Văn Nghệ

Cúng tổ sân khấu, vẻ đẹp văn hóa Việt Nam

Friday, 23/09/2016 - 08:37:17

Đây cũng là dịp các nghệ sĩ sắm sửa lễ vật, trang trọng đến dâng hương trước bàn thờ Tổ, cầu mong sự may mắn, bình yên trong công việc, ca hay, diễn giỏi… để tiếp tục đứng trên sân khấu phục vụ các khán giả gần xa.

Bài BĂNG HUYỀN

Đối với những người làm trong ngành nghệ thuật của Việt Nam và đặc biệt là bên sân khấu cải lương, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 11-12 tháng Tám âm lịch lại cùng nhau thực hiện nghi thức cúng Tổ rất trang trọng. Giỗ Tổ sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống Việt Nam, là một tập tục cúng bái có tầm vóc quan trọng như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam. Đây là dịp để các nghệ sĩ cùng thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với Tổ nghiệp, với những vị sáng lập đã mở mang tri thức ngành nghề, gầy dựng nên những bộ môn nghệ thuật ý nghĩa, tri ân những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành sân khấu. Đây cũng là dịp các nghệ sĩ sắm sửa lễ vật, trang trọng đến dâng hương trước bàn thờ Tổ, cầu mong sự may mắn, bình yên trong công việc, ca hay, diễn giỏi… để tiếp tục đứng trên sân khấu phục vụ các khán giả gần xa.

Nghệ sĩ Vũ Luân và Xuân Mỹ trong trích đoạn cải lương “Ngọc Kỳ Lân” trên sân khấu Saigon Performing Arts Center do đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tại hải ngoại, dù điều kiện hạn chế, không có nhiều đoàn hát như trong nước, nhưng cứ vào ngày giỗ Tổ, các nghệ sĩ tại hải ngoại lại rộn ràng, trang nghiêm tổ chức ngày giỗ Tổ thật thành tâm. Từ những giỗ Tổ trong phạm vi nhỏ như tại gia của nghệ sĩ, của soạn giả, bầu show, hay những tổ chức quy mô hơn tại các nhà hàng, nhà hát để phục vụ khán giả với chương trình văn nghệ đặc sắc....

Việc “chạy show” cúng Tổ từ sân khấu này sang sân khấu khác cũng là một nét độc đáo, thú vị ngay trong nước, và ra đến hải ngoại điều này cũng không ngoại lệ. Mùa giỗ tổ sân khấu 2016 năm nay đã có ba chương trình cúng tổ thật trang trọng và ý nghĩa, do phóng viên Phương Tùng và nghệ sĩ tổ chức tại hội trường Việt Báo (Westminster) tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016, chương trình cúng tổ do ca sĩ Hương Lan kết hợp cùng các nghệ sĩ của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh tổ chức tại nhà hàng I Tango (Garden Grove) – là nhà hàng do ca sĩ Trizzie Phương Trinh là chủ nhân, đồng thời chị cũng là hội trưởng của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh) vào tối thứ Hai, ngày 12 tháng 9 (đúng ngày giỗ tổ 12 tháng 8 âm lịch), và chương trình cúng tổ của đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang (do chị Mai Chân làm trưởng đoàn) tổ chức vào tối thứ Sáu, ngày 16 tháng 9 tại rạp hát Saigon Performing Arts Center, (thành phố Fountain Valley).


Từ trái qua phải, nhà báo Phương Tùng trong vai Thái Bình công chúa và ca sĩ Bích Thảo trong vai Võ Tắc Thiên trích đoạn cải lương Hồ Quảng "Võ Tắc Thiên và Thái Bình Công Chúa"(Băng Huyền/ Viễn Đông)

Đến với chương trình tại các buổi cúng tổ trên, các nghệ sĩ, ca sĩ đã cùng nhau dâng lên vị tổ nghiệp những vật phẩm quý giá, những nén hương ngát thơm, những đóa hồng đỏ thắm, những lời nguyện cầu thành tâm và những tiết mục ca vũ nhạc kịch đặc sắc để kính mừng vị Tổ sư của mình. Đặc biệt trong chương trình cúng Tổ do phóng viên Phương Tùng và Nghệ Sĩ tổ chức bên cạnh những bài tân nhạc của các ca sĩ Trang Thanh Lan, Châu Tuấn, Cam Thơ, Nguyễn Tiến Dũng… còn có những bài tân cổ qua những giọng ca tài tử Michelle Nguyệt, Nghệ sĩ Cẩm Tú cùng hai trích đoạn cải lương Hồ Quảng "Võ Tắc Thiên và Thái Bình Công Chúa" (sáng tác Hùng Dũng, hòa âm Thanh Phong, phòng thu Bảo Lộc Studio) do ca sĩ Bích Thảo trong vai Võ Tắc Thiên và Phóng viên Phương Tùng hóa thân vào vai Thái Bình Công Chúa. Trích đoạn "Phàn Lê Huê Giáo Tử" với nghệ sĩ Ngân Linh và Phượng Hồng.

Chương trình cúng tổ của đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang thì có phần màu sắc hơn, bên cạnh vài tiết mục tân nhạc, nhiều nhất và giữ chân khán giả đến giờ cuối vẫn là các tiết mục trích đoạn cải lương, tân cổ với những nghệ sĩ như Bình Trang, Ngọc Huyền, Thành Đạt, Hà Như Thủy, Minh Hùng, Huỳnh Bảo Sơn, Yến Linh, Thanh Hiền, Sáu Linh với trích đoạn cải lương “Đêm Lạnh Chùa Hoang” của soạn giả Yên Lang, do Thanh Kim Mỹ và Tuấn Phong diễn; “Tuyệt Tình Ca” với phần trình diễn xuất sắc của nghệ sĩ Philip Nam và Cẩm Thu, trích đoạn cải lương Hồ Quảng “Ngọc Kỳ Lân“do Vũ Luân, Quốc Tuấn, Xuân Mỹ và Phượng Hồng biểu diễn.

Ca sĩ Hương Lan là đồng trưởng ban Tổ chức với ca sĩ Trizzi Phương Trình của chương trình cúng Tổ tại nhà hàng I Tango cùng các nghệ sĩ của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Tổ sân khấu là ai?

Để giúp các khán giả hiểu thêm vài điều về ý nghĩa ngày giỗ tổ sân khấu, ngay sau nghi thức khai mạc trang trọng và lần lượt các nghệ sĩ lên thắp nhang trên bàn thờ tổ trong chương trình cúng tổ của đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang, giáo sư Trần Văn Chi (Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Hải Ngoại, do doanh gia Nguyễn Minh Chiêu là người có công sáng lập) đã có vài phút chia sẻ những hiểu biết của ông đến với mọi người về Tổ sân khấu là ai.


Nghệ sĩ Bảo Quốc và bà bầu Thúy Uyển cúng tổ tại hội trường Việt Báo do nhà báo Phương Tùng và Nghệ sĩ tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Theo giáo sư Trần Văn Chi, từ xưa đến nay, chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát từ đâu. Có rất nhiều giai thoại về ông tổ sân khấu. Nhưng phổ biến nhất vẫn là câu chuyện: Tổ sân khấu là ba người gồm ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. (Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin.)

Thuyết thứ hai cho rằng hai vị hoàng tử quá mê hát, lén vua cha đi xem hát rồi say mê đến nỗi quên ăn, quên ngủ, kiệt sức, ôm nhau chết. Từ đó, nghệ sĩ thường thấy hai hoàng tử hiện về xem hát nên lập bàn thờ phụng, gọi là Tổ. Vì vậy, trên bàn thờ trong các đoàn hát thường có đặt hai cốt gỗ nhỏ như búp bê, tượng trưng cho hai vị hoàng tử hiển linh thành tổ sân khấu, nên bàn thờ tổ luôn được đặt trong hậu trường.
Bên cạnh truyền thuyết trên, theo một tài liệu phổ biến trên internet, cho rằng nghề hát không quan niệm có một vị Tổ riêng nào mà Tổ nghiệp là tất cả những người có công lao xây dựng và phát triển nền nghệ thuật truyền thống từ hàng trăm năm trước. “Ở nhà Truyền Thống của Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ (133 đường Cô Bắc, Quận 1, Sài Gòn) có thờ Ông Tổ làm bằng một loại danh mộc chạm trổ công phu, bên trong có Tam Vị Thánh Tổ và 12 cốt ông – hình như cũng có gần trăm năm tuổi rồi. Mười-hai cốt ông là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan tới sân khấu như các vị: Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo Sư, Lão lang Thần. Thập Nhị Công nghệ, nghĩa là mười hai ông Tổ các ngành nghề như nghề thợ mộc, nghề dệt vải, ngành âm nhạc, nghề múa, nghề kim khí, nghề vẽ.... Hồi xưa, các nghệ nhân không dùng danh từ sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp, gồm có văn, thơ, họa, nhạc, vũ đạo, trang trí mỹ thuật như ngày nay, nhưng trong khái niệm chung về nghề hát, các nghệ nhân tiền bối đã biết đến công lao của những ngành nghề khác như nghề dệt vải để may y phục hát, ngành kim khí làm gươm giáo, đạo cụ sân khấu, ngành vẽ - vẽ phong cảnh. Thì 12 cốt ông là tượng trưng cho 12 ông Tổ của các ngành nghề có liên quan tới sân khấu. Như vậy Giỗ Tổ là một dịp để tỏ lòng tôn kính những vị tiền nhân có công làm cho nghề hát thêm rạng rỡ, lưu truyền một tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo.”

Nhóm múa Cung Đình biểu diễn "Vũ Khúc Lưu Thủy Kim Tiền" mở màn cho chương trình cúng Tổ do nhà báo Phương Tùng và Nghệ sĩ tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Còn theo anh Lâm Thành (là nhà nghiên cứu lý luận và thực hành trong lĩnh vực siêu hình học, đồng thời đảm nhận vai trò cố vấn, hướng dẫn những bài học tâm linh vào mỗi tối thứ Ba hằng tuần của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh) thì “Tổ sân khấu là các đấng hữu hình để nghệ sĩ tưởng nhớ, tri ân. Tổ hữu hình là những nhân vật cụ thể, sau này lịch sử ghi chép lại được, nhưng cũng chưa chắc người đó là người đầu tiên, vì trên người đó có thể vẫn còn một người dạy cho người đó, người dạy có thể là trong dân gian, và xuất phát từ dân gian thì cũng phải có cảm hứng từ bên vô hình, ban cho người đó tài năng hát hay, múa giỏi. Tổ vô hình tạo ra nguồn cảm hứng, tạo ra sự xuất thần cho người nghệ sĩ trên sân khấu, đấng đó mới là đấng để người nghệ sĩ cầu xin. Đối với Tổ vô hình là thuộc về tâm linh, mà gốc thuộc về tâm linh là đạo đức, nếu nghệ sĩ đó càng sống có tâm, có đức, thì Tổ nghệ thuật bên vô hình sẽ càng đãi cho người nghệ sĩ nhiều tài năng. Nếu theo thuận thiên, người nghệ sĩ sống có đức, có tâm, làm những điều tốt lành thì chắc chắn Tổ vô hình của Nghệ Thuật sẽ phù trợ cho người nghệ sĩ những giây phút xuất thần trên sân khấu, tiếng hát, diễn xuất sẽ càng thăng hoa hơn....”

Đây chính là điều mà các thành viên của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh tin tưởng và luôn trau dồi tu sửa bản thân mỗi, làm nhiều công đức để nhận được lộc Tổ và được Tổ đãi. Vì vậy theo ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung (là tổng thư ký của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh, và thành viên trong ban tổ chức lễ cúng Tổ ngày 12 tháng 9 vừa qua tại tại nhà hàng I Tango) nếu những năm trước, Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh không tổ chức cúng Tổ sân khấu vào ngày 12 tháng 8 như truyền thống, mà tổ chức cúng Tổ Nghệ Thuật Vô Hình vào dịp lễ Thần Tài đầu năm, thì lễ cúng Tổ năm nay là lần đầu tiên các nghệ sĩ của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh quyết định mời các nghệ sĩ bên ngoài Gia Đình, trong đó có ca sĩ Hương Lan được mời làm đồng trưởng ban tổ chức với ca sĩ Trizzi Phương Trinh (hội trưởng của Gia Đình Nghệ sĩ Tâm Linh) thực hiện lễ cúng Tổ sân khấu, đây cũng là một cách để giới thiệu đến các nghệ sĩ bên ngoài Gia Đình hiểu hơn về Tổ Nghệ Thuật Vô Hình.

Tâm tình của nghệ sĩ

Diễn viên hài Bé Mập (là thành viên của Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh và thành viên trong ban tổ chức cúng Tổ năm nay tại nhà hàng I Tango) cho biết trước đây, khi Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh chưa tổ chức cúng Tổ Sân Khấu thì năm nào vào ngày giổ Tổ, anh cũng tổ chức cúng ở nhà, rồi đi dự thêm những nơi cúng Tổ của các anh chị em nghệ sĩ khác tổ chức. “Năm nay Gia Đình Nghệ Sĩ Tâm Linh cúng Tổ Nghệ thuật Vô Hình chung với Tổ Hữu Hình, Bé Mập rất hãnh diện là một trong những thành viên ban tổ chức phụ giúp xung quanh buổi cúng Tổ.”

Ca sĩ Hương Lan (đồng trưởng ban tổ chức chương trình cúng Tổ tại nhà hàng I Tango) chia sẻ: “Đối với Hương Lan, mỗi lần cúng Tổ luôn là kỷ niệm lớn trong cuộc đời sân khấu của mình, là dịp anh chị em nghệ sĩ còn gặp lại nhau, vì cũng có nhiều nghệ sĩ cùng ông Tổ, cùng ngày cúng đó, nhưng sang năm mình đi trở lại thì còn được người này, mất người kia. Còn gặp lại nhau, còn đứng chung tại một bàn thờ Tổ để cùng khấn Tổ nghiệp, đó là niềm hạnh phúc rất lớn cho người nghệ sĩ, nhất là với những nghệ sĩ đã lớn tuổi như Hương Lan.
“Cá nhân Hương Lan luôn nghĩ Hương Lan là một đứa con của Tổ, Hương Lan đã nhận được lộc Tổ từ năm 5 tuổi, năm nay đã có 55 năm trên sân khấu rồi, thành ra Hương Lan luôn nghĩ Tổ như người cha của mình, bao giờ cũng trong trí nhớ và trái tim mình. Kế tiếp là phải cám ơn khán giả, vì khán giả lúc nào cũng thương yêu, ủng hộ mình, đó là những ân nhân, nuôi sống nghiệp diễn của mình, cho nên Hương Lan xin gửi lời cám ơn tình thương mà quý khán thính giả khắp nơi đã thương yêu Hương Lan từ đó đến nay.”


Các nghệ sĩ thực hiện nghi thức cúng tổ trên sân khấu Saigon Performing Arts Center do đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)
 

Nếu hai nơi tổ chức cúng tổ tại nhà hàng I Tango và tại rạp hát Saigon Performing Arts Center của đoàn Nghệ thuật Sân Khấu Văn Lang trên bàn thờ tổ là bài vị Tổ Nghiệp, thì bàn thờ Tổ do nhà báo Phương Tùng và Nghệ Sĩ thực hiện tại Hội Trường Việt Báo rất đặc biệt với di ảnh của cố Nghệ sĩ Thanh Nga cùng câu đối “Tổ truyền thiện nghệ thiên thu thịnh, Sư giáo tài năng vạn đại xuân” (nói lên lòng nhớ ơn người đi hát với các bậc Tổ sư truyền lại cho đời sau một nghề nghiệp đáng quý trọng).

Nghệ sĩ Bảo Quốc là em trai của cố nghệ sĩ Thanh Nga đến dự buổi lễ, đã cảm động nói với Viễn Đông, “Nhìn lên bàn thờ Tổ rất trang nghiêm, rất chân thật, không màu mè, nhìn vào thấy có sự linh thiêng nào đó, điều mà Bảo Quốc càng thêm xúc động là nhìn thấy ảnh của chị Ba Thanh Nga. Bảo Quốc nghĩ rằng chị Thanh Nga là một người tài năng, đã được các nghệ sĩ yêu mến, có những người tôn sùng và nghĩ chị là một trong những tổ nghiệp của sân khấu cải lương, Bảo Quốc rất tự hào về gia đình nghệ thuật của mình.”

Nghệ sĩ Philip Nam và nghệ sĩ Cẩm Thu trong trích đoạn Tuyệt Tình Ca trên sân khấu do đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Ca sĩ Trang Thanh Lan chia sẻ, “Sở dĩ có bàn thờ chị Thanh Nga, theo Trang Thanh Lan biết là vì chị Thanh Nga là người tài sắc vẹn toàn, chị rất dễ thương, đa tài, thương đàn em, và chị rất linh thiêng. Trang Thanh Lan thấy có những ca sĩ tin và thờ chị Thanh Nga trong nhà, thì những ca sĩ đó có hát hay và nổi tiếng hơn. Còn riêng cá nhân Trang Thanh Lan, thì chị Thanh Nga giống như một người chị, vì Trang Thanh Lan và chị Thanh Nga có đóng chung phim “Xa Lộ không đèn”, chị Thanh Nga rất thương Trang Thanh Lan, khi đó Trang Thanh Lan chỉ mới 17- 18 tuổi, mỗi lần ăn cơm, chị hay kêu nhỏ vô ăn cơm với chị. Khi chị Thanh Nga mất, Trang Thanh Lan cũng thấy mất mát nhiều lắm.”

Bàn thờ Tổ với di ảnh cố nghệ sĩ Thanh Nga do nhà báo Phương Tùng và Nghệ sĩ tổ chức cúng Tổ tại hội trường Việt Báo(Băng Huyền/ Viễn Đông)

Với phóng viên Phương Tùng, dù không phải là nghệ sĩ, nhưng anh là người chuyên viết về mảng giải trí và phụ trách talkshow Trò chuyện cùng sao (Talk with the star), anh còn là con của cô đào hát Ngọc Nga của đoàn Sài Gòn 3 và có cha dượng là nghệ sĩ Tuấn Minh (con trai của nghệ sĩ tuồng cổ, soạn giả, ông bầu Minh Tơ), anh rất yêu thích nghệ thuật cải lương, nên việc anh quyết định tổ chức cúng Tổ cũng không có gì là lạ.
Anh nói với lần tổ chức đầu tiên này, nếu chỉ một mình anh thì không thể nào thực hiện, may là có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân cũng như sự trợ giúp của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ…Tuy ngày anh tổ chức trùng với vài nơi nhưng các nghệ sĩ tên tuổi, ca sĩ tài danh và khán giả đã đến tham dự khá đông đủ.

Anh cũng tiết lộ khoảng vài năm nay anh có thờ di ảnh của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Trước khi viết bài báo nào, anh cũng thường vái tổ là má ba Thanh Nga rồi mới viết. Nếu độc giả có đọc những bài viết của anh với lối viết sắc bén là khi đó anh thường nhớ đến lớp diễn nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Trưng Trắc khi tế sống chồng, có hát câu là “lòng ta bừng bừng lửa hận…”. Còn với những bài viết có văn phòng nhẹ nhàng, mượt mà là lúc anh ngắm nhìn bức hình nghệ sĩ Thanh Nga trong vở cải lương “Bên cầu dệt lụa”.

Đến dự lễ cúng Tổ tại hội trường Việt Báo, nghệ sĩ chèo Lưu Nga (là mẹ của ca sĩ Bằng Kiều) bày tỏ, “Mặc dù đây là giổ Tổ cải lương, nhưng tôi không phân biệt giổ của tuồng, chèo, hay cải lương, mà xem đây là Tổ sân khấu nói chung, mỗi nghệ thuật như tuồng, chèo, cải lương, kịch hay thanh nhạc bây giờ, luôn có thần tượng, mà những thần tượng dù là bao năm, thì vẫn là thầy, nhất là với những người đã khuất, chúng tôi càng cần thắp nén hương để tưởng nhớ.

“Hôm nay đến đây, thấy hình ảnh của chị Thanh Nga, tôi rất xúc động. Tôi hâm mộ chị lắm, dù khi chị thành danh, tôi ở ngoài Bắc, không biết về chị. Cháu Phương Tùng tổ chức cúng tổ như thế này, tôi thấy quý lắm, khi cháu gửi lời mời tôi đến dự, tôi rất vui, tôi đến trước là cúng Tổ, sau là để khích lệ cháu, là một người trẻ mà vẫn nhớ về cội nguồn, thực hiện buổi lễ trang trọng để tri ân Tổ nghiệp, quý lắm.”

Bà bầu Thúy Uyển kể rằng những năm trước đây bà thường đứng ra tổ chức cúng tổ với quy mô khi thì lớn, khi thì nhỏ, nhưng có nơi nào cúng, bà cũng đều đến thắp hương và chia vui với bạn bè đồng nghiệp. Vài năm nay vì có nhiều nghệ sĩ trẻ đứng ra tổ chức, nên bà chỉ cúng tại nhà và đi dự để ủng hộ cho những người trẻ. Bà bảo bà rất tin vào tổ nghiệp và những khi gặp khó khăn trong nghề, bà luôn nguyện cầu với tổ để được trợ giúp, bà ước mong khán giả hãy luôn ủng hộ các nghệ sĩ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, để nghệ sĩ được cơ hội cống hiến tài năng của mình đến với khán giả gần xa.


Chị Mai Chân, trưởng đoàn Nghệ thuật Sân khấu Văn Lang gửi lời chào đến quý khán giả, quan khách, nghệ sĩ… dự chương trình cúng Tổ do đoàn tổ chức (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Cũng trong tâm tình mong khán giả luôn ủng hộ các nghệ sĩ, đặc biệt là Nghệ thuật cổ nhạc, cải lương, là nghệ thuật mang tính đặc thù của Việt Nam. Soạn giả Yên Lang bày tỏ trong buổi lễ cúng Tổ trên sân khấu đoàn Nghệ thuật Sân Khấu Văn Lang, “Là người cầm bút, luôn ôm ấp hoài bảo, làm sao để cải lương nối dài tồn tại mãi đến ngàn năm, nhưng thưa quý vị, chỉ mới 99 năm mà cải lương đã bệnh hoạn và èo ọt lắm, như buổi cúng tổ hôm nay, khán giả đến dự thưa vắng quá, vì vậy chúng tôi vô cùng cảm ơn những quý vị hiện diện hôm nay, giờ này quý vị vẫn còn yêu cải lương, yêu câu ca vọng cổ… là tấm lòng cao quý, mong quý vị hãy khích lệ con cháu ủng hộ cải lương, để mất nó thì uổng lắm.”

Với chị Mai Chân (trưởng đoàn Nghệ thuật Sân Khấu Văn Lang) thì, “Tại hải ngoại, còn vọng cổ cải lương là còn tiếng Việt và còn văn hóa, tinh thần Việt. Cũng không biết thế nào trong tương lai, tuy nhiên chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục vươn tơ đến hơi thở cuối cùng, đem lại niềm vui cho nhân thế.”

Buổi lễ giỗ tổ sân khấu đã kết thúc, nhưng tinh thần và ý nghĩa của ngày giỗ Tổ vẫn vang vọng trong trái tim các nghệ sĩ và khán giả. Với họ, vị ân sư, Tổ thầy vẫn luôn luôn huyền diệu, mãi mãi giúp đỡ những nghệ sĩ tâm huyết trót ăn cơm tổ nghiệp, nên vẫn nặng nợ với “nghiệp tằm.” Dẫu thăng trầm, khó khăn, nhưng vẫn luôn luôn dâng vẻ đẹp của nghệ thuật đến muôn người, và với họ, nếu có kiếp tái sinh, vẫn xin chọn “nghiệp tằm,” để đến thác vẫn còn vương tơ! (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT