Bình Luận

Cuộc chiến tranh miên viễn

Monday, 04/11/2019 - 07:31:57

Một trong nhiều nạn nhân điển hình của cuộc chiến tranh miên viễn tại Trung Đông được cô phóng viên Jennifer Steinhauer mô tả, là anh lính Thủy Quân Lục Chiến Tyler Wade


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Một trong nhiều nạn nhân điển hình của cuộc chiến tranh miên viễn tại Trung Đông được cô phóng viên Jennifer Steinhauer mô tả, là anh lính Thủy Quân Lục Chiến Tyler Wade trên chiến trường A Phú Hãn; anh được quân đội Mỹ gửi qua phục vụ tại đó, rồi bị thương, được gắn chiến thương bội tinh.
Anh Wade nói với cô Steinhauer anh hãnh diện về việc anh làm -chiến đấu và bị thương- tuy nhiên anh nghĩ cuộc chiến tranh A Phú Hãn là một sai lầm. Steinhauer viết, "Nhiều cựu chiến binh -từ các tướng lãnh hồi hưu, đến nhiều cựu quân nhân mọi cấp- đều đồng ý với anh."

Dĩ nhiên đó là nhận xét của cô và của một số khá đông quần chúng; nhưng không phải là của tất cả mọi người, nhất là những tướng lãnh có trách nhiệm.
Một sai lầm nữa của chiến tranh, được Steinhauer nêu lên, là anh Wade, năm nay 31 tuổi, mới bắt đầu vào học lớp Y Tá tại Las Vegas, để bước vào cuộc sống dân sự chậm hơn những người khác tối thiểu 10 năm.
Bài báo cô viết, bài "Trumps Opposition to Endless Wars Appeals to Those Who Fought Them"
(Việc Trump chống lại những cuộc chiến không bao giờ chấm dứt hấp dẫn những người phải chiến đấu trong những cuộc chiến tranh đó).

Ngày hôm sau -ngày mùng 1 tháng 11, 2019 Trump đổi thái độ, ông thôi, không chán ghét chiến tranh nữa, để hào hứng tường thuật cuộc đột kích giết tên lãnh tụ khủng bố Abu Bar al-Baghdadi, kể lại việc hắn vừa khóc, vừa chạy, miệng la hét um sùm trước khi chết; mà không ai hiểu hắn nói gì.
Cuộc đột kích được quay video; tổng thống chỉ phụ đề bên ngoài; nói al-Baghdaddi vừa chạy vừa khóc miệng nói lảm nhảm; sau khi tổng thống nói như vậy không ai dám nói ngược lại nữa.



Tổng thống thích thú tường thuật phút cuối cùng của tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi. (Getty Images)

Việc xem cảnh tên trùm khủng bố đền tội hấp dẫn khán giả, nhưng nghe tổng thống phụ đề, khán giả có cảm tưởng cuộc đột kích là chuyện giả tưởng, như nhiều tuồng chiến tranh khác.
Từ bộ trưởng quốc phòng đến đại tướng tổng tham mưu trưởng, đến người chỉ huy cuộc đột kích đều trả lời là họ không hiểu ý tổng thống nói gì.
Bốn nhân vật khác có liên quan đến cuộc đột kích cũng lắc đầu, nói có lẽ tổng thống điện thoại cho toán biệt kích Delta nên ông mới có nhiều chi tiết như vậy. Một người cho là tổng thống vui miệng nói thêm vào cho vui thôi, vì bản video ổng coi không có âm thanh.

Stephanie Grisham, cô phát ngôn của Bạch Cung viết email, "Vui mừng trước cái chết của một tên khủng bố, sát nhân và hiếp dâm chưa đủ sao mà nhiều người còn hạch hỏi về việc hắn nói gì trước khi chết nữa!"
Cô khéo léo không nói đến việc chính tổng thống nêu ra những câu la hoảng của tên sát nhân al-Baghdadi, nên thiên hạ mới tò mò. Nhưng các phóng viên vẫn hỏi tiếp xem tổng thống lấy tin tức ở đâu mà nói như vậy; cô Grisham không trả lời.
Cuối cùng báo chí Mỹ coi việc ông nói tùy hứng là một thứ cố tật, không bỏ được. Ông Peter Wehner, nguyên cố vấn chiến lược của Tổng Thống George W. Bush nhận định, "Donald Trump không chỉ nói láo thôi, ông ta coi sự thật như kẻ tử thù; và tình trạng đó vô cùng nguy hiểm, vì xã hội tự do sẽ chết đứng nếu thiếu sự thật."

Nhà viết sử Mark K. Updegrove, nhận định, "Tổng Thống Barack Obama cũng cùng coi video cuộc đột kích giết bin Laden với nhiều nhân viên trong nội các, nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh và không ba hoa khi tuyên bố về cái chết của nhà lãnh tụ Al-Qaeda.”
Updegrove nói thêm, "Trong thời đại truyền hình thái độ nhã nhặn, không huyênh hoang chỉ là điều tối thiểu cần phải giữ, nhưng ông Trump -một người đã từng làm truyền hình- lại phạm vào cái lỗi đó. Có thể ông ta cũng biết, nhưng không tránh được.” (He cant help himself.)
Cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark T. Esper lẫn Đại Tướng Mark A. Milley, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Mỹ đều xác nhận là họ không biết những chi tiết về thái độ của al-Baghdadi trong những giây cuối cùng trước khi hắn bị bắn chết; và Tướng Kenneth F. McKenzie Jr., Tư Lệnh

Quân Khu Trung Ương -trong đó có chiến trường Syria- cũng không biết.
Trả lời nhóm phóng viên truyền thông, McKenzie chỉ nói, "Việc ông ta nhấn nút cho cái áo thuốc nổ, nổ tung, giết đám trẻ chạy theo ông ta cũng đủ để chúng ta nhận định ông ta là người như thế nào rồi."
Tính từ ngày mùng 7 tháng Mười, 2001 đến nay, cuộc chiến tranh Trung Đông đã dài đến 18 năm rồi, quá dài và vô cùng tốn kém cho Mỹ, không người Mỹ nào không cảm thấy ngao ngán, và từ niềm ngao ngán đó phát sinh ra chữ“endless wars,” những cuộc chiến tranh miên viễn.
Ai cũng ngao ngán chiến tranh.

Những tổ chức chuyên thăm dò dư luận cho thấy 64% cựu chiến binh quan niệm đó là những cuộc chiến tranh không đáng đánh (not worth fighting); 62% người dân sự cũng nghĩ như vậy. Do đó cử tri Mỹ đồng ý với chính sách 'America First' của Tổng Thống Trump.
Anh sinh viên luật Peter Lucier tại St. Louis nhắc lại kỷ niệm năm anh 22 tuổi, mặc quân phục Thủy Quần Lục Chiến, reo mừng trước tin Osama bin Laden bị giết chết, rồi nói, "Năm nay tôi không còn reo mừng được nữa vì chúng ta giết được Abu Bakr al-Baghdadi; tôi tìm cách ra khỏi cái nghiệp chém giết."
Người Mỹ đang chán nản cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Trung Đông, như 50 năm trước họ chán nản cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng liệu họ có bỏ chạy, như họ đã từng bỏ chạy tại Việt Nam hay không?
Câu hỏi không dễ trả lời tí nào cả. Mà hệ lụy của chiến tranh lại rất nhiều, rất dài.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT