Người Việt Khắp Nơi

Cuộc sống của những người lớn tuổi ở Quận Cam (kỳ 2)

Sunday, 21/08/2016 - 09:46:05

Nhưng do ở trung tâm nhiều cụ cần chăm sóc đủ mọi nhu cầu về thể chất, nên thời gian trò chuyện với từng cụ cũng khá hạn hẹp. Và theo chị An một số cụ sau khi đi lại bình thường, được cho về nhà thì lại muốn ở đây, vì ở trung tâm được chăm sóc chu đáo, về nhà thì không có ai lo.

Bài THỦY NGÂN

Mision Palms Healthcare Center là nơi chăm sóc và chữa trị cho các cụ ông cụ bà già yếu không đi lại được, họ ở đây được thuốc thang và tập đi cho đến khi nào tự đi lại được thì sẽ về nhà. Đây là Trung Tâm y tế của chính phủ, tất cả những người già ở trong này từ 65 tuổi trở lên và có bảo hiểm chi trả mọi chi phí.

Xem Cuộc sống những người lớn tuổi ở Quận Cam (Kỳ 1)

Các cụ ông cụ bà tại trung tâm Mission Palms đang ngồi nghe hát ca cổ tại phòng sinh hoạt chung trong sáng thứ Sáu, ngày 12 tháng Tám, 2016. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Giờ giấc sinh hoạt ở đây cũng rất nề nếp, buổi sáng tại phòng sinh hoạt chung thường sẽ có tổ chức văn nghệ hoặc những hội đoàn tổ chức tôn giáo ghé thăm sinh hoạt và tặng quà, tất cả đều là những hoạt động thiện nguyện.

Một sáng thứ Sáu trong tháng Tám, khi phóng viên chúng tôi đến là có một nhóm ca cổ đang hát giúp vui các cụ. Ai thích nghe thì nghe, không thích thì được đẩy xe về phòng, ai muốn gì hay cần gì đều nói hoặc ra dấu cho nhân viên để họ giúp cho. Như có một cụ bà không nói được, bà hay la ơ ớ, nhân viên biết ý đưa nước hoặc bánh dỗ bà thì bà im.


Ông Võ Lạc, sau bữa cơm trưa, thay vì về phòng ngủ trưa thì ông tự đẩy xe lăn ra ngồi thơ thẩn một mình bên khung cửa, “Nhìn ra cảnh vật thấy buồn lắm cô à.” (Thủy Ngân/ Viễn Đông)



Sau khi đã cho đời hết tuổi thanh xuân, thời gian, sức khỏe, con người trở về với thân thể già nua, yếu ớt, rất cần sự chăm sóc và quan tâm của người khác. Và có đôi lúc họ hờn dỗi như những đứa trẻ, các nhân viên của trung tâm phải hết sức tinh ý, nhẹ nhàng kiếm cách dỗ dành họ.

Một số người yếu đuối, sống tình cảm cũng không tránh được sự buồn tủi, cô đơn trong lúc tuổi già. Số khác thì vẫn cố gắng sống với suy nghĩ tích cực.

Bà Vũ Yến, 68 tuổi, là một người như vậy. Có thể nói nhìn bà khá trẻ so với những cụ ông cụ bà khác trong trung tâm, bà mới vô trung tâm được ba tuần. Bà có một vết mổ chưa cắt chỉ khá dài kéo từ trên đỉnh đầu xuống tới mang tai, bà kể rằng bà mới mổ u não được vài tuần. Bà khoe bà đã có thể đi lại được quanh nhà nhưng do gia đình lo sợ bà bị té nên họ muốn bà ở lại đây.


Bà Vũ Yến có thể là một trong số ít người lớn tuổi đang bệnh tật nhưng vẫn suy nghĩ rất tích cực, luôn khen ngợi điều kiện y tế tại Mỹ. Bà nói, “An ủi là tôi ở đây, chính phủ lo hết, nếu ở Việt Nam chưa chắc sống được tới giờ.” (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Gia đình bà Yến sống gần trung tâm nên hàng ngày họ vẫn đến thăm bà. Bà đang cố gắng tập luyện để được đi lại bình thường, khỏe mạnh và về nhà. Khi được hỏi bà có thích nhạc người ta đang hát, bà nói bà thích nghe những bài nhạc xưa, vì theo bà những bài nhạc xưa có ca từ ý nghĩa hơn, hay hơn bây giờ.
Bà Yến có ba người con thì chỉ có một người con gái út là ở Mỹ, bà còn hai người con ở Việt Nam chưa qua, bà kể bà đã mở hồ sơ bảo lãnh cho họ nên chắc còn năm năm nữa họ sẽ qua tới. Mong ước lớn nhất của bà bây giờ là gì? “Tôi chỉ mong năm năm nữa khi con cháu tôi qua, tôi còn sống, tôi sẽ lo cho tụi nó có chỗ ở, cô biết đó bên này quan trọng cái chỗ ở lắm, rồi tụi nó còn phải học hành nữa.”

Người phụ nữ gầy còm, bệnh tật đó, tới lúc này vẫn chỉ nghĩ cho con cháu của mình. “Ý tưởng tôi sống thoải mái lắm, mình không giúp cho con mình thì thôi, mình đừng có đòi hỏi nó. Mà mình đừng có suy nghĩ nhiều chi mệt, cho buồn,” bà nói. Bà Yến không thích đồ ăn trong trung tâm, bà nói bà thích ăn đồ bà tự nấu hơn.


Cái máy màu xanh được gắn phía sau xe lăn của mỗi cụ là máy báo động, hễ khi nào có cụ đứng dậy đòi đi bộ thì máy sẽ kêu để nhân viên hoặc y tá biết chạy tới liền để khuyên các cụ ngồi xuống, nếu không các cụ sẽ té. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Còn cụ ông Richard Lê, 95 tuổi, có thể là một trong những cụ lớn tuổi nhất ở trong trung tâm. Ông mới đến được vài tháng, thì lại khen đồ ăn trong trung tâm rất ngon, nhưng ông là người ăn rất ít, mỗi bữa ông chỉ ăn chừng vài muỗng, ông được các y tá dỗ ăn thêm vì ông đang bị sụt ký.

Tuy đã tuổi cao, mắt mờ, răng rụng, tai lãng nhưng trí nhớ của ông vẫn còn tốt, ông móm mém cười và rất cởi mở khi chuyện trò với người lạ. Ông được người con gái duy nhất bảo lãnh sang Mỹ năm 1992. Lúc đó còn có vợ ông nữa, bà mất năm 2008. Ông kể là trước khi ông vô trung tâm, ông sống trọ một mình ở Westminster, không có ở chung với con cháu.

Một lần ông bị té, được đưa vô bệnh viện cấp cứu, sau đó thì được chuyển qua trung tâm Mission Palms cho tới nay. Con gái và những đứa cháu ngoại, nay đã có gia đình và công ăn việc làm ổn định, cũng thường đến thăm ông, mỗi ngày mỗi thăm, hoặc cách ngày.

Khi hỏi ông có bạn ở trong trung tâm hay không, ông nói, “Ít ai nói chuyện với ai quá à, mà mình cũng ít nói chuyện. Gặp mắt tôi nó mờ lắm hổng thấy rõ. Lỗ tai hơi lảng lảng không nghe rõ.”

Một ngày của ông cứ lặp đi lặp lại đều đặn. “Buổi sáng tôi thức dậy, có người take care riêng đó, lo cho tôi đi vệ sinh rửa mặt, thay quần áo cho tôi rồi đưa tôi lên đây (phòng sinh hoạt chung), ăn sáng ăn trưa ở đây. Ăn trưa rồi tôi về phòng nằm, không đi được đâu hết. Chân yếu lắm, không đi được. Mắt tôi mờ nhưng tôi múc tôi ăn được.”

Cụ Richard ở cái tuổi gần đất xa trời và con cháu đều yên bề gia thất, nên khi được hỏi có mong ước gì thì cụ lắc đầu, “Tôi không có mong ước gì nữa.”

Một người khác khi được hỏi có mong ước gì không, bà Tố Như, người đã ở trung tâm này được mấy năm rồi, òa khóc, “Tôi ước được sáng mắt, đi đứng khỏe mạnh để về sống với con gái tôi.”
Bà Như chỉ có một đứa con gái duy nhất làm nail, đang sống ở trên Bakersfield, vì ở xa và bận đi làm nên con gái bà cũng không thường xuyên thăm bà. Bà đến Mỹ năm 1985 và làm phụ bếp cho nhà hàng kể từ đó cho tới lúc đổ bệnh. Khi nghe khen tên bà đẹp, bà kể, “Ba tôi thích Truyện Kiều, nên khi má tôi đẻ tôi ra, ổng đặt tôi tên Tố Như.”

Bà nói lý do bà được đưa vào trung tâm, “Tôi bị té đó cô, ở nhà, tự nhiên khụy xuống, rồi đưa vô nhà thương, người ta mới đưa vô đây. Ai cũng phải từ nhà thương rồi mới được đưa qua đây.”
Khi chúng tôi chia tay các ông bà cụ để ra về, gần ra tới cửa thì gặp một ông cụ đang một mình nhìn ra cửa. Cụ ông tên Võ Lạc, 76 tuổi, vô trung tâm được năm tháng rồi, ông tự đẩy xe ra ngồi đó. Chúng tôi ngồi xuống hỏi thăm ông, ông cho biết trước khi qua Mỹ ông làm hiệu trưởng trường Nguyễn Huỳnh Đức nay đã được đổi tên thành Ngô Gia Tự bên quận 7 Sài Gòn, ông làm hiệu trưởng từ năm 24 tuổi và cho đến năm 1975 là 11 năm.


Bàn ăn trưa của các ông bà cụ tại trung tâm, thực đơn cho mỗi người là khác nhau, người nào khỏe có thể nhai nuốt tốt thì vẫn ăn cơm nguyên hạt, còn ai nhai yếu thì bếp sẽ xoay nhuyễn ra cho dễ ăn. Bữa trưa hôm thứ Sáu có cơm rau thịt và trái cây tráng miệng, nước thì có sữa và nước trái cây. Nhìn chung thì các cụ ăn ít, có cụ chỉ ăn vài muỗng là nói no rồi. Nhiều cụ không tự ăn được thì sẽ có người nhà hoặc các y tá phụ đút. (Thủy Ngân/ Viễn Đông)


Ông ngồi xe lăn 22 năm rồi. Khi được hỏi vì sao ông không đi ngủ trưa mà ra cửa ngồi, ông nói, “Tâm hồn thơ thẩn đó cô, nhìn ra cảnh vật nghĩ thơ, từ hồi tôi vô đây tới giờ nói ngay cũng có khi buồn, buồn không biết làm gì thì làm thơ.” Ông khoe ông đã làm được cả trăm bài thơ kể từ khi vô trung tâm, nhưng ông không nhớ bài nào để đọc ngay cho chúng tôi nghe, ông nói phải về phòng lấy tập thơ ra mới nhớ.
Ông kể, “Tôi vô đây có cái an ủi là mấy em học trò cũ qua đây thăm, Việt Nam, Âu Châu, Úc Châu, các tiểu bang khác về đây.”

Ông Lạc còn vợ và con cháu hiện sống cũng gần trung tâm, nhưng ông không muốn họ vào thăm ông nhiều, ông nói, “Sống được ngày nào hay ngày nấy, đừng bận tâm gì hết, rảnh vô thăm, không rảnh thì thôi. Đến khi mất, mất hôm nay, mai đi thiêu, gọn nhẹ thôi.”

Ông nói tiếp, “Cô mới vô cô chưa thấy, tôi mới vô tôi không dám vô đây (phòng sinh hoạt chung) ăn. Mấy cụ già người thì ngước mặt lên trời, người thì gầm mặt xuống, thấy nó chán đời lắm. Nhưng mà sau, cách gần hai tuần, có một ông bệnh vô chung phòng, đi cầu này kia tùm lum hết, ở trong phòng tôi ăn không được nên chạy lên đây. Coi như giờ ăn để sống đó cô.”


Cụ Richard Lê, 95 tuổi, cho biết cụ thường xuyên bị mất ngủ, nhưng do đi lại khó khăn nên cụ chỉ nằm trên giường chờ trời sáng. “Tôi mất ngủ, như đêm hôm này tôi ngủ có một tiếng từ 9 giờ rưỡi tới 10 giờ rưỡi, tôi thức cho đến bây giờ, khó ngủ lắm, mà thấy không mệt lắm.” (Thủy Ngân/ Viễn Đông)

Ông hay lặp lại, “Ở đây có những cảnh đời làm sao đâu.”
Khi được hỏi ông có mong ước gì không, ông nhìn xa xăm và trả lời, “Đã từ lâu rồi, có mong ước được về Việt Nam, được chết ở quê hương thôi, nhưng mà bây giờ thì thôi, không có hi vọng.”

Cô An Lê, giám đốc phụ trách phòng sinh hoạt chung, cho biết trung tâm cố gắng giúp đỡ cho các cụ hòa nhập với nơi đây, nhiều người mới vào chưa quen rất dễ u uất, nhân viên và các y tá phải nhẹ nhàng khuyên giải bệnh nhân. Cô nói, “Không được trói buộc bệnh nhân, không được cho thuốc an thần. …] Người ta phải check những cái đó hết đó. Thành ra ở đây không có làm giống như kiểu bậy bạ được đâu, phải có quy luật hết trơn.”

Nhưng do ở trung tâm nhiều cụ cần chăm sóc đủ mọi nhu cầu về thể chất, nên thời gian trò chuyện với từng cụ cũng khá hạn hẹp. Và theo chị An một số cụ sau khi đi lại bình thường, được cho về nhà thì lại muốn ở đây, vì ở trung tâm được chăm sóc chu đáo, về nhà thì không có ai lo.

Và nhìn về mặt tích cực, cuộc sống của người lớn tuổi ở Mỹ nhất là những người già yếu, bệnh tật được chính phủ chăm lo rất tử tế, nhưng về mặt tình cảm vẫn có những khoảng trống không thể nào lấp đầy. Giống như ông Lạc nói, “Ở đây được cái là người ta lo cho mình, nhưng nó buồn, ngày tháng đi qua mình hông biết, không có lịch, không có biết ngày tháng, ở đây chỉ có dịp nhìn về cuộc đời thôi.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT