Người Việt Khắp Nơi

Đại ca Nguyễn Đức Lập: Người Sau Cùng

Monday, 20/02/2017 - 11:08:54

Gần ba năm trước, Đại ca Lập trao cho tôi “Người Sau Cùng.” Khi đánh máy xong, tôi “báo cáo” là “Người Sau Cùng” thiếu trang cuối. Ông trả lời, “Không sao. Đám Hướng Đạo trên San Jose làm thiếu mất trang cuối. Anh sẽ viết lại.”

Bài PN

Nhân ngày giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Đức Lập, nhà thơ Trạch Gầm và anh em Thư Viện Việt Nam sẽ giới thiệu tác phẩm “Người Sau Cùng,” truyện dài của Nguyễn Đức Lập, vào lúc 11 sáng Chủ Nhựt, ngày 26 tháng 2, 2017, tại Thư Viện Việt Nam, Westminster, California.



Đây không phải là bài đọc sách hay bài điểm sách. Vì lẽ, Đại ca Lập đã kể cho tôi nghe nhiều lần tại sao sau năm 1975, ông phải rời khỏi Sài Gòn, xuống vùng Bà Rịa, làm rẫy. Và, những nhân vật trong quyển “Người Sau Cùng” đã quá quen thuộc với cá nhân tôi.

Trong bài viết này, tôi chỉ nói về nguyên nhân, lý do nào mà “Người Sau Cùng,” lấy bối cảnh từ những năm làm rẫy, và được viết từ những ngày đầu ông sang Mỹ (năm 1983), mãi đến nay mới được xuất bản.
Thời Đại ca Lập còn là sinh viên trường Luật, ông luôn đấu tranh, đập lộn với nhóm Cộng sản nằm vùng trong trường. Những kẻ trên lớp như anh em Nguyễn Đăng Trừng, Nguyễn Đăng Liêm, và kẻ học sau ông một khóa, Lê Hiếu Đằng v.v..

Buổi sáng ngày mùng Hai tết Mậu Thân, 1968, Đại ca Lập đi bộ trên đường Hai Bà Trưng, từ phía xa, có một người đàn ông đi về phía ông. Khi đến gần và sắp nhận ra nhau, người kia sửng sốt đứng lại, thọc tay vào túi quần, định móc “đồ chơi” ra, thì ra người đó là Lê Hiếu Đằng. Đại ca Lập cũng đứng im, tay xòe quyển tự điển, cho Đằng thấy, có lưỡi dao ông dấu bên trong. Thấy vậy, Đằng băng vội qua đường, phóng nhanh mất dạng.

Cũng cùng tối mùng Hai Tết, bị động, nhóm sinh viên cộng sản nằm vùng trong trường Luật, trong đó có Đằng, biến khỏi Sài Gòn, bỏ trốn vào bưng.

Ngay sau biến cố tháng Tư 1975, Đại ca Lập rời nhà, lên Thủ Đức, tạm trú tại nhà một người bạn. Một buổi sáng, Đại ca Lập bước chưn ra hẻm thì đụng ngay một trong những tên cũng cùng trong nhóm của Đăng Trừng, đang dắt chiếc xe Honda ra khỏi nhà. Tên này, miệng cười tươi, nói, “Cứ tưởng Lập đã di tản. Thôi thì, đất nước thanh bình, anh em làm việc trong Thành Đoàn nhiều lắm. Sáng mai, tôi chở Lập lên Thành Đoàn, làm việc chung với anh em. Giờ, tôi phải bận đi họp gấp.”

Hắn chạy xe đi, Đại ca Lập cũng vội vã rời nhà. Ông mua mấy con vịt con của một bà già đang ngồi bán ngay hẻm, rồi ông đến nhà tên đó, nói với người vợ, “Cho tôi tặng các cháu mấy con vịt nhỏ này. Nhờ chị nói với anh, ai cũng có lý tưởng riêng, riêng tôi, tôi đã chọn đường tôi đi, và tôi sẽ luôn đeo đuổi lý tưởng, con đường tôi đi trong suốt đời.”

Rồi, ông bỏ trốn khỏi Sài Gòn, lên làm rẫy tại Phú Mỹ, Bà Rịa. Suốt 5 năm dài ở rẫy, ông thường phải đối phó với những tên cộng sản địa phương. Và, cá nhân, ông vừa ẩn thân, vừa gầy dựng một số người dân ở vùng đó, đấu tranh, làm cho bọn công an mất ăn, mất ngủ nhiều phen.

Nhưng, địa bàn hoạt động của ông không thể chỉ nằm gọn trong cái góc hẹp nhỏ đó. Ông tìm đường vượt biển, và thành công.

Sau ba năm dài bên các trại tị nạn Phi Luật Tân, ông định cư Hoa Kỳ.
Tại đây, ông bắt liên lạc với anh em tâm huyết của ông khi xưa. Và cùng bàn cách khôi phục cơ đồ. Ông chọn viết báo, viết văn, dùng ngòi bút để chống cộng.

Truyện dài “Người Sau Cùng” được đăng từng kỳ trên báo Tin Việt, có tòa soạn nằm trên đường First, tiền thân của khu Little Saigon sau này. Trong vòng nhiều tháng, Đại ca Lập cắt bài từ báo ra, ông dán vào giấy cứng, rồi cho nguyên “quyển sách” vào “binder,” giữ đó.

Thời ấy, có nhóm anh em Hướng Đạo trên San Jose thành lập một nhà in, với ý định, kiếm tiền dùng cho việc Phục Quốc. Các anh em này có nhã ý sẽ in quyển “Người Sau Cùng” cho Đại ca Lập. Ông đồng ý, giao nguyên quyển “binder.” Chưa kịp đánh máy, anh em bất hòa, bỏ luôn nhà in, sau khi đã in nhiều quyển sách cho các tác giả khác. Một người Hướng Đạo, cũng hay họp hành chung với nhóm, đã đem quyển “binder” về nhà mình, giữ giùm cho ông.

Cùng thời điểm, những quyển sách đầu tiên của Đại ca Lập lần lượt ra đời. Tiêu biểu là quyển “Cuộc Chiến Tàn Chưa?”.

Mãi về sau, cũng từ Hướng Đạo, “thằng em” trên San Jose đã mất liên lạc với ông từ lâu, đột nhiên lại xuất hiện. Trò chuyện với đứa em này, ông mới biết thằng nhỏ vẫn còn giữ quyển “binder.” Và, thằng em giao “Người Sau Cùng” lại cho ông.

Gần ba năm trước, Đại ca Lập trao cho tôi “Người Sau Cùng.” Khi đánh máy xong, tôi “báo cáo” là “Người Sau Cùng” thiếu trang cuối. Ông trả lời, “Không sao. Đám Hướng Đạo trên San Jose làm thiếu mất trang cuối. Anh sẽ viết lại.”

Trưởng Nguyễn Đức Lập đến Hoa Kỳ năm 1983, “Người Sau Cùng” được viết vào năm 1984.
Bao nhiêu năm dài đã trôi qua, “Người Sau Cùng” viết về cuộc chiến đấu của những người nông dân nghèo khổ dưới chế độ cộng sản, cuối cùng, đã có mặt với đời, với người.

Little Saigon, 2017

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT