Xe Hơi

Có thể tin tưởng xe rebuilt không?

Friday, 22/05/2015 - 08:58:52

Bên cạnh giá trị xe, hãng bảo hiểm cũng trả thêm cho chủ xe các khoản phụ thuộc, chẳng hạn như tiền thuế để mua xe, tiền mua sticker (thuế đăng bộ hằng năm)… vốn là những khoản mà chẳng có người bán xe nào đòi được người mua phải trả lại cho mình.

Bài 1: Title Rebuild

Bài HAO SMITH

Thỉnh thoảng người viết có dịp nghe nói về xe rebuild, và được hỏi là giá trị của nó ra sao? Cái chữ Rebuild riêng nó có nghĩa là “làm lại, vực lên, xây dựng lại, tân trang.” Với xe cộ, nó bao gồm khá nhiều công việc: Bạn có thể làm lại đầu máy (engine rebuild), làm lại hộp số (transmission rebuild), hoặc làm lại cả chiếc xe…. Trường hợp sau cùng này gọi là title rebuild hoặc rebuilt title, mà chúng tôi xin đề cập hôm nay.

Một cái xe mang “rebuilt title” trông vẫn đẹp, nhưng truy nguyên lý do “total loss” mới biết được xe có thực tốt hay không.

 

Title Rebuild là gì?

Sau khi chiếc xe đã trải qua một tai nạn lớn, khiến xe hư hại nặng, và các hãng bảo hiểm liên quan quyết định không sửa chữa lại, vì phí tổn sửa chữa còn cao hơn là giá trị của cái xe được phục hồi, vì thế, hãng bảo hiểm ra quyết định “total loss,” có nghĩa là “hư hại hoàn toàn.” Bước kế tiếp, hãng bảo hiểm sẽ thảo luận với chủ xe về số tiền bồi thường. Chủ xe có quyền được lựa 1 trong 2 trường hợp sau đây:
1 - Bằng lòng cho hãng bảo hiểm kéo chiếc xe hư đi. Bù lại, họ sẽ đền trả cho chủ xe một số tiền tương đương giá trị của cái xe như lúc chưa bị đụng.
Nếu là nạn nhân, bạn có thể tự hỏi “làm sao bảo hiểm tính được giá trị chiếc xe?” Hay cụ thể hơn, “Họ có ém giá không?”
Câu trả lời là: Không! Họ không thể làm như vậy, và không muốn làm như vậy. Bởi vì, thông thường hãng bảo hiểm không tự mình đánh giá, mà thuê một chuyên viên độc lập làm việc theo những tiêu chuẩn khách quan: trước hết, khảo giá thị trường địa phương về ít nhất ba xe có những điều kiện tương đương với chiếc xe bị nạn như hiệu xe, đời xe, số mileage…. Sau đó, người chuyên viên tìm xem cái xe bị nạn có gì đặc biệt hơn, như vừa tân trang, vừa thay bánh xe, vừa lắp thêm hệ thống Audio, hệ thống dò đường… trước khi tính ra một con số cụ thể. Chủ xe có thể nhắc nhở cho họ, nếu xe mình có điều gì đặc biệt mà sợ rằng người chuyên viên chưa xét tới.
Bên cạnh giá trị xe, hãng bảo hiểm cũng trả thêm cho chủ xe các khoản phụ thuộc, chẳng hạn như tiền thuế để mua xe, tiền mua sticker (thuế đăng bộ hằng năm)… vốn là những khoản mà chẳng có người bán xe nào đòi được người mua phải trả lại cho mình.
Nói chung, với những tiêu chuẩn như trên, số tiền bồi thường được hãng bảo hiểm đưa ra là khá rộng rãi, và chắc chắn cao hơn trường hợp chủ xe bán lại cho người khác khi nó còn lành lặn.
2. Xin hãng bảo hiểm cho giữ lại cái xe
Chủ chiếc xe bị nạn không buộc phải chấp nhận giải pháp trên, tức là không buộc phải cho hãng bảo hiểm kéo xe đi. Nếu muốn, đương sự có thể xin giữ lại chiếc xe, bây giờ chỉ là xác xe được giới bảo hiểm gọi là salvage. Khi người chủ xin giữ lại cái xe hư, hãng bảo hiểm vẫn bằng lòng, nhưng sẽ gửi đến một số tiền bồi thường kém hơn so với trường hợp để họ kéo xe đi. Và tiếp đó, hãng bảo hiểm sẽ thông báo với DMV rằng, cái xe giờ đây chỉ là một “salvage,” từ đó có tên “salvaged title.”
Bạn có thể làm gì với cái xe Salvage trên? Chắc bạn không có ý định bán cho nghĩa địa để họ tháo gỡ linh kiện (parts) chứ? Trong đa số trường hợp, bạn sẽ cố gắng sửa lại cái xe. Chuyện đó vẫn có thể làm được mặc dầu tốn kém. Nhưng cái xe, sau khi đã sửa chữa hoàn chỉnh, vẫn chưa có thể lưu hành hợp pháp trên đường phố, nếu bạn chưa báo với DMV, và xin cho nó một giấy CHỦ QUYỀN KHÁC. Nếu được chấp thuận, chủ quyền xe sẽ đổi từ Salvaged Title thành Rebuilt Title để nói rõ nguồn gốc của nó vốn là một cái xe đã bị đụng nặng, và được phục hồi sau khi “total loss,” chứ không phải là một “Clean title.”
Xét tới nguồn gốc như trên, chúng ta có thể hiểu giá trị một cái xe có Rebuilt Title như thế nào. Bản thân người viết đã từng biết một cái xe được rebuilt bằng cách ghép lại từ 2 nửa: Phần đầu là của một chiếc xe và phần đuôi là của một chiếc xe khác. Chiếc xe được bán với giá rẻ, vẫn lái chạy ngon lành, nhưng liệu chúng ta có yên tâm ngồi trên đó phóng chạy với vận tốc 70 dặm một giờ trên xa lộ hay không? Đó là chuyện khác!

Ý nghĩa của Title với người mua xe

Nếu là người đang tìm mua xe cũ, và đã chấm được một xe có giá phải chăng, đã lái thử và hài lòng về tình trạng máy móc: Thats good! Nhưng chưa đủ, bạn phải đòi coi giấy chủ quyền nữa, đúng ra bạn phải hỏi đến giấy chủ quyền ngay từ lúc đầu, để xem đó là một “clean title” hay “rebuilt title.”
Trước hết, xe có rebuilt title, dù được ưng ý cách mấy, cũng không thể cạnh tranh giá cả với xe clean title được. Sau nữa, về tình trạng máy móc, mỗi xe rebuilt mỗi khác, chưa hẳn người bạn nào đó mua được chiếc xe rebuilt vừa rẻ vừa tốt mà mình có thể yên tâm mua như vậy. Khi biết rằng xe có Rebuilt Title, người mua cần phải tìm ra nguyên nhân gì khiến xe bị “total loss”: Có phải xe từng bị ăn cắp? Từng bị ngập nước? Từng bị cháy? Hoặc bị tai nạn vỡ đầu xe, tai nạn lật xe chổng bánh lên trời? Khi tìm ra nguyên nhân đích thực của “total loss,” liệu bạn có yên tâm với tình trạng phục hồi hiện nay không?
Một cái xe có Rebuilt Title vẫn có thể cứu xét cho lọt vào mắt xanh, nhất là khi nó lại được bán với giá quá rẻ. Nhưng là người mua chúng ta cần phải biết rõ ngọn ngành trước khi quyết định, đó là “informed decision.”

haosmith@yahoo.com
Muốn giữ xe ở tình trạng hoàn hảo nhất, xin xem Cẩm Nang Bảo Trì Tập I, II, và III do Phạm Đình và Hao Smith phát hành, mỗi tập $6+$2 cước phí. Money Back Guarantee 3 tháng. Gửi cheque cho Phạm Đình, 9800 Bolsa Ave # 86, Westminster, CA 92683. Tel: 714 317 0625. Cho biết điện thoại và email, nếu có. Có thể hỏi tại nhà sách Tú Quỳnh 714-531-4284; hoặc Tự Lực 714-531-5290.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT