Người Việt Khắp Nơi

Cộng đồng người Việt hải ngoại đã hình thành ra sao

Thursday, 21/07/2011 - 07:44:56

WESTMINSTER - Cuối tuần này và cuối tuần sau, một viện nghiên cứu do người Việt Nam thành lập tại hải ngoại sẽ mở ra một hội nghị sử học ...

Hội Nghị Sử Học tại Viện Việt Học

Băng Huyền/Viễn Đông

nvliem-TN-02.jpg

Thắp nhang tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình nơi biển cả trên hành trình tìm tự do ở Tượng Đài Thuyền Nhân trong Nghĩa Trang Westminster vào dịp Tháng Tư Đen 2011 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông.


WESTMINSTER - Cuối tuần này và cuối tuần sau, một viện nghiên cứu do người Việt Nam thành lập tại hải ngoại sẽ mở ra một hội nghị sử học mang tính cách tổng kết bao quát về quá trình hình thành và đặc điểm của những cộng đồng người Việt Nam tại Bắc Mỹ cũng như những nơi khác. Trước đây, những hội nghị dạng này nằm rải rác trong những hội nghị mang tính hàn lâm do các trường đại học hoặc các hiệp hội nghiên cứu chuyên ngành tổ chức.  
Viện Việt Học trong khu vực Little Saigon, nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn, đang chuẩn bị cho cuộc hội nghị bao gồm nhiều buổi thảo luận hứa hẹn nhiều điều hào hứng, khai mạc vào Thứ Bảy, 23-7-2011, tại trụ sở của Viện ở Westminster, California, theo lời ban tổ chức cho biết.
Một phái đoàn gồm một số nhà nghiên cứu, thành viên ban tổ chức hội nghị từ Viện Việt Học đã đến thăm nhật báo Viễn Đông hôm Thứ Ba, ngày 19-7-2011. Ông Nguyễn Minh Lân, đại diện Viện Việt Học, nói với phóng viên Viễn Đông: “Chúng tôi rất mong đồng hương đến tham dự và cùng tham gia thảo luận trong hội nghị này, để chúng ta cùng xác định, mình có một cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại với những dữ kiện tiềm năng. Trong tương lai nó sẽ có cái gì? Ưu điểm, nhược điểm được trình bày ra, chứ không phê phán. Qua đó mình sẽ nhìn được điểm đứng của mình ở đâu, rồi từ đó có những chuyện gì mình cần làm, việc gì không nên làm. Để trong tương lai, có thể chúng ta sẽ có những hội nghị chuyên sâu hơn, ví dụ về sự hình thành truyền thông của người Việt nơi hải ngoại, về tuổi trẻ, về vấn đề giáo dục… Dần dần, mình sẽ chuẩn bị cẩn thận để những lần hội nghị như thế [sẽ cung cấp] những tài liệu có ích cho [việc] nghiên cứu về các vấn đề của người Việt nơi hải ngoại”.

* Thờ cúng ông bà - di sản văn hóa của người Việt tại hải ngoại
Là một điều mang ý nghĩa đạo đức rất thiêng liêng, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên không chỉ bày tỏ sự tưởng nhớ của người sống dành cho người đã mất, còn bày tỏ việc tri ân đến những người mà vì họ, mình mới có được chính mình ngày hôm nay. Một nét đẹp của văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.
Đây là một trong những vấn đề nổi bật trong phần tham luận về “Cộng Đồng Người Việt Tại Canada” của Giáo Sư Tiến Sĩ nhân chủng học Louis-Jacques Dorais, Đại Học Laval, Québec, Canada, trong ngày khai mạc hội nghị.
Trò chuyện với phóng viên Viễn Đông, GS. Louis-Jacques Dorais cho rằng, người Việt Nam phần nhiều là hội nhập đời sống khi đến định cư một quốc gia mới, nhưng vẫn không đánh mất văn hóa, vẫn giữ nét riêng khi ra xứ người.
Một trong những điều ông quan sát rất thú vị, là không phải dân tộc nào cũng đem cha mẹ, ông bà mình theo, dù người ấy đã mất, bằng việc lập bàn thờ, thờ cúng tổ tiên ở quê hương mới. Nghĩa là người ấy đi đâu, thì ông bà đi theo đó.
Ông cho rằng điều này rất lạ. Chẳng hạn như đền thờ Bà Thánh Mẫu ở Núi Sam, Châu Đốc, là một địa danh của Việt Nam, nhưng người Việt đã đưa Bà Chúa Sam vượt đại dương và lập đền thờ Bà ngay tại Nam California để cúng vái. Về mặt xã hội học và nhân chủng học, thì đây là điều rất thú vị, nên ông đã có một số nghiên cứu, và sẽ trình bày một số vấn đề của nghiên cứu này trong hội nghị.
Với ông, đây chính là một trong những phương cách để gìn giữ văn hóa của người Việt Nam, chứ không hòa tan vào văn hóa của nước bản xứ.
Ngoài ra, GS. Louis-Jacques Dorais cũng sẽ nhắc lại lịch sử cộng đồng Việt Nam đến Canada từ năm nào, chuyện gì xảy ra của những ngày đầu hội nhập, tổ chức cộng đồng ra sao…

* Dân số cao, tiềm lực thật sự ra sao
Nếu trước năm 1975, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài không lớn, chỉ khoảng vài vạn người ở 10 nước, phần đông số này có tư tưởng sinh sống tạm thời, chờ điều kiện thuận lợi trở về nước. Nhưng từ sau năm 1975, đã có sự thay đổi sâu sắc về số lượng, thành phần, tính chất cũng như địa phận sinh sống của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Số người ra đi này bao gồm người di tản trước tháng 4-1975, ra đi sau biến cố mất Miền Nam Việt Nam, vượt biên trong các năm 1978-1980, theo chương trình ra đi có trật tự và các chương trình nhân đạo 1980-1996. Thêm vào đó, sau năm 1980, một số khá đông sinh viên, thực tập sinh và lao động Việt Nam ở các nước XHCN Liên Xô, Đông Âu đã ở lại làm ăn.
Riêng trong bài tham luận của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích (đến từ Virginia), vì Hoa Kỳ đã có kết quả đầu tiên của thống kê dân số vào tháng 4-2010 vừa qua, nên giáo sư đã dựa vào đó, để phân tích về sự lớn mạnh của cộng đồng.
Ông nói với phóng viên Viễn Đông: “Trước nay 36 năm, cộng đồng Việt Nam trên nước Mỹ chỉ có khoảng 15.000 (Mười lăm nghìn người). Nhưng theo thống kê năm ngoái, chúng ta có trên 1 triệu rưỡi người. Thật sự con số đó tôi nghĩ đã tính hơi thấp. Lý do là nhiều người vào Mỹ trước đây, họ khai là người Việt gốc Hoa, hay người Việt gốc Miên… Nhưng khi thống kê vừa rồi không hỏi quốc tịch, mà lại hỏi văn hóa và ngôn ngữ, vì vậy người ta sẽ khai là người Hoa, Miên… thành ra có khoảng 200.000 đến 300.000 người nhảy từ cột Việt Nam sang cột người Hoa, Miên… Nhưng chính những người đó lại sinh hoạt hoàn toàn với cộng đồng Việt Nam, như những tiệm của người Hoa ở Little Saigon, họ làm ăn với người Việt, phục vụ cho người Việt…”.
GS. Nguyễn Ngọc Bích nói thêm: “Thật ra cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại bây giờ lớn lắm, trên 3 triệu người. Có người cho rằng gần 4 triệu người, bằng dân số 1 quốc gia nho nhỏ.
Hiện tượng người Việt tại hải ngoại là hiện tượng rất mới, chỉ bắt đầu từ 1975. Còn trước đó, chỉ có ở Pháp mới có cộng đồng tương đối đáng kể.
Nay thì cộng đồng chúng ta đã có ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là điều đáng để chúng ta dừng lại để xem xét đâu là con số thực sự khoa học và đâu là tiềm lực của cộng đồng. Nhất là trước hiện tượng người Việt hải ngoại gửi về trong nước 8 tỉ Mỹ kim trong những năm gần đây. Đó là một sức mạnh ghê gớm lắm.
Chúng ta cần phải ngồi lại để thẩm định kích thước của cộng đồng mình. Bên cạnh đó, mình còn có những vấn đề như giáo dục con em vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được… Những chuyện đó chúng ta nên bàn với nhau, chia sẻ với nhau”.
GS. Nguyễn Ngọc Bích nói tiếp: “Có thể nói cộng đồng người Việt sau 36 năm dù không phải cộng đồng lớn nhất, nhưng trong các cộng đồng Á Đông ở Mỹ, thì cộng đồng Việt Nam hiện nay đứng thứ tư. Cho nên mình cũng phải có tiếng nói tương đương, mãi gần đây mình mới có một dân biểu liên bang, mà nay thì đã mất ghế (ông Cao Quang Ánh). Tôi cho rằng điều này mình chưa thật sự đứng ngang hàng với tiềm lực của mình. Đáng lý mình nên có những tiếng nói trong chính quyền các lĩnh vực giáo dục, xã hội, văn nghệ… Tất cả những cái đó phải ngồi xuống nhìn lại đánh giá chúng ta có thể làm gì hay hơn.
GS. Nguyễn Ngọc Bích mong muốn: “Khi có những sinh hoạt cộng đồng nói lên được tiềm lực của cộng đồng Việt Nam, tôi bao giờ cũng mong mỏi gặp những vị quan tâm để trao đổi và học hỏi, vì xứ Mỹ này lớn lắm, ở Virginia thì không bao giờ nắm được hết vấn đề. Thành ra, mỗi lần tôi về đây, ngoài phần trình bày của tôi, bao giờ tôi cũng mở tai thật lớn để được nghe người khác trình bày. Tôi mong rằng đồng hương mình hãy đến tham dự, vì có rất nhiều điều hay ho để học hỏi trong hội thảo quốc tế đầu tiên này”.

* Và những đề tài tham luận khác
Với khoảng 30 diễn giả trong 4 ngày hội nghị, mỗi diễn giả sẽ có 40 phút vừa trình bày, vừa thảo luận rất nhiều vấn đề đa dạng của cộng đồng người Việt tại hải ngoại được đề cập đến, như bài tham luận của Dược Sĩ Nguyễn Vân Dung (đến từ Canada) sẽ trình bày “Vai Trò Của Phụ Nữ Việt  Nam Và Phong Trào Nữ Quyền Tại Québec”.
Bà sẽ nói về phong trào nữ quyền tại Québec và lịch sử cuộc tranh đấu của các người phụ nữ Québec từ 1914 đến nay, thắng lợi gì họ đã đạt được sau những cuộc tranh đấu như vậy.
Bà sẽ nói về hai hội phụ nữ Việt Nam tại Québec và Montréal đã được hình thành vào khoảng 1984-1985. Phần kết thúc, bà sẽ nêu ra câu hỏi để thảo luận vấn đề trước phong trào nữ quyền đang bành trướng các nước Bắc Mỹ và Âu Châu, người phụ nữ Việt Nam nên làm gì và phải làm gì.
Thiền sư Triệt Học Trần Đức Giang sẽ nói về cộng đồng Việt Nam tại Nhật.
Ông Nguyễn Ngọc Khang nói về cộng đồng Việt Nam bên Na Uy.
Ông Phạm Quốc Bảo nói về cộng đồng Đông Âu, khoảng đầu thập niên 1990.
GS. Trần Gia Phụng (đến từ Canada) sẽ trình bày về "Sự Hình Thành Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại".
“Sự Hình Thành Cộng Đồng Người Việt San Diego” là bài tham luận của GS. Lê Phục Thủy (đến từ San Diego).
GS. TS. Võ Kim Sơn nói về sự hình thành cộng đồng Việt Nam 2 thập niên đầu từ 1975 đến 1985 ra sao tại Little Saigon….
Hội Nghị Sử Học với chủ đề “Sự Hình Thành Và Đặc Điểm Của Cộng Đồng Người Việt Tại Bắc Mỹ Và Kinh Nghiệm Sự Hình Thành Của Cộng Đồng Người Việt Tại Một Số Nơi Khác” sẽ diễn ra vào các ngày Thứ Bảy 23, Chủ Nhật 24, Thứ Bảy 30 và Chủ Nhật 31 tháng Bảy năm 2011, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst Street, Suite 222, Westminster. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT