Hôm Nay Ăn Gì

Cơm gà áp chảo, bát bửu

Monday, 31/08/2020 - 06:40:18

Nói cơm gà áp chảo thì nghe quen, cơm bát bửu nghe cũng không có gì lạ, nhưng nói cơm gà áp chảo bát bửu nghe quá là lạ.


Món cơm gà áp chảo, bát bửu ở quán Hưng Mập, Quảng Nam. (Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM
Nói cơm gà áp chảo thì nghe quen, cơm bát bửu nghe cũng không có gì lạ, nhưng nói cơm gà áp chảo bát bửu nghe quá là lạ. Nó cũng giống như nói về võ, nói đến các môn phái từ Thiếu Lâm cho đến Karate, Judo, Vovinam hay Muay Thái… Nói đến quyền, cước, chõ, gối, cườm, thiết đầu công… Thì nghe rất quen, nhưng nói đến “niêm thủ” thì quá xá là lạ.

Nói món cơm gà áp chảo bát bửu lạ bởi hiếm khi nghe, và càng hiếm khi gặp, nhưng như vậy không có nghĩa là nó không tồn tại, cũng giống như nói đến ngón võ niêm thủ, nghe lạ, nhưng không hẳn nó không tồn tại. Tôi có người anh em nhà thơ, khá là nổi tiếng trên đất Sài Gòn, anh giỏi đánh guitar classic, flamenco và đặc biệt là mê võ, anh là cựu binh chiến trường Đông Bắc, hồi đó phần lớn bộ đội miền Nam chuyển sang chiến trường K (Campuchia) để đánh Pol Pot, không hiểu vì sao anh lại được đưa ra tận Lạng Sơn, Cao Bằng để chiến đấu chống Trung Quốc, mà anh là sĩ quan đặc công, nên hình như cuộc đời anh, ngoài đàn hát, làm thơ, mê võ cũng là lẽ thường.

Anh nghiên cứu khá nhiều môn võ, trong đó, võ Bình Định, tức võ cổ truyền Việt Nam, rồi Judo, Thiếu Lâm Vịnh Xuân, hầu như rất nhiều môn anh nghiên cứu qua. Trong đó, anh đặc biệt thích môn võ cô truyền Bình Định và cũng từ môn võ này, anh sáng tạo nên môn Niêm Thủ, đương nhiên là chưa bao giờ được “phát dương quang đại” môn võ này theo cách chính thống. Anh truyền võ chủ yếu trên bàn nhậu, tỉ như trong bàn, gặp đứa nào biết võ, giỏi võ càng tốt, anh sẽ nói lý thuyết về môn võ do anh sáng tạo. Mà ngồi nghe lý thuyết đi từ âm dương ngũ hành sang các huyệt đạo, cách luận giải giữa lịch pháp và con người không thôi cũng mất cả ngày.

Ví như, anh nói rằng nếu một năm có ba trăm sáu lăm ngày dư một phần tư ngày thì con người có ba trăm sáu lăm đốt xương lớn, nhỏ, dư một đốt dẹp lép là xương cụt, một tuần có bảy ngày thì con người có bảy luân xa, một năm có mười hai tháng thì con người có mười hai kinh, mười hai lạc, trong đó, mười hai kinh tượng trưng cho ngày, mười hai lạc tượng trưng cho đêm… Và cũng từ chỗ này, con người thấy được, nhận ra mối tương thông giữa thiên - địa - nhân. Một khi thấy được nó, việc luyện võ sẽ thiên về cứu người. Yếu lĩnh của võ là dùng để cứu người chứ không phải giết người, võ càng hiểm, đòn càng độc thì tính cứu người càng cao.
Nói nghe như đùa nhưng đó là sự thật, vì muốn có đòn hiểm độc, phải hiểu biết về huyệt đạo, múi giờ, tử huyệt, sinh huyệt… Và khi biết về huyệt đạo, kết hợp với đòn đánh hợp lý thì nhất định cú ra đòn phải khác thường và hiệu ứng đòn cũng không bình thường được nữa. Như vậy, muốn có đòn hiểm, việc nghiên cứu âm dương ngũ hành, đông y, nghiên cứu huyệt đạo, thiên - địa - nhân lại vô hình trung đưa võ sinh vào triết lý về con người, về nhân thể, thấu đạt lẽ huyền vi của đất trời, vạn vật. Một khi thấu đạt được điều này, việc nghiên cứu đòn chỉ còn là thứ yếu. Dường như người càng giỏi võ, càng thủ đắc nhiều đòn hiểm thì càng yếu đuối và chẳng (muốn) đánh được ai, đây là sự thật.


(Tom/ Viễn Đông)

Cái sự thật này khiến cho anh bạn nhà thơ của tôi vốn là một anh lính đặc công khét tiếng trở nên rất buồn cười, ngồi nhậu với đứa quấy, nghe nó nói huyên thuyên, anh bực mình lên tiếng, nó đánh anh, anh nhịn, được nước nó lấn tới, đánh tiếp và đuổi anh ra khỏi bàn, anh đứng dậy đi về, ra tới cửa, anh nhớ sực mình có võ, sao lại để nó đánh, quay trở vào, quay vào gặp nó lại không đánh, để nó đánh tiếp rồi đi về… Chuyện như đùa nhưng thật đó. Thật vì anh bị đánh khá là nặng, nhưng cỡ tay đánh anh, chỉ cần một đệ tử hạng mới tập tọ của anh cũng đủ sức đánh ngã hắn, và đương nhiên chuyện này cũng từng xảy ra, anh lại can đệ tử. Nói như vậy để thấy Niêm Thủ là môn võ khá buồn cười, nhưng nó là tinh hoa, không phải ai cũng thụ đắc, bởi người bị tổn thương gân cốt lâu này, gặp anh, chỉ cần mấy cú giải huyệt thì trở lại bình thường. Những lúc chữa bệnh cho người khác, trông anh mạnh mẽ khác thường, không còn là gã nhà thơ yếu đuối mới bị đánh hôm qua.

Nói tới cơm gà áp chảo bát bửu, tự dưng lại nói tới võ Niêm Thủ của người bạn đàn anh, nghe hơi lạc, nhưng kì thực là có mối liên hệ, bởi Hưng Mập cũng là tay võ sư có tầm, từng trốn quân ngũ thượng đài ở Chợ Lớn, Sài Gòn không ít lần và hình như trận nào anh tham gia, cũng có thêm chút màu tiền thưởng cho người thắng cuộc. Anh cũng từng nghiên cứu võ, từng tìm hiểu về võ cổ truyền, võ Judo, Karate… Và cuối cùng, anh có một đệ tử khá hơn anh (ở môn uống rượu), đó là con trai anh, Hải.

Anh chàng này cũng được cha cho đi học võ từ rất sớm, học nhiều môn phái và chưa từng thượng đài (vì cha không cho), hầu như Hải chẳng đánh đấm gì ai, Hải chỉ được đúng hai chữ “tay chơi” bởi tính khí khá là giống cha, vừa hào sảng, vừa có chút nóng nảy phổi bò nhưng rất tốt bụng. Thế rồi trong một lần ngồi uống rượu với bạn bè, trong một quán quen, Hải chê món nấu không ngon, lời thật tình của Hải chạm đến tay chủ quán, lại là đàn anh trong lò võ mà Hải theo học, từng thượng đài nhiều trận và chưa biết thua là gì, thậm chí từng đá đối thủ gãy xương. Tay này đấm thẳng vào Hải mấy phát liền, Hải nhịn một lúc rồi nói đại ý là đã làm sư huynh sao lại hành xử không tử tế với đàn em, hơn nữa người ta nói thật tình có gì sai mà đánh, và đã hết giờ nhường rồi…

Tay sư huynh nghe vậy, nghĩ “thằng này láo” xông vào đấm tiếp, Hải ra đúng một đòn (hình như gối), tay sư huynh nằm dài, trào nước bọt, phải đưa đi cấp cứu và nằm viện hơn tuần để điều trị mấy cái xương sườn. Lần đó, Hải tuyên bố bỏ chơi võ, sẽ đi học nấu ăn. Ban đầu học nấu món tây, sau đó học các món người Á, học cho đủ món rồi hai cha con về ngồi nghiên cứu cơm gà áp chảo bát bửu, cuối cùng, có thể nói rằng tìm ra một quán cơm gà thứ hai, nấu ngon như Hải ở Việt Nam, có vẻ hơi khó. Vì buôn bán kiểu Hải thì chẳng lời là mấy, thời đại ăn xổi ở thì, chẳng ai khùng mà chiên cơm gà quá tốn công kiểu như Hải.

Gà ta, làm sạch sẽ, bỏ tủ đông (tủ lạnh) chừng hai giờ đồng hồ, sau đó lấy ra, dùng rượu vệ sinh, đợi cho hết lạnh, cho vào nồi phá lấu. Nước phá lấu gồm tám loại trái cây như táo ta, táo đỏ, nho, lê, mận, cao khởi, atiso, dừa, hoa đại hồi, vài lát gừng, và tép tỏi, vài miếng quế… Phá lấu cho chín gà, lại vớt ra, để ráo và treo vào tủ gương. Về phần cơm, cơm được nấu tơi, nói đúng hơn là hấp chín hạt gạo, sau đó trộn với trứng gà đã đánh tơi, ướp thêm tiêu, hành tỏi ớt rồi lại hấp, để nguội. Khi nào ăn thì cho cơm vào chảo dầu, rất ít dầu, chiên, dùng vá đảo liên tục cho hạt cơm trở nên săn, thơm thì tắt lửa. Gà cũng bỏ vào chiên ngập dầu sau đó vớt ra để ráo dầu. Vấn đề là nước chấm. Đây là món gồm sa tế ớt, sa tế sả, tương cà chua, xì dầu, hành tím, đường, muối, nước được pha thêm chút nước quế nóng… Hỗn hợp này tao bằng dầu và đun sôi cho đến khi nghe mùi thơm thì tắt lửa.


(Tom/ Viễn Đông)

Các con tôi đặc biệt ưa món cơm gà của Hưng Mập, tức quán của Hải. Vì vị cơm khá là đặc biệt, vị gà và nước chấm cũng quá lạ, độc đáo và ngon. Một dĩa cơm gà chiên bát bửu áp chảo, chỉ cần cho thêm vài lát dưa leo, vài lá salad vào nữa thì tuyệt cú mèo.

Quí vị thử nấu món này, tôi nghĩ quí vị sẽ tiếp tục sáng tạo và biến tấu. Tôi tin là rất ngon, tuy hơn tốn công. Hoặc có dịp về quê, ghé Quảng Nam, nhớ ghé Vĩnh Điện ăn cơm gà Hưng Mập, sẽ thấy quê hương cũng có nhiều điều để nhớ, nhất là Hưng Mập vui tính, Hải thì hơi lầm lì mà tốt bụng. Cả hai cha con đều sẵn sàng bỏ cả ngày tiền lời bán cơm để giúp một hoàn cảnh nào đó. Chuyện này tôi từng mục kích sở thị.
Xin cầu chúc quí vị vui vẻ, hạnh phúc và ngon miệng với món cơm gà chiên áp chảo bát bửu!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT