Đạo và Đời

Đại Cương Kinh Thủ Lăng Nghiêm (kỳ 5)

Thursday, 21/08/2014 - 03:18:29

-Kinh Lăng Nghiêm sở dĩ nổi tiếng, trước tiên là nhờ chú Lăng Nghiêm và được viết bằng một lối hành văn rất đặc biệt. Điểm thứ hai khiến kinh Lăng Nghiêm nổi tiếng cho tới ngày hôm nay là kinh Lăng Nghiêm nói tới cảnh của năm loại ấm ma.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường do học trò ghi lại

-Kinh Lăng Nghiêm sở dĩ nổi tiếng, trước tiên là nhờ chú Lăng Nghiêm và được viết bằng một lối hành văn rất đặc biệt. Điểm thứ hai khiến kinh Lăng Nghiêm nổi tiếng cho tới ngày hôm nay là kinh Lăng Nghiêm nói tới cảnh của năm loại ấm ma. Ấm ma là gì? Là năm lớp che đậy hào quang của tự tánh. Chúng ta vừa nghe nói tới chữ Như Lai mật nhân tức là hào quang. Hào quang này bị che đậy bởi năm lớp gồm:

-Thân xác của ta. Thân xác với đủ thứ kích thích, đủ thứ vật thể, vật chất như thịt, xương, da, điện chạy trong người khiến ta bị mê mờ, quên đi rằng mình có hào quang đang bị che mất, hoặc ta chỉ chi chú tới phần da thịt của mình mà thôi.

-Lớp che đậy hào quang thứ hai là cảm xúc của ta. Cảm xúc đó có thể là những phản xạ, những cảm xúc của da thịt, những cảm xúc của tâm tình, những cảm tưởng, cảm tình của ta như vui, buồn, giận, trầm cảm. Những tình cảm này đều thuộc về cảm xúc hay còn gọi là thọ ấm, thọ uẩn.

-Lớp che đậy hào quang thứ ba là tư tưởng hay còn gọi là tưởng ấm.

-Phần che đậy thứ tư che đậy hào quang khiến ta không nhận diện ra chúng là những thói quen, tật xấu. Những thói quen này đã ăn sâu vô cùng. Thí dụ mỗi sáng dậy mỗi người đều làm những việc khác nhau, không ai giống ai . Có người vừa thức dậy là đi đánh răng, rửa mặt; có người sáng ra còn nằm nướng; có người sáng dậy là lập tức cầm tờ báo trong khi có người thì cầm remote control mở TV lên; cũng có người thì lập tức mở máy điện toán xem stocks lên hay xuống. Những thói quen đó không phải một ngày mà từ nhiều ngày, nhiều năm. Có những thói quen còn từ nhiều đời. Những thói quen đó tạo ra cuộc sống của chúng ta. Ngay cả cách đi, cách ăn uống, nói chuyện và lối sống của ta, hình như chúng ta không hề để ý tới, nhưng mọi người đều khác nhau. Sự khác biệt trong lối sống đó chính là sự khác biệt mà chúng ta gọi là khác biệt về tập khí hay là thói quen. Thói quen là chữ dùng để chỉ những gì ta làm trong đời này. Tập khí là thói quen mà ta đã làm từ nhiều đời rồi. Những tập khí đó ta dùng chung một chữ là hành ấm. Hành có nghĩa là sự biến động, là tập khí hay thói quen tạo ra làm cho ta có thể sống và sinh hoạt.

-Cuối cùng là một lớp màng vi tế vô cùng được gọi là tâm thức. Tâm thức bao gồm tất cả mọi chuyện, vạn sự trong đó, bao gồm cả tư tưởng, sự suy tư hay cảm xúc, cảm tình. Tâm thức rất vi tế, bởi vì thường thường nó quá rõ ràng trước mặt mà ta không nhận ra. Thí dụ nhìn bức tường trước mặt, ta nhận ra đây là bức tường. Sự nhận biết đó, khả năng nhận biết đó được gọi là tâm thức. Ngửi thấy mùi thịt nướng trong ngày Tết, hay mùi pháo đốt, khả năng ngửi thấy mùi đó là khả năng của mũi, của lỗ tai hay của con mắt. Nhưng khả năng nhận biết đó được gọi là tâm thức.

Khi chúng ta tu, năm lớp màng này: thân xác, cảm xúc, tư tưởng, tập khí và tâm thức, từ từ bị hào quang của ta xuyên thủng. Hào quang là tự tánh, là Phật tánh của ta, từ từ lan tỏa, nhưng không chấp, không bám vào thân thể, không bám vào cảm xúc, không bám vào tư tưởng, vào tập khí hay vào tâm thức. Hào quang từ từ xuyên thủng ra thì ta mới được giải thoát. Chuyện gì sẽ xảy ra khi hào quang từ từ xuyên thủng? Kinh Lăng Nghiêm nói một cách rõ ràng, nếu ta xuyên thủng lớp thân xác, sẽ có 10 chuyện xảy ra. Nếu hiểu đúng 10 chuyện này, ta sẽ được giải thoát. Nếu hiểu không đúng, ta sẽ bị kẹt. Khi bị kẹt, ta phải thay đổi thái độ sống. Do đó, để tránh những sự thay đổi tiến hóa khi tu thiền, kinh Lăng Nghiêm nói rằng đây là năm lớp màng ma. Ma ở đây không có nghĩa gì hơn là làm cho ta lầm lạc, không thể phát hào quang của tự tánh được. Mỗi lớp có một loại ma hay loại làm ta đi sai lạc. Mỗi lớp này lại chia làm 10 thứ, nên gọi là 10 thứ ma ở sắc, 10 thứ ma ở cảm xúc, 10 thứ ma ở tư tưởng, 10 thứ ma ở tập khí và 10 thứ ma ở tâm thức. Tổng cộng là 50. Vì vậy ta thường nghe nói 50 ấm ma, là 50 sự lệch lạc sai lầm làm cho ta quan niệm không chính xác, không khai mở quang minh tự tánh của mình được. Ta bị kẹt trong đó.
Có một ví dụ thật hay là ta đang ngồi thiền mà tự nhiên ta thấy được ở ngay cái làng ta đang ngồi, nghe được người khác ngồi ngoài cửa nói chuyện. Ta ngồi thiền mà thấy được, nghe được như vậy. Hiện tượng đó có nghĩa là sao? Vì sao có hiện tượng đó? Kinh Lăng Nghiêm giải thích rất rõ ràng và chỉ cách làm sao để thoát ra khỏi hiện tượng đó. Thầy xin dành một bài chỉ nói tới những chuyện này, trong lúc này chúng ta chỉ nói sơ qua để biết vì sao kinh Lăng Nghiêm chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của người tu thiền. Đây chính là 'menu' chỉ cho biết sự thay đổi tiến hóa trong lúc ta ngồi thiền.

Hai việc ta vừa đề cập tới, một là có một thần chú linh nghiệm cực kỳ, hóa giải tất cả bùa chú để bảo vệ chúng ta. Khi tu, chúng ta nên tụng chú Lăng Nghiêm này. Hai là kinh Lăng Nghiêm còn có một bản đồ rất rõ ràng để ta có thể đi xuyên thủng qua năm màng lưới che đậy ánh hào quang của tự tánh.

Một chuyện thứ ba tuy không quan trọng lắm, nhưng cũng là một điểm đặc thù của kinh Lăng Nghiêm, đó là việc nói tới các cảnh giới hay hạnh vị của các bồ tát. Thế nào là các vị la hán, thế nào là tiên, là trời, là người, là động vật, thú vật. Tức là tất cả chúng sanh trong vũ trụ như thế nào đều được nói tới hết, vì sao mà sản sinh ra những loại như vậy. Do tâm thức nào mà sinh ra những loại như vậy; rồi lại được lý giải trên phương diện tình và tưởng. Tình là cảm xúc, tình cảm, phần không phải lý trí. Thứ hai là tưởng, là phần của lý trí.

Đây là bộ kinh đầu tiên nói rất khoa học về phần nhiều hay ít của tình và tưởng. Bây giờ chúng ta gọi là óc bên trái hay bên phải, hoặc phần của đầu và tim. Nhưng thời đó, kinh Lăng Nghiêm đã nói tới sự tương tác giữa tình và tưởng, nhiều hay ít, mà tạo ra tất cả chúng sanh trong vũ trụ. Các khoa học gia ngày nay đã thấy rằng điều này rất chính xác là sự phát triển của não bộ, sự phát triển của tủy sống, sinh ra từ não bộ, phát triển tình cảm cũng như trí năng. Các khoa học gia đã cho thấy một sự thay đổi về tình và tưởng này rất rõ ràng. Té ra, thời đó kinh Lăng Nghiêm đã đề cập tới rồi, nhưng một cách tinh thần, tôn giáo hơn là có tính cách khoa học. Nhờ vậy người ta mới biết rằng trong Phật giáo có một bộ kinh rất lý thú, dựa vào sự phân tích, lý giải chớ không bắt buộc chúng ta phải tin tưởng, lại nói lên những điều đưa tới sự phát triển của tâm thức cao nhất, được gọi là tâm thức siêu ý thức, tâm thức ra ngoài ý thức.

Ngoài ba điểm này, có người hỏi thầy một câu rất thực tế: “Thưa thầy, nếu con muốn trí chú Lăng Nghiêm thì nên trì vào lúc nào? Hoặc chỉ có thể trì chú vào buổi sáng, còn buổi tối thì không được hay sao? Con sợ rằng nếu trì chú vào buổi tối, ma quỷ sẽ tới phá.”

Có cách tu luyện chú Lăng Nghiêm. Nếu không phải là tu luyện thì không sợ gì hết. Có thể trì niệm vào buổi sáng, buổi tối nên thầm niệm trong đầu. Nếu tụng mà tâm ta ngày càng sáng, hào quang càng ngày càng lan tỏa thì buổi sáng hay tối đều có thể trì tụng được. Nhưng nếu ta trì chú Lăng Nghiêm vì muốn phá bùa của người nào đó, như vậy lại không đúng với tinh thần tu hành của chú Lăng Nghiêm. Đây không phải là điều chúng ta nên làm. Ta chỉ cần sáng, chiều hay tối, tụng chú Lăng Nghiêm. Buổi sáng có thể tụng lớn tiếng. Buổi tối người ta đi ngủ, nghỉ ngơi, ta nên tụng trong im lặng một chút. Tất cả đều tốt. Trong chùa thường tụng vào giấc 3, 4 giờ sáng.

Cho nên, nói về thái độ trì tụng, ta nên có thái độ tụng để khai mở trí huệ, mở ra quang minh, mở ra tình thương mà không nên tụng để đối trị ai cả.

Câu hỏi thứ hai mà người ta hay hỏi thầy là: “Thưa thầy, tu thiền có dễ bị tẩu hỏa nhập ma không?” Không dễ gì đâu. Chúng ta chỉ bị tẩu hỏa nhập ma, có thể vì những lý do sau đây:

1/ Người thầy của ta không đủ kinh nghiệm và mới học vài năm, rồi ra dạy thiền. Thiếu kinh nghiệm nên tu bị sai lạc. Thiền là một môn không những cần kinh nghiệm lâu năm lâu tháng của người thầy mà còn cần có một hệ thống truyền thừa rõ ràng, thì tu thiền mới vững. Nếu không có một hệ thống, không có một vị thầy nhiều kinh nghiệm, không ngồi thiền nhiều, không biết nhiều, có thể chúng ta sẽ phải tự tìm tòi, như vậy vừa khó vừa lâu. Đó là chưa nói tới vấn đề, khi ta ngồi thiền, những vấn đề của tâm linh thì ít, mà những vấn đề của tâm lý lại rất nhiều. Vấn đề của tâm lý là gì? Đó là khi chuyện tức, giận, lẫy, trầm cảm, đủ thứ.v.v.. hiển hiện trong lúc ta ngồi thiền, khiến tâm ta khi ngồi thấy đủ chuyện. Nếu không có một phương pháp để biết, ta rất dễ tu sai, phán đoán sai lầm. Ngoài ra trí thức hiểu về tu thiền, về cảnh giới, về phương pháp tu rất quan trọng. Nhiều khi ta hỏi ông thầy “con tu như vầy đúng hay sai?” Khi hỏi như vậy, ta thiếu sót rất nhiều. Vì sao vậy? Vì tu tới đó mà còn hỏi đúng hay sai, tức là quá trễ rồi. Cũng giống như làm bánh mà không có công thức, không có gì cả, ta đổ bột đổ đường với nhau rồi hỏi “mẹ ơi con làm đúng hay sai?” Đương nhiên là làm bánh mà không theo một công thức nào thì cái bánh đó sẽ thành một thứ khác rồi. Cũng vậy, khi ta đặt câu hỏi tu đúng hay sai là đã có vấn đề rồi.

Cho nên, trước hết ta cần làm những việc như sau:

a/Để tránh tẩu hỏa nhập ma khi tu hành, ta nên có một hệ thống rõ ràng, chỉ dẫn từng bước một.

b/ Nên có một truyền thừa, dòng phái đi từ đâu tới đâu. Ta biết người đi trước đã chứng ngộ rồi.

3/ Tìm một vị thầy có kinh nghiệm rõ ràng, đã thiền định trên 10, 15, 20 năm. Như vậy vững tâm hơn.

Tẩu hỏa có nghĩa là năng lượng chạy lung tung, ma nhập là ta lạc vào năm ấm ma đã nói ở bên trên, khiến ta không nhận diện ra cảnh giới. Chuyện này rất dễ xẩy ra.

Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh độc đáo, khiến ta trở nên nhận diện, biết một cách sâu sắc về cảnh thiền, do đó ít bị nhập vào những cảnh giới sai lạc hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT