Bình Luận

Cuộc du hành tạ tội

Sunday, 15/05/2016 - 12:17:06

Nhận định về phía dư luận của người Mỹ, Samuels nói, “Cuộc thăm viếng Hiroshima sẽ bị nhiều người diễn dịch là một bước trong cuộc du hành tạ tội” -dĩ nhiên tạ tội với người Nhật. Samuels còn nói thêm là giữa mùa bầu cử mà đến thăm Hiroshima là tiếp tế đạn cho phe bên kia tấn công phe mình.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Nhận định về chuyến Á Du sắp tới của Tổng Thống Barack Obama, giáo sư Richard Samuels -dạy khoa Chính Trị Học tại MIT (Massachusetts Institute of Technology)- nói việc Obama đến thăm đài kỷ niệm Hiroshima sẽ giúp người Nhật cho là họ đúng khi họ phiền trách Hoa Kỳ đã sử dụng quả bom nguyên tử mạnh hơn mức cần thiết để giết từ 70,000 cho đến 146,000 người Nhật dân sự, 20,000 người lính Nhật và 20 tù binh người Mỹ, người Anh và người Hòa Lan.

Nhận định về phía dư luận của người Mỹ, Samuels nói, “Cuộc thăm viếng Hiroshima sẽ bị nhiều người diễn dịch là một bước trong cuộc du hành tạ tội” -dĩ nhiên tạ tội với người Nhật. Samuels còn nói thêm là giữa mùa bầu cử mà đến thăm Hiroshima là tiếp tế đạn cho phe bên kia tấn công phe mình.

Nhưng cũng vẫn theo nhận định của Samuels thì cả dư luận Nhật lẫn dư luận Mỹ đều đúng ít, sai nhiều. Người Nhật trách người Mỹ dùng bom nguyên tử với sức mạnh quá đáng, và không cần thiết tại Hiroshima để bắt Nhật đầu hàng; điều này không hẳn đã đúng, vì tại Tokyo, không quân Mỹ chỉ dùng bom thường, cũng vẫn giết trên, dưới 100,000 người Nhật.


Giáo sư Richard Samuels


Quả bom nguyên tử tại Hiroshima

Samuels nói thêm là 20 năm trước, dư luận còn gần sự thật hơn, vì hai cuộc oanh tạc nguyên tử duy nhất trong lịch sử đều mới xảy ra có 51 năm trước -ngày mùng 6 và mùng 9 tháng Sáu 1945- nhiều nhân chứng vẫn còn sống để sẵn sàng vạch ra những sai lầm -nếu có sai lầm- nhưng năm nay không mấy người có liên quan đến Hiroshima còn đủ trí nhớ và đủ thiện chí để đính chánh lầm lẫn hoặc diễn dịch của dư luận.

Diễn dịch có dụng ý vụ lợi là dư luận lên án Obama đến Hiroshima để xin lỗi người Nhật; Bạch Cung đã nhanh chóng khẳng định là Obama sẽ không nói một tiếng nào có thể hiểu là ông xin lỗi về quả bom thả 71 năm trước. Thông báo của Bạch Cung nhấn mạnh vào dụng ý của Obama muốn hướng về những diễn biến tương lại.

Nhiều ký giả cũng bác bỏ diễn dịch “xin lỗi”, và nói việc sử dụng bom nguyên tử là cần thiết để chấm dứt chiến tranh sớm hơn, và tránh tổn thất nhân mạng cho quân đội Hoa Kỳ; nhiều người khác lại tiên đoán là Obama sẽ dùng Hiroshima như một diễn đàn để vận động việc giới hạn bom nguyên tử.
Ký giả David E. Sanger viết trên tờ The New York Times là, chính người Nhật tạo ra cái hậu quả Hiroshima mà họ phải gánh chịu, tạo ra bằng những cuộc tàn sát, hiếp dâm tại Thượng Hải, và cưỡng bách đàn bà Trung Hoa, Triều Tiên phục vụ hộ lý cho lính Nhật.

Hơn nữa, Nhật còn chịu trách nhiệm về việc Hoa Kỳ phải động viên đến 3,621,383 quân nhân Mỹ và 19 triệu quân đồng minh trên chiến trường Á Châu để đánh gục 7 triệu quân Nhật. Tính về tổn thất, Hoa Kỳ và đồng minh phải chịu đựng tới 4 triệu người tử trận, 26 triệu thường dân bị giết, 5 chiến hạm, 11 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm cùng với 25 tuần dương hạm, 84 khu trục hạm, 63 tiềm thủy đĩnh, 21,555 khu trục và oanh tạc cơ.

Quân nhân Mỹ và gia đình họ có quyền chỉ trích người Nhật đã khai chiến bằng cuộc tấn công căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Pearl Harbor, Hawaii. Chắc chắn họ ủng hộ quyết định của Tổng Thống Harry S. Truman, sử dụng bom nguyên tử để chấm dứt chiến tranh, tránh bớt tổn thất cho quân đội Mỹ.

Quân Mỹ tổn thất rất nặng trong những trận đánh chiếm từng hải đảo trên Thái Bình Dương; riêng trận Iwo Jima đã giết gần 7,000 người lính Mỹ, 18,000 người bị thương, trong lúc 21,000 quân Nhật tử thủ trên đảo chỉ còn có 200 người sống sót, bị bắt làm tù binh.

Trận Okinawa còn khiếp đảm hơn nữa; chiến trường Okinawa gần những phi trường Nhật hơn là những phi trường Mỹ đặt trên lãnh thổ Phi Luật Tân, khiến số phi cơ Mỹ tham chiến -cất cánh từ các hàng không mẫu hạm- ít hơn phi cơ Nhật. Lực lượng bảo vệ Okinawa lại nhiều gấp ba lần lực lượng bảo vệ Iwo Jima, và áp dụng kỷ luật tử thủ -binh sĩ chết tại chỗ chứ không bỏ chạy. Không quân cũng dùng lối đánh Kamikazé, 2,000 phi công Nhật đâm đầu xuống chiến hạm Mỹ, đánh chìm 35 chiến hạm.

Cuối cùng Mỹ vẫn chiếm được Okinawa, nhưng phải trả bằng một giá rất nặng: 12,000 quân Mỹ và đồng minh tử trận, 38,000 bị thương trong lúc trên 100,000 quân Nhật bị tiêu diệt.

Để chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt đến như vậy, tổng tư lệnh Truman có quyền sử dụng bom nguyên tử mà không sợ bị dư luận chê trách. Người Á Châu còn lên án quân Nhật tàn sát 20 triệu người tại những quốc gia Á Châu mà Nhật tấn công và chiếm đóng.

Tính từ sau Thế Chiến Thứ Nhì, lịch sử Hoa Kỳ đã đếm được 12 vị tổng thống, và Obama là vị tổng thống duy nhất đang tại vị mà vẫn đến thăm Hiroshima. Mặc dù là một tổng tư lệnh thao lược, đã từng chiến thắng tại Trung Đông, hạ sát lãnh tụ bin-Laden của tổ chức khủng bố al-Qaeda, ngăn chặn âm mưu của Nga thôn tính Ukraine, nhưng ông vẫn là vị tổng thống chủ hòa nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.


Obama và vấn đề an toàn nguyên tử

Trong chuyến công du Á Châu lần này, Obama đối diện với hai thế lực chủ chiến -Trung Cộng và Bắc Hàn; Trung Cộng lấn chiếm Biển Đông, trong lúc Bắc Hàn kiên trì xây dựng một thực lực nguyên tử.
Tại Nhật, ngoài việc thúc đẩy chương trình Pivot (Mỹ quay về Á Châu) Obama còn hội đàm với nhóm sáu lãnh tụ Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật tại Ise-Shima trong hai ngày 26 và 27 tháng 5/2016 để giải quyết xì căng đan “Panama Papers” -một vụ tham nhũng và trốn thuế quốc tế.

Cũng trong ngày thứ Sáu 5/27, ông sẽ đến Hiroshima để tưởng niệm 140,000 người thiệt mạng vì quả bom nguyên tử đầu tiên nổ trên lãnh thổ Nhật năm 1945.

Dư luận thế giới đánh giá cuộc thăm viếng Hiroshima của Obama là hành động vĩ đại thứ ba của ông, sau hai cuộc thăm viếng Myanmar năm 2012, đánh dấu Miến Điện dân chủ hóa, và thăm viếng Cuba vừa rồi, mở lại kỷ nguyên bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước.

Chưa nhà bình luận nào dự đoán về mục đích của Obama trong thái độ vuốt ve lòng tự ái của người Nhật. Phải chăng ông muốn Nhật đóng vai trò đối kháng với Trung Cộng và Bắc Hàn trên bình diện quân sự?

Dù Obama có làm được việc này thì cũng không ai tin là tổng thống Donald Trump (trong giả thuyết Trump đắc cử) muốn, hay cần Nhật đóng vai trò này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT