Thế Giới

Còn nhiều câu hỏi về Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam ở Garden Grove

Brian Đinh/Viễn Đông Monday, 23/07/2012 - 08:48:26

Được hỏi liệu viện bảo tàng có bao gồm vụ thảm sát Mỹ Lai, trong đó lính Mỹ đã giết chết cả loạt 350-500 thường dân Việt Nam không có võ khí, hay việc thả hóa chất Da Cam, ông Broadwater nói: “Chúng tôi sẽ cởi mở về những chuyện ấy”.

Brian Đinh/Viễn Đông

GARDEN GROVE, California – Hôm Thứ Hai, Nghị Viên Bruce Broadwater, Nghị Viên Steve Jones, cùng một số quý vị trong ủy ban xây cất Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam (VNWMA) ở Garden Grove đã đến thăm nhật báo Viễn Đông để trả lời thêm một số câu hỏi về tiến trình thành lập viện bảo tàng này.
Được khởi xướng trong năm 2009 bởi Nghị Viên Bruce Broadwater, viện bảo tàng này nêu ra mục đích: “Chân lý là điều quan trọng (Hiểu rõ một cuộc chiến tranh đã bị hiểu lầm, trong một thời kỳ bị ngộ nhận, thông qua những người từng sống trong cuộc chiến ấy)”.


Tòa nhà nơi sẽ thành lập Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam ở thành phố Garden Grove, hình chụp ngày 10-7-2012 - ảnh: Brian Đinh/Viễn Đông

Được hỏi liệu viện bảo tàng có bao gồm vụ thảm sát Mỹ Lai, trong đó lính Mỹ đã giết chết cả loạt 350-500 thường dân Việt Nam không có võ khí, hay việc thả hóa chất Da Cam, ông Broadwater nói: “Chúng tôi sẽ cởi mở về những chuyện ấy”.
Liên quan tới những điều phức tạp và những câu chuyện kể khác nhau về Chiến Tranh Việt Nam, ông Broadwater nói: “Chúng tôi sẽ làm cho đúng. Liệu chúng tôi sẽ hụt mất đi một số [câu chuyện] hay không? Có thể lắm. Rồi về sau chúng tôi sẽ kể thêm những câu chuyện khác? Có lẽ như vậy”.
Ông Broadwater cho biết: “Viện bảo tàng này sẽ cho thấy sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam”. Ông xác định là Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam không có dự định tham khảo những quan điểm của phía miền Bắc Việt Nam.
Dự án viện bảo tàng vẫn còn đang trong những bước hoạch định ban đầu, và ủy ban vẫn còn phải vẽ ra kế hoạch để mời gọi cộng đồng Việt Nam đóng góp ý kiến cho viện bảo tàng.
Vào ngày 16-4-2010, trong số 15 người gồm những thành viên góp phần, cố vấn, nhà hoạch định, chuyên gia, giới chức lãnh đạo thành phố, và sử gia gặp nhau để thiết kế ra một viễn kiến của Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam và viết “Bản Phúc Trình Charrette”, chỉ có một người Việt Nam mà thôi. Theo bà Kimberly Huy, thành viên ủy ban VNWMA, ủy ban này đã có thêm một thành viên người Việt Nam, và họ cũng đang dự định mời thêm hai người nữa.
Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng, giảng viên tại đại học University of California, Irvine, và là người đứng đầu một đề án thu thập lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt, nói lên những mối quan ngại về Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam với nhật báo Viễn Đông. Bản Phúc Trình Charrette đề nghị chào đón khách tới thăm viện bảo tàng bằng một cấu trúc làm từ thép hình dáng dựa theo bức ảnh “cuộc di tản khỏi tòa đại sứ Mỹ”, một tấm hình biểu tượng của thời Chiến Tranh Việt Nam cho thấy cảnh thường dân Việt Nam đang trèo lên chiếc thang lên máy bay trực thăng của CIA một ngày trước khi Sài Gòn thúc thủ.
TS. Thúy nói: “[Việc sử dụng tấm hình này] mô tả hai nhóm qua những cách thức rập khuôn: Người Mỹ là cứu tinh tuyệt vời, và người Việt Nam là những nạn nhân bất lực”. Cho dù người Mỹ thua trong chiến cuộc, “[Bức ảnh] ghi lại Chiến Tranh Việt Nam như là một chiến thắng về mặt nhân đạo của Hoa Kỳ”.
TS. Thúy nói thêm rằng ghi dấu, tưởng niệm cuộc chiến bằng cách này sẽ tiếp tục bôi xóa những mặt khác của cuộc chiến, chẳng hạn như những vụ biểu tình chống chiến tranh và những nỗi khó khăn về kinh tế mà Hoa Kỳ gánh chịu trong thời gian tham chiến.
Về con số những người Mỹ gốc Việt tham gia trong ủy ban VNWMA, TS. Thúy nói: “Không phải chỉ là thêm nhiều người, mà là về những ai có đủ chuyên môn về những vấn đề [liên quan đến kinh nghiệm của người Việt Nam]”.
Bà nói thêm: “Họ sẽ phải lấy ý kiến của giới học giả, nghệ sĩ, giới cầm bút, và những ai đã từ lâu suy nghĩ với óc phê phán về Chiến Tranh Việt Nam, các cộng đồng Việt Nam, và các căn tính của người Việt Nam. Hãy tôn trọng chúng tôi đủ để thách thức chúng tôi nữa. Cộng đồng Việt Nam không đơn điệu. Đó là một chốn đầy những điều phức tạp và những quan điểm trái ngược. Sẽ là một điều tuyệt vời nếu [viện bảo tàng] có thể đưa ra được điều ấy”.
Anh Billy Lê, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California, nói rằng anh chỉ mới được nghe về viện bảo tàng này qua những lời bàn tán, và rằng anh cũng chưa tìm thêm được tin tức gì nhiều hơn thế trên trang mạng VNWMA (www.vnwma.com).
Anh Billy Lê nói: “Một tổ chức vừa mới khởi sự cần phải có một kế hoạch và phải minh bạch với nhiều thứ họ đang làm. Những nhân viên và thành viên hội đồng quản trị đang điều hành tổ chức cần có sự thành thật tối đa để tạo được niềm tin và sự ủng hộ trong cộng đồng”.
Ông Phát Bùi, chủ tịch Ủy Ban Kế Hoạch Thành Phố Garden Grove, cảm thấy lạc quan rằng viện bảo tàng này sẽ thành công. Ông nói: “Dự án này làm cho tôi rất xúc động, vì tôi cảm thấy như thể điều này sẽ đem lại cho người Việt chúng tôi một cơ hội để trình bày quan điểm của mình, mà trong ba chục năm nay chưa được trình bày cho thích hợp thỏa đáng”.
Bảo Tàng Viện Chiến Tranh Việt Nam sẽ tọa lạc tại số 13640 Harbor Boulevard ở Garden Grove. Thành phố đã mua lại tòa nhà, trước kia là một đại lý xe hơi, vào tháng 12-2011.
Bản Phúc Trình Charrette vẽ ra viễn ảnh một viện bảo tàng có những khu vực triển lãm trưng bày về đất nước và văn hóa Việt Nam, giai đoạn khơi mào cho cuộc chiến, cuộc Chiến Tranh Việt Nam, giai đoạn kết thúc cuộc chiến, và kinh nghiệm người tị nạn. Cuộc triển lãm về Chiến Tranh Việt Nam sẽ là đề tài trưng bày chính yếu, dụ trù sẽ có ba gian trưng bày đặc biệt về kỹ thuật dùng trong Cuộc Chiến Việt Nam, đời sống ở hậu phương Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh, và sự tiến triển của cuộc chiến qua từng thập kỷ.
Tòa nhà này đã gặp phải mấy vụ vẽ bậy và ăn trộm trong mấy tuần qua. Hôm 16-7, cảnh sát viên James Holder của Sở Cảnh Sát Garden Grove bắt được ba kẻ tình nghi lấy trộm dây điện từ tòa nhà. Những nghi can này thú nhận dự định đem dây điện bán lấy tiền tại một nơi thu mua phế liệu tái chế.
Chưa có ngày dự trù mở cửa viện bảo tàng. Theo bà Kimberly Huy, tổ chức này sẽ phải gây quỹ ít nhất 5 triệu Mỹ kim. Bà Huy nói: “Có thể mất hai đến ba năm, có thể lâu hơn nữa”. - (BĐ)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT