Thế Giới

Cựu thủ hiến Catalonia không xin tị nạn

Tuesday, 31/10/2017 - 08:25:34

Khi bị hỏi về việc khi nào ông sẽ quay trở lại Barcelona, Puigdemont nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm sự bảo đảm từ Madrid. Việc chúng tôi có trở về Catalonia hay không sẽ phụ thuộc vào điều này.



Cựu lãnh đạo Catalonia tuyên bố ông không xin tị nạn chính trị tại Bỉ, nhưng cũng sẽ không trở về Tây Ban Nha cho tới khi được đảm bảo an toàn. "Tôi không ở đây để xin tị nạn chính trị," ông Carles Puigdemont hôm thứ Ba nói trong cuộc họp báo tại Brussels, xung quanh là các viên chức trong chính quyền bị giải tán của ông. "Tôi ở Brussels, thủ đô của châu Âu. Tôi ở đây để hành động một cách tự do và an toàn." Ông Puigdemont tránh né câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có quay lại Tây Ban Nha hay không, nơi ông có thể bị truy tố tội nổi loạn và xúi giục nổi loạn, có thể dẫn đến án tù tới 30 năm. 
Khi bị hỏi về việc khi nào ông sẽ quay trở lại Barcelona, Puigdemont nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm sự bảo đảm từ Madrid. Việc chúng tôi có trở về Catalonia hay không sẽ phụ thuộc vào điều này. Chúng tôi không tránh né pháp quyền và chúng tôi sẽ không trốn tránh trách nhiệm, nhưng chúng tôi cần sự bảo đảm." Cựu thủ hiến Catalonia cũng cho rằng chính phủ Tây Ban Nha phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực, gây ra "hỗn loạn" khi ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai bất hợp pháp ngày 1 tháng 10. 
Ông Puigdemont đang tham vấn với các luật sư tại Brussels về tình trạng của ông, sau khi chính phủ Tây Ban Nha khởi động Điều 155 Hiến Pháp để đưa Catalonia trở về dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương. Đây là lần đầu tiên ông Puigdemont phát biểu trước công chúng kể từ khi bị phế truất. Tây Ban Nha tuyên bố nắm quyền kiểm soát trực tiếp vùng Catalonia hồi cuối tuần trước, sau khi ông Puigdemont lãnh đạo chính quyền địa phương tuyên bố thành lập nước cộng hoà mới. Chính phủ Tây Ban Nha đã cách chức ông cùng nội các ngay lập tức, giải tán quốc hội địa phương, và kêu gọi bầu cử sớm.

Bắc Hàn: Sập hầm, 200 người có thể đã chết
Một hãng truyền thông Nhật đưa tin, khoảng 200 công nhân có thể đã thiệt mạng sau khi một đường hầm đang xây dựng ở khu thử hạt nhân của Bắc Hàn bị sập. Theo đó, khoảng 100 người đã bị kẹt bên trong một đường hầm xây dở tại khu thử hạt nhân Punggye-ri của Bắc Hàn khi vụ sập hầm xảy ra. Khoảng 100 người khác có thể đã chết khi đang cố cứu sống những người mắc kẹt thì hầm tiếp tục sập lần thứ 2.
Vụ sập hầm được cho là xảy ra ngày 10 tháng 10, hậu quả của vụ thử hạt nhân ngày 3 tháng 9. Các chuyên gia từng cảnh báo, khu thử hạt nhân của Bắc Hàn đã "kiệt sức" và trở nên thiếu ổn định, sau 6 lần thử hạt nhân, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Vụ thử hạt nhân gần nhất diễn ra hồi tháng 9 và là lần thử mạnh nhất. Hôm thứ Hai, Cơ quan Khí tượng Nam Hàn Nam nói, một vụ thử hạt nhân nữa có thể khiến ngọn núi ở khu thử hạt nhân bị lở và làm rò rỉ phóng xạ.

Máy bay Trung Quốc nghi tập ném bom đảo Guam
Viên chức quân sự Hoa Kỳ cho rằng không quân Trung Quốc đã diễn tập ném bom đảo Guam trên Thái Bình Dương. Một số viên chức quân sự Hoa Kỳ ẩn danh cho biết, Trung Quốc đã đưa các máy bay ném bom tới khu vực lân cận đảo Guam của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương, và diễn tập tấn công hòn đảo này. Theo các viên chức, trong quá trình diễn tập ném bom, các máy bay Trung Quốc cũng bay gần không phận thuộc tiểu bang Hawai của Hoa Kỳ.
Guam là căn cứ quan trọng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Các thiết bị Không quân chiến lược đóng tại căn cứ Andersen trên đảo giúp duy trì sự hiện diện của chiến đấu cơ Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giúp phô trương sức mạnh của Washington và đồng minh trước Bình Nhưỡng. Bắc Hàn từng đe dọa sẽ phóng hỏa tiễn đến hòn đảo này khi đáp trả lời đe dọa của Tổng Thống Donald Trump. Dù căng thẳng với Bắc Hàn vẫn còn cao, nhưng xung đột với nước này vẫn được coi là "cuộc chiến chúng ta có thể thắng," theo các viên chức. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là "một thách thức lâu dài" và đáng lo ngại của Hoa Kỳ trong khu vực.

Đức phá âm mưu đánh bom khủng bố
Nhà chức trách Đức hôm thứ Ba cho biết, cảnh sát vừa bắt giữ một nghi can 19 tuổi người Syria, bị nghi đang âm mưu thực hiện một vụ đánh bom ủng hộ Hồi giáo, với mục tiêu giết hại càng nhiều người càng tốt. Bộ Trưởng Nội Vụ Thomas de Maiziere nói, các lực lượng an ninh đã ngăn cản được một âm mưu khủng bố rất lớn.
Nghi can, được xác định là Yamen A., đã liên lạc qua mạng với các phiến quân Hồi giáo. Yamen A. bị bắt vào sáng sớm thứ Ba, tại thị trấn Schwerin vùng đông bắc nước Đức. Cảnh sát đã lục soát nhà nghi can, và nhà của một số người khác không liên quan trực tiếp tới vụ án. Phòng công tố cho biết, theo điều tra, vào khoảng tháng 7, 2017, Yamen A. đã quyết định sẽ cho nổ một trái bom trong nội bộ nước Đức, để sát hại hoặc làm bị thương nhiều người nhất có thể. Sau đó, kẻ này bắt đầu tìm mua vật liệu và hóa chất cần thiết để chế tạo bom. Hiện chưa rõ nghi can có xác định mục tiêu cụ thể để đánh bom hay chưa.
Nghi can đã đặt mua nhiều hóa chất trên mạng, đồng thời cũng mua thêm 2 radio, pin, và pin điện thoại, cho thấy hắn ta định thực hiện một vụ nổ được điều khiển từ xa bởi sóng radio hoặc sóng điện thoại. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy Yamen A. là thành viên của tổ chức khủng bố. Nhà chức trách không cho biết nghi can đến Đức vào thời điểm nào. Thủ Tướng Đức Angela Merkel, người đang cố gắng thành lập một chính phủ liên minh, đã bị chỉ trích vì cho phép hơn 1 triệu người nhập cư vào Đức trong vòng 2 năm qua, với đa số đều là người tị nạn đến từ Syria.

Bahrain giới hạn người đến từ Qatar
Chính phủ Bahrain đã yêu cầu các công dân và cư dân Qatar nay phải xin visa trước khi muốn đến Bahrain - hành động mới nhất cho thấy mâu thuẫn ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vẫn đang tiếp tục kéo dài. Bộ Nội Vụ Bahrain hôm thứ Ba cho biết, quyết định yêu cầu visa đối với những người đến từ Qatar là nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia." Cơ quan này thêm rằng, nguyên nhân của quyết định này là vì việc Qatar "tăng cường quan hệ với Iran," và cung cấp "nơi trú ẩn" cho những kẻ đào tẩu đang đe dọa tới an ninh của Bahrain.
Các nước Bahrain, Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), và Ai Cập, đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar vào đầu tháng 6, vì cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố. Qatar luôn bác bỏ các cáo buộc này. Bốn nước nêu trên đã ngừng các chuyến bay thẳng đến Qatar, trục xuất công dân Qatar, và chỉ miễn trừ cho các gia đình đa quốc tịch.

Tổng thống Nga sắp công du Iran

MOSCOW - Điện Kremlin hôm thứ Ba cho biết, Tổng Thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Tehran, thủ đô Iran, vào thứ Tư. Tại đây, ông Putin sẽ gặp gỡ Tổng Thống Iran Hassan Rouhani và quyền lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei, để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria và việc hợp tác năng lượng. Ông Putin cũng sẽ tham dự một cuộc họp chung với Tổng Thống Rouhani và ông Iham Aliyev, Tổng Thống Azerbaijan, trong thời gian ở Tehran. Đại diện Kremlin sau đó thêm rằng, các cuộc đàm phán cũng sẽ tập trung vào việc hợp tác kinh tế, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và xây dựng đường sắt.
Tổng Thống Putin từng gặp ông Rouhani vào tháng 5 năm nay, khi Tổng Thống Iran đến thăm Moscow. Trong cuộc gặp khi đó, hai quốc gia đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, hầu hết là trong lĩnh vực năng lượng. Lúc đó, ông Putin nói rằng, quan hệ của Iran và Nga đã phát triển hơn 70% trong năm 2016. Ngoài quan hệ kinh tế, Nga và Iran còn là 2 đồng minh chính của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, và đã đóng góp nhiều nguồn lực quân sự để giúp ông al-Assad duy trì chính quyền, chống lại các tổ chức khủng bố và các lực lượng đối lập. Nga luôn khẳng định rằng, sự hiện diện quân sự của nước này tại Syria là điều cần thiết, để giúp Damacus chống lại Nhà Nước Hồi Giáo. Nga cũng là nước luôn khẳng định rằng, Iran không vi phạm thỏa thuận nguyên tử quốc tế, và cảnh báo việc Hoa Kỳ rời khỏi thỏa thuận này sẽ đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Iran: Hỏa tiễn không thể bắn tới Hoa Kỳ
Tư lệnh lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran thừa nhận, lãnh tụ tối cao nước này đã giới hạn việc phát triển tầm bắn của hỏa tiễn, nên chúng không thể phóng tới Hoa Kỳ như hỏa tiễn Bắc Hàn. Tướng Mohammad Ali Jafari, tư lệnh lực lượng vệ binh, cho biết Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei, đã yêu cầu những hỏa tiễn do nước này sản xuất không được vượt quá 2,000 cây số. Phạm vi này khiến chúng chỉ có thể bắn tới những mục tiêu trong khu vực Trung Đông, chứ không thể tấn công lục địa Hoa Kỳ.
Đây là lần đầu tiên viên chức quân sự Iran thừa nhận sự hạn chế trong chương trình hỏa tiễn của nước này. Nó cũng phù hợp với việc Tehran luôn khẳng định việc phát triển vũ khí chỉ nhằm mục đích tự vệ; khác hẳn với việc Bắc Hàn chế tạo vũ khí gây ra mối đe dọa trực tiếp tới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tầm bắn 2,000 cây số của hỏa tiễn Iran vẫn khiến các đối thủ của nước này ở Trung Đông lo ngại. Israel và các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trong khu vực hoàn toàn nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Iran.
Tướng Jafari nói, ông không nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra giữa Hoa Kỳ và Iran. "Họ biết rằng, nếu gây ra chiến tranh với Iran thì Hoa Kỳ chắc chắn sẽ là bên thua cuộc. Do vậy, Hoa Kỳ sẽ không dám phát động chiến tranh." Washington đã ra lệnh cấm vận với Iran hồi tháng 2, sau khi Tehran phóng thử hỏa tiễn đạn đạo. Tổng Thống Donald Trump cũng đang xem xét việc rút Hoa Kỳ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran đạt được dưới thời Tổng Thống Obama.

Bắc Hàn bị tố trộm thiết kế tàu ngầm Nam Hàn
Bắc Hàn bị cáo buộc lấy trộm các thiết kế tàu chiến Nam Hàn, sau khi đột nhập vào kho dữ liệu một hãng đóng tàu hồi năm ngoái. "Chúng tôi gần như chắc 100% rằng, các hacker Bắc Hàn đứng sau vụ tấn công mạng, lấy trộm những tài liệu nhạy cảm của công ty," theo lời ông Kyung Dae-soo, dân biểu đảng Nam Hàn tự do, đảng đối lập chính ở nước này, cho biết hôm thứ Ba.
Hãng đóng tàu Daewoo đã đóng nhiều tàu chiến Nam Hàn, trong đó có một tàu lớp Aegis và các tàu ngầm. Nhiều khả năng Bắc Hàn đã có được bản thiết kế của chúng, ông Kyung nói. Vụ tấn công điện toán được một đơn vị điều tra tội phạm mạng, thuộc Bộ Quốc Phòng Nam Hàn, phát hiện. Ông Kyung đã nghe báo cáo về cuộc điều tra. Tuy nhiên, đội điều tra không cho biết các tài liệu bị mất có tính bảo mật đến đâu. Giới truyền thông Nam Hàn đưa tin, có khoảng 60 tài liệu quân sự mật trong số 40,000 tài liệu bị trộm từ hãng đóng tàu.
Phát ngôn viên hãng Daewoo cho biết, họ vẫn chưa hay biết về vấn đề và công ty đang điều tra về lời nói của ông Kyung. Đội điều tra xác định Bắc Hàn gây ra vụ tấn công điện toán, vì cách thức thực hiện rất giống các cuộc tấn công khác mà Bình Nhưỡng được cho là chịu trách nhiệm.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT