Người Việt Khắp Nơi

Cựu viên chức Canada hồi tưởng về việc cứu vớt thuyền nhân Việt Nam

Sunday, 02/07/2017 - 04:21:40

Bà nói, "Chúng tôi quyết định thống nhất là bất cứ ai có thể trả lời Có là chúng tôi nhận." Những người đó được đưa lên phi cơ tại Kuala Lumpur, sau đó bay sang Canada."

Trong thời gian gần đây, truyền thông Canada đã đăng nhiều bài phóng sự về người tị nạn Việt Nam, gợi nhắc tinh thần bao dung mà chính phủ Canada từng có và nên tiếp tục trong thời nay, khi mà người tị nạn từ các quốc gia đang ngập trong chiếc tranh cần sự trợ giúp, và nhất là trong thời chính phủ Hoa Kỳ không còn xem trọng sự bao dung này. Dưới đây là bài phóng sự được đài CBC loan tải ở Canada vào cuối tháng Sáu 2017.


Bà Margaret Tebbutt là một trong số ít nữ viên chức Canada làm việc tại trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai Á, năm 1979. (Margaret Tebbutt)


Mùa thu năm 1979, bà Margaret Tebbutt, 31 tuổi, một viên chức làm công việc cấp visa tại Bộ Ngoại Giao Canada, là cư dân thành phố Calgary, đã lên một chiếc phi cơ nhỏ để bay đến bờ biển phía đông Mã Lai Á. Trong ngày hôm đó, Margaret Tebbutt nhận làm một công việc mà nay điều đó được gọi là "nhiệm vụ lịch sử."

Bà Margaret nhớ lại, "Từ địa điểm đó, chúng tôi tự vác tất cả mọi hành lý cá nhân lẫn hàng chục tạ hồ sơ - đây là thời đại tiền máy tính mà - lên một chiếc thuyền đánh cá, tự chèo trong khoảng một giờ để đến trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong."

Bà Margaret là một trong vài chục viên chức ngoại giao, đảm trách về người nhập cư Canada, được cử tới trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong, sau cuộc chiến Việt Nam. Chương trình này được chính phủ Bảo Thủ của Thủ Tướng Joe Clark (thời bấy giờ) bảo trợ cho các địa phương xa xôi ở Đông Nam Á, nhằm mục đích đưa hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam sang Canada như những người tị nạn.


Ông David Ritchie làm việc với một nhóm trẻ em tị nạn Việt Nam tại Bidong. Trong số 60,000 người tị nạn năm 1979–80, thì một-phần-ba dưới 14 tuổi. (David Ritchie)

Sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng Tư 1975, Cộng Sản Bắc Việt tràn vào vào chiếm đóng toàn miền Nam Việt Nam, làn sóng di cư của người dân diễn ra, rời khỏi đất nước để thoát chế độ Cộng Sản. Câu nói truyền miệng thời bấy giờ là, "Cột đèn mà biết đi, nó cũng vượt biên qua Mỹ."

Ông Ron Atkey, Bộ trưởng Bộ Di Trú Canada vào thời đó, gọi đây là "nỗ lực tái định cư lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong lịch sử Canada." Nhiều người tin rằng chương trình người tị nạn Việt Nam tạo nguồn cảm hứng cho chương trình người tị nạn Syria ngày nay. Câu chuyện của thuyền nhân Việt Nam và vai trò của nhân viên chương trình nhập cư Canada cũng được đưa vào cuốn Heritage Minute, vừa được phát hành vào tuần trước.


Gerry Campell (bên trái) và Dick Martin (bên phải) làm việc với ba thông dịch viên tại Pulau Tenga, Mã Lai Á. (Gerry Campbell)

Bà Margaret đã nghỉ về và hiện đang sống ở Vancouver, nhớ lại, "Khi chúng tôi đến đảo Pulau Bidong, chúng tôi nhìn thấy những chiếc thuyền gỗ vỡ nát, bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, và hàng chục tấm lều vải của Liên Hiệp Quốc mọc trên những sườn đồi như những chiếc nấm to. Chúng tôi tới nơi, dựng bàn ghế để tiến hành phỏng vấn, với sự giúp đỡ của nhiều thông dịch viên tình nguyện. Hôm đó, chúng tôi ngủ qua đêm trên đảo, ngủ ngay trên bàn phỏng vấn."

Câu chuyện của bà Margaret và của nhiều nhân viên chương trình nhập cư Canada khác được kể trong một cuốn sách mới, "Running on Empty: Canada and the Indochinese Refugees, 1975-1980” (Với Hai Bàn Tay Trắng: Canada và Người Tị Nạn Đông Dương, 1975-1980." Nhân viên chương trình nhập cư, hầu hết đều ở độ tuổi đôi mươi, đưa 70,000 người tị nạn Việt Nam vào Canada trong vòng 5 năm. Đa số rời khỏi Việt Nam trong vòng 18 tháng.

Ông Mike Molloy, một trong bốn đồng tác giả của cuốn sách, từng là điều phối viên của chương trình nhập cư tại Ottawa vào thập niên 1970. Lúc đó ông khoảng 30 tuổi, làm việc dưới quyền Bộ trưởng Ron Atkey.

Trong một cuộc phỏng vấn ở Ottawa, ông Mike cho viết, "Mùa thu năm 1978, số thuyền nhân tị nạn từ Việt Nam đến Mã Lai Á, Indonesia và Hồng Kông tăng vọt. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 1979, có hơn 100,000 người, tràn ngập các trại tị nạn. Liên Hiệp Quốc mô tả tình huống này là cuộc khủng hoảng tị nạn tệ nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, và cảnh cáo nếu Hoa Kỳ, Canada và Úc không bắt đầu nhận thêm người, thì hàng ngàn người khác có thể chết."

Mùa hè năm 1979, tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, trong một cử chỉ hào phóng, Ngoại trưởng Canada Flora MacDonald, tuyên bố vào rằng Canada sẽ tái định cư cho 50,000 người.

Báo chí và truyền hình đưa tin về thuyền nhân tạo nên một ảnh hưởng lớn. Ông Mike nhớ lại rằng Bộ Trưởng Ron bị tác động bởi cuốn sách mà ông đọc, "None Is Too Many: Canada and the Jews of Europe 1933-1948," nội dung nói về người Canada từng quay lưng với người tị nạn Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Bộ Trưởng Ron hỏi các đồng nghiệp, "Chúng ta muốn đước thế giới nhắc tới như thế nào?" Lập tức sau đó, viên chức phòng cấp visa Bộ Ngoại Giao được cử tới vùng Đông Nam Á vào cuối tháng 8, và đầu tháng 10, họ bắt đầu đưa người tị nạn Việt Nam sang Canada. Trung bình mỗi tháng 5,000 người.

Ông Mike cho biết lúc đó, người tị nạn ở rải rác trong 70 trại của 9 quốc gia khác nhau, do đó, người của ông phải thuê các phương tiện khác nhau (kể cả trực thăng) để tới các trại tị nạn.

Bà Margaret là một trong ba nữ nhân viên chương trình nhập cư Canada tham gia vào hoạt động nhân đạo này. Bà từng có chút kinh nghiệm trong công việc. Năm 1975, bà giúp đưa người Canada ở Sài Gòn di tản sau khi Hòn Ngọc Viễn Đông rơi vào tay Cộng sản.

Ở mỗi trại, bà Margaret lắng nghe câu chuyện về cuộc chạy thoát kinh hoàng của từng người, bà không thể tưởng tượng ra cảnh thuyền nhân bị đẩy xuống biển và nhiều người chết đuối. Bà cũng nghe chuyện của phụ nữ Việt Nam bị hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp. Bà Margaret cùng nhóm viên chức Canada làm việc hầu như suốt ngày trong cái nóng ẩm thấp của miền nhiệt đới, để có thể phỏng vấn càng nhiều gia đình càng tốt. Họ chỉ ăn mì gói và uống nước trà xanh. Ông Mike nhấn mạnh họ là những người quả cảm và dai lỳ nhất mà ông nhớ tới.

Bà Margaret cho biết cuộc phỏng vấn thường kéo dài từ 5 đến 10 phút. Bà nói, "Chúng tôi hỏi xem họ có bất cứ mối liên hệ nào ở Canada không. Hỏi họ có biết nói tiếng Pháp hay tiếng Anh không. Nhiều người được huấn luyện để nói mỗi chữ Có.”

Bà nói, "Chúng tôi quyết định thống nhất là bất cứ ai có thể trả lời Có là chúng tôi nhận." Những người đó được đưa lên phi cơ tại Kuala Lumpur, sau đó bay sang Canada."

Ông Mike nhớ lại, nhóm viên chức chương trình di cư thực sự tuyệt vời. Họ làm việc độc lập nhưng có hiệu quả. Thời đó, không Internet, không computer, không điện thoại di động, rất ít liên lạc với Ottawa, nhưng mỗi ngày, họ có thể phỏng vấn 100 người. Họ làm việc theo ba quy tắc sau đây: 1. Không bao giờ chia cắt gia đình; ông bà cũng là thành viên của gia đình;  2. Không bao giờ cho phi cơ cất cánh nếu còn một chỗ trống, và 3. Làm tất cả mọi điều tốt đẹp trong khả năng cho người tị nạn.

Bà Margaret nhớ lại một buổi phỏng vấn mà bà nhớ nhất. Người đàn ông đó đi một mình, lúc nào cũng hét lên, "Việt Nam! Việt Nam!" Người đó không thể trả lời được mọi câu hỏi, dù một thông dịch viên tình nguyện cố gắng nói tiếng Việt thật rõ ràng. Có lẽ người này bị một chấn động tâm lý nặng nề tới mức chỉ có thể gọi được tên quê hương yếu dấu, "Việt Nam!"

Nhìn lại, bà nói, “Đó là thời điểm đẹp nhất trong cuộc đời chúng tôi. Chúng tôi đã làm những việc tốt.”
Còn ông Molloy says, “Sau này tôi có một sự nghiệp rất tốt đẹp, nhưng so với thời gian làm việc ở trại tị nạn, tôi cảm thấy mình đã làm một công việc rất quan trọng, rất có ý nghĩa.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT