Người Việt Khắp Nơi

Dạ tiệc tri ân phụ mẫu mùa báo hiếu

Monday, 15/08/2011 - 02:26:19

Vào dịp lễ Vu Lan, mùa của rộn ràng yêu thương, mùa của báo hiếu-tri ân mẹ, cha, xum vầy, mùa của báo ân tổ tiên, gia đình, thân tộc…

Đài Little Saigon Radio và Hồn Việt TV




Ông Vũ Quang Ninh (áo gấm xanh, bên trái) đang chúc mừng hai vị cao niên trúng giải độc đắc trong đêm dạ tiệc cao niên lần thứ 18 - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông


Băng Huyền/Viễn Đông


WESTMINSTER - Đã 18 năm qua, cứ đều đặn vào dịp lễ Vu Lan, mùa của rộn ràng yêu thương, mùa của báo hiếu-tri ân mẹ, cha, xum vầy, mùa của báo ân tổ tiên, gia đình, thân tộc…, đài phát thanh Little Saigon Radio và sau này có thêm Hồn Việt TV cùng kết hợp, đã tổ chức “Ngày Vinh Danh Bậc Sinh Thành” với buổi dạ tiệc và âm nhạc dành cho quý vị cao niên.

Năm nay, dạ tiệc đã diễn ra tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster, vào tối Thứ Sáu, ngày 12-8-2011 vừa qua, với gần 500 người, trong đó khoảng 300 vị cao niên, cùng con cháu của họ đến tham dự. Đến dự tiệc, mọi người đều mua vé ủng hộ 25 Mỹ kim, kèm theo tấm vé số, để có cơ hội trúng thưởng những món quà giá trị của các nhà bảo trợ. Riêng những cụ ông, cụ bà từ 90 tuổi trở lên, cùng vị phối ngẫu (không hạn tuổi) nhận được 2 vé mời dự tiệc và vé số.


* Dạ tiệc tri ân

Lần này, cụ bà Trần Thị Nghiên (111 tuổi) và cụ ông Mai Hữu Ngọc (103 tuổi) là 2 vị cao niên nhất trong dạ tiệc, đã được ban tổ chức vinh danh đặc biệt.




Cụ bà Trần Thị Nghiên (111 tuổi) cùng 2 con gái, thường xuyên có mặt hằng năm trong dạ tiệc cao niên - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông


Vì tuổi hạc đã cao, giọng nói yếu ớt, bước đi phải có người dìu, nâng, nên khi lên sân khấu để phát biểu vài lời, cụ bà Trần Thị Nghiên không nói gì nhiều, chỉ là lời cảm tạ chân thành, mộc mạc, gửi đến ban tổ chức và mọi người tham dự, nhưng cũng đủ sưởi ấm bao trái tim có mặt trong buổi dạ tiệc, không chỉ từ phía các con của cụ, mà còn với những người con khác cùng tham dự với mẹ cha.

Bởi trong mỗi người Việt, dù đã chọn xứ người để làm quê hương thứ hai, thì nguồn cội văn hóa, mừng thọ cha mẹ, ông bà, vinh danh bậc sinh thành đã có công dưỡng dục vào dịp lễ Vu Lan, vẫn luôn luôn là nét đẹp được trân trọng, giữ gìn.

Thay mặt ban tổ chức, ông Vũ Quang Ninh, tổng giám đốc đài Little Saigon Radio, đã cám ơn sự tham dự của các cụ cao niên, nhờ các cụ (và cả những người con đã đưa các cụ đến), ban tổ chức mới có được sự thành công cho buổi tiệc, để ban tổ chức hằng năm được gặp lại những khuôn mặt quen thuộc, và quen thêm những gương mặt mới. Ông cũng không khỏi bùi ngùi, năm nay đã thiếu vắng vài cụ, vì hiện nay đang nằm nhà thương điều trị.

Ông cũng không quên gửi lời cám ơn các mạnh thường quân đã bảo trợ cho buổi dạ tiệc cao niên, những món quà sổ xố, đem niềm vui lại cho người tham dự, cám ơn các ca nghệ sĩ đến góp lời ca tiếng hát không nhận thù lao, và hy vọng sang năm, ban tổ chức sẽ tiếp tục được gặp lại các cụ vẫn mạnh khỏe và yêu đời, trong ngày vinh danh đấng sinh thành kế tiếp.

Đến tham dự, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa, Nghị Viên Tạ Đức Trí, Nghị Viên Frank Fry, thành phố Westminster, cũng đã gửi lời chúc mừng các cụ cao niên, riêng NV Frank Fry rất “nịnh đầm” khi ông gửi đến lời cảm ơn những bà mẹ, ông nói, “nếu không có phụ nữ, thì thế giới này sẽ ra sao, không có những người mẹ, thì làm sao có những người chăm sóc những ông chồng vụng về như tôi!”

Ông Bùi Bảo Trúc đã lên chia sẻ vài điều về tuổi già. Rất dí dỏm, ông nói: “Chúng tôi không già chút nào cả. Càng ngày chúng tôi càng trẻ ra, theo cuộc nghiên cứu mới đây cho biết, ngày nay người ta trẻ hơn hồi trước khoảng 20 tuổi.

Ví dụ so với mấy chục năm trước, ngày nay tuổi 60 chỉ tương đương với tuổi 40 trước đây.

Thời trước, chỉ mới ngoài 40 là đã được gọi bằng cụ rồi, nhiều khi là gọi theo chức vụ, như ông bố của tôi, khi 40 tuổi được gọi là cụ hiệu trưởng.

Giờ 40 tuổi, ai mà gọi cụ?

Mấy tháng trước, tôi nhận được thư từ gửi về đài, đề cho tôi gửi cụ. Tôi ngạc nhiên quá, vì mình nghĩ làm sao mình có thể là cụ được”.

Và ông cũng chia sẻ thêm: “Khi nào người ta nói tôi già quá, tôi tìm ra một câu để đáp lại. Này, già là khó lắm, đừng có giỡn”.

Vì ông cho rằng tuổi thọ của người dân ở những quốc gia như Phi Châu chỉ là 35-36 tuổi. Vì đói khát, chiến tranh, đảo chính, giết nhau. Hay tuổi thọ được tính ở Việt Nam đâu quá 60.

Nói riêng với phóng viên Viễn Đông, ông Bùi Bảo trúc chia sẻ:

Với tôi, mình sống tuổi nào, nên vui tuổi đó, tôi không muốn tôi sẽ sống đến 90… mà phải nằm một chỗ, dây nhợ lung tung, hoặc gật gù ngồi ghế xích đu nhìn ra ngoài. Tôi chỉ vui, nếu còn tự lái xe, chạy đi ăn tôi mì, đi thăm con, cháu, đi gặp bạn bè, đi du lịch…”.

Như để nói thay cho thật nhiều người như mình, ông Bùi Bảo Trúc tâm sự: “Mỗi sáng dậy, khi tôi vẫn còn muốn mở điện toán lên đọc tin tức, nghĩ suy gì, thì ngồi viết xuống. Đôi khi đi ra ngoài gặp những người vừa đọc bài mình xong, đến vỗ vai, bắt tay mình… thì đó mới là niềm vui sống của tôi - lứa tuổi đã bước vào thất thập cổ lai hy”.

Ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc chương trình của đài Little Saigon Radio cho biết: “Khi sang đây, ai cũng muốn duy trì văn hóa của mình, duy trì phong tục tập quán của mình, và người Việt Nam có nói, đó là kính già thì già mới để tuổi cho. Từ khi thành lập từ năm 1993 đến nay, đài Little Saigon Radio mỗi năm đều tổ chức ngày lễ này, chúng tôi cố gắng biến đây thành phong tục tập quán tốt cho cộng đồng. Vì chúng tôi luôn luôn muốn giữ cái gốc của mình. Gốc có vững, thì ngọn mới đâm chồi nảy lộc”.

Ông Nguyễn Hữu Công nói thêm: “Bố mẹ tôi mất sớm, nhưng năm nào cũng vậy, nhìn thấy các cụ đến dự dạ tiệc, tôi thấy đó là cha mẹ tôi, là anh, chị của tôi.

Cộng đồng của chúng ta mỗi ngày một mạnh lên, yêu thương nhau hơn, và các cụ sang đây sống khỏe hơn, đẹp hơn, yêu đời hơn, đó là điều rất tốt cho cộng đồng chúng ta”.


* Tấm lòng của những người thực hiện


Dạ tiệc với những món ăn ngon được bày lên, trên sân khấu, ban nhạc The Friends với nghệ sĩ violon Luân Vũ và nghệ sĩ piano Vương Hương, cùng các ca sĩ Kevin Khoa, MC Đỗ Thanh, ca sĩ Lan Chi, Thái Mỹ, Phạm Sỹ Phú, Đỗ Khải An… đã gửi đến người tham dự những tiếng hát, lời ca về ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ vốn đã tha thiết càng trở lên nôn nao hơn. Các ca khúc không chỉ làm rưng rưng xúc động cho những ai đã mất đi một trong hai song thân, mà còn làm thổn thức bất kỳ ai vẫn còn diễm phúc còn cha, còn mẹ.

Với họ, cha mẹ, hai tiếng gọi đơn sơ mà cao quý vô cùng, những tiếng lòng từ các ca khúc của các nhạc sĩ, và ca sĩ thể hiện đã nói thay cho họ rất nhiều, ngợi ca những đôi chân phong trần đã bao năm nắng mưa xuôi ngược của bậc sinh thành, những đôi tay đã chai sần nắng gió để đổi lấy nụ cười, niềm vui cho các con….

Cảm động với sự ân cần của các thành viên trong ban tổ chức dành cho mình, cụ ông Mai Hữu Ngọc (103 tuổi) đến từ thành phố Cosa Mesa, nói với phóng viên nhật báo Viễn Đông: “Đây là lần thứ hai tôi tham dự dạ tiệc này, năm ngoái có bà nhà tôi đi cùng, nay bà không đi được vì đang nằm nhà thương, vì bệnh tiểu đường, nay bà đã yếu lắm rồi (ngoài 90 tuổi), không biết sẽ ra đi lúc nào. Tôi được cháu đưa đến dự tiệc này, rất cám ơn ban tổ chức, và xin gửi đến mọi người lời chúc sức khỏe và an lành”. Ông cho biết, ông là con dân của vùng đất Bùi Chu-Phát Diệm, di cư vào Sài Gòn từ năm 1954, khi xưa, ông vốn là một thợ thêu truyền thần, từng có xưởng thêu với 100 người thợ.

Ông và gia đình vượt biên đến Mỹ gần 30 năm. Trong số 8 người con của mình, ông nói không có ai nối nghề của ông hết, ngậm ngùi, ông bảo, giờ đây nghề của gia đình đành bị thất truyền.

Với cụ bà Đặng Thị Nhạn (95 tuổi), đến từ Cypress, miệng luôn cười hiền hòa, trí nhớ vẫn minh mẫn, đã đọc cho phóng viên nghe những câu ca dao, tục ngữ, truyện Kiều vanh vách. Con gái Phạm Thị Vương của bà tự hào nói: “Tôi đưa mẹ đi 7-8 lần rồi. Tôi rất hạnh phúc vì còn mẹ, mẹ thích đi dự tiệc này lắm, năm nào gần đến ngày bà cũng hỏi chừng nào tổ chức, để đưa bà đi. Nhiều bạn của tôi ngoài 60 đã không còn cha mẹ, nên tôi rất hạnh phúc vẫn còn mẹ để chăm sóc”.

Được trò chuyện với những người con đi cùng ba mẹ đến dự dạ tiệc, người viết càng trân quý hơn những tấm lòng hiếu thảo của những người Việt ly hương, vẫn luônluôn gìn giữ đạo đức nếp nhà.

Với họ, công ơn sinh thành dưỡng dục cha mẹ không thể đánh đổi bằng một vài lời thăm hỏi hay những món quà đơn giản, mà phải phát xuất từ một tâm niệm chân thành tri ân và báo ân của người con hiếu thảo.

Trong ánh mắt của chị Nguyễn Thị Đậu, con thứ 9 của cụ Trần Thị Nghiêng và người em gái luôn luôn lấp lánh niềm vui, khi các phóng viên đến chụp hình mẹ chị, chị nói: “Tôi đã đưa mẹ đến dạ tiệc này nhiều lần rồi. Năm nào cũng đi, vì muốn bà vui! Gia đình tôi khi xưa ở Nam Định, bố mẹ đã di cư vào Nam năm 1954, và chọn Vũng Tàu để sinh sống. Ba tôi đi đánh cá. Mẹ tôi ở nhà chăm nom 10 anh chị em của tôi. Hiện nay, bà cụ có 50 người cháu, 77 đứa chắt, 20 đứa chút. Lúc xưa còn khỏe, mẹ ở với những đức con vài tháng, và luân phiên nhau, vì các anh ở tiểu bang khác nhau. Vài năm gần đây, mẹ ở với tôi để tôi chăm sóc”. Bà thích đi lễ nhà thờ, nên hằng ngày, chị luôn luôn chịu khó đưa mẹ đi…

Với chị, dẫu những năm gần đây, trí nhớ của bà không còn như xưa, lúc nhớ, lúc quên, tai bị lãng rồi. Chị phải dõi theo từng bước của bà, vì sợ bà ngã, té. Tính tình bà càng ngày càng khó khăn hơn, nhưng thương mẹ chị vẫn mãi chìu chuộng, vì “không biết khi nào mẹ còn, khi nào mẹ mất. Còn mẹ là còn an ủi được kề bên chăm sóc, như thưở bé tôi đã được mẹ chăm lo. Không vì mẹ trái tính mà khó chịu, sẽ mang tội nhiều lắm”.

Riêng với chị Trần Diễm Lệ, con gái ông Trần Huy Thể (99 tuổi), đến từ Santa Ana, thì “dù gia đình tôi theo đạo Công giáo, nhưng năm nào cứ đến lễ Vu Lan, là tôi luôn luôn chú ý để ghi danh cho ba tham dự. Ba tôi thích chương trình này lắm. Đi đám cưới, đám giỗ, nhiều khi không đi, chứ đi dự tiệc này, thì lại thích đi.

Ba tôi trí nhớ còn tốt lắm, lỗ tai hơi bị lãng, chứ còn nhớ nhiều ký ức xưa lắm. Tôi đang chăm sóc ba tôi. Gia đình tôi có 8 anh chị em, 4 trai, 4 gái. Hơn 20 đứa chái nội, ngoại.

Khi tôi mới qua Mỹ định cư do mẹ bảo lãnh năm 2006, tôi đã được dự tiệc này với ba mẹ, trước đó, ông bà đã đi nhiều lần rồi. Một năm sau đó, bà mất. Nay tôi còn niềm vui chăm sóc ba. Đây là phước đức, hạnh phúc của mình, cũng là cái phúc.

Ba tôi đến dự tiệc, thấy những người cùng lứa tuổi, thấy có nhiều người yếu hơn. Hoặc khỏe hơn, để có thêm bạn”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, có mẹ là bà Phan Thị Bán (93 tuổi), hằng năm đều đưa bà đến, chỉ mong bà khỏe mãi để được đưa bà đến đây. Chị nói, “Nay tôi đã nghỉ hưu, sáng chở mẹ đi ăn sáng, đưa đi chợ… thường chở mẹ đi đến nhiều nơi, như thăm viện dưỡng lão… để gặp bạn bè cùng tuổi…

Bà thích nói chuyện lắm, được gặp gỡ đồng hương Việt Nam…

Tôi chăm sóc mẹ, cũng muốn cho các con thấy để các con ở sao y như vậy, để sau này các con của con cũng chăm lo cho con như mẹ chăm lo cho bà ngoại”.

Xin mượn lời tâm tình của bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng, để thay cho lời kết của đêm dạ tiệc tôn vinh các đấng sinh thành, một dạ tiệc ấm áp với người tham dự nhân mùa vu lan báo hiếu:

Lòng thương yêu là sự giao hòa giữa cho và nhận, mình cho cũng vui rồi và không cần đợi ai cho lại, giống như mẹ mình làm gì đó tốt lành cho mình là mẹ đã vui, thì mình học bài đầu tiên của tình cha con hay mẹ con, chính là lòng thương yêu.

Và đây là điều quan trọng nhất để đem lại niềm vui cho mình trong cuộc sống hằng ngày. Và trong suốt cuộc đời của mình thì mục đích cuối cùng là gì, có phải là niềm vui không? Tiền, tiếng… chỉ là phương tiện thôi, cuối cùng, chính là niềm vui. Nếu cứ nói đợi ngày mai, ngày mai thì bao giờ mới vui được. Thành ra mỗi ngày mình nên vui, và niềm vui rẻ tiền nhất là hãy biết thương yêu, và niềm yêu thương ấy hãy bắt đầu từ ngay chính cha mẹ của mình, học được từ mẹ cha thương mình, mình thương con mình, để hiểu tình thương yêu là gì. Không thương được mẹ cha, thì sẽ không biết sẽ thương được ai. Khi trao gửi tình yêu thương, mình sẽ nhận ra được càng ngày mình càng vui được nhiều, điều đó giúp cho mình nhiều nhất trong cuộc sống này”. - (BH)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT