Bình Luận

Cuộc cách mạng văn hóa

Saturday, 11/06/2016 - 09:34:24

Trong phiên tòa, Jonsson trình bày, “Tôi hỏi bị can 'anh làm quái quỷ gì vậy? Người đàn bà đang bất tỉnh mà.' Hắn bỏ chạy, tôi rượt theo và bắt được hắn, rồi hỏi hắn, 'có gì đáng cười đâu mà anh cười'."

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

“Tôi giận điên lên, giận vì những chuyện quá đáng đã xảy ra cho cô, và giận vì nền văn hóa Hoa Kỳ vẫn còn vỡ vụn, vụn đến mức cô phải tự mình bảo vệ nhân phẩm của chính mình,” Phó Tổng Thống Joe Biden viết trong lá thư ngỏ gửi cô gái 23 tuổi, nạn nhân bị hiếp dâm tại trường đại học Stanford.

Ý ông nói là đáng lẽ luật pháp và xã hội Hoa Kỳ phải có trách nhiệm tự động gánh vác việc bảo vệ nhân phẩm cho thiếu phụ nạn nhân. Nhưng đằng này -trong xã hội tiền tiến nhất, văn minh nhất của loài người- cô vẫn phải tự mình bảo vệ mình và bảo vệ những nạn nhân khác cũng bị hiếp dâm như cô.

Cô bị hiếp dâm tháng 18 tháng Giêng 2015, khi cùng đi với em gái cô vào trường đại học Stanford dự dạ tiệc; quá chén cô say, rồi bị anh sinh viên Brock Turner, 20 tuổi , đưa vào sau cái thùng rác lớn của trường để hiếp dâm cô.


Sinh viên Brock Turner

Turner bị hai sinh viên du học, người Thụy Điển -Carl-Fredrik Arndt và Peter Jonsson- bắt gặp. Anh Arndt ngồi trên chân Turner, và anh Johnson nắm chặt cánh tay anh; vài phút sau thêm hai sinh viên nữa -Barnett và Sinclair- chạy đến giúp Johnson đè Turner xuống chờ cảnh sát đến.

Arndt và Johnson kể lại với truyền thông là khoảng 1 giờ sáng, họ bắt gặp Turner đang hiếp dâm một thiếu phụ say đến bất tỉnh, phía sau cái thùng rác lớn, gần phòng tiệc do hội huynh đệ tương trợ Kappa Alpha đang tổ chức ăn uống. Hai anh nhảy vào can thiệp cứu nạn nhân, Turner bỏ chạy, họ rượt theo và bắt được anh, Turner cãi là anh không chạy, mà chỉ thủng thỉnh bỏ đi, rồi bị hai anh du sinh bắt lại.

Trong phiên tòa, Jonsson trình bày, “Tôi hỏi bị can 'anh làm quái quỷ gì vậy? Người đàn bà đang bất tỉnh mà.' Hắn bỏ chạy, tôi rượt theo và bắt được hắn, rồi hỏi hắn, 'có gì đáng cười đâu mà anh cười'."

                                                                  Peter Jonsson


Carl-Fredrik Arndt

Hai ngày sau -ngày January 20, 2015- Stanford tuyên bố Turner không được phép trở lại trường nữa; và để tránh cái nhục bị đuổi học, Turner tự nguyện xin thôi học; nhưng cậu quên không tuyên bố bỏ ý định tham gia vào tổ chức Tuyển Thủ Hoa Kỳ Tham Dự Thế Vận Hội 2016, khiến tổ chức này phải lên tiếng khẳng định là cậu không còn đủ tư cách tham dự Thế Vận Hội nữa.

Nhưng một mình cậu Brock Turner và việc cậu hiếp dâm một người đàn bà bất tỉnh cũng vẫn chưa đủ để tạo ra cuộc cách mạng xã hội mãnh liệt đến mức cuốn băng uy tín của cả hệ thống tòa án Hoa Kỳ lẫn địa vị chánh án thượng thẩm của Thẩm Phán Aaron Persky -một vị thẩm phán dân cử từng được dư luận kính trọng.
Persky và bố cậu Brock -ông Dan Turner- cũng dự phần tạo ra sức mạnh cách mạng bằng vai trò hai tảng đá lớn chặn con suối bất bình đứng lại, hầu tạo ra độ cao để con suối biến thành ngọn thác. Lỗi của chánh án Persky là tuyên xử một bản án 6 tháng -quá nhẹ- để trừng phạt cậu sinh viên Brock Allen Turner, 20 tuổi, một tay quán quân bơi lội của Stanford, trong lúc công tố viện đề nghị bản án 6 năm tù giam.

Persky giải thích nguyên nhân ông xử nhẹ Brock Turner vì cậu ta say rượu, và nạn nhân bị cậu cưỡng hiếp cũng say; cô ta say đến mức không biết là mình bị cưỡng hiếp. Những người bênh vực bị can Brock Turner và chánh án Persky cho là nếu nạn nhân hoàn toàn không biết là mình bị hiếp dâm, và nếu vụ hiếp dâm không vỡ lở, không ra tòa thì cô ta có thiệt thòi gì đâu.

Phó Tổng Thống Biden không đồng ý với lý luận đó, mà ông cho là khuyến khích việc hiếp dâm người say rượu, và đề cao thái độ vô can của xã hội. Ông viết trong lá thư ngỏ, "Mọi người dự tiệc đều thấy là cô say, nhưng họ ngó lơ, không ai đề nghị giúp đỡ cô. Họ coi như cô lại sắp có một đêm điên khùng, như nhiều đêm say sưa khác. Có người còn hỏi 'cô ta nghĩ việc cô ta say đến như vậy sẽ đưa cô ta tới chỗ nào?'

“Cô bị nếp sống văn hóa của trường đại học bỏ rơi; ngôi trường uy tín đó, từ năm này sang năm khác, mỗi năm đều có khoảng 20% nữ sinh viên bị xâm phạm tình dục. Nền văn hóa của trường đại học đó chủ trương thụ động -không làm gì cả để bảo vệ đàn bà. Họ còn khuyến khích nam, nữ sinh viên nhắm mắt, làm ngơ.”
Trong suốt hai thập niên, thành tích xâm phạm tình dục của trường này chưa một lần suy giảm; thành tích đó quả là bẩn thỉu, và ràng ràng không che dấu. Không ai buồn khẳng định một sự thật: làm tình mà thiếu sự đồng thuận là hiếp dâm -một tội hình sự.

Người thứ nhì giúp cô nạn nhân vô danh là ông Dan Turner, giúp bằng những lý luận vừa chủ quan vừa lẩn thẩn trong lá thư ông viết cho thẩm phán Persky, “Thằng Brock -con tôi- thích ăn ngon, và cũng biết nấu ăn ngon. Niềm vui của tôi là mua cho nó một miếng bít tết ribeye thật lớn, và mua những món ăn vặt mà nó ưa thích. Sau những buổi thực tập môn bơi lội về, nó ăn ngấu, ăn nghiến, ăn hết mọi món ăn vặt của tôi.
"Giờ này nó không muốn đụng đến thực phẩm nữa, nó chỉ ăn để đừng chết vì đói. Bản luận tội của tòa án đang đánh gục nó xuống và đập nát gia đình tôi. Trong 20 năm nó đã sống, giờ này nó đang phải trả một cái giá quá nặng cho 20 phút hoạt động.”

Dư luận bất bình vì cách ông gọi hành động hiếp dâm của Brock là “20 phút hoạt động,” và chỉ quan tâm đến cái giá mà Brock phải trả cho tội hiếp dâm, mà không buồn nghĩ đến cái giá mà nạn nhân bị anh hiếp dâm phải trả.

Biden đề cập đến cái “20 minutes of action,” này. Ông viết, “20 phút hoạt động đó không làm đời cô thay đổi, nhưng đang làm thay đổi cuộc đời của cậu Brock.”

Brock đang ngồi tù, chánh án Persky đang bị gần 1 triệu người ký thỉnh nguyện thư, đòi bãi chức ông, và ngay cả nhiều giáo sư dạy Stanford cũng lên tiếng bênh vực nạn nhân.

Bà Michele Dauber, giáo sư luật tại Stanford, một mặt vận động giải nhiệm chánh án Persky, mặt khác đề nghị Stanford giúp đỡ xứng đáng cho nạn nhân.


Bà Michele Dauber, giáo sư luật tại Stanford

Bà Dauber chỉ trích, “Theo quan điểm của chánh án Persky, thì người say rượu có quyền hiếp dâm.”
Nhiều người ca tụng cô nạn nhân là “giỏi hơn luật sư” vì chính lá thư 12 trang cô viết đang thay đổi nước Mỹ, khiến mọi người thấy là nền văn hóa pháp lý của Hoa Kỳ bỏ rơi những nạn nhân bị hiếp dâm.
Cô sinh viên gốc Việt Stephanie Phạm cũng là một trong nhiều sinh viên đang tích cực vận động một cải tiến tư pháp bênh vực nữ giới, nạn nhân trong những vụ án hiếp dâm.


Stephanie Phạm

Cô rất quý bà giáo sư Dauber và thường nói, “Mỗi trường đại học phải có một giáo sư Dauber, bả biết khuấy động chính trị, và biết làm thay đổi quan điểm của chính khách.”
Stephanie chưa khen Phó Tổng Thống Biden, nhưng 5 chữ “cuộc cách mạng văn hóa” ông dùng cũng đang góp sức rất nhiều trong việc đòi hỏi nữ quyền -phân nửa của Nhân Quyền. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT