Người Việt Khắp Nơi

Đại Hội Liên Trường Pleiku kỳ 7

Monday, 19/09/2016 - 10:59:27

Để bày tỏ tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo,” ban tổ chức mời quý vị giáo sư lên sân khấu để các học sinh trao tặng mỗi vị một bó hoa tươi và chụp hình với học sinh .

Bài THANH PHONG

STANTON - Chiều thứ Bảy ngày 17 tháng 9, 2016 một số giáo sư và các cựu học sinh Liên Trường Trung Học Pleiku từ khắp nơi đã tụ hội về nhà hàng China Feast, thành phố Stanton, Nam California để tham dự Đại Hội kỳ thứ 7.

Các cựu học sinh hát quốc ca, người thứ năm từ bên phải là chị Nguyễn Thị Hương, tân Hội Trưởng. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Pleiku là một thành phố núi trên vùng cao nguyên Việt Nam, thành phố đã được các cựu học sinh Liên Trường Pleiku đề cập đến qua nhiều tên gọi khác nhau: “Thành phố nắng bụi, mưa bùn, thành phố lính” (Nguyễn Thị Thu Tâm); “Thành phố xứ bụi mù trời, mưa xô núi” (Phan Nhật Nam); và “Thành phố đi năm phút quay về chốn cũ” ( GS. Lê Ngọc Bưu). Năm 1975, thành phố có khoảng 500 ngàn dân, trong đó, ngoài người Kinh còn có 28 sắc dân khác nhau, nhiều nhất là Jarai, Bahnar và Rhađe. Ấy vậy mà Pleiku có đến tám trường trung học gồm: Pleiku, Minh Đức, Thánh Phaolo, Bồ Đề, Pleime, Phạm Hồng Thái, Nông Lâm Súc, và bán công Pleiku.

Sau biến cố 1975 một số thầy, trò các trường trên rất may mắn, dù không có phương tiện gần biển, gần phi trường để vượt thoát làn sóng xâm lăng của Việt cộng nhưng cũng đến được các quốc gia tự do qua nhiều diện khác nhau, đông nhất vẫn là đi theo chương trình H.O và chọn vùng nắng ấm California làm nơi an cư, và Liên Trường Pleiku đã được thành lập để nối kết tình thầy, trò, tình đồng môn của Phố Núi Pleiku ngày nào.


Các cựu học sinh tặng hoa cho sáu Thầy, Cô giáo đến tham dự. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Đại hội kỳ 7 diễn ra vào lúc 7 giờ tối với nghi thức khai mạc thường lệ, nhưng trong phút mặc niệm, để tăng thêm không khí trang nghiêm, ban tổ chức mời các cựu học sinh Liên Trường Pleiku từ các nơi xa về tham dự lên trước sân khấu, mỗi người trên tay cầm cây nến cháy sáng, thinh lặng cúi đầu tưởng niệm tiên nhân, anh hùng liệt nữ, thầy, cô và cựu học sinh Liên Trường đã vĩnh viễn ra đi, và đồng bào tử nạn trên đường tìm tự do.

Hai MC. Nguyễn Viết Quy và Ngọc Liên giới thiệu qúy thầy, cô: Trần Đình Thành (San Jose), các cô Bùi Mỹ Dương, Lê Hồng Lan, Phan Thị Lượng (Orange County) và các bạn học sinh từ nhiều nơi xa đến tham dự, trong đó có cả một cựu học sinh Pleiku từ VN sang.


Các cựu học sinh ở xa về dự cầm nến cháy sáng trong phút mặc niệm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Đại Hội có lời phát biểu của giáo sư Bùi Mỹ Dương, của chị Mỹ Hường, hội trưởng đương nhiệm và cựu trưởng ban tổ chức Nguyễn Thị Hương. Hai giáo sư, cô Tình (Houston) và cô Bích không đến được nhưng nhờ anh Vũ Anh chuyển lời và chuyển quà đến Đại Hội.

Bác sĩ Nguyễn Anh Hoàng, sinh quán tại Pleiku lên nói đôi điều về sự nguy hiểm của quê hương Việt Nam khi ở gần bên cạnh một nước láng giềng dã man, hung hãn, và ông nhắc các cựu học sinh, “Chúng ta vẫn là người tổ quốc mong đợi nên chúng ta phải nhớ câu hát Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.”

Để bày tỏ tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo,” ban tổ chức mời quý vị giáo sư lên sân khấu để các học sinh trao tặng mỗi vị một bó hoa tươi và chụp hình với học sinh .

Đại hội kỳ 7 cũng là thời điểm bầu lại chức vụ Hội Trưởng. Chị Nguyễn thị Hương, người sáng lập Hội Liên Trường và cựu hội trưởng ba nhiệm kỳ và bốn vị khác tình nguyện ứng cử chức Hội Trưởng. Vị cựu hội trưởng cho biết, chị rất buồn khi thấy Đại Hội ngày càng thưa thớt các cựu học sinh dù tuổi chưa già, nên chị phải ra ứng cử để lần Đại hội 8, số cựu học sinh tham dự phải đông gấp 5 lần hôm nay. Đại hội tiến hành bỏ phiếu kín và chị Nguyễn Thị Hương được đa số tuyệt đối tín nhiệm. Tân Hội Trưởng Nguyễn Thị Hương sẽ mời các anh chị cựu học sinh khác vào thành phần Ban Chấp Hành.

Ngoài tiệc mừng hội ngộ và chương trình văn nghệ, Đại hội cũng ra mắt Đặc San Liên Trường Pleiku dầy gần 300 trang, hình bìa và phụ bản là một tác phẩm hội họa của họa sĩ Doãn Quốc Vinh. Nhóm chủ trương gồm: Phạm Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thị Mỹ Hường, Phan Thị Quỳnh Như và Phạm Vũ Anh với Ban Biên Tập: Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Phạm Thị Tuyết Nga, Nguyễn Thị Thu Tâm và Tô Quốc Thắng. Kỹ thuật và trình bày do họa sĩ Doãn Quốc Vinh và Nguyễn Thị Minh Hương.
Đặc san có tới 109 bài viết và nhiều trang hình ảnh sinh hoạt cùng hai phụ bản.

Đọc những bài của Nguyễn Thị Thu Tâm, Phạm Phúc, Hồ Diệu Thảo, Lê Ngọc Bưu, Lê Ngọc Phiệt, Phan Nhật Nam, Kim Oanh, Nguyễn Đình Tuy, Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, Trần Thị Vinh, Trần Bích Nga, Văn Thụy v.v. mới thấy thương, thấy mến Pleiku, thấy vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng cao nguyên, thấy “Đường nào dài bằng đường Hoàng Diệu, Gái nào điệu bằng gái Pleime. (HD Thao), nên nhà văn Phan Nhật Nam, xuất thân là một nhà giáo, đã chọn Pleiku. Năm 1964, ra trường sư phạm, ông đã tình nguyện lên Pleiku và chọn Pleiku là quê hương thứ hai ở miết đến tháng Ba, 1975 (lần từ Pleiku về với biển).

Chương trình văn nghệ thật đặc sắc do các MC: Thu Tâm, Ngọc Liên và Nguyễn Trung Chánh phụ trách với nhiều tiết mục được các thầy , cô và cựu học sinh liên trường vỗ tay không ngớt. Chương trình Đại Hội còn có màn đấu giá tặng phẩm để gây quỹ và kết thúc lúc gần 10 giờ tối cùng ngày.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT