Bình Luận

Cuộc hải chiến Thái Bình Dương

Monday, 20/06/2016 - 10:28:46

Một số quốc gia Phi Châu như Mozambique, Slovenia, Burundi và Nga cũng đang lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Cộng tại Biển Đông.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trong tuyên cáo về cuộc thao dượt lớn tại Thái Bình Dương, Đề Đốc John D. Alexander, chỉ huy trưởng Không Đoàn Hải Lực 5 nói, “Đây quả là một cơ hội lớn giúp chúng tôi thao dượt với giả thuyết chiến sự quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ thực tập những kỹ thuật không chiến cần nắm vững để chiến thắng trong những cuộc hải chiến tối tân hiện nay."

Không Đoàn 5 đồn trú tại căn cứ Yokosuka, quận Kanagawa, lãnh thổ Nhật; lực lượng tham dự cuộc thao dượt là 140 chiến đấu cơ đặt trên hai hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan.


Hai chiếc hàng không mẫu hạm cùng với nhiều chiến hạm tùy tùng, 12,000 thủy thủ.


Đề Đốc John D. Alexander, chỉ huy trưởng Không Đoàn Hải Lực 5, với 140 chiến đấu cơ

Điều mà đề đốc Alexander gọi là “giả thuyết chiến sự quan trọng nhất” là cuộc hải chiến giữa Hạm Đội 7 -đại đơn vị Hải Quân mà Không Đoàn Hải Lực 5 trực thuộc- giao tranh với hải lực Trung Cộng; giả thuyết này chỉ để thực tập chứ sẽ không bao giờ xảy ra trên Thái Bình Dương.

Giới quan sát cho là mục đích của Hoa Kỳ khi tổ chức thao dượt quân sự phối hợp giữa ba hải lực Hoa Kỳ, Nhật và Ấn Độ, là muốn trấn an các quốc gia đồng minh và thân hữu với Hoa Kỳ về thái độ của Trung Cộng không nhượng bộ tại buổi hội luận Shangrila ngày mùng 4 tháng Sáu, 2016 vừa rồi.

Trong khung cảnh buổi Hội Luận quan trọng đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ash Carter tuyên bố là chính sách của Hoa Kỳ trên Biển Đông (biển Hoa Nam) trong vài chục năm nữa vẫn là cam kết bằng sức mạnh để che chở -ý nói Mỹ sẽ dùng sức mạnh quân sự để bảo đảm an toàn cho Á Châu.

Carter cũng cảnh cáo TrungCộng về thái độ khiêu khích của họ trên Biển Đông -biến trọn vùng biển lớn lao đó thành một giải Vạn Lý Trường Thành dài trên 2,000 cây số tính từ đảo Hải Nam đổ xuống hướng Nam, để chiếm độc quyền 1.4 triệu dặm vuông mặt biển; tạo trở ngại ngư nghiệp cướp sinh kế của ngư dân, tạo kiểm soát hải hành cho thương thuyền qua lại, và tạo khả năng giúp Trung Cộng khóa một hải lộ quan trọng đang mỗi năm chuyên chở $5,300 tỉ Mỹ kim hàng hóa đến và đi từ Đông Nam Á.
Ngôn ngữ Carter sử dụng rõ rệt đến mức bốp chát nói lên thái độ của Hoa Kỳ không chấp nhận việc Trung Cộng biến Biển Đông từ một vùng biển tự do, sung mãn hải sản, và một hải lộ nhộn nhịp sinh hoạt, trở thành một cái “ao nhà” của riêng Trung Cộng.

Một địa danh được nêu lên -bãi cạn Scarborough Shoal- để cụ thể hóa đặc tính vô lý trong ý đồ thôn tính của Trung Cộng; bãi cạn này chỉ cách Phi Luật Tân 138 hải lý, và theo luật biển ấn định Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của mọi quốc gia là vùng biển 200 hải lý bao quanh quốc gia đó, thì Scarborough Shoal phải là hải đảo của Phi. Nhưng Trung Cộng lại chiếm bãi cạn này từ năm 2012, khẳng định Scarborough Shoal là của họ, người Tầu nói, lịch sử Trung Quốc viết như vậy, mặc dù Scarborough Shoal nằm cách đảo Hải Nam đến 530 hải lý.


Vị trí bãi cạn Scarborough Shoal

Đô Đốc John Richardson từng báo động là Trung Cộng sẽ thổi cát từ lòng biển lên để tạo chiều cao và chiều dài cho bãi cạn Scarborough Shoal, như họ đã làm trên nhiều hòn đảo khác trong Biển Đông, và Hoa Kỳ cũng đã gửi nhiều chuyến bay thám thính vào vùng này, trong lúc Phi Luật Tân đâm đơn kiện Trung Cộng trước tòa Hòa Giải Quốc Tế tại The Hague. Trung Cộng tuyên bố họ sẽ không tôn trọng quyết định của tòa án đó.
Tư lệnh quân khu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đô đốc Harry Harris, báo động nếu có thêm một đường bay nữa tại bãi cạn Scarborough Shoal là Trung Cộng sẽ có một hệ thống sân bay kéo dài từ đảo này sang đảo khác để kiểm soát trọn vẹn Biển Đông.
Để mặc Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter chỉ trích suốt tối thứ Sáu và sáng hôm sau, thứ Bảy; chiều thứ Bảy 6/4/2016, trưởng phái đoàn Trung Cộng, Đô Đốc Sun Jianguo, mới lên tiếng trả lời.
“Trung Quốc không gây rối, không make trouble,” ông Sun phủ nhận, rồi thách thức, “nhưng Trung Quốc cũng không sợ, không tránh né trouble. Trung Quốc không để bất cứ kẻ nào xâm phạm đến chủ quyền và nền an ninh của mình, và cũng không ngồi yên để nước khác khuấy phá vùng biển Hải Nam."
Trước viễn ảnh va chạm quân sự, ngoại giao, và kinh tế, Trung Cộng tỏ thái độ không nhượng bộ; tính đến giờ này họ chiếm lãnh 80% diện tích Biển Đông, 3,200 mẫu hải đảo và tạo một giải trường thành gồm nhiều pháo đài dài theo hướng từ Bắc xuống Nam.


Đô Đốc Sun Jianguo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter đối thoại về giải Vạn Lý Trường Thành trên Biển Đông

Trước thái độ của Đô Đốc Sun -nhân danh Trung Cộng- ra mặt đối đầu với Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Carter tuyên bố ông không còn gì thêm để nói nữa. Không nói hôm đó, hôm nay ông gửi một hải lực hùng hậu vào Thái Bình Dương thao dượt.

Ba ngày hội luận Shingri-La không giải quyết được cuộc lấn ép không nổ súng, nhưng vô cùng kiến hiệu của Trung Cộng; không những người Tầu chiếm trọn ngư trường sung mãn của Biển Đông, và nhập nhằng sang đoạt toàn bộ tài nguyên dưới lòng biển là di sản hương hỏa phụ ấm để lại, mà họ còn khẳng định sự thống trị của họ trên lãnh thổ và tài nguyên Việt Nam, bằng cách nắm cổ bọn Việt Cộng ươn hèn và phản quốc.

Ngay sau hội nghị Shingri-La, trung tướng Việt Cộng Nguyễn Chí Vịnh lớn tiếng mời Trung Cộng cho chiến hạm ghé lại một hải cảng Việt Nam; ông Vịnh không nói đến hai chữ Cam Ranh, nhưng dư luận thế giới hiểu như vậy.

Trung Cộng chưa đáp ứng lời mời của Vịnh, nhưng chắc chắn họ sẽ không bỏ qua một cơ hội để đánh dấu thắng lợi của họ sau cuộc vận động của Tổng Thống Barack Obama, mở cửa kho chiến cụ Mỹ cho Việt Cộng.


Nguyễn Chí Vịnh mời giặc Tầu cho chiến hạm vào Cam Ranh

Lần này Trung Cộng cũng không phản ứng về cuộc thao dượt hỗn hợp, họ chỉ quan tâm đến bản án mà tòa trọng tài quốc tế tại The Hague sẽ tuyên xử vào ngày mùng 7 tháng Bảy này. Họ đang vận động tân tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte; ông này vừa đắc cử và sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày mùng 1 tháng Bẩy. Sau đó có thể ông sẽ bãi nại, không kiện Trung Cộng nữa mà giải quyết cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough Shoal bằng cách thương thuyết tay đôi và trực tiếp với Trung Cộng. Có dư luận cho là Trung Cộng đã mua được ông Duterte.

Một số quốc gia Phi Châu như Mozambique, Slovenia, Burundi và Nga cũng đang lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Cộng tại Biển Đông.

Dù có Phi Luật Tân nhượng bộ để tránh không cho cuộc tranh chấp biển đảo trở thành gay cấn hơn, và tiếp tục sử dụng đảng cộng sản Việt Nam để bóp nghẹt sức kháng cự của người Việt Nam, Trung Cộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn với những quốc gia nằm dưới phía Nam của Biển Đông.

Mới hôm thứ Bảy, 18 tháng Sáu, 2016, tầu tuần Nam Dương đã nổ súng bắn bị thương một ngư dân Tầu và bắt giam 7 người khác về tội xâm phạm hải phận Nam Dương. Website của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói những thủy thủ này hành nghề hợp pháp trên hải phận Trung Quốc, mặc dù điểm họ bị bắt và bị bắn chỉ cách bờ biển Nam Dương dưới 40 hải lý.

Những cuộc nổ súng và bắt giam ngư dân Tầu sẽ tiếp tục xảy ra tại hải phận những quốc gia khác ven Biển Đông. Trung Cộng không có phản ứng mạnh chống Nam Dương.

Nếu Trung Cộng phản ứng, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ có thái độ bênh vực các quốc gia Biển Đông, vì đó là mục đích của họ, khi Tổng Tư Lệnh Obama quyết định PIVOT, xoay về Á Châu- chấp nhận cuộc hải chiến Thái Bình Dương, để giải quyết nạn Trung Cộng lấn át và cưỡng chiếm biển, đảo. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT