Hoa Kỳ

Đã tới hồi trận đánh quyết định số phận Aleppo ở Syria

Hoài Mỹ/Viễn Đông Friday, 03/08/2012 - 09:29:01

Bộ binh của họ thì đã ngưng chiến đấu nhưng pháo binh và chiến đấu cơ trực thăng thì vẫn phản công dữ dội”.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

NEW YORK/DAMASCUS - Theo Hervé Ladsous, vị lãnh đạo các công tác bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nay khởi sự diễn ra trận đánh quyết định về thành phố Aleppo. Sau khi phúc trình về tình hình ở đây trước Hội Đồng Bảo An LHQ sáng hôm qua Thứ Sáu, ông kết luận: “Đường xoắn bạo lực tiếp tục gia tăng. Sự chú ý cách nay hai tuần nhắm vào Damascus, nhưng bây giờ thì vào Aleppo, nơi đây chúng ta có lý do để tin là trận đánh quyết định đang chuyển vận”.
Theo ông Ladsous, các quan sát viên LHQ cho tới giờ phút này chưa nhìn thấy dân quân nổi dậy sử dụng xe tăng và những vũ khí hạng nặng khác, “tuy nhiên chúng tôi biết chắc là họ đã có xe tăng và thiết vận xa”.
Hoàn toàn yếu hơn - Như Viễn Đông đã đăng tải, kháng chiến quân từ ngày 20 tháng 7 đã khởi sự tấn công vào các địa điểm mạn Nam và phía Đông của Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria và là giao điểm chiến lược và kinh tế của cả hai bên. Đại Tá Jabbar al-Oqaidi của Quân Đội Syrian Tự Do (FSA/Free Syrian Army) chiều Thứ Tư đã nói thông tấn xã AFD: “Chúng tôi đã đẩy được quân đội của chế độ ra khỏi khu vực Hamdaniyeh. Bộ binh của họ thì đã ngưng chiến đấu nhưng pháo binh và chiến đấu cơ trực thăng thì vẫn phản công dữ dội”.
Cùng cách thức tương tự, kháng chiến quân đã nhiều lần nhắc lại các tin tức về các trận đánh chiếm thành phố này trên các mạng xã hội như YouTube và với nhiều hãng thông tấn khác, nào là họ đã khắc phục và phá hủy được nhiều xe bọc sắt, nào là họ vẫn giữ được quyền kiểm soát ở nhiều khu phố. Thế nhưng các thông điệp ấy đã được phóng viên Ian Pannell của đài BBC “điều chỉnh” mạnh mẽ: “Sự thật thì kháng chiến quân hoàn toàn kém hơn các lực lượng của Assad về vũ khí và nhân số”.
Ký giả Pannell nêu rõ, có thể kháng chiến quân đã phần nào “đáp lễ” bằng việc dùng súng phóng lựu để bắn hỏa tiễn (RPG) vào các thiết vận xa, nhưng đồng thời người ta cũng cần phải kết luận là sức mạnh vũ khí mà quân dân nổi dậy phải đối đầu vốn quá “siêu phàm” đối với họ và Aleppo lại quá quan trọng đối với Assad, bởi thế việc đối chọi quả vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói vô phương.
Cũng như Luke Harding, phóng viên của nhật báo Anh The Guardian đã nhắc nhở trong một bản tin: Trong một tình trạng như thế thì hình ảnh đã rõ ràng: Trận chiến về tương lai của Syria đã phô ra một cách bất khả chối cãi giữa một chế độ quân sự được trang bị đầy đủ và phe nổi dậy vũ trang đơn giản.
Ngoại Trưởng Syria: “Phe nổi dậy sẽ bị đập tan” - Chủ Nhật vừa rồi, trong một buổi họp báo chung với đồng vị Iran, Ali Akbar Salehi, Ngoại Trưởng Walid Muallem của Syria đã tuyên bố: “Tất cả lực luợng chống lại Syria tụ tập ở Aleppo để kình phá chính phủ chắc chắn sẽ bị đánh quật lại. Nhân dân Syria sát cánh chiến đấu với quân đội”.
Theo nhật báo điện tử Al Bawaba của Jordan, ông Muallem đã khẳng định: “Iran và Syria đồng thuận với nhau trong hoàn cảnh hiện nay”. Ngoại Trưởng Syria nhấn mạnh là chế độ có khả năng quân sự để tự vệ. Muallem đồng thời cũng tố cáo Qatar, Saudi-Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác trong vùng vẫn góp phần vào việc duy trì cuộc xung đột này bằng cách cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy: “Các nước này là những đại lý của một cuộc âm mưu toàn cầu chống lại Syria. Dân chúng (Syria) cương quyết chiến đấu đập tan cuộc âm mưu này”.

Aleppo trong cuộc bao vây
Ông Kofi Annan, Thứ Năm vừa rồi, tuyên bố rằng động lực khiến ông rút lui là bởi những mối bất hòa nội bộ bền bỉ và điều mà ông gọi là “index finger policy” (“chính sách ngón trỏ”). Cùng ngày này, ông đã phổ biến một bài trần tình khá dài với đầu đề “My departing advice on how to save Syria” đăng tải trên nhật báo Financial Times, trong đó ông kêu gọi Hoa Kỳ và Nga hợp tác tại Hội Đồng Bảo An LHQ để đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria. Ông viết: “Aleppo đang bị bao vây, và những sự khả thể mất mát hàng ngàn sinh mạng thường dân quả tình rất lớn lao”.
Ông Annan đã từng bàn bạc với Nga và Trung Cộng, hai quốc gia vẫn ngăn chặn tất cả nỗ lực để đạt được một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ, với Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nhiều nước ở Trung Đông. Ông nhấn mạnh rằng sự phát triển sau này của Syria tùy thuộc vào số phận của một người, Bashar al-Assad.
Bài viết trên đây của tác giả Kofi Annan kết luận: “Syria vẫn có thể được cứu vớt, tuy nhiên đòi hỏi sự can đảm và sự lãnh đạo, đặc biệt của các quốc gia thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, kể cả ông Putin và ông Obama”.

Tàn sát ở Hama
Theo nhóm lưu vong Syrian Observatory for Human Rights (SOHR), các lực lượng của chế độ đã bao vây thành phố Hama. Nhiều thường dân và kháng chiến quân đã bị giết.
Thông tấn xã NTB viết, theo nhóm SOHR, những vụ sát hại này đã xẩy ra ở khu vực Al-Arbaeen trong Hama, hôm Thứ Năm. Họ nói rằng quả khó khăn để xác quyết minh bạch về những gì đã diễn ra và về con số tử vong chính xác, bởi vì tất cả đường dây điện thoại đã bị gián đoạn.
Theo người dân và các nhà hoạt động ở Hama, lực lượng của chế độ Syria đã sát hại ít nhất 50 người trong cuộc giao tranh với kháng chiến quân ở thành phố này hôm Thứ Năm. Abu Ammar, một cư dân ở khu vực này kể: “Trong khi diễn ra các trận đánh, quân đội chính phủ đã tiến vào cả vùng Arbaeen lân cận và thực hiện một cuộc đột kích. Họ giết tất cả những người thân thuộc của 3 gia đình”.
Trong khi đó Ủy Ban Phối Hợp Địa Phương (LCC), tổ chức vẫn điều hành các cuộc biểu tình ở trên khắp lãnh thổ của Syria, xác nhận đã xẩy ra môt cuộc tàn sát ở Hama. Nhóm này cũng quả quyết khoảng 50 người đã bị giết, trong số đó có cả phụ nữ và trẻ em. Theo LCC, nhiều tòa nhà ở Al-Arbaeen đã bị tàn phá, và các tay súng bắn sẻ của quân đội chính phủ đã được bố trí trên các nóc nhà trong khắp khu vực này.
Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC) loan tin các lực lượng của chế độ đã khởi sự dội bom thành phố Hama từ Thứ Năm. SNC tuyên bố: “Số người tử đạo và bị thương hiện chưa rõ, bởi vì các tử thi vẫn còn nằm rải rác trên các đường phố, trong khi đó lực lượng của chế độ ngăn cản cư dân cấp cứu những người bị thương và chôn cất người chết”.
Ngoài ra, theo giới đối lập ở Syria, trong vùng chiến thuật thuật quan trọng Hauran nằm giữa thủ đô Damascus và quốc gia lân bang Jordan, cả thảy 16 người đã bị thiệt mạng bởi hỏa tiễn bắn từ các chiến đấu cơ trực thăng hôm Thứ Năm. Các cuộc giao tranh ở các địa phương này đã leo thang khốc liệt trong mấy ngày nay.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) tự phê
Hôm qua Thứ Sáu, Đại Hội Đồng LHQ đã nhóm họp để phán quyết Hội Đồng Bảo An của mình đã thiếu khả năng giải quyết cuộc tranh chấp trường kỳ ở Syria, trong khi đó vẫn tiếp tục diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt ở Aleppo.
Đúng vậy, bạo lực gia tăng ở thành phố thương mại quan trọng của Syria - Aleppo - tại đây đang diễn ra những trận giao tranh khốc liệt giữa phe nổi dậy và các lực lượng của chế độ.
Trong những ngày qua, chiến tranh đã không ngừng leo thang và vào sáng Thứ Sáu, vị lãnh đạo các công tác bảo vệ hòa bình của LHQ đã khuyến cáo là trận đánh quyết định về Aleppo đang diễn ra. Cũng vào sáng Thứ Sáu, các nhà hoạt động ở Syria đã viết trên Twitter là từ sáng sớm đã xẩy ra những cuộc đụng độ dữ dội tại nhiều nơi trong thành phố Aleppo.
Ngoại giao thất bại - Kể từ khi cuộc xung đột này khơi mào, Hội Đồng Bảo An LHQ đã bất đồng về việc người ta nên giải quyết thế nào cuộc khủng hoảng Syria. Nga và Trung Cộng, hai thành viên thường trực của Hội Đồng, luôn luôn ngăn chặn mọi nghị quyết, bởi vì họ cho là cộng đồng thế giới không có quyền can thiệp vào cuộc tranh chấp Syria mà theo họ, đó là một việc liên quan đến nội bộ quốc gia.
Hôm qua, Thứ Sáu, toàn thể Đại Hội Đồng LHQ nhóm họp ở New York để biểu quyết một nghị quyết về tình hình ở Syria. Nghị quyết này mang nội dung phê phán Hội Đồng Bảo An LHQ là đã sai lầm.
Nghị quyết này sẽ được biểu quyết (không quốc gia nào được quyền phủ quyết (veto) ở Đại Hội Đồng) bởi tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ, tuy nhiên chỉ có tác dụng gần như của một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, bởi vì không có sự ràng buộc nào về pháp lý.
Nghị quyết do Saudi-Arabia soạn thảo: Đài BBC viết, nghị quyết do Saudi-Arabia soạn thảo; chính phủ của quốc gia này vẫn công khai yểm trợ phe nổi dậy trong cuộc chiến chống Assad. Trong bản dự thảo, có đoạn viết là Đại Hội Đồng LHQ “bầy tỏ niềm lo âu sâu xa của mình trước sự thiếu vắng các bước tiến triển trong việc thực thi kế-hoạch-sáu-điểm, và lấy làm tiếc rằng Hội Đồng Bảo An đã không đạt được sự đồng thuận về các phương thức thúc đẩy chính quyền Syria tuân theo các quyết định của Hội Đồng”.
Trong bản dự thảo còn có đoạn được nhấn mạnh: Quan trọng biết bao trong việc buộc những người chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền và có thể là đã chống lại nhân loại, và Hội Đồng Bảo An LHQ nhận được thông báo minh bạch về việc “lượng định các biện pháp thích hợp”.

Những phản ứng mạnh mẽ đối với việc từ chức của ông Kofi Annan
Như Viễn Đông đã đăng tải, Thứ Năm vừa rồi ông Annan đã tuyên bố rằng ông rút lui bởi một trong những nguyên nhân là những sự mâu thuẫn nội bộ và bởi điều mà ông gọi là “chính sách ngón trỏ” ở Hội Đồng Bảo An LHQ. Hoa Kỳ đã nhanh chóng hướng “ngón trỏ” này về phía chế độ Syria và về Nga lẫn Trung Cộng.
“Trẻ con bị tra tấn, bị dùng làm khiên đỡ đạn và bị hành quyết”. Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc, Jay Carney, đã xác quyết hôm Thứ Năm như vậy đồng thời tuyên bố rằng việc ra đi của ông Annan phải được xét cùng bối cảnh với việc Tổng Thống Syria, Bashar al-Assad, không muốn tuân thủ kế hoạch hòa bình của vị Đặc Phái Viên LHQ, thay vào đó Assad chủ trương tiếp tục giết hại chính đồng bào của mình.
Ông Carney cũng nhắc nhở đến việc Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh từ chối ở Hội Đồng Bảo An LHQ ủng hộ ở các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với chế độ Syria: “Họ đã bỏ mặc việc ủng hộ những nghị quyết đầy ý nghĩa vốn muốn đặt Assad vào trách nhiệm”.
Trách nhiệm: Chính quyền Syria ngược lại cho là có một số quốc gia rõ rệt “đã ngăn cản và tiếp tục gây cản trở” một giải pháp hòa bình ở Syria. Bộ Ngoại Giao Syria bầy tỏ lấy làm tiếc việc ông Annan từ chức đồng thời quả quyết: “Các nước vốn tìm cách gây bất ổn cho Syria, đứng sau việc ra đi của ông Annan”. Bản tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Syria viết tiếp: “Syria vẫn luôn luôn chứng tỏ việc ủng hộ của mình đối với kế hoạch của ông Annan”.
Trong khi đó, Burhan Ghalioun, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Syria (SNC), tổ chức bao gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, xác quyết rằng “ông Annan đã làm đúng khi ông rút lui”. Ông Ghalioun trình bầy: “Ông Annan đã minh xác từ nhiều tuần lễ trước là công việc của ông chỉ vô ích mà thôi và ông đã không đạt được điều gì”.
Bế tắc: Ngoại Trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng quyết định của ông Annan theo một chiều hướng bi thảm chứng tỏ tình hình ở Syria bế tắc biết bao. Hôm Thứ Năm, ông Fabius đã nhấn mạnh: “Nay cũng như trước đây phải cấp tốc xếp đặt một cuộc ngưng chiến bền vững và buộc Assad phải ra đi”.
Thủ Tướng Anh David Cameron cũng yêu cầu Hội Đồng Bảo An gia tăng áp lực đối với Bashar al-Assad. Thủ Tướng Cameron cho rằng việc ra đi của ông Annan là một dấu hiệu rõ ràng là LHQ cho tới nay đã lèo lái một đường hướng sai lầm và rằng ông Annan xứng đáng sự khen ngợi về các nỗ lực của ông.
Tổng Thống Vladimir Putin của Nga đã gọi sự ra đi của ông Annan là một “sự nhục nhã” và tình thế ở Syria là “một thảm kịch”. Tuy nhiên Nga đồng thời cũng không bầy tỏ một dấu chỉ nào về ý định thay đổi thái độ và quan điểm ở LHQ; tại đây họ đã nhiều lần phong tỏa mọi cố gắng nhằm đạt được một nghị quyết-Syria.
Chính quyền Trung Cộng bầy tỏ “lấy làm tiếc là ông Kofi Annan rút lui khỏi chức vụ Đặc Phái Viên ở Syria”. Bắc Kinh đồng thời còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng việc LHQ tham gia vào việc giải quyết cuộc nội chiến ở đất nước này. Phát ngôn viên Hong Lei của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng phát biểu: “Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn trong việc hòa giải của ông Annan và chúng tôi tôn trọng quyết định của ông”. - (HM)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT