Hoa Kỳ

Cuộc chiến thương mại với Trung Cộng khiến các nông gia Mỹ bị phá sản

Thursday, 29/11/2018 - 09:39:25

Tình trạng bất an đã ảnh hưởng đến triển vọng của giới nông dân trong những tháng còn lại trong năm nay, và sau đó. Ở Missouri và Nebraska, hơn 70% trong số những người được thăm dò ý kiến đều dự đoán rằng lợi tức của họ sẽ tiếp tục giảm trong ba tháng tới.


Những bao khổng lồ đựng bắp và đậu nành được chụp hình từ trên cao tại nông trại Gingerich Farms ở thị xã Lovington, Illinois đầu tháng 11. Bị mắc kẹt trong cuộc chiến đánh thuế, một số nông gia đã giữ lại đậu nành thay vì bán ra với giá rẻ và bị lỗ vốn nặng. Thế nhưng nếu không bán thì không có tiền trang trải các chi phí, đưa đến sự việc một số nông trại đã khai phá sản. (Getty Images)

Trong lúc Tổng Thống Donald Trump duy trì chính sách bảo hộ kinh tế với các đối tác thương mại toàn cầu, các nông gia ở vùng Trung Tây nước Mỹ đang phải phấn đấu để sống còn mỗi ngày một vất vả hơn, và số lượng nông gia bị thiệt thòi đã mỗi lúc một gia tăng. Họ không hy vọng cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Trump và lãnh tụ Trung Cộng Tập Cận Bình tại Argentina cuối tuần này sẽ giúp họ thoát cảnh phá sản.

Có ít nhất 84 nông trại ở các tiểu bang Minnesota, Montana, North Dakota, South Dakota, và một phần tây bắc Wisconsin, đã nộp đơn khai phá sản trong 12 tháng kết thúc vào tháng Sáu, nhiều gấp hơn hai lần mức độ được ghi nhận trong cùng thời kỳ vào năm 2014, theo một cuộc phúc trình và phân tích mới từ ngân hàng liên bang chi nhánh Minneapolis Federal Reserve cho biết.

Các nông gia bị căng thẳng bởi giá hàng do họ sản xuất bị giảm xuống thấp, cộng với hậu quả của cuộc chiến đánh thuế đã khiến tình trạng nghề nông của họ càng bi đát hơn, theo ý kiến của ông Ron Wirtz, giám đốc khu vực của ngân hàng trung ương liên bang, được ghi nhận trong bản phúc trình. Cho đến nay ông Trump vẫn đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng của Mỹ trị giá hơn $300 tỷ, và đe dọa tăng thuế trên nhiều lãnh vực.

Khi các nước khác trả đũa bằng những thứ thuế đành vào hàng hóa của Mỹ, những mức giá hàng chủ chốt bị sụt giảm mạnh. Chẳng hạn, đậu nành đã giảm gần một phần năm giá trị từ tháng Tư. Trong tháng này, báo New York Times đăng tin rằng hàng đậu nành xuất cảng sang Trung Quốc đã giảm 94% cho tới giữa tháng Mười, so với một năm trước đó.

Lợi nhuận nông nghiệp đã bị thu hẹp lại trong một thời gian khá lâu, do đó sự đánh thuế chắc chắn chỉ tạo ra thêm khó khăn cho các nông gia bên trên những khó khăn khác mà họ đã gánh chịu liên tục.
Những tiểu bang nào đang có tình trạng nông trại bị phá sản gia tăng đều đang đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng gây ra bởi thương mại với Trung Quốc. Nước Trung Hoa đã đánh thuế trả đũa đối với đậu nành Mỹ vào đầu năm nay. Trong khi những người trồng đậu nành ở các vùng khác trên nước Mỹ đều có những thị trường ngoại quốc khác để tìm đến, thì miền Trung Tây nói trên đã tùy thuộc rất nhiều vào việc buôn bán đậu nành với Trung Quốc.

Tại Wisconsin, nơi có khoảng 60% trong tổng số các vụ nông trại khai phá sản, có thêm nhiều nông trại nhỏ có xu hướng đặc biệt dễ bị tổn thất bởi sự thay đổi giá cả.

Tình trạng giảm giá cũng gây áp lực lên tài chánh nông nghiệp trong những nơi khác của miền Trung Tây. Trong một cuộc khảo sát của ngân hàng Kansas City Federal Reserve, hơn một nửa trong tổng số người được hỏi đều cho biết họ có mức lợi tức thấp hơn so với cách đây một năm.

Tổng Thống Trump sẽ gặp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày thứ Bảy, khi các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Argentina. Một số viên chức Mỹ nói rằng Mỹ phải duy trì việc đánh thuế để gây áp lực và buộc các nước khác phải thay đổi cách thức trao đổi mậu dịch được coi là không công bằng đối với Mỹ. Các viên chức này bày tỏ sự nghi ngờ về các cuộc thương lượng sắp tới tại G20, không nghĩ rằng sẽ có kết quả đáng kể.

Tình trạng bất an đã ảnh hưởng đến triển vọng của giới nông dân trong những tháng còn lại trong năm nay, và sau đó. Ở Missouri và Nebraska, hơn 70% trong số những người được thăm dò ý kiến đều dự đoán rằng lợi tức của họ sẽ tiếp tục giảm trong ba tháng tới.

Tình trạng nông nghiệp kém cỏi có thể gây bất lợi cho Tổng Thống Trump và đảng của ông trong kỳ bầu cử năm 2020, ngay cả ở những tiểu bang từng ủng hộ Cộng Hòa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT