Thế Giới

Cuộc bầu cử 2012 quyết định tương lai kinh tế của Hoa Kỳ

Hoài Mỹ/Viễn Đông Friday, 15/06/2012 - 09:44:55

Không ngừng giảm bớt số người Mỹ làm việc trong lãnh vực tư của Hoa Kỳ mà ông Obama đồng thời vẫn nói là tốt đẹp.

Cử tri và lá phiếu 2012

Hoài Mỹ/Viễn Đông


WASHINGTON - “Forward!”, Tổng Thống Barack Obama đã hô to khẩu hiệu ấy khi ông bước lên bục diễn đàn ở Ohio, Thứ Năm vừa rồi. Một đám đông khoảng hơn 1.500 người đã đáp lại bằng những tiếng vỗ tay và reo hò trước khi lắng nghe bài diễn văn với nội dung về chính sách kinh tế của Tổng Thống.
Ông Obama nói: “Chúng ta không có dư thừa để liều lĩnh tương lai bằng việc lập lại những sai lầm của dĩ vãng”. Theo Tổng Thống, người dân Hoa Kỳ sẽ phải chọn lựa một trong hai con đường trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm nay. Một là, theo lời quả quyết của ông, một nền kinh tế vốn được điều hành bởi sự giáo dục và đổi mới. Hai là con đường của người Cộng Hòa, với sự cắt giảm ngân sách và sự “nhẹ thuế” dành cho những ngưới giầu có nhất.
Tổng Thống nhấn mạnh bổ túc trong bài diễn văn: “Một nền kinh tế vững mạnh được xây dựng không phải từ chóp đỉnh xuống dưới nhưng bởi một giai cấp trung lưu phát triển, tăng tiến”.
“Lại... Bush”: Ông Obama xác quyết, Mitt Romney, ứng cử viên Tổng Thống của người Cộng Hòa, đã sẵn sàng đi theo cùng một chiến lược kinh tế của cựu Tổng Thống W. Bush. Và đó chắc chắn là một con đường dẫn tới sự suy đồi. Tổng Thống dẫn chứng: “Chúng tôi được (Mitt Romney) kể rằng việc cắt giảm thuế lớn lao, đặc biệt cho những người Mỹ giầu có nhất, sẽ mang lại sự mở rộng công ăn việc làm. Chúng tôi được kể là việc giảm bớt những sự điều chỉnh, cách riêng cho các cơ sở và nhóm (tổ hợp các công ty) tài chánh, sẽ mang lại sự thịnh vượng cho mọi người. Chúng tôi được kể rằng rất OK với việc chúng ta xếp đặt hai cuộc chiến tranh với thẻ tín dụng của đất nước để rồi chỉ riêng việc giảm thuế cũng sẽ tạo dựng được sự phát triển cho việc đầu tư. Thưa đó là tất cả những gì chúng ta được xác định”.
Sau đó Tổng Thống Barack Obama quả quyết: “Thế nhưng lý thuyết kinh tế ấy không thể vận hành trong thực tế. Bởi vì những người Mỹ giầu có nhất vốn đã được hưởng kết quả tốt. Nhưng sự giầu có ấy đã không bao giờ nhỏ giọt xuống giai cấp trung lưu”.
Những lời rỗng tuếch: Tuy nhiên ông Obama đã không được hoàn toàn như ý muốn ở Ohio. Chỉ trước một lúc ông lên diễn đàn thì ứng cử viên Tổng Thống Mitt Romney cũng đọc một bài diễn văn ở một địa điểm khác trong cùng tiểu bang.
Ứng cử viên Cộng Hòa xác quyết là Tổng Thống Obama lèo lái một chính sách kinh tế “Âu Châu”, nơi đó một quốc gia giầu mạnh phải giải quyết hết mọi vấn đề. Ông đồng thời đả kích đương kim Tổng Thống chỉ đưa ra những lời rỗng tuếch. Lời Mitt Romney: “Những gì ông ấy nói và những gì ông làm thì không luôn luôn giống nhau. Ông là một người vốn chỉ muốn nói tốt về mình khi ông mô tả những kế hoạch kinh tế của mình, nhưng đừng quên là ông ấy đã làm Tổng Thống trong 3 năm rưỡi rồi”. Theo ông Romney, các việc làm của ông Obama tự chúng cũng đã nói ra sự thật: “Nếu bạn muốn xem những thành quả của chính sách kinh tế của ông ấy, bạn chỉ cần nhìn chung quanh ở Ohio này rồi nhìn chung quanh khắp đất nước”.
Đang lên: Ohio quả thật đã bị thiệt hại bởi sự suy thoái vốn là hệ quả của cơn khủng hoảng tài chánh toàn cầu, nhưng ngày nay kinh tế của tiểu bang này đang vươn lên trở lại nhờ sự khai thác khí đốt thiên nhiên, sự phát triển trong ngành sản xuất hàng hóa và công nghệ sinh học.
Tình trạng thất nghiệp ở Ohio vào giai đoạn cao nhất là 10,6 phần trăm nhưng nay đã xuống thang còn 7,4; mức độ này thấp hơn của quốc gia nói chung, 8,2 phần trăm.
Theo Ted Strickland, một trong những nhân viên vận động bầu cử của Tổng Thống Barack Obama, cử tri sẽ nhận ra là họ đã được sự tốt đẹp hơn với ông Obama làm Tổng Thống. Cùng đường lối này người Dân Chủ hy vọng là cử tri trên toàn quốc cũng sẽ nhìn thấy nay tình thế đã tiến triển khả quan hơn.
Ý kiến của các chuyên gia: Tuy vậy, các nhà nghiên cứu bầu cử lại chứng kiến sự bất mãn lớn lao. Sử gia Julian Zelizer thuộc viện Đại Học Princeton quả quyết rằng “không nghi ngờ gì về việc ông Obama đang ở trong tư thế bấp bênh”. Lời ông Zelizer: “Tôi cho là những người Dân Chủ có đủ mọi nguyên nhân để lo lắng”.
Trong khi đó nhà khảo cứu kiêm chuyên gia về Hoa Kỳ, Hilmar Langhelle Mjelde đồng thời cũng còn là Giáo Sư Đại Học ở Bergen, Na Uy, nhận định rằng: “Việc ông Obama tại chức Tổng Thống thì đó cũng là một lợi điểm của ông”. Lời chuyên gia Mjelde: “Rất khó khăn để vứt bỏ một ứng cử viên đang ở ngôi vị Tổng Thống. Kể từ sau đệ nhị thế chiến, chỉ có duy nhất ông Jimmy Carter là bị loại sau một nhiệm kỳ 4 năm. Đó là bởi tình trạng thảm khốc kinh tế. Điều này lại còn quá xa đối với ông Obama hiện nay”.
Đáp câu hỏi “ông Mitt Romney cần những gì để có thể thắng cử?”, chuyên gia về Hoa Kỳ Hilmar Langhelle Mjelde kết luận: “Nếu kinh tế thật sự xuống dốc thì xem như là dấu hiệu tệ hại cho ông Obama”.

Những tuần lễ “ác mộng” của Tổng Thống Obama
Ông Barack Obama sau cuộc thắng cử vẻ vang năm 2009 đã tiến gần đến vị thế “siêu anh hùng” ở gần như khắp thế giới và hầu hết các nơi tại Hoa Kỳ, nhưng nay tình trạng của vị Tổng Thống này đang dần xuống dốc. Việc triệt hạ được trùm khủng bố bin Laden năm ngoái đã đưa ông lên cao nhưng lại không có tác động lâu dài về chính trị.
Trong tháng 6 này đã diễn ra nhiều sự kiện “quàng xiên” mà nhật báo Washington Post đã gọi đầu mùa Hè của Tổng Thống Obama là “Junius Horribilis”. Dưới đây là một số điểm điển hình đã vận chuyển “trật đường rầy”:
- Ở Wisconsin những người Dân Chủ đã không lật đổ nổi Thống Đốc Scott Walker khỏi quyền hành trong lần bỏ phiếu vừa qua gọi là “cuộc bầu cử thu hồi”.
- Không ngừng giảm bớt số người Mỹ làm việc trong lãnh vực tư của Hoa Kỳ mà ông Obama đồng thời vẫn nói là tốt đẹp.
- Ứng cử viên đối thủ Mitt Romney trong tháng 5 đã thu được 76,8 triệu Mỹ Kim cho quỹ tranh cử Tổng Thống của ông, nhiều hơn gần 30 phần trăm mà ông Obama đã quyên được. Nhiều người cho là một số cử tri đã chuyển từ Obama sang Romney.
- Ở Âu Châu, hình ảnh ông Obama giống như một ngôi sao đang... rụng. Nhiều cơ quan truyền thông đã viết một cách bất lợi về “chiến tranh máy bay không người lái” của ông Obama và việc thanh toán những nghi can khủng bố.

Mitt Romey dẫn đầu
Theo Realclearpolitics, kết quả thăm dò ý kiến mới nhất do hai văn phòng chuyên thăm dò dư luận Rasmussen và Gallup thực hiện, cho thấy ứng cử viên Tổng Thống Mitt Romney đang dẫn đầu với 3 điểm. Ngoài ra số người Mỹ cho rằng Tổng Thống Barack Obama làm được “good job” đã hạ từ 51,2 phần trăm xuống còn 47.
Ngoài ra, theo nhật báo Washington Post, Thứ Hai vừa rồi dư luận được biết là Tổng Trưởng Y Tế John Bryson cuối tuần qua đã dính líu vào một tai nạn giao thông mà sau đó ông ta tình nghi đã tẩu thoát kiểu “hit-and-run”.
Và mặc dù cựu Tổng Thống Bill Clinton, phu quân của đương kim Ngoại Trưởng Hillary Clinton, đã công khai tuyên bố mạnh mẽ rằng “sẽ là một đại họa cho Hoa Kỳ và cả thế giới nếu ông Mitt Romney trở thành Tổng Thống”, nhưng một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ suy luận là ông Clinton không ủng hộ ông Barack Obama hoàn toàn thật tình và hết lòng.
Thế nhưng chuyên gia về Hoa Kỳ, Hilmar Langhelle Mjelde, cho rằng các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nói trên đã phóng đại sự “xuống dốc” của Tổng Thống Barack Obama trong mấy tuần lễ qua: “Phải, ông Obama đã gặp một tuần lễ xấu xa nhưng đó chẳng qua chỉ là những tiểu tiết và là âm thanh ồn ào vốn rất thường xẩy ra trong một cuộc tranh cử. Khi có một số người ở vào một khúc quanh thì đó vẫn là chuyện bất khả tránh khỏi”.
Mặc dù ông Romney hiện dẫn trước ông Obama trong các cuộc thăm dò ý kiến mới đây nhưng theo Giáo Sư Mjelde đó mới chỉ là một giai đoạn số 2 của ứng cử viên Dân Chủ này: “Biểu thị lớn lao là nền kinh tế tiến chậm nhưng chắc chắn sẽ tăng tiến cho dù những gì xẩy ra ở Âu Châu vốn nguy hiểm cho Hoa Kỳ. Những gì đang diễn ra có thể tác động đến việc thăm dò ý kiến nhưng theo kinh nghiệm, người ta không thường chăm chú lắm vào đấy trước đầu tháng 9, thời điểm cuộc tranh cử chính thức vận chuyển mạnh mẽ”.

Tổng Thống Obama xin thêm thời gian
Tổng Thống Barack Obama chưa thuyết phục nổi đa số dân chúng Hoa Kỳ là họ ngày nay đã được hưởng mức độ tốt đẹp hơn là cách nay 4 năm. Bây giờ ông sẽ phải nỗ lực kể với họ là họ sẽ lãnh đủ sự tệ hại nếu Mitt Romney trở thành Tổng Thống.
Tệ nạn thất nghiệp tiếp tục “cố thủ” ở mức hơn 8 phần trăm, với hàng trăm ngàn gia đình lâm cảnh nợ nần, giá săng nhớt cao, sức phát triển yếu ớt và sự bi quan hiện hữu ở thị trường chứng khoán đều là những vấn đề gai góc để có thể vận hành cuộc tranh cử cho hữu hiệu hơn.
Bởi vậy dư luận đã tiên đoán là ông Obama trong bài một diễn văn sẽ trình bầy một tân chiến lược trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Người ta trông đợi ông sẽ đưa ra những tư tưởng mới về phương cách ông sẽ đặt tốc lực vào nền kinh tế. Thế nhưng trong bài diễn văn đọc ở Ohio, Thứ Năm vừa rồi, như ở phần đầu bài này đã kể, ông lại đổ lỗi cho những người Cộng Hòa bằng cách nêu cựu Tổng Thống George W. Bush ra. Ông khuyến cáo về các viễn ảnh mà đối thủ Mitt Romney lập lại một chính sách kinh tế với việc giảm thuế, lạm chi ngân sách và sự điều chỉnh yếu ớt ngành ngân hàng mà ông Obama cho là đã đưa Hoa Kỳ vào cuộc khủng hoảng.
Trong những ngày gần đây ông Obama đã chuyển vận các lý luận kể trên đến các nhóm ủng hộ viên, chẳng hạn trong buổi họp mặt quyên tiền của người Dân Chủ ở Baltimore, Thứ Ba vừa rồi, ông nói: “Việc chúng ta muốn là áp dụng chính sách vốn đã đưa chúng ta thoát khỏi sự tàn phế đó”.
Liều lĩnh: Xây dựng một cuộc tranh cử trên việc quy lỗi cho những người khác là một chiến lược liều lĩnh. Đa số phân tích gia cho là cử tri quyết định việc bỏ phiếu dựa trên nỗ lực riêng của ứng cử viên và việc đổ trách nhiệm cho người khác vốn có thể bị diễn giải là hành động trốn tránh tránh trách nhiệm.
Nhiều người trong đảng Dân Chủ cho rằng ông Obama phải khai thác những gì ông đã đạt được, phải nhập vào bối cảnh đúng đắn bằng cách tuyên bố rằng ông phải dùng nhiệm kỳ đầu này để đưa Hoa Kỳ lên khỏi chiếc hố sâu thẳm mà ông Bush đã chôn đất nước vào.
Những người Dân Chủ cho rằng mặc dù chưa được tốt đẹp lắm với 69.000 công ăn việc làm mới trong một tháng, như trong tháng 5 vừa rồi, nhưng hãy nên đối chiếu kết quả này với con số 800.000 việc làm bị mất trong tháng ông Barack Obama khởi sự tiếp quản chức vị Tổng Thống.
Những đề nghị tốt đẹp: Theo nhận định của những người Dân Chủ, Tổng Thống Barack Obama đã đưa ra được nhiều đề nghị tốt đẹp nhằm mang lại tốc lực cho nền kinh tế, trong số đó là việc đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở như cầu, đường và việc trợ giúp vào kế hoạch ngăn chận các chính quyền địa phương sa thải công nhân viên như giáo chức và nhân viên cứu hỏa; tuy nhiên các dự án này đã bị các đại biểu Cộng Hòa “phá” ở Quốc Hội. Thế nhưng một số chuyên gia cho là ông Obama ngoài những lời tuyên bố, cần phải chống lại một sự thất bại khả thể bằng cách không để sự chú ý của dư luận quần chúng rời khỏi tình trạng kinh tế trong những năm qua đồng thời hướng về tương lai.
“Chúng ta sẽ gặp một cơn gió ngược vô nghĩa trong tháng 11 nếu như chúng ta bất khả chứng minh sự gia tăng trong bối cảnh chung, và còn quan trọng hơn nữa: Tập trung vào cách thức mà chúng ta sẽ tạo dựng được một tương lai tốt đẹp hơn cho những người Hoa Kỳ bình thường”. Câu trích dẫn vừa rồi là của 3 chiến lược gia Dân Chủ, trong đó có nhân vật điều hành cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng Thống Bill Clinton - James Carville - tác giả của thành ngữ “Its the Economy, Stupid” (Chính là kinh tế mới đáng kể, đồ ngu”) – (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT