Người Việt Khắp Nơi

Cộng đồng Việt sợ bị lợi dụng bởi nhóm cực hữu kỳ thị Úc

Tuesday, 08/01/2019 - 08:25:47

Ông nói rằng từ lâu cộng đồng Hồi Giáo đã quyết định không tổ chức những cuộc phản biểu tình, để làm cho những nhóm đó không nhận được sự chú ý của giới truyền thông vì những sự kiện của họ bị xung đột thúc đẩy.

Một người gốc Á Đông mang theo cờ vàng VNCH dự cuộc tụ tập của nhóm kỳ thị tại St Kilda ngày thứ Bảy vừa qua. (The Unshackled)

MELBOURNE - Trong thời gian gần đây, các cơ sở kinh doanh của người Úc gốc Việt bị những nhóm băng đảng Úc gốc Phi Châu quấy phá, đe dọa. Nhân dịp này, các nhóm cực hữu Úc đã tụ tập và tuần hành ở khu phố thương mại của người Việt với danh nghĩa chống băng đảng gốc Phi Châu. 


Thế nhưng cộng đồng người Việt lại rất e ngại, không dám liên minh với các nhóm cực hữu da trắng này, cho dù một số thành viên cực hữu đã cầm theo cờ vàng ba sọc đỏ và có sự tham gia của một chính trị gia Úc. Cộng đồng Việt lo ngại vấn nạn của họ có thể bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị. Dưới đây là bản tin đăng trên báo mạng The Australian ngày thứ Hai, cung cấp thêm chi tiết về sự e ngại nói trên.

*
Cộng đồng người Việt ở Melbourne đã tránh xa một cuộc biểu tình tại St. Kilda, do những kẻ cực đoan cánh hữu tổ chức, mặc dù Nghị Sĩ Fraser Anning (đại diện tiểu bang Queensland) lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình và nói rằng cuộc xuống này không phải là kỳ thị chủng tộc, mà nhằm chống nạn băng đảng quấy phá những chủ nhân cơ sở kinh doanh.


Nghị Sĩ Fraser Anning chụp hình chung với hai người mang theo cờ vàng đến sự cuộc tụ tập của nhóm cực hữu Mặt Trận Yêu Nước Đoàn Kết tại St Kilda ngày thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019. (Senator Fraser Anning/Facebook)

Khi vị nghị sĩ gây tranh cãi về vấn đề chủng tộc này lên tiếng bênh vực cho việc ông tham gia cuộc biểu tình vào ngày thứ Bảy - nhấn mạnh rằng tiểu bang Queensland quê hương của ông cũng bị tấn công bởi các băng đảng gốc Phi Châu - thì các nhóm cộng đồng bị phong trào cánh hữu nhắm mục tiêu đều than phiền rằng cảnh sát đã bất lực, không ngăn chặn được những cuộc xuống đường như vậy.

Ông Blair Cottrell, người tổ chức cuộc xuống đường của nhóm United Patriots Front (Mặt Trận Yêu Nước Đoàn Kết) cam kết sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình nữa. Hôm thứ Bảy ông nói với đám đông khoảng 100 người, “Nếu chúng tôi phải làm thì chúng sẽ tuần hành tại thành phố đó và chiếm lấy thành phố.”
(Ông Blair Cottrell cũng là người sáng lập Mặt Trận Yêu Nước Đoàn Kết và từng tuyên bố rằng tất cả các lớp học tại Úc nên treo hình thống chế Adolf Hitler.)

Nghị Sĩ Anning cho biết ông đã nói chuyện với “các chủ tiệm người Việt ở đó, vì họ chán chuyện trở thành nạn nhân của những băng đảng này.”


Cô Celia Trần tại Melbourne ngày thứ Hai (The Australian)

Tuy nhiên những người buôn bán ở St Albans thuộc vùng ngoại ô tây bắc thành phố Melbourne đã từ chối những nỗ lực bày tỏ sự liên minh của ông Anning. Họ là những người bị hậu quả của nạn phá hoại do thanh thiếu niên băng đảng gây ra trong những tháng gần đây. Trong số này có một nhóm băng đảng người Úc gốc Phi Châu mới nổi lên, tự xưng là Blood Drill Killers (Những Sát Thủ Khoan Máu).

Báo The Australian có tiếp xúc với những người buôn bán ở đường Alfrieda Street, một khu thương xá bị quấy phá nặng nhất. Không có người Việt nào buôn bán ở đây nói rằng họ có mặt trong cuộc tuần hành của Mặt Trận Yêu Nước Đoàn Kết. Họ cũng không biết Nghị Sĩ Anning là ai.

Cô Celia Trần, thuộc Hội Cộng Đồng Việt Nam chi nhánh Victoria, nói rằng Nghị Sĩ Fraser Anning, 69 tuổi, không đại diện cho cộng đồng người Việt, và cộng đồng này không ủng hộ cuộc xuống đường của nhóm cực hữu.

Celia Trần nói, “Chúng tôi lên án sự việc ông ấy đã dùng cộng đồng chúng tôi để hỗ trợ cho lời ông nói rằng ông đến đây để hỗ trợ cho chúng tôi.”

Những tấm ảnh từ cuộc biểu tình cho thấy Nghị Sĩ Anning đang chụp hình chung với hai ông gốc Á Châu với một ông cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa. Một ông được xác định là một ngư dân ở St Kilda, người dự định tham gia một cuộc biểu tình khác tại St Kilda, được gọi là Rise Up Melbourne-Romper Stomper 2.0. Tên gọi này gợi nhắc một phim được chiếu năm 1992, mô tả di dân gốc Việt là mục tiêu tấn công của một nhóm Tân Đức Quốc Xã.

Celia Trần nói, “Ông nghị sĩ cũng cho biết là ông có nói với cộng đồng chúng tôi về những vấn đề này. Thật ra chúng tôi chưa bao giờ nghe ông nói, chúng tôi không nghĩ lời tuyên bố của ông là đúng. Một nhóm thiểu số nhỏ (gốc Á Đông) tham dự biểu tình không đại diện cho cộng đồng chúng tôi, hoặc cho các quan điểm và giá trị của cộng đồng chúng tôi. Chúng tôi không chấp nhận việc bị dùng làm công cụ chính trị cho quyền lợi cá nhân.”

Cô Celia Trần cũng cho biết cộng đồng người Việt đã bị ảnh hưởng bởi ngôn từ cực đoan và bị chia rẽ, và cộng đồng đang làm việc chặt chẽ với cộng đồng gốc Phi Châu ở Victoria để đối phó nạn băng đảng.
Cha mẹ anh John Nguyễn là chủ quán ăn B&D Kitchen, nơi một nhóm gồm 20 thanh niên Phi Châu cầm chày baseball ném bàn ghế vào các khách hàng ngày 23 tháng 12. John Nguyễn nói rằng anh không biết Nghị Sĩ Anning là ai, và cuộc biểu tình đó không nên diễn ra.

Anh nói với báo The Australian, “Tôi nghĩ rằng đó là điều không thể nào chấp nhận được.”
Cuộc biểu tình cũng bị lên án bởi giới vận động hành lang và các nghiệp đoàn. Hội Đồng Kinh Doanh Nước Úc và ACTU mô tả cuộc tụ tập đó là “kỳ thị chủng tộc.”

Ông Neil Migliorisi, chủ nhân của St Alban's Western Hairdressing Supplies, nói rằng ông không biết cuộc biểu tình ở St Kilda. Ông nói rằng những cuộc tuần tra hàng ngày của cảnh sát đã ngăn cản các băng đảng tới khu vực này.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Úc đã gánh chịu hậu quả của phong trào cực hữu trong những năm gần đây. Họ nói rằng vấn đề tội phạm thanh thiếu niên gốc Phi Châu hiện thời đang bị khai thác để gây chú ý nhiều hơn. Adel Salman, phó chủ tịch Hội Đồng Hồi Giáo Victoria, nói với báo The Australian rằng các nhóm cực đoan đang gia tăng chống Do Thái, chống người Phi Châu, cũng như chống Hồi Giáo, và đó là điều không thể chấp nhận được rằng.

Ông nói rằng cộng đồng Sudan ở Melbourne cần phải trở nên có tổ chức hơn để đối phó với những nhóm đó.
Ông Mr Salman nói, “Chúng tôi không thể cấm đoán quyền biểu tình của những người khác, ngay cả khi chúng tôi coi thường điều họ đại diện. Nhưng cảnh sát nên có khả năng cấm những cuộc biểu tình như thế, nếu có một vấn đề chính đáng về an toàn công cộng, và cảnh sát nên có khả năng dẹp bỏ những bài phát biểu kích động bạo lực.”

Ông nói rằng từ lâu cộng đồng Hồi Giáo đã quyết định không tổ chức những cuộc phản biểu tình, để làm cho những nhóm đó không nhận được sự chú ý của giới truyền thông vì những sự kiện của họ bị xung đột thúc đẩy.

Ông Mr Salman nói, “Những nóm này, họ đang mong đợi có một cuộc phản biểu tình - họ muốn có một cuộc phản biểu tình. Họ muốn xông vào một trận chiến lớn. Họ muốn mang lại một số hình ảnh mà chúng ta đã thấy hồi năm 2005 (tại những cuộc bạo loạn giữa các nhóm chủng tộc trong vùng ngoại ô Cronulla ở Sydney).

Ông nói rằng nay thì không thể tránh né những nhóm kỳ thị đó, trong khi các chính trị gia đang ủng hộ thông điệp của các nhóm.

Một phát ngôn viên của chính quyền Victoria nói, “Mọi người đều có quyền phản đối một cách hòa bình - nhưng điều chúng tôi không muốn thấy là người ta kích động bạo lực hoặc kỳ thị chủng tộc.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT