Người Việt Khắp Nơi

Cộng đồng nói tiếng Việt và các cộng đồng di dân khác

Băng Huyền/Viễn Đông Thursday, 26/01/2012 - 09:37:06

Nhưng trong cộng đồng người Việt chúng ta, vẫn có những phụ huynh thiếu tinh thần dân tộc này.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 7)

Băng Huyền/Viễn Đông


Cô giáo Phạm Kim Ngân, trong giờ dạy tại Trung Tâm Hồng Bàng - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Những người thuộc thế hệ thứ nhất, những nhà hoạt động văn hóa, nhà giáo dục, nhân sĩ trong cộng đồng Việt Nam luôn luôn cố gắng truyền lại những nét đẹp của ngôn ngữ, văn hóa Việt cho thế hệ tiếp nối. Đối với họ, đây là một nhu cầu cần thiết và căn bản cho sự tồn tại và phát triển cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Sức mạnh của cộng đồng, theo họ, không chỉ dừng lại ở sức mạnh về kinh tế, mà còn ở vẻ đẹp của văn hóa mà thế hệ đi trước đã mang theo với biết bao hoài bão.
Ông Đặng Ngọc Sinh, trưởng Khối Tu Thư Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California và cũng là một giảng viên tiếng Việt, tâm sự: “Hãy nhìn vào cộng đồng Palestine ở Châu Âu, chúng ta sẽ thấy mọi người từ già đến trẻ đều ấp ủ niềm hy vọng phục quốc, xây dựng một đất nước Palestine giàu đẹp; cha mẹ ra sức giáo dục con em giữ gìn văn hóa, tiếng nói của mình.
“Hay như với người dân Do Thái, họ thừa biết thân phận lưu vong khốn cùng của mình và biết đoàn kết biến miền đất hứa thành quốc gia Israel vững mạnh ngày nay.
“Chính nhờ có ý thức về nguồn cội mà người Palestine lẫn người Do Thái đã hướng tâm hồn về đó và ao ước xây được một ngôi nhà đẹp đẽ cho dân tộc mình. Nhưng trong cộng đồng người Việt chúng ta, vẫn có những phụ huynh thiếu tinh thần dân tộc này. Họ đã xem nơi này là quê hương của hiện tại, còn Việt Nam là quê hương của quá khứ, và rất hời hợt trong việc gìn giữ văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt cho con em của mình, thấy việc cho con đi học tiếng Việt là không cần thiết”.
Thầy Đặng Ngọc Sinh ngậm ngùi nói: “Người ta hay nói nước mất rồi. Theo tôi, chính là từ những vị phụ huynh như vậy thì nước mất là đúng rồi. Mất ngay từ bây giờ rồi”.
Trẻ em Việt Nam hải ngoại không giỏi tiếng mẹ đẻ như trẻ em trong nước là điều dễ hiểu. Thế nhưng, nếu so với trẻ em ngoại quốc khác cũng là di dân, thẩm năng tiếng mẹ đẻ của trẻ em Việt hải ngoại vẫn yếu hơn. Để giải thích điều này, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn, đại học University of California, Irvine (UCI), và là chủ tịch điều hành Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, cho biết: “Nếu chúng ta chịu khó để ý trong giới học sinh, sinh viên ở môi trường học đường Mỹ, nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính, chúng ta có thể thấy số học sinh, sinh viên người gốc Mỹ Latin dùng tiếng Tây Ban Nha với nhau tự nhiên và nhiều hơn là học sinh, sinh viên gốc Việt nói tiếng Việt với nhau. Điều này đi đôi với một nguyên nhân lịch sử. Vài chục năm về trước, người gốc Mỹ Latin, vì muốn hội nhập vào cuộc sống Mỹ nhanh hơn, cũng đã trải qua những gì người Việt đang trải qua, nghĩa là đã từng tránh nói tiếng mẹ đẻ là Tây Ban Nha, để chỉ dùng tiếng Anh trong mọi nơi, mọi lúc. Ngày nay, cộng đồng người Mỹ Latin đang lớn mạnh không ngừng về mọi phương diện, là một lực lượng mà không ai có thể phủ nhận có nhiều tiềm năng về kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v.. Vì thế, người gốc Mỹ Latin dần dần lấy lại được niềm tự tin, bây giờ đã có thể dùng tiếng Tây Ban Nha nơi công cộng một cách thoải mái. Tiếng Tây Ban Nha giờ đây đã là biểu tượng của sự phát triển, của những cánh cửa dẫn đến thành công. Cả người Mỹ cũng đua nhau đi học thứ tiếng của họ, bảo sao họ không cảm thấy tự hào. Tiếng Việt thì chưa được như vậy, dù tương lai của nó cũng đang dần dần mở rộng”.
TS. Trí nói tiếp: “Càng ngày càng có nhiều trường trung học và đại học ở Hoa Kỳ có chương trình dạy tiếng Việt. Cộng đồng Việt đang lớn mạnh cũng đang có một tiếng nói đáng kể về mặt chính trị. Vì thế mà một số ít chính trị gia đã chịu khó học nói bập bẹ vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt để lấy lòng cử tri Việt. Tuy vậy, cũng còn lâu lắm tiếng Việt mới có bắt kịp được tiếng Tây Ban Nha về mặt vai vế ở xứ này. Chừng nào chúng ta còn chưa đến giai đoạn đó, chừng ấy chúng ta, nói chung, vẫn còn dùng tiếng Việt nơi công cộng với ít nhiều mặc cảm”.
TS. Trí kể lại: “Nhiều lần, muốn tìm hiểu tâm tư của các em sinh viên gốc Việt, chúng tôi có hỏi vì sao các em không dùng tiếng Việt với các bạn cùng lớp. Có em trả lời: Không hiểu sao khi đi ra ngoài mà nghe hai người nói tiếng Việt với nhau, em thấy tiếng Việt họ nói nghe rẻ tiền hay nhà quê quá, thầy ạ! Thầy nghĩ sao về điều này?. Tôi trả lời: Thầy vừa đồng ý với em, vừa không đồng ý với em. Bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, không riêng gì tiếng Việt, cũng có thể được nói ra bằng một cách rẻ tiền hay sang cả hết! Đó chỉ là do mình nói thứ tiếng đó như thế nào mà thôi. Chỉ cần ăn nói từ tốn, không ồn ào, dùng những chữ đàng hoàng, không dùng tiếng lóng, là bất cứ thứ tiếng nào cũng nghe sang được cả!.
“Chúng ta phải làm gì để thế hệ con em của chúng ta ở Hoa Kỳ và các nước khác có thể dùng tiếng Việt với nhau đây? Không biết tôi có bi quan không mà cứ tưởng tượng đến khoảng hai mươi năm nữa, ở hải ngoại này, các sách báo, băng nhạc, băng hình bằng tiếng Việt có cho không cũng không ai lấy; các đài phát thanh hay truyền hình sẽ phải tự động đóng cửa vì sẽ chẳng có ai nghe hay xem. Tôi cứ tưởng tượng khi thế hệ thứ nhất của chúng ta tàn rụi đi rồi, con cháu của chúng ta sẽ không còn ai canh chừng xem chúng có nói tiếng Việt với nhau hay không, thì tội gì chúng phải nói tiếng Việt với nhau cơ chứ?
“Tôi có hỏi thử vài em sinh viên xem các em ấy có muốn con của mình sau này nói tiếng Việt hay không. Hầu hết các em đều nói là có. Tôi phì cười và hỏi vặn lại: Chính các em còn không nói tiếng Việt thì lấy đâu mà dạy lại cho con cháu các em?. Họ chỉ cười trừ”.

Tinh thần dân tộc và ý thức hệ
Bên cạnh những nỗi lo lắng của Giáo Sư Trần Chấn Trí và các vị khác, cũng có những tâm tình của người trẻ cho thấy những tia hy vọng. Cô Anna Kim An Huỳnh, đang làm cho văn phòng của Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Lou Correa, cho biết: “Dù em sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, nhưng nhờ ba mẹ thấy được việc quan trọng giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt cho em, nên ngay từ nhỏ ba em đã bắt chị em em phải nói tiếng Việt trong nhà, cho đi học tiếng Việt tại Trung Tâm Hồng Bàng 6 năm, sau đó cùng một nhóm bạn học thêm tiếng Việt tại trường Việt ngữ Tự Lực, do cô cô Ly Ly dạy. Cô đã huấn luyện cho nhóm của Kim An đi thi giải khuyến học”.
Kim An cho rằng: “Em yêu tiếng Việt có lẽ cũng vì được tham gia sinh hoạt cộng đồng từ nhỏ, thường đi sinh hoạt với các thầy cô tại Viện Việt học, thi Giải Khuyến Học, tìm học về lịch sử và văn hóa Việt Nam…”.
Kim An nói thêm: “Em nghĩ, những ai không tự hào tiếng Việt, vì không có những hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Riêng em rất hãnh diện là người Việt Nam là bởi bắt nguồn từ sự hiểu biết của em về lịch sử Việt Nam, về văn hóa Việt Nam từ mấy ngàn năm trước. Và vì ngôn ngữ tiếng Việt rất độc đáo, chỉ cần thay đổi dấu thanh, một chữ đã có ý nghĩa khác rồi.
“Em không bao giờ sợ người khác cười mình khi nói tiếng Việt. Khi đi chơi với bạn thân biết nói tiếng Việt, em vẫn thường nói tiếng Việt với bạn. Vì em thấy nhiều khi từ tiếng Anh không diễn tả được hết cảm xúc như tiếng Việt. Nhiều khi đang nói tiếng Anh, em lại chuyển sang nói tiếng Việt như một thói quen”.
Từ kinh nghiệm của mình, theo Anna Kim An Huỳnh thì việc học tiếng Việt chỉ có hiệu quả với ba điều kiện, yếu tố gia đình (khả năng tiếng Việt của phụ huynh, thái độ của phụ huynh đối với việc cho con em học tiếng Việt, việc tham gia của phụ huynh vào các sinh hoạt học đường nơi con em đang theo học); yếu tố học đường (phương pháp giảng dạy và năng lực của giáo viên) luôn luôn tạo cho học sinh thích thú khi học tiếng Việt, thì vẫn hay hơn là cảm giác bị ép đi học; và sau cùng là động lực và thái độ của chính cá nhân học sinh đối với việc học tiếng Việt, phải thực sự yêu thích, phải biết rằng học tiếng Việt rất cần thiết cho mình vì có rất nhiều hữu ích.

Ích lợi của học tiếng Việt tại hải ngoại

Để chia sẻ về lợi ích của việc gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp nối tại hải ngoại, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy Viên Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove, nói với phóng viên Viễn Đông: “Một cuộc nghiên cứu tại Học Khu Garden Grove cho thấy trình độ học vấn của học sinh Việt Nam thường đi đôi với mức độ thông thạo Việt ngữ của các em. Nhiều cuộc nghiên cứu tương tự khác của Giáo Sư Carl L. Bankston và Min Zhou đối với cộng đồng và học sinh Việt Nam tại Lousiana, nơi có đông học sinh Việt Nam, cũng cho thấy nhiều kết quả tương tự.
“Các kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng khi các em có thể nói chuyện hay hiểu sơ sơ tiếng Việt, các em có thể quan hệ thường xuyên với phụ huynh hay bà con họ hàng. Kết quả nghiên cứu này còn cho rằng mức điểm học vấn của các học sinh Việt Nam có thể ảnh hưởng ngược với mức độ hòa nhập, Mỹ hóa (assimilation) của các em hay phụ huynh của các em.
“Điều đó có nghĩa rằng ngày nào các em còn thông hiểu tiếng Việt, ngày đó các em còn duy trì được mối liên hệ thường xuyên với bố mẹ, họ hàng, hay sinh hoạt cộng đồng, và theo đó các em có cơ may học giỏi hơn”.
LS. Lân nói thêm: “Nhiều phụ huynh hay nhà giáo dục thường hay cho rằng việc học một ngoại ngữ như Việt ngữ sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với khả năng tiếp thu Anh ngữ. Kết quả nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy kết quả trái lại. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu năm 1997 của Giáo Sư Bialystok đã cho thấy các học sinh khoảng 4 hay 5 tuổi có học thêm một ngoại ngữ có khả năng đọc và hiểu Anh ngữ cao hơn các học sinh khác.
“Kết quả cuộc nghiên cứu này có thể giúp nhiều phụ huynh Việt Nam bớt lo lắng khi phân vân không biết nên khuyến khích con em của mình nên hay không nên nói tiếng Việt ở nhà vì sợ rằng khi đến trường các em sẽ thua kém các bạn cùng lớp.
“Thực ra, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ hiện nay đang khuyến khích và nhiều học khu đang mở ra những chương trình dạy ngoại ngữ cho các em ở cấp lớp 1 đến lớp 5. Các chương trình này dựa trên những nghiên cứu giáo dục cho thấy rằng nếu các em được tiếp thu được một ngoại ngữ từ lúc nhỏ, các em có khả năng tiếp thu, lưu giữ, và sử dụng được nhiều hơn. Và đồng thời các em này có khả năng học giỏi hơn các em khác”.
LS. Lân khẳng định: “Ngay cả khi các em học hoàn toàn trong tiếng ngoại quốc hay nửa Anh ngữ nửa ngoại ngữ (half and half immersion program), các em có khả năng không thua kém gì đối với các học sinh khác. Một cuộc nghiên cứu khác tại Louisiana cho thấy các học sinh có lớp học ngoại ngữ hàng ngày có khuynh hướng được điểm thi cao hơn trong các phần thi Anh ngữ so với các em không có học một ngoại ngữ nào.
“Nhiều cuộc nghiên cứu khác đã cho thấy một sự liên hệ mật thiết giữa khả năng học Anh ngữ và một ngoại ngữ. Ủy Ban Chấm Thi Vào Đại Học (College Entrance Examination Board) cũng nhận thấy rằng các học sinh có học khoảng từ 4 năm ngoại ngữ trở lên thường có điểm cao hơn trong phần Anh ngữ trong các bài thi Scholastic Aptitude Test, thường được gọi là SAT”.
Để kết luật, LS. Nguyễn Quốc Lân nói: “Có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng các học sinh thông thạo một ngoại ngữ như tiếng Việt chẳng hạn, các em có khả năng sáng tạo và khả năng thông hiểu các vấn đề phức tạp một cách khá hơn”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT