan với cháu, tất cả bốn người cùng khổ.
Chi bằng cháu hãy đợi có một người nào chẳng những hợp với cháu mà còn hợp luôn cả với hai con cháu nữa, lúc bấy giờ tất cả mọi người cùng sướng!
Cháu nên nhớ một điều, khi cháu lấy vợ lần này là lấy cho các con 60% còn lấy cho cháu chỉ có 40%. Người nào yêu con cháu thì sẽ yêu cháu nhiều hơn. Còn người nào không yêu con cháu mà chỉ yêu cháu thì bác nghĩ rằng người đó yêu những của cải vật chất cháu có hơn là con người và hoàn cảnh của cháu.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT