Hoa Kỳ

Cổ phiếu các hãng bảo hiểm tăng giá sau bầu cử

Wednesday, 07/11/2018 - 08:35:28

Cử tri tại Idaho, Utah, và Nebraska đã chấp thuận việc mở rộng chương trình Medicaid cho người thu nhập thấp, giúp tăng giá cổ phiếu của các hãng bảo hiểm tập trung vào Medicaid như hãng WellCare Health Plans.

NEW YORK - Cổ phiếu của các hãng dược và bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ đã tăng giá mạnh vào thứ Tư, sau khi kết quả bầu cử tạo ra một Quốc Hội chia rẽ, khiến việc cắt giảm chương trình bảo hiểm chính phủ hoặc kế hoạch giảm giá thuốc đều sẽ trở nên khó khăn. Đảng Cộng Hòa đã đánh mất Hạ Viện vào tay Dân Chủ, nhưng lại tăng quyền kiểm soát Thượng Viện, báo hiệu một giai đoạn chính trị đầy bế tắc tại Washington. Tuy cả hai đảng đều đồng ý về việc cần phải giảm chi phí y tế, nhưng hai phe lại có khác biệt rất lớn về cách thực hiện kế hoạch này. Giới phân tích cho rằng, tình trạng Quốc Hội chia rẽ sẽ là viễn cảnh tốt nhất cho giới bảo hiểm y tế. 

Cổ phiếu của các hãng bảo hiểm như Humana, UnitedHealth, và Anthem, đều tăng lên mức giá kỷ lục vào thứ Tư. Các kế hoạch nhằm hủy bỏ và thay thế đạo luật Affordable Care Act của cựu Tổng Thống Barack Obama nay có thể dẹp bỏ hoàn toàn. Cử tri tại Idaho, Utah, và Nebraska đã chấp thuận việc mở rộng chương trình Medicaid cho người thu nhập thấp, giúp tăng giá cổ phiếu của các hãng bảo hiểm tập trung vào Medicaid như hãng WellCare Health Plans. Lượng giao dịch cổ phiếu của các hãng bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ đã tăng 2.8% tính đến trưa thứ Tư.
Trước đó, các nhà phân tích cho rằng, việc Dân Chủ nắm toàn bộ quốc hội sẽ dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu ngành dược và công nghệ sinh học. Ngược lại, việc Cộng Hòa kiểm soát quốc hội sẽ ảnh hưởng đến các hãng bảo hiểm phục thuộc vào Obamacare. Do đó, tình trạng hai đảng chia nhau hai viện quốc hội hiện nay được coi là có lợi nhất cho ngành bảo hiểm y tế và dược phẩm.

Dự luật 6 và 10 thất bại tại California
SACRAMENTO – Cư dân California đã bỏ phiếu phản đối dự luật 6 vào thứ Ba, có nghĩa là các khoản tăng thêm của tiểu bang đối với thuế trên giá xăng và phí ghi danh xe sẽ tiếp tục có hiệu lực. Dự luật 6 đề bị hủy bỏ việc tăng thuế 12 cents trên mỗi gallon xăng ban hành năm 2017, và hủy bỏ một số quỹ dùng để sửa đường và hỗ trợ giao thông trên khắp tiểu bang. Dự luật này cũng hủy việc tăng phí ghi danh xe. Theo ước tính, dự luật 6 sẽ giảm doanh thu thuế của California khoảng $2.9 tỷ Mỹ kim trong năm 2018 và 2019, và gần $5 tỷ vào năm 2020 và 2021.
Dự luật này được ủng hộ bởi đảng Cộng Hòa, những người cho rằng đời sống tại California đã trở nên quá đắt đỏ, và tiểu bang cần phân chia ngân sách một cách hiệu quả hơn. Luật tăng thuế được quốc hội tiểu bang phê chuẩn năm ngoái. Khoản tăng thuế này sẽ tài trợ các dự án giao thông trị giá $52 tỷ Mỹ kim trong vòng 10 năm.
Ngoài ra, người dân California cũng bác bỏ dự luật 10, vốn cho phép tăng kiểm soát đối với giá cho thuê nhà, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhà ở tại tiểu bang. Những người phản đối cho rằng dự luật 10 sẽ làm giảm giá nhà đất và càng làm tăng tình trạng thiếu nhà, vì làm giảm động lực muốn xây nhà mới của các hãng phát triển địa ốc.
Ngược lại, phe ủng hộ cho rằng việc kềm chế giá cho thuê nhà sẽ giúp người thu nhập thấp tránh được việc bị mất chỗ ở vì tiền thuê quá cao. Việc dự luật 10 thất bại sẽ khiến các thành phố và quận hạt không được quyền khống chế giá cho thuê nhà đối với các chung cư xây sau năm 1995, các loại nhà condo và nhà single-family.

Thủy thủ mẫu hạm bị phạt vì dính líu ma túy
Mười-bốn thủy thủ thuộc nhóm vận hành lò phản ứng hạt nhân trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đang phải đối mặt với nhiều án phạt, do buôn bán và sử dụng ma túy tổng hợp LSD, theo phát ngôn viên Hạm đội 7 Hoa Kỳ Joe Keiley cho biết. Trong số đó, 2 người đã phải ra tòa án binh với tội sử dụng, sở hữu và phân phối thuốc gây ảo giác, 3 người khác đang bị cân nhắc truy tố. Ngoài ra, 9 thủy thủ khác trong nhóm cũng bị phạt vì mua thuốc LSD. Có một thủy thủ cũng phải chịu án phạt, nhưng binh sĩ này không thuộc nhóm vận hành lò hạt nhân của tàu USS Ronald Reagan.
Tất cả các thủy thủ này đều đã bị đình chỉ công việc để chờ điều tra. Ông Keiley từ chối nêu tên những người này nhưng cho biết không phát hiện sai sót trong công việc của họ. "Hoạt động của lò phản ứng và việc bảo trì được sĩ quan cấp cao giám sát. Do thiết kế và hoạt động của bộ phận động cơ có mức độ an ninh cao, các lò phản ứng trên tàu vẫn an toàn,” ông Keiley nói. Thông tin về đường dây ma túy trên tàu USS Ronald Reagan được tiết lộ vào tháng 2, sau một bài phóng sự điều tra của truyền thông. Chính phủ Nhật cũng hỗ trợ điều tra về nguồn cung cấp ma túy từ công dân nước này cho các thủy thủ Hoa Kỳ trên tàu.
LSD (Lysergic acid diethylamide) là thuốc gây ảo giác mạnh do nhà hóa học Thụy Sỹ Albert Hofmann tạo ra năm 1938, chất này bị cấm tại mọi quốc gia tham gia Công ước về các chất hướng thần 1971 của Liên Hiệp Quốc. Tại Hoa Kỳ, việc sản xuất và mua bán LSD không được Cơ quan chống ma túy DEA cấp phép đều bị coi là phạm pháp. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đóng quân tại căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật, và là hàng không mẫu hạm duy nhất của Hoa Kỳ đồn trú ở nước ngoài. USS Ronald Reagan thuộc lớp Nimitz, chính thức hoạt động từ tháng 3, 2001, có khả năng mang theo 90 chiến đấu cơ và trực thăng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT