Thế Giới

Cử tri Pháp bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống vòng hai

Saturday, 06/05/2017 - 07:53:38

Sau quần đảo Saint Pierre và Miquelon sẽ tới vùng lãnh thổ Guiana và Polynesia thuộc Pháp, Guadeloupe, Martinique, Saint Barthelemy và Saint Martin. Các công dân Pháp sống tại Hoa Kỳ, Canada và Nam Mỹ cũng bỏ phiếu trong hôm thứ Bảy. Công dân Pháp sống tại châu Âu sẽ bỏ phiếu vào ngày Chủ Nhật.

PARIS – Vào hôm thứ Bảy, các công dân Pháp ở nước ngoài và các lãnh thổ hải ngoại đã bắt đầu bỏ phiếu bầu tổng thống vòng hai, sớm 1 ngày so với người dân nội địa. Các điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Pháp vòng hai tại quần đảo Saint Pierre và Miquelon đã mở cửa lúc 11 giờ GMT ngày 6 tháng 5. Cử tri được lựa chọn giữa ứng cử viên Emmanuel Macron theo đường lối ôn hòa và bà Marine Le Pen thuộc phe cực hữu.
Sau quần đảo Saint Pierre và Miquelon sẽ tới vùng lãnh thổ Guiana và Polynesia thuộc Pháp, Guadeloupe, Martinique, Saint Barthelemy và Saint Martin. Các công dân Pháp sống tại Hoa Kỳ, Canada và Nam Mỹ cũng bỏ phiếu trong hôm thứ Bảy. Công dân Pháp sống tại châu Âu sẽ bỏ phiếu vào ngày Chủ Nhật.
Nếu giành thắng lợi, ông Macron, 39 tuổi, lãnh đạo đảng Tiến Lên (En Marche), sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp. Ông Macron từng làm Bộ trưởng kinh tế và nhà môi giới đầu tư ngân hàng Rothschild & Cie. Ông rời chính phủ và mới bắt đầu thành lập đảng của mình từ năm ngoái. Ông có lập trường mở cửa với người tị nạn, tăng ngân sách quốc phòng, và vẫn duy trì quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, bà Marine Le Pen, 48 tuổi, là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bà từng làm luật sư từ năm 1992 đến 1998, trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu vào năm 2004. Bà Le Pen không ủng hộ nhập cư, cũng muốn tăng ngân sách quốc phòng. Trái với đối thủ Macron, bà muốn Pháp rời khỏi NATO và đàm phán lại các hiệp định EU.

Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh bắt 23 thẩm phán và công tố viên
ANKARA – Hãng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Bảy cho biết, chính phủ Ankara đã ra lệnh bắt 23 thẩm phán và công tố viên, những người vốn đã bị đình chỉ chức vụ trước đây. Nhà chức trách đã ra lệnh bắt 17 thẩm phán và 6 công tố viên, bị cáo buộc “là thành viên của tổ chức khủng bố có vũ trang.” Họ bị nghi là những người ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen - người đang sống tại Hoa Kỳ và bị Ankara cho là chủ mưu đứng sau vụ đảo chính bất thành ngày 15 tháng 7 năm ngoái. Ông Gulen luôn bác bỏ các cáo buộc có liên quan đến đảo chính.
Những người bị phát lệnh bắt nêu trên nằm trong số 107 thẩm phán và công tố viên đã bị đình chỉ công việc vào hôm thứ Sáu. Kể từ khi Tổng Thống Tayyip Erdogan công bố tình trạng khẩn cấp vào mùa hè năm ngoái, hơn 4,200 thẩm phán và công tố viên đã bị cách chức, 100,000 nhân viên chính phủ bị sa thải, và hơn 47,000 người bị bắt giữ.

Vượt ngục quy mô lớn ở Indonesia, 200 tù nhân bỏ trốn
SUMATRA - Một vụ vượt ngục lớn đã xảy ra ở miền tây Indonesia chiều ngày thứ Sáu, khiến khoảng 200 tù nhân có cơ hội trốn thoát. Sự việc xảy ra ở nhà tù tại thành phố Pekanbaru, đảo Sumatra ở miền tây Indonesia. Lúc này, các tù nhân được rời khỏi buồng giam để chuẩn bị cho buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. Indonesia là đất nước có phần lớn người dân theo đạo Hồi.
Tuy nhiên, thay vì tập trung ở phòng cầu nguyện, các tù nhân lại chạy tới cổng chính của nhà tù, cố gắng phá cổng vượt rào. Khi cảm thấy khó vượt qua cổng chính, các tù nhân tìm đến một cổng phụ khác chỉ do một nhóm nhỏ cảnh sát canh gác. Khoảng 200 người đã đào thoát thành công. Cảnh sát Pekanbaru đã phát động chiến dịch truy bắt lại các tù nhân này. Họ phong tỏa các con đường và các lối thoát khỏi đảo. “Khoảng 200 người đã thoát nhưng chúng tôi cũng đã kịp bắt lại 77 tù nhân”, đại diện cảnh sát cho biết.
Theo vị này, nguyên nhân dẫn đến bất bình của tù nhân là do họ muốn đội trưởng giám sát ở nhà tù phải được thay thế. Nhà tù ở thành phố Pekanbaru chỉ giam giữ tù nhân nam giới. Nó có sức chứa 300 người, nhưng số người bị giam tại đây lại lên đến 1,870 người. Số lượng lính gác ít hơn nhiều so với lượng tù nhân. Sau vụ vượt ngục, chính quyền địa phương đã tăng cường thêm 400 cảnh sát tại đây để thắt chặt an ninh nhà tù.

Trung Quốc yêu cầu Đài Loan thả ngư dân bị bắt
BẮC KINH - Trung Quốc đang yêu cầu Đài Loan thả 2 ngư dân bị lực lượng tuần duyên vùng lãnh thổ này bắt giữ, vì tội xâm phạm lãnh hải. Trước đó, lực lượng tuần duyên đảo Đài Loan cho biết, tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Đài Loan, không chịu dừng lại khi được cảnh báo, và đã chống cự khi bị kiểm tra. Lực lượng Đài Loan sau đó đã bắn đạn cao su và làm bị thương các ngư dân, nhưng thương tích không nghiêm trọng.
Ngày thứ Bảy, Văn phòng Đài Loan của chính phủ Trung Quốc nói rằng hai ngư dân Trung Quốc đã bị thương trong một tai nạn ở gần đảo Bành Hồ, còn được gọi là Pescadores, vào buổi sáng cùng ngày. "Vụ bắn người làm bị thương hai ngư dân đại lục đã gây ra căm phẫn", theo lời phát ngôn viên của Văn phòng Đài Loan của Trung Quốc. “Chúng tôi yêu cầu phía Đài Loan giải quyết sự việc một cách thận trọng và thả các ngư dân cùng tàu của họ ngay lập tức.” Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để giành lại hòn đảo này.

Cựu tổng thống Nam Hàn chuyển nhà khi đang ở tù
SEOUL - Vào ngày thứ Bảy, đồ đạc của cựu tổng thống Nam Hàn Park Geun Hye đã được chuyển từ nhà cũ ở Samseong-dong, phía nam Seoul, đến ngôi nhà mới tại Naegok-dong. Trong khi đó, bà Park vẫn đang bị giam trong tù với các cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực... và chuẩn bị ra tòa. Bà bị phế truất vào ngày 10 tháng 3 và bị bắt vào ngày 31 tháng 3. Tổng thống bị phế truất mua căn nhà mới vào tháng trước.
Sau khi bà bị phế truất và phải rời khỏi Phủ Tổng Thống để trở về căn nhà ở Samseong-dong, những người ủng hộ thường xuyên tụ tập ở đây. Các cuộc tụ tập này gây phiền phức cho khu vực vốn tĩnh lặng này. Căn nhà được xây vào năm 1983. Bà Park đã ở đây từ năm 1990 đến 2013, trước khi dọn vào Phủ tổng thống sau khi chiến thắng trong bầu cử.
Việc chuyển nhà đã diễn ra mà không có sự có mặt của những người ủng hộ, trừ một cụ già 62 tuổi họ Lee. Tay cầm cờ Nam Hàn và Hoa Kỳ, ông Lee nói ông hy vọng bà Park tìm được một nơi ở mới tốt hơn. Những láng giềng cũ tỏ ra vui vẻ khi cựu tổng thống đã rời khỏi khu vực này. Các công nhân vận chuyển có mặt tại căn nhà cũ lúc 7 giờ 30 sáng, giờ địa phương. Những chiếc xe tải chở đồ đạc rời đi sau đó 1 tiếng rưỡi.

Rò rỉ khí ga, 200 học sinh Ấn Độ nhập viện
NEW DELHI - Gần 200 học sinh tại thành phố New Delhi phải vào bệnh viện, sau khi gặp tình trạng cay mắt và họng do rò rỉ khí ga từ một xe chở hàng. "Khoảng 200 trẻ em đã được đưa vào 4 bệnh viện để điều trị. Không có ai bị thương nặng. Tình trạng đã bình thường", Phó cảnh sát trưởng New Delhi Romil Baaniya hôm thứ Bảy cho biết. Được biết, hóa chất công nghiệp rò rỉ từ một xe chở hàng đậu gần trường học. Cảnh sát đã mở cuộc điều tra và truy tố những người quản lý xe chở hàng vì thiếu trách nhiệm.
Rò rỉ khí ga không phải vấn đề hiếm gặp ở Ấn Độ, hầu hết đều bắt nguồn từ việc không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Năm 1984, một vụ rò khí ga ở thành phố Bhopal đã khiến 25,000 người thiệt mạng, trở thành thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất lịch sử thế giới. Năm 2014, khí gas rò rỉ từ một trong những nhà máy thép lớn nhất Ấn Độ ở Chhattisgarh đã làm 6 người thiệt mạng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT