Chuyện Nước Pháp

Có thể “bản xứ hóa” người nhập cư chính thức? (hết)

Wednesday, 09/11/2016 - 08:32:37

Ngày nay, người Đức tiến bộ không ai còn nhớ tới điều này trong khi đảng Mặt Trận quốc gia của Tây lại muốn thụt lùi theo chân Đức mất trí ngày xưa đòi hỏi dân chúng nên là nguyên bản.


Ảnh chụp bà Mai Lam Nguyễn-Conan, giám đốc một công ty thương mại dựa trên dân Pháp gốc thiểu số

Trở lại vấn đề nguồn gốc người Pháp “nguyên bản” (Francais de souche, nghĩa là không lai căng, gốc gác da trắng mắt xanh tóc vàng hay nâu...) mà thường ngày họ hay dùng nhóm từ “những mái đầu tóc vàng dễ thương của chúng ta, nos chères têtes blondes” để chỉ bọn trẻ con. Thật vậy, đa số em bé Pháp thuần chủng thuở nhỏ thường hay có mái tóc vàng óng ánh dưới ánh sáng chiếu rọi rất xinh đẹp trên khung da trắng hồng với chiếc mũi cao và đôi mắt to hai mí mang lông nheo dài rậm cong vút tự nhiên. Lớn lên, tóc chúng nó biến đổi, trở thành nâu đậm hay nhạt nhưng không còn vàng ánh như màu lúa mì chín tới thoảng hương thơm nhè nhẹ rất thu hút nữa. Ngược lại, có những đứa bé tóc nâu bỗng ngả sang màu lúa chín tuyệt đẹp khi trở thành người lớn (hiếm có hơn, do yếu tố di truyền vàng mạnh lấn chiếm từ từ trên nhiễm thể nâu yếu, định luật Mendel). Vì vậy, do hình thức bên ngoài dù chúng ta có trở thành dân bản xứ với tấm thẻ căn cước vẫn giữ nguyên tên họ gốc Việt (viết không đúng vì những dấu sắc huyền hỏi ngã đã bị tước đi thật lạnh lùng) nhưng màu da sắc tóc và chiều cao kể luôn giọng nói giữ âm hưởng Á Châu bên trong làm sự khác biệt nổi bật. Trẻ con hay người lớn nước ta tóc luôn luôn có màu đen tuyền, trừ khi về già thì tóc ai cũng có màu trắng giống nhau. Người Pháp nam hay nữ đều có chiếc mũi cao trội bật giữa hai chân mày trong khi người Á Châu chúng ta điều này không phân chia công bình. Nhiều người nam có chiếc mũi cao tự nhiên khá hiếm còn người nữ cũng có nhưng càng hiếm hơn, vì thế thời VNCH trước 75 có nhiều Thẩm Mỹ Viện hốt tiền vì các cô đua nhau đi sửa mũi cao lên cho đẹp hơn, đồng thời xẻ luôn mí mắt thành đôi nếp gấp khỏi nhỏ hí tỵ! Chúng ta không khỏi nhớ lại luôn bọn Đức quốc xã đã khùng điên theo chủ trương da trắng mắt xanh là giữ lại vì tuyệt đẹp đúng nòi giống, còn thì là loại bỏ hết vì tạp chủng xấu xa. Ngày nay, người Đức tiến bộ không ai còn nhớ tới điều này trong khi đảng Mặt Trận quốc gia của Tây lại muốn thụt lùi theo chân Đức mất trí ngày xưa đòi hỏi dân chúng nên là nguyên bản.

Điều này làm bà Mai Lam Nguyễn-Conan (Conan là tên rặt Pháp, rất nguyên thủy chưa hề bị lai căng hay gốc Ý, Y Pha Nho chen vào dòng họ) rất bực tức. Bà cho biết có cảm tưởng bị tát vào mặt, bị nhục mạ vì nếu thế thì mãi mãi bà là kẻ ở bên lề xã hội, là không bao giờ hòa đồng vào cuộc sống tự nhiên nơi đây. Vì sao nên nỗi khi bà đã được Pháp hóa trở lại nhờ có gốc thuộc địa cũ (1 lần, năm bà 20 tuổi) và bà đã lập gia đình với chàng trai bản xứ họ Conan (lần 2 có Pháp tịch)? Bà là mẫu người phụ nữ Pháp dưới 50 tuổi hoàn toàn thành công trong xã hội đương thời: học thức đại học vững chắc ra trường làm việc giữ chức vụ cao - cấp chỉ huy trở lên, chồng là dân Pháp chính tông, có 3 đứa bé nối dõi mặt mũi rất giống bên bố, tiếng nói cũng không mang âm hưởng Việt Nam tý nào. Vậy tại sao cuốn sách ra đời năm 2012 để ngấm ngầm tỏ ý than phiền ý chí bảo thủ bênh vực dân bản xứ “100% nguyên chất” dấy mạnh lên từ năm 2009 thì tác giả ra rìa là phải chứ? Sự thành công nói trên chỉ là tương đối ở bề ngoài, còn bên trong thì sự phân biệt chủng tộc luôn luôn còn đó, không ai có thể chối cãi điều này. Làm sao có thể hòa hợp vào dòng sông màu trắng khi ta có sắc diện màu vàng hay màu đen hoặc gốc gác Ả Rập dù là sinh đẻ tại chỗ lớn lên nói tiếng Pháp hoàn toàn là tiếng mẹ đẻ? Vì vậy, nhà phê bình sách nghĩ rằng bà Mai Lam đã vô cùng chân thật khi chấp nhận điều này.

Điều này không phải là tuyệt đối mà nó chỉ là trò chơi (bầu phiếu! tức là chính trị dính vào). Bà kể lúc vừa qua không lâu, đi học tiểu học bị bọn con nít bản xứ chọc ghẹo mỗi ngày vì bà nói tiếng Tây trật bét trong lớp. Chúng nó làm bà bực tức quá nên về nhà là bà tập nói tập đọc hết mình cho giống hệt tụi nó để khỏi bị cười chê nhái lại. Hai tiếng “Oui-Oui” (đọc như 'qui' tiếng Việt) tựa đề cuốn sách nhi đồng, Mai Lam đọc là “Ui-Ui” (như ui-da vì đau) bị bạn học rũ ra cười chọc bà là “con nhỏ Tàu khùng” chinetoque! Tha hồ cô bé khóc về đêm một mình vì buồn tủi. Và còn nhiều chuyện kỳ thị khác nữa như mẹ bà không biết một chữ Pháp dù đã ở đây hơn 30 năm! Xấu hổ chồng chất lên nhau. Cha của bà biết nói tiếng Pháp nhưng ông nói sai, bà phải tập cho cha nói đúng từng vần ghép lại thành chữ (articuler). Bà lái xe chở cha đi vào ngã ba nào đó mà ông phát âm tên đường trật lất làm bà mất 15 phút mới ra khỏi. Ôi, bực mình vì cha thì ít mà bực cho mình thì gấp hai vì nào phải lỗi ông đâu chứ?

Bà đã cố gắng mài giũa hết những góc cạnh “dân tộc thiểu số” cho trơn tru để trở thành người bản xứ, bà viết cuốn sách tiếng Tây còn hay hơn cả những người nguyên chất gốc Pháp. Nhà phê bình sách gọi đó là tài năng, cái mà người di dân thiểu số đã mang theo họ bẩm sinh và phát triển thành công nơi đây. Nhiều người bản xứ cũng là tay cừ trong nghề như bà nhưng không có thêm tài viết văn diễn tả nỗi niềm như bà.

Truyện kể trong sách cho biết bà đã về lại Việt Nam tổ quốc xưa kia xem sao nếu quả thật bà không phải là người Pháp chính tông. Về và ở đó làm việc thật sự trong vòng 6 năm trời. Bà nói nếu tôi là người Việt đúng nòi, tôi sẽ ở đây luôn. Thực tế tiếp xúc và giao hảo với xã hội nước Việt Nam (hiện nay theo chế độ Cộng Sản độc đảng) cho thấy kinh nghiệm sống của bà Mai Lam Nguyễn đã chứng minh bà hoàn toàn là một phụ nữ... Pháp quốc! Thật vậy, chẳng cần phải đóng kịch gì cả nhưng với tư cách của một phụ nữ văn minh lớn lên tại Pháp từ năm 7 tuổi trở về sau, người Việt Nam bản xứ đã cư xử đúng mức với bà là thế: bà là một người ngoại quốc chính tông, một người Pháp “nguyên chất”! Đến đây, trò chơi đã bị lộ tẩy. Không có nguyên chất hay lai căng hoặc bên ngoài vào mà nước Pháp có một khối dân đồng nhất trong thời đại nó đang phát triển tột bậc. Mọi người dân đều tuân theo luật lệ quốc gia và làm cho xứ sở giàu mạnh. Một số những nhà bác học danh tiếng cừ khôi nhất của Pháp nhiều người là di dân từ nước khác tới đây. Bố mẹ của bà đã cho lời khuyên mà tôi thấy rất đúng riêng cho người Việt chúng ta sống tại Pháp là không quá mức khoa trương ta đây thật giỏi (để bị ghen ghét có hại) mà cũng không nhủn như con chi chi để bị bắt nạt.

Vào lúc các nhà chính trị xúm nhau moi móc về nguồn gốc cha ông của đối thủ là kẻ di dân từ xa mà tới để có nhiều phiếu bầu cử hơn (chẳng hạn cựu TT Sarkozy gốc người Hung Gia Lợi, TT Hollande gốc Hòa Lan...) thì quyển sách của bà Mai Lam nhắc nhở họ một điều. Đó là “cái tôi” (”je”) của bà với 2 nguồn gốc Việt - Pháp. Vậy thì tất cả những người di dân định cư chính thức ở Pháp đều không bao giờ mất gốc, trái lại. Gốc gì đi nữa, điều cần nhất là sự thật thà tối đa không giả nhân giả nghĩa không đóng kịch vờ vĩnh theo kiểu ba phải. Cái “Tôi” mạnh dạn của bà Nguyễn-Conan đã đánh bật mọi dư luận râu ria bên cạnh nguồn gốc xứ sở người đã bản xứ hóa. Không có sự kỳ thị nếu ta cư xử đúng mức. Không cần phải hoàn toàn hòa hợp vào dân Tây (sửa mắt sửa mũi, sửa luôn màu da cho trắng toát...) bề ngoài lẫn bề trong mới là thành công. Câu hỏi đưa ra trên tựa sách đã có câu trả lời của tác giả. Di dân là phụ, công dân lương thiện là chính!

Điều này trở thành toàn cầu hóa, nghĩa là chúng ta hãy giữ vững tư cách công dân chứ đừng rơi vào tai họa lập lòe chơi chữ (đầu cơ chính trị)! Khi hết phương kế, những kẻ xấu sẽ gây chia rẽ trên những điểm dị đồng bên ngoài hay bên trong nếu có khe hở. Vậy thì người đã bản xứ hóa hãy tiếp tục công việc làm giàu đẹp thêm cho tiếng Pháp bằng những cuốn sách hay như vậy cùng với phong cách cá nhân rất đáng nể!

Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT