Người Việt Khắp Nơi

Đại Hội Cựu Tù Cộng Sản Bình Điền “Tưởng Nhớ Bạn Đồng Tù”

Monday, 29/08/2011 - 09:32:21

Thanh Phong/Viễn Đông


Cựu tù Bình Điền Lê Thiệp (đeo kiếng đen) và Hồ Đắc Dũng kể cho phóng viên Viễn Đông nghe chuyện trong tù - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Sau biến cố 30-4-1975, hàng ngàn nhà tù do Cộng Sản dựng lên từ Nam chí Bắc để giam giữ, trả thù các Quân, Dân, Cán, Chính Việt Nam Cộng Hòa. Một trong những nhà tù khét tiếng, được nhiều người nghe danh là trại tù Bình Điền tại Thừa Thiên, Huế mà hôm nay, những người tù may mắn sống sót đến được miền đất tự do đã hội tụ lần thứ 15 vào Chủ Nhật 28-8-2011 tại hội trường thành phố Westminster, để cùng gặp gỡ, hàn huyên và đặc biệt để tưởng niệm những người bạn đồng tù đã khuất, mà gia đình trại Bình Điền coi đây là “ngày giỗ bạn”.

Nguyên Xương Phạm Bá Vịnh, một người cựu tù Bình Điền nói về trại tù này như sau: “Cuối năm 1978 qua đầu năm 1979, quân Cộng sản Trung quốc mở cuộc tấn công qua biên giới phía Bắc Việt Nam, Bộ Công An đã cho di chuyển gần 100 tù binh từ trại Ái Tử Quảng Trị, nhập vào trại Bình Điền, Thừa Thiên – Huế, số anh em tù binh này gồm các binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Phòng 7 (Nha Kỹ Thuật), An Ninh Quân Đội, họ được chia thành hai đội đi lao động. Thành phần công an quản lý trại Bình Điền đa số là người gốc Quảng Bình, tuổi tác chừng 20 đến 25, một số ít là người Thừa Thiên, quận Phú Lộc, Hương Trà hay Phú Thứ (Đồng Di, Tây Hồ)... Đám công an trẻ tuổi gốc Quảng Bình này nhìn chúng tôi như kẻ thù truyền kiếp, không đội trời chung, lợi dụng anh em tù sơ hở điều gì thì gọi đến, bắt đứng nghiêm và ‘giáo dục’, anh em sĩ quan thường gọi đùa loại ‘giáo dục’ này là của Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu”.

Vào lúc 8 giờ 30 sáng Chủ Nhật 28-8-2011, gia đình Bình Điền đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt – Mỹ. Sau đó, mọi người đến hội trường Westminster khai mạc đại hội. Sau nghi thức thường lệ, ông Ngô Dư, trưởng ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc, ông nói: “Trước hết tôi xin chân thành cám ơn sự hiện diện đông đủ của tất cả quý vị đã nói lên tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, tình tù và tình lính đã 36 năm trôi qua. Sự hiện diện đông đủ của quý vị là niềm khích lệ vô cùng lớn lao cho nỗ lực không ngừng của ban tổ chức chúng tôi. Mỗi khi chúng ta có cơ hội gặp lại, có bao nhiêu việc nói hoài, nói mãi vẫn không hết và không quên được những tháng ngày cùng chung đói lạnh, sáng sớm mưa chiều… những đau thương uất hận mà tất cả anh em chúng ta đã chịu đựng bao năm tháng trong trại tù Cộng Sản. Trước những dã man tàn bạo cũng không làm nao núng lòng người chiến sĩ VNCH, hiên ngang bất diệt đã lừng lẫy dọc ngang. Nhưng giờ đây tất cả anh em chúng ta đã phải xa quê hương, mang một nỗi nhớ vọng về cố quốc. Lịch sử sẽ sang trang, sẽ ghi lại tất cả người anh hùng, những người vào tù đã bất khuất và chết tức tưởi trong các trại tù CS và giờ đây họ đã nằm yên trong những nấm mồ hoang lạnh, thật là xứng đáng để chúng ta thương tiếc. Hy vọng đời sau sẽ giành lại được tất cả những gì mà chúng ta đã mất. Sẽ cất cao tiếng hát giành lại quê hương”.

Ba cựu tù Hồ Minh Lữ, Trương Hân và Phan Đình Toại được ban tổ chức mời lên trước bàn thờ tổ quốc để hành lễ. Chiêng, trống điểm ba hồi, các vị trong ban nghi lễ cúi đầu dâng hương và xá ba xá, trong khi người dẫn chương trình đọc lời khấn nguyện. Sau đó, một số cựu tù niên trưởng được mời lên niệm hương. Kết thúc phần nghi lễ, ba cựu tù Nguyễn Văn Châu, Ngô Dư và Nguyễn Đình Khương lên trước bàn thờ bái, tất lễ. Nghi lễ tưởng niệm các bạn tù diễn ra trang nghiêm, cảm động. Hai bên lễ đài treo hai tấm phướn trên có chữ “Tưởng Niệm”; mỗi tấm phướn có tên của những cựu tù Bình Điền đã quá vãng.

Sau nghi thức tưởng niệm, cựu tù Nguyễn Văn Châu, tổng thư ký, chào mừng quan khách và mời các phu nhân choàng vòng hoa cho các cựu tù Bình Điền niên trưởng và những vị từ xa về dự.
Chương trình Đại Hội được tiếp tục với phần ẩm thực và văn nghệ. Theo lời giới thiệu, phần văn nghệ có 12 tiết mục đặc sắc, và ban hợp ca Bình Điền mở đầu với bản “Đáp Lời Sông Núi”, nhạc và lời của nhạc sĩ Trúc Hồ.

Trong dịp này, phóng viên Viễn Đông được dịp tiếp xúc với một số cựu tù Bình Điền và nghe những lời chia sẻ.

Ông Hồ Đắc Dũng, nguyên thuộc binh chủng Pháo Binh thuộc Pháo Đội 15 Liên Đoàn 15 BĐQ, cho biết: “Tôi là thành viên ban tổ chức cuộc hội ngộ lần thứ 15 của gia đình cựu tù nhân chính trị Bình Điền xin có lời kính chào quý độc giả nhật báo Viễn Đông. Năm nào cũng vậy, rất đông anh em cựu tù Bình Điền từ các tiểu bang khác và một số nước khác về đây tham dự cuộc hội ngộ.


Những người “Huế chay” áo tím thuần túy hát giọng “Huế chay” bài “Đáp Lời Sông Núi” khai mạc chương trình văn nghệ Đại Hội Bình Điền - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

“Tôi ở trại Bình Điền vào thời gian 1978-1980, lúc đó trại có khoảng bốn, năm trăm người. Tổng trại Bình Điền có 5 trại đánh số từ 1 đến 5. Các anh em trong trại gồm đủ thành phần Quân, Cán, Chính VNCH. Nếu nói về những điều gì làm tôi nhớ nhất thì nhiều lắm, từ những chuyện vui có, buồn có, nhất là những kỷ niệm gian khổ cùng với anh em trong trại. Hầu hết những anh em ở trại Bình Điền trước đây đều ở trại Ái Tử, Quảng Trị nên thường chúng tôi gọi là trại Ái Tử-Bình Điền là vậy.

“Có một kỷ niệm làm tôi nhớ nhất, đó là một lần có một anh em cũng hiện đang có mặt tại đây, khi anh mới vào anh bị nhốt riêng ở khu gọi là khu biệt giam. Vì mới vào, anh chưa biết chuyện gì trong trại cả mà tôi ở trại Bình Điền lâu rồi. Khi đó anh cần một tờ giấy và cây viết để viết thư thong báo cho gia đình. Vì tình cảm giữa tù với nhau, hơn nữa anh đó cùng quê, cùng làng với tôi nên tôi tìm cách đưa vào cho anh, nhưng không may trật tự trại bắt được và báo lại với quản giáo. Buổi tối hôm đó, trong giờ sinh hoạt cán bộ quản giáo kêu tôi ra và hạch hỏi tôi tại sao quan hệ với trại viên khác? Vừa hỏi xong, tôi chưa kịp trả lời là hắn đấm vào ngực, sau đó đấm liên tiếp 2 cú đấm nữa vào ngực tôi. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể quên. Nhưng tôi không bao giờ ân hận vì đã giúp cho người bạn mình, vui thôi, không sao cả! Người bạn đó là anh Lê Thiệp”.

Ông Lê Thiệp có mặt, tiếp câu chuyện: “Trước năm 1975 tôi là Trung đội trưởng Nghĩa Quân thôi. Có lẽ tôi là người tù Bình Điền có cấp bậc nhỏ nhất, vì ở trại có nhiều Trung Tá, Thiếu Tá, Đại Úy, v.v., nhưng tôi cũng ở tù 5 năm và nay hễ hội tù nhân chính trị Bình Điền lần nào họp mặt là có tôi, anh em mình đồng khổ với nhau nên gặp nhau, thấy nhau là mừng để mà chúc sức khỏe cho nhau, người nào mất mình cũng cầu xin cho anh em đó được siêu thoát. Mình là quân nhân Quân Lực VNCH mà tôi là nhỏ nhứt, theo tôi nghĩ cái chuyện của đất nước mình là do thế giới nó biến động, không phải do mình, đất nước mình nó đến cái hồi mạt vận rồi nên đành chịu thôi! Còn chuyện anh Dũng vừa nói, đúng là tôi có xin anh mảnh giấy và cây viết làm anh bị ba cú đấm vào ngực”.

Chị Hoàng Thị Huệ, một người vợ của cựu tù Bình Điền, giới thiệu với chúng tôi: “Tôi ở trong ban chấp hành Hội. Hôm nay chị em chúng tôi mặc áo dài tím, gọi là ‘tím chay’. Gọi tím chay hay là gọi Huế chay cũng được, và lại còn giọng Huế chay nữa. Huế chay là không lai Bắc, không lai Nam, chỉ là màu tím, màu tím nguyên thủy của người Huế, chỉ nói rặt tiếng Huế không lai Bắc, không lai Nam.
Ông xã tôi trước là Trung Úy Địa Phương Quân tên là Đoàn Thanh Nhơn. Sau khi anh ra tù, tôi làm may, dạy nhiều học trò. Mấy đưa học trò nói với tôi, có cậu đó mới đi tù về, chưa có vợ. Tuy thân xác anh có phần hao mòn, nhưng mà dáng dấp vẫn còn nét hào hoa, phong nhã của người sĩ quan, và nhất là thấy anh hiền quá nên tôi thương. Tự nhiên tôi thấy như định mệnh tôi gắn liền với anh, thế là tôi nhận lời lấy anh làm chồng và chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc từ ngày đó đến nay với ba đứa con rất ngoan và chăm học”.

Cựu Thiếu Tá Phan Đình Toại, nguyên Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh tại Quảng Ngãi, nhớ lại: “Trại Bình Điền nằm ở phía Tây thành phố Huế có 5 trại tất cả, thì trại 1 là Bộ Chỉ Huy của đoàn 76 Việt Cộng, các trại kia là nhốt riêng từng cấp Trung Tá, Thiếu Tá, Đại Úy, Trung Úy... trong đó ngoài quân đội có cả Cảnh Sát Quốc Gia và viên chức hành chánh. Sau này các sĩ quan Cảnh Sát bị giao hết về trại 1 và 2. Tất cả có gần 3.000 tù nhân chính trị trong trại. Riêng trại tôi ở là trại 4 từ Đại Úy đến Thiếu Tá, hoàn toàn bên quân đội. Trại 4 này trước là căn cứ Baston của Quân Lực VNCH. Lúc trước chúng tôi ở Ái Tử thì bộ đội CS quản lý, khi đưa về trại Bình Điền thì giao cho công an quản lý. Tụi bộ đội quản lý thì tương đối dễ thở hơn nhưng nó cũng hay đập người sanh tử lắm. Còn công an thì nó quản lý chặt chẽ, nó là nhà nghề nên khắc nghiệt với anh em dữ lắm.

“Trong một lần anh em nổi lên đòi phải đối xử theo quy chế tù binh, nó đem lực lượng tới bao vây, đánh toàn trại và bắt đi 52 người chủ chốt. Trong số 52 người đó cũng có một số đang có mặt ở đây, một số đã hy sinh. Riêng tôi, sau vụ đó bị bắt vì tôi là bạn với anh Cang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 TQLC là người chủ chốt, tôi cũng bị đánh 7 ngày, gẫy nhiều răng. Tôi ở tù từ 1975 đến năm 1983 mới được ra khỏi và qua Mỹ hơn 20 năm nay.

“15 năm trong quân đội đi tác chiến, rồi sau đó bị giam trong nhà tù CS làm nhiều anh em chúng tôi khủng hoảng tinh thần, mặc dầu tuổi đời đã cao, cũng còn bà con bên Việt Nam nhưng tôi không về lần nào”.
Ông nói tiếp: “Hiện nay, ở tại đây mỗi năm chúng tôi lấy ngày Đại Hội làm niềm vui và coi ngày này như ngày giỗ các bạn đồng tù, để tưởng niệm những người đã đồng cam, cộng khổ với mình trong nhiều năm trường dưới sự quản lý khắc nghiệt và vô nhân đạo của nhà cầm quyền CSVN, vì thế năm nào ngày Đại Hội Gia Đình Bình Điền cũng tổ chức đông vui, thật đúng với danh từ ‘Đại Hội’”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT