Người Việt Khắp Nơi

Con của người tị nạn Việt gốc Hoa hãnh diện được tham gia đội USA tại Thế Vận Hội

Sunday, 18/02/2018 - 11:16:11

Các ông bà của Allen - cả ngoại lẫn nội – đã đi bộ đến Việt Nam để thoát nạn đói kém và chiến tranh. Thế nhưng tại Việt Nam thì họ bị chính sách “cưỡng bách đồng hóa,” nên phải đổi họ từ Chen sang Trần. Ông bà của Allen phải học tiếng Việt.


Trưởng Bếp Allen Trần tại trụ sở của đội trượt tuyết U.S. Ski and Snowboard ở Park City, Utah trong tháng Giêng, trước khi bay qua Nam Hàn để cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho các thể tháo gia Hoa Kỳ. (Douglas Barnes/AP Images for Blue Diamond Growers)


PYEONGCHANG, Nam Hàn - Anh Allen Trần, 32 tuổi, đã quyết định nói chuyện với nhật báo Deseret News tại tiểu bang Utah, và trong số báo đăng ngày thứ Hai, 12 tháng 2, nhân dịp Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 đang diễn ra tại Nam Hàn, nhật báo này đăng câu chuyện của Allen Trần, vì anh muốn nói lên sự đóng góp của di dân cho đất nước Hoa Kỳ, trong một thời đại mà một số người Mỹ cho rằng di dân là gánh nặng của quốc gia và cần được ngăn chặn, trục xuất, để cho đất nước được “vĩ đại như xưa.”

Dưới đây là bài viết của nhật báo Deseret News về cuộc đời của anh Allen Trần.
Nếu không vì những hạn chế về những thứ gì mà người nghèo có thể mua bằng phiếu food stamp, Allen Trần có thể không bao giờ trở thành người phụ trách về dinh dưỡng cho đội tuyển trượt tuyết Mỹ U.S. Ski and Snowboard Team.

Allen Trần, con của một gia đình tị nạn từ Việt Nam, từng thắc mắc tại sao mẹ anh không mua món cereal ăn sáng hiệu Frosted Flakes ngon ngọt mà đứa trẻ nào cũng thích.

Anh ra đời ở gần trung tâm Chicago, sau khi gia đình anh thoát khỏi Việt Nam sau cuộc chiến trong thập niên 1970. Anh nói, “Chúng tôi sống nhờ food stamp. Vì vậy chúng tôi bị hạn chế về loại thực phẩm có thể mua. Nó phải có đủ chất dinh dưỡng. Do đó tôi muốn biết tại sao tôi phải ăn món này chứ không phải món kia? Tại sao tôi phải ăn creal hiệu Total thay vì hiệu Frosted Flakes?”

Cha mẹ anh rất tỉ mỉ về thực phẩm, và họ dùng cơ hội cần hạn chế này để thảo luận với con về vấn đề dinh dưỡng.

Allen nói, “Cha tôi là một đầu bếp tuyệt vời ở nhà. Sự quan tâm tới thực phẩm và dinh dưỡng như vậy đã sớm ảnh hưởng tới tôi.”
Allen Trần là một thành viên của nhóm đứng đằng sau đội tuyển quốc gia Mỹ ở Pyeongchang.
Năm nay 32 tuổi, anh là đầu bếp chính của đội trượt tuyết U.S. Ski Team.

Mới đây anh chia sẻ những ý nghĩ của anh về việc gia đình từng khổ nhọc tìm một nơi yên bình để sống trong tự do. Cơ duyên đưa đẩy anh có được niềm hứng thú về dinh dưỡng và thực phẩm, và sau này học tại University of Utah. Là con của di dân, anh có một quan điểm độc đáo về ý nghĩa của việc đại diện cho Hoa Kỳ tại Thế Vận Hội.

Allen nói với báo Deseret, “Hy vọng rằng những việc tôi làm sẽ giúp các lực sĩ đạt được mục đích của họ. Tôi là một phần của nhóm có hiệu suất cao, vì vậy chúng tôi cố gắng làm mọi điều có thể gây tác động từ tâm lý học thể thao cho tới quần áo họ mặc, và lãnh vực của tôi là dinh dưỡng. Đó là một nỗ lực lớn của cả nhóm, và mỗi một chút được ráp lại với nhau thành một bức ảnh.”

Allen Trần đã đến Pyeongchang cách mấy tuần trước các đội thể tháo gia từ USA, vì anh cần giải quyết bất cứ vấn đề nào về tiếp liệu, trước khi các lực sĩ tới đó.

Anh nói, “Thực phẩm ở đây có an toàn hay không? Hãy tưởng tượng xem, sau tất cả những năm huấn luyện khổ cực, và ai đó bị bệnh, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm hay chứng gì đó, thì còn gì cơ hội để thắng giải. Nhiệm vụ của tôi là tìm và chuẩn bị thức ăn an toàn, làm tăng hiệu suất và ngon miệng cho các lực sĩ.”
Khi đang sắp xếp thức ăn cho các thể tháo gia ở Pyeongchang, Allen Trần nói với báo Deseret News, “Tôi có một câu chuyện hai lớp về dân tị nạn. Ông bà tôi xuất xứ từ miền nam Trung Hoa, và vào thời đó, nhiều nơi ở Trung Hoa bị tàn phá bởi nạn hạn hán, xảy ra cùng lúc với nạn cộng sản nổi lên trong thập niên 1950. Họ quyết định tìm nơi lánh nạn.”

Các ông bà của Allen - cả ngoại lẫn nội – đã đi bộ đến Việt Nam để thoát nạn đói kém và chiến tranh. Thế nhưng tại Việt Nam thì họ bị chính sách “cưỡng bách đồng hóa,” nên phải đổi họ từ Chen sang Trần. Ông bà của Allen phải học tiếng Việt.

Anh nói, “Họ hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam. Nhưng rồi chiến tranh bùng nổ. Tình thế không an toàn. Đến sau năm 1975, Liên Hiệp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng thuyền nhân từ Việt Nam do [cộng sản] gây ra, và đề nghị các nước tiếp nhận dân tị nạn.”

Anh nói, “Họ lên thuyền mặc dù không biết sẽ đi đâu, miễn là đến một nơi nào họ được tị nạn. Những chiếc thuyền này thực sự nguy hiểm. Nhiều người đã chết. Mẹ tôi thuật lại chuyện không có đồ ăn, và họ ở trên ghe trong một tuần lễ tìm cách chạy tới Nam Dương. Lúc họ tới đó, họ cần được Hội Hồng Thập Tự giải cứu.”
Những chiếc thuyền rời khỏi Việt Nam chở quá đông người, mà nước uống thì rất ít và đôi khi không có đồ ăn. Một số ghe bị chìm hoặc bị lật, và nhiều người chết đuối. Anh nói anh thấy tình cảnh này diễn ra nhiều lần trên thế giới, mới đây nhất là với những người tị nạn từ cuộc chiến Syria ở Trung Đông.

Anh nói, “Lịch sử vẫn tiếp tục tự lặp lại. Chắc chắn tôi có thiện cảm với người tị nạn Syria. vì chúng tôi từng ở trong tình huống giống như vậy.”

Anh hiểu được những rủi ro mà dân tị nạn đành phải chấp nhận để trốn thoát, ngay cả những căn nhà mà họ yêu mến, vì họ rất sợ cho tính mạng của họ và gia đình.

Mỹ, Pháp và Canada đã nhận người tị nạn Việt Nam nhiều nhất, và cha mẹ anh được chỉ định một cách ngẫu nhiên tới định cư ở Chicago.

Allen Trần cảm thấy rằng việc chỉ định này là vận may cho gia đình anh, vì anh lớn lên trong một cộng đồng đa dạng ở thành phố này. Anh cũng biết ơn vì anh đã có kinh nghiệm đó với sự giúp đỡ của công chúng hồi còn nhỏ, vì điều đó đã đưa anh lên một con đường dẫn tới niềm đam mê của anh: thực phẩm bổ dưỡng và ngon miệng.

“Tôi đã đến đại học University of Illinois và may mắn thay, họ có một chương trình dạy về dịch vụ ăn uống. Tôi đã trước tiên là một đầu bếp.” Anh hoàn tất một số đợt thực tập, và sau khi xem chương trình thi nấu ăn “Top Chef,” anh tìm đến nhà hàng ở Napa Valley, Bắc California.

“Tôi nộp đơn, và được chấp nhận. Tôi thích sống ở Napa Valley.”
Anh làm việc cho một số nhà hàng hạng cao nhất trên thế giới, nhưng rồi vì còn trẻ tuổi này anh mau chán với “đời sống của nhà hàng sang trọng.” Vì vậy anh làm một chuyến đi đến Moab ở Utah với một người bạn để đạp xe leo núi.

Anh nói, “Tôi đâm ra mê thiên nhiên. Tôi muốn tới một trường cấp sau cử nhân để học khoa dinh dưỡng, và tôi nộp đơn xin dự chương trình dinh dưỡng thể thao ở Utah.” Giữa chương trình học dinh dưỡng của Utah và dãy núi Wasatch Mountains, anh “yêu thích cuộc sống miền núi.”

Lớn lên mà không có nhiều tiền, Allen Trần nói rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên đã biến đổi đời anh. “Những khoảng không gian rộng mở, các khu công viên quốc gia, tất cả là điều tuyệt vời đối với tôi.”
Một lần kia anh tham dự một cuộc hội thoại của các chuyên gia về đề tài sức mạnh và điều kiện hóa. Trong đó anh nghe một diễn giã từ hiệp hội trượt tuyết U.S. Ski and Snowboard Association.

Anh nói, “Bà ấy là một chuyên gia vật lý trị liệu, và tôi hỏi bà về chương trình dinh dưỡng. Bà mời tôi đến và nói chuyện với đầu bếp, người này cũng là một chuyên gia dinh dưỡng.”

Sự kết hợp nấu ăn và dinh dưỡng là điều hiếm hoi, vì vậy hai người lập tức “gắn bó” vì sở thích chung của họ liên quan tới thực phẩm vừa ngon và vừa tăng cường sức khỏe. Khi người đấu bếp dìu dắt anh quyết định đến trường University of Oregon, Allen tìm mọi cách để được thế chỗ của người bạn mà cũng là người thày của anh khi ấy.

Allen Trần nói, “Tôi bước tới và nắm lấy cơ hội.”
Anh chia sẻ chuyện đời anh trên Facebook, sau khi nghe câu chuyện làm anh xúc động của một di dân khác, là Gary Lee, một người Mỹ gốc Đại Hàn và là cựu viên chức của chính phủ Barack Obama. Những mục đầu tiên ông Lee đăng trên Twitter trong tháng Giêng vừa qua đã lan tràn rộng rãi trên mạng, khi ông so sánh một kinh nghiệm với Obama với những lời bình luận của Tổng Thống Donald Trump.

Allen Trần nói rằng sau khi nghe chuyện của ông Lee, anh cảm thấy muốn chia sẻ câu chuyện của mình để làm gương cho những người trẻ tuổi, và mang đến một cái nhìn sâu sắc vào cách thức mà di dân và người tị nạn đóng góp thêm vào cuộc sống của người Mỹ.

"Tôi đã viết câu chuyện của tôi và đọc trong cuộc họp nhân viên của chúng tôi. Rất nhiều người đã buớc đến và cảm ơn tôi. "

Anh cũng có một cái nhìn độc đáo về đội tuyển Thế Vận Hội của Hoa Kỳ.
Anh nói, “Khi tôi mặc đồng phục Team USA, và lá quốc kỳ ở đó, điều mà tôi thấy là lá cờ của một quốc gia của di dân. Trừ khi bạn là người Mỹ da đỏ bản địa, gia đình bạn đã tới đây với niềm hy vọng thăng tiến bản thân. Việc tới Thế Vận Hội và đại diện cho lý tưởng đó, thật là điều làm tôi ấm lòng.”

Anh cảm thấy hãnh diện về những nỗ lực của anh để giúp đỡ các lực sĩ đại diện cho Hoa Kỳ
Anh nói, “Công việc của tôi không trực tiếp tạo ra các huy chương, nhưng nó có ích. Tôi cảm thấy may mắn được ở vị trí này để tác động đến cách thức đất nước chúng ta được nhìn thấy trên thế giới.”

Anh cũng nhìn nhận có những thành kiến không tốt về những người hưởng chương trình trợ cấp xã hội. Anh nói rằng có nhiều quan niệm sai lầm về việc ai dùng những chương trình đó và tại sao.

Anh nói, “Không ai muốn lãnh trợ cấp. Những chương trình đó là để giúp bạn được tự lập. Tôi ví điều đó với việc đẩy một chiếc xe chết máy. Chiếc xe khó mà tự đẩy đi. Nhưng nếu bạn có được một số bạn bè trợ giúp cho xe chuyển động, bạn có thể sang số và rồ máy. Bạn cần động lực ban đầu để giúp đỡ. Có những thành kiến cho là những người hưởng trợ cấp không có một động lực nào cả, nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại. Với tất cả các quy định trong các chương trình xã hội, nó gần như bắt buộc bạn phải đóng góp cho xã hội.”
Anh nói rằng trong khi các ông bà của Allen Trần bị ép buộc phải đồng hóa, những người tị nạn ở Mỹ lại muốn được đồng hóa, vì họ muốn trở thành một thành phần của xã hội vĩ đại hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT