Hoa Kỳ

Cuộc chiến leo thang về quyền thương lượng tập thể

Monday, 07/03/2011 - 06:16:36

* Tea Party vào cuộcHôm 3-3-2011, báo Government Executive cho biết ông Mike Tate, chủ tịch đảng bộ Dân Chủ tiểu bang Wisconsin đã mở một trang Web, để tìm ...

Hòa Giang/Viễn Đông

MADISON - Cách hai tuần sau khi những người ủng hộ nghiệp đoàn lần đầu tiên xông vào trụ sở cơ quan lập pháp tiểu bang Wisconsin, để phản đối việc Thống Đốc Scott Walker đề nghị chấm dứt những quyền thương lượng tập thể của các thành viên của nghiệp đoàn công chức tiểu bang, các nhà hoạt động của cả hai phe đang gia tăng nỗ lực của họ.


* Tea Party vào cuộc
Hôm 3-3-2011, báo Government Executive cho biết ông Mike Tate, chủ tịch đảng bộ Dân Chủ tiểu bang Wisconsin đã mở một trang Web, để tìm cách bãi nhiệm ít nhất ba thượng nghị sĩ cấp tiểu bang của Đảng Cộng Hòa ủng hộ Thống Đốc Walker. Ông Tate coi ba nhà lập pháp này có lập trường cực đoan bè phái quá đáng. Ông kêu gọi quyên góp những khoản tiền 60 Mỹ kim để hỗ trợ cho việc “chấm dứt những trò chơi xấu mà phe Cộng Hòa đã làm tại Quốc Hội trong mấy ngày qua, như gỡ những đường dây điện thoại khỏi ổ cắm, chốt kín các cửa sổ bên trong trụ sở Quốc Hội, và giữ lại những ngân phiếu tiền lương trả cho các nghị sĩ Dân Chủ”. Nếu thành công, hành động của ông có thể đảo ngược quyền kiểm soát của phe Cộng Hòa tại Thượng Viện Wisconsin.
Phía Cộng Hòa cũng xuất chiêu tương tự. Hôm 2-3, các thượng nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chấp thuận việc bắt buộc 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ, hiện vẫn vắng mặt khỏi Wisconsin để tránh bỏ phiếu biểu quyết kế hoạch do Thống Đốc Walker đề nghị, phải đóng mỗi ngày 100 Mỹ kim tiền phạt, bao lâu họ vẫn ở lại tiểu bang Illinois để lánh mặt.
Đây là một số tin tức mới trong một loạt những hành động và những phản ứng càng lúc càng mãnh liệt hơn, sau khi Thống Đốc Walker đề nghị cắt giảm các khoản phúc lợi và những quyền thương thuyết tập thể của các nghiệp đoàn công chức ở Wisconsin. Ông đề nghị như thế là để giúp giải quyết mức thâm thủng ngân sách của tiểu bang, hiện đã lên tới 3,6 tỉ Mỹ kim.
Dường như Wisconsin chỉ là bước khởi đầu. Cũng vào hôm 2 tháng 3, để phản ứng lại cơn phẫn nộ về quyền nghiệp đoàn bùng lên trên khắp nước Mỹ,  tổ chức FreedomWorks – một nhóm đầy thế lực của phong trào Tea Party, mà nhân vật cầm đầu là cựu lãnh tụ đa số Hạ Viện Dick Armey (CH-Texas), đã cử một toán đầu tiên gồm những nhà hoạt động cơ sở được trả lương, đi tới Harrisburg, tiểu bang Pennsylvanisa, như là một phần trong chiến dịch phản biểu tình, được phát động tại nhiều tiểu bang và ở cấp cơ sở. Điều hợp viên tiểu bang Brendan Steiner sẽ đi tới Wisconsin và Indiana. Ông nói rằng chiến dịch phản biểu tình sẽ tập trung vào cả những người được cử đi lẫn những thông điệp mà họ mang theo. Ông Steinhauser cho biết phong trào Tea Party chống lại các thành viên nghiệp đoàn bằng các phương tiện truyền thông. Ông nói: “Chúng tôi có những cuốn băng video cho thấy họ đập vỡ những máy camera, vất rác bừa bãi trên đường, xô đẩy phụ nữ. Họ làm những hành vi tồi tệ. Chúng tôi không muốn họ trở thành tiếng nói duy nhất”.
Trong số ra ngày 3-3-2011, báo USA Today cho biết rằng những người biểu tình ở Wisconsin đã dán hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấm bích chương, biểu ngữ, và dấu hiệu lên trên những bức tường của trụ sở lập pháp tiểu bang. Trong số này, có nhiều tấm chế giễu Thống Đốc Walkers và phản đối những đề nghị của ông. Sau này sẽ phải tốn 500.000 Mỹ kim để trông coi việc tháo gỡ những thứ dán lên tường, tốn 6 triệu Mỹ kim để sửa chữa những nơi bị hư hại bên trong trụ sở lập pháp, cũng như phải tốn thêm 1 triệu Mỹ kim nữa để tu bổ những thiệt hại ở mặt ngoài tòa nhà, do những thứ dán lên tường gây ra.
Vào sáng 28 tháng 2, Amy Kremer, người đứng đầu nhóm Express của Tea Party, gởi một bức điện thư báo động cho những người ủng hộ phong trào, về “tình trạng gia tăng đáng kể những vụ bạo động chống lại những người hoạt động cho tea party, do những đám đông giận dữ của nghiệp đoàn gây ra”. Ông đưa ra danh sách những tin tức báo cáo về những vụ các thành viên Tea Party bị tấn công hoặc bị đe dọa. Một nhóm Tea Party khác, có danh xưng là Chiến Dịch Đánh Bại Barack Obama, đã dùng các đài phát thanh và truyền hình để đang quảng cáo ủng hộ Thống Đốc Walker.

* Thống Đốc Wisconsin chuẩn bị cho 1.500 công chức nghỉ việc

Hôm Thứ Sáu, 3-3, Thống Đốc Scott Walker của Wisconsin chuẩn bị gởi giấy thông báo nghỉ việc tới 1.500 công chức tiểu bang, để tiết kiệm khoảng 30 triệu Mỹ kim cho ngân sách tiểu bang hiện đang bị thâm thủng. Ông nói rằng chính tình trạng bế tắc từ hai tuần này, về dự luật do ông đề nghị nhằm hạn chế quyền thương lượng tập thể của các nghiệp đoàn, đã làm cho ông phải quyết định như thế. Ông qui trách nhiệm cho “những phần tử cực đoan” trong số 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ hiện lánh mặt khỏi tiểu bang, vì không muốn bỏ phiếu về dự luật này. Họ vắng mặt nên Thượng Viện không đủ túc số cần thiết để có thể thông qua dự luật sửa chữa ngân sách của Thống Đốc Walker

* 14 thượng nghị sĩ rời Wisconsin sắp trở về

Giữa lúc nổ ra những cuộc biểu tình trên toàn tiểu bang để phản đối một dự luật ngân sách đoàn gây tranh cãi, thì một nhóm nghị sĩ cấp tiểu bang của Wisconsin đã biến mất. Bằng một hình thức phản đối khác, 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang Wisconsin đãõ rời khỏi tiểu bang này, lánh mặt đi sang tiểu bang Illinois. Các nhà lập pháp này cho biết rằng họ đã chọn lựa cách thức là vắng mặt, để làm trì hoãn cuộc biểu quyết về dự luật ngân sách do Thống Đốc Scott Walker đề nghị, trong đó quyền thương lượng tập thể của các công chức bị tước bỏ. Dự luật này cũng sẽ gia tăng những mức mà công chức tiểu bang phải trả cho các khoản phúc lợi, như bảo hiểm y tế và tiền hưu trí. Nếu chỉ có 19 thành viên Cộng Hòa bỏ phiếu, thì Thượng Viện Wisconsin sẽ không có đủ túc số gồm 20 thượng nghị sĩ để biểu quyết dự luật ấy. Tiểu bang liền điều động cảnh sát đi tìm 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ, để bắt họ phải trở về lại Wisconsin. Phe Dân Chủ của tiểu bang tố cáo ông Walker không có thiện chí trong việc thương thảo.
Tiếp tục lánh mặt khỏi Wisconsin, nhóm 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang này đã nói chuyện với phe đa số Cộng Hòa trong tuần qua, để có thể đạt được một số thỏa hiệp, nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc về một dự luật tước bỏ quyền thương lượng tập thể của các nghiệp đoàn công chức.
Nhưng theo tờ Wall Street Journal số ra hôm qua 6-3, những cuộc thương lượng giữa nhóm 14 thượng nghị sĩ Dân Chủ với đảng Cộng Hòa xem như bất thành. Thượng Nghị Sĩ Mark Miller của phe Dân Chủ cho biết, những nghị sĩ vắng mặt dự định trở về để bỏ phiếu và thông qua dự luật của Thống Đốc Walker, với những điều khoản giới hạn quyền điều đình tập thể của các nghiệp đoàn. Tuy nhiên, cũng theo lời TNS Miller, phía Dân Chủ tin rằng dự luật không được cử tri ủng hộ, và đảng Cộng Hòa sẽ gánh chịu hậu quả chính trị trong kỳ bầu cử tới.

* Ohio bỏ phiếu chấm dứt quyền đình công của công chức

Trong khi tại Wisconsin vẫn còn giằng co, Thứ Tư tuần qua, Thượng Viện Ohio chấp thuận dự luật hạn chế quyền thương lượng tập thể của công chức, nhất là về bảo hiểm y tế và một số điều kiện làm việc, cũng như loại bỏ quyền đình công với tỷ số phiếu 17-16. Dự luật sửa đổi loại bỏ vai trò trung lập trong các tranh chấp hợp đồng, và cho cơ quan lập pháp quyền quyết định cuối cùng. Dự luật này cũng thiết lập cơ sở duy nhất để tăng lương, căn cứ vào năng suất làm việc, chứ không phải do số năm công tác.
Hôm 1-3, hơn 8.000 người biểu tình tại tòa thị chính Ohio phản đối dự luật. Đảng Cộng Hòa Ohio cho rằng, giảm quyền thương lượng của công chức sẽ giúp chính quyền địa phương linh hoạt hơn và sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách được khoảng 8 tỉ Mỹ kim trong hai năm.
Thống Đốc John Kasich của Ohio thuộc đảng Cộng Hòa và đảng này chiếm đa số ở cả Thượng và Hạ Viện. Do đó, dự luật ngân sách này được dự trù là sẽ được thông qua dễ dàng.

* Thăm dò dư luận về quyền thương lượng tập thể

Thương lượng tập thể (collective bargaining) là một tiến trình thương thuyết một cách tự nguyện, giữa những người chủ với các nghiệp đoàn, nhằm mục đích đàm phán với nhau để đạt được những thỏa thuận điều tiết những điều kiện làm việc. Những thỏa thuận tập thể như thế thường dàn xếp về những mức lương bổng, số giờ lao động, về huấn luyện chuyên nghiệp, chăm sóc y tế và an toàn lao động, vấn đề làm thêm giờ phụ trội, những cơ chế khiếu nại, và quyền tham gia vào nơi làm việc hoặc và các vấn đề của công ty, hãng xưởng hoặc cơ quan, cũng thỏa thuận về quyền lợi và trách nhiệm của các nghiệp đoàn. Một thỏa thuận tập thể thường đóng vai trò giống như một hợp đồng lao động, giữa chủ nhân và một nghiệp đoàn hay nhiều hơn. Riêng tại Hoa Kỳ, những thỏa thuận tập thể được đề cập đến trong Đạo Luật Quan Hệ Lao Động Quốc Gia (National Labor Relations Act), được ban hành năm 1935. Đạo luật này nghiêm cấm các chủ nhân kỳ thị, theo dõi dò xét, sách nhiễu, hoặc chấm dứt công việc của những người làm cho họ, vì họ là thành viên của nghiệp đoàn, hoặc vì người chủ muốn trả thù chuyện họ tham gia vào việc tổ chức những chiến dịch vận động, hoặc những hoạt động phố hợp khác, để thành lập các nghiệp đoàn công ty. Đạo luật này cũng cấm  giới chủ từ chối tham gia vào việc đàm phán tập thể với nghiệp đoàn đại diện cho các công nhân của mình.
Ngày 3-3-2011, công ty truyền thông Mỹ Rasmussen Reports công bố kết quả một cuộc thăm dò, cho thấy rằng đa số cử tri tiểu bang Wisconsin chống lại việc thay đổi những quyền thương lượng tập thể của các nghiệp doàn. Trong số những người được hỏi, có 52 phần trăm nói rằng họ chống lại nỗ lực của Thống Đốc Walker nhằm làm suy yếu quyền thương lượng tập thể của các nghiệp đoàn công chức. Trong khi ấy, có 39 phần trăm trả lời rằng họ ủng hộ dự luật do ông Walker đề nghị. Các tỉ lệ thăm dò dư luận của Rasmussen Reports cũng giống như những cuộc thăm dò chính yếu khác, được thực hiện trong tuần qua.
Ông Charles Franklin, giáo sư chính trị học của trường đại học University of Wisconsin, nhận định: “Khi người ta tìm thấy được những kết quả giống nhau, từ những cuộc thăm dò nghiêng về phía Cộng Hòa, cũng như từ những cuộc thăm dò ngả về phía Dân Chủ, thì những kết quả ấy thực sự cho biết  lập trường của cử tri Wisconsin”. Trả lời câu hỏi họ sẽ ủng hộ hay chống đối việc cắt giảm 10 phần trăm tiền lương công chức tiểu bang, có 44 người cho biết họ đồng ý với việc này. Trong khi ấy, có 38 phần trăm chống lại. Nhưng Thống Đốc Walker không đề nghị giảm lương như thế.

* Tìm thấy đạn chưa bắn vương vãi bên ngoài trụ sở lập pháp Wisconsin
Hôm 3-3-2011, báo USA Today đưa tin người ta tìn thấy 41 viên đạn súng trường. loại đạn .22 li, vẫn còn nguyên vẹn, nằm vương vãi chung quanh những vạt sân của trụ sở cơ quan lập pháp tiểu bang Wisconsin, nơi những đám người đông tụ tập biểu tình để phản  đối đề nghị của Thống Đốc Scott Walker. Các công tố viên hình sự đề nghị đóng cửa trụ sở lập pháp, để mở cuộc lục soát về an ninh trong khu vực. Cảnh sát không tìm thấy một khẩu súng nào, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm, vì loại đạn này thường được chứùa trong hộp gồm 50 viên, nên có thể có 9 viên còn nằm đâu đó quanh sân, nếu tất cả số đạn này cùng chung một nguồn. Cảnh sát không biết người vất những viên đạn ấy có phải là một người biểu tình hay không. Dù thế nào đi nữa, thì sự xuất hiện của 41 viên đạn này cũng là một hiện tượng đáng báo động, giữa lúc tình hình vẫn căng thẳng vì những cuộc biểui tình rầm rộ đòi quyền thương lượng tập thể, cũng đã xảy ra những vụ gây hư hại cho tòa trụ sở lập pháp ở Madison, thủ phủ tiểu bang Wisconsin.
Cũng may chưa có phát súng nào nổ, từ khi xảy ra những cuộc biểu tình ở Wisconsin rồi lan ra các tiểu bang khác. Súng chưa nổ nhưng đạn thì người ta đã tìm thấy rớt đầy ngoài sân. Phải chăng đạn vương vãi quanh sân trụ sở lập pháp Wisconsin là một chuyện vô ý tình cờ, hay có thể là một điềm chẳng lành, trong những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục nổ ra về quyền thương lượng tập thể, gay gắt nhất tính từ khi Đạo Luật Quan Hệ Lao Động Quốc Gia (National Labor Relations Act) được ban hành năm 1935, trong đó những quyền thương lượng này tại Hoa Kỳ được công nhận một cách chính thức. – (HG)

© ViễnĐôngDailynews

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT