Thế Giới

Đài Loan muốn mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ

Thursday, 27/04/2017 - 08:44:43

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nhiều khả năng ông Trump sẽ dùng đề nghị mua F-35 của Đài Loan làm con cờ để thương lượng với Bắc Kinh, thay vì chuẩn thuận việc mua bán.



ĐÀI BẮC – Chính phủ Đài Loan mới đây vừa đề nghị mua chiến đấu cơ F-35 của Hoa Kỳ, trong thỏa thuận mua bán vũ khí đầu tiên giữa đảo quốc với Tổng Thống Donald Trump. Hành động này được cho là có thể tạo ra một thử thách mới cho quan hệ ngoại giao giữa ông Trump và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. 
Đài Loan lâu nay vẫn dựa vào sự hỗ trợ an ninh của Hoa Kỳ để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, và dự định sẽ gởi danh sách hàng hóa quốc phòng cần mua đến chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 7 năm nay. Cùng với ý định mua chiến đấu cơ F-35, Đài Loan cũng hủy bỏ đề nghị mua chiến đấu cơ F-16, vốn đã được đưa ra từ lâu và bị chính phủ Hoa Kỳ từ chối. Ông Wang Ting-yu, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng và Ngoại Giao của Quốc Hội Đài Loan, nói rằng ông hy vọng lần này sẽ mua được F-35, vì các chiếc F-16 hiện đã lỗi thời và sẽ không còn tác dụng trong vòng 10 năm tới. 
Việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan lâu nay vẫn là vấn đề khó chịu với Trung Quốc, do nước này coi Đài Loan là thuộc sở hữu của mình và luôn đe dọa sẽ tấn công giành lại lãnh thổ nếu cần. Việc Đài Loan muốn mua 1 trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới sẽ đặt ông Trump vào tình thế khó khăn, trong lúc ông đang muốn duy trì quan hệ hòa thuận với Chủ Tịch Tập Cận Bình. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nhiều khả năng ông Trump sẽ dùng đề nghị mua F-35 của Đài Loan làm con cờ để thương lượng với Bắc Kinh, thay vì chuẩn thuận việc mua bán.

Argentina kêu gọi tăng áp lực với Venezuela
HOA THỊNH ĐỐN – Tổng Thống Mauricio Macri của Argentina hôm thứ Năm tuyên bố, các chính phủ trong khu vực Mỹ Latin cần gây áp lực với Venezuela, để buộc nước này tổ chức bầu cử và thả tù nhân chính trị. Ông Macri cáo buộc Venezuela “không tôn trọng nhân quyền” và xã hội của nước này “không phải là một nền dân chủ.”
Tuyên bố của tổng thống Argentina được đưa ra ngay sau khi ông có cuộc họp với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Macri cho biết, rất nhiều người Venezuela đã tìm đường đến Argentina để được sống yên ổn tại đây. Ông cho rằng việc di cư không phải là giải pháp, và Venezuela cần một chính phủ dân chủ. Trước đó, vào hôm thứ Tư, Venezuela đã tuyên bố rút khỏi Tổ chức các nước châu Mỹ OAS, do bị chỉ trích về vi phạm nhân quyền.

Tàu do thám Nga chìm gần bờ Thổ Nhĩ Kỳ
KILYOS – Một tàu do thám của Hải quân Nga đã bị chìm trên biển Đen, gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, vào hôm thứ Năm, sau khi va chạm với một tàu hàng chở gia súc. Toàn bộ 78 nhân viên trên tàu Nga đều được di tản an toàn và có sức khỏe tốt. Con tàu có tên Liman của Nga đã va chạm với tàu hàng Youzarsif H, cắm cờ Togo, theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. Tai nạn xảy ra trong vùng biển có nhiều sương mù, và tầm nhìn xuống thấp chỉ còn 18 dặm, gần làng Kilyos trên bờ biển Đen, phía bắc thành phố Istanbul.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 1 tàu kéo và 3 tàu nhẹ đến hỗ trợ các con tàu gặp nạn. Thủy thủ đoàn trên tàu Youzarsif H không bị ảnh hưởng gì. Tàu hàng Youzarsif H được đóng năm 1977, có trọng tải 2,418 tấn, đang trên đường từ Romania tới Jordan, chở theo 8,800 con cừu. Ngoài vết trầy xước nhẹ ở phần mũi, tàu Youzarsif H không bị tổn thất gì nghiêm trọng. Viên chức Nga cho biết, tàu Liman chìm vì bị thủng một lỗ lớn trên thân tàu ở dưới mép nước.
Hiện chưa rõ nhiệm vụ hiện tại của tàu Liman. Vào năm 2016, con tàu này được điều đến biển Đen để theo dõi cuộc tập trận giữa Ukraine và một số nước thành viên NATO, bao gồm cả Hoa Kỳ. Các chiến hạm của Nga rất thường đi qua eo biển Bophorus, là vùng nước hẹp cắt ngang Istanbul, để đi từ biển Đen vào Địa Trung Hải, và đến bờ biển Syria. Eo biển này cũng là một trong những tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới.

Anh bắt nghi can mang dao gần quốc hội
Cảnh sát Anh lại vừa phá được một âm mưu khủng bố tại London, sau khi bắt giữ một người đàn ông mang theo dao ở gần tòa nhà quốc hội. Lực lượng chống khủng bố bắt giữ nghi can vào 2 giờ 22 trưa thứ Năm, giờ địa phương, trên đường Quốc Hội, rất gần với tòa nhà Quốc Hội Anh, cùng văn phòng của Thủ Tướng Theresa May và nhiều trụ sở chính quyền khác. Địa điểm này chỉ cách vài mét với hiện trường của 1 vụ khủng bố vào tháng trước, vốn đã khiến 5 người chết, bao gồm cả kẻ tấn công.
Cảnh sát đã lục soát ba-lô của nghi can và tìm thấy 2 con dao. Được biết, cảnh sát khám phá sự việc nhờ tin báo của một người thuộc cộng đồng Hồi giáo ở Anh, sau khi người này thấy lo ngại về thái độ bất thường của nghi can. Các hành động của nghi can sau đó đều bị theo dõi bởi cảnh sát và nhân viên của cơ quan tình báo MI5. Nghi can 27 tuổi bị bắt với các tội tàng trữ vũ khí và âm mưu tấn công khủng bố. Kẻ này hiện đang sống tại London, nhưng được sinh ra bên ngoài Anh quốc.
Không có ai bị thương trong sự việc, và Thủ Tướng May không có mặt ở văn phòng khi việc này xảy ra. Nhà chức trách cho biết, vụ bắt giữ là một phần của một chiến dịch đang được thực hiện bởi Trung tâm chỉ huy chống khủng bố. Thủ Tướng May đã ca ngợi hành động của cảnh sát, và nói rằng sự việc này cho thấy các cơ quan công lực của Anh luôn trong tình trạng sẵn sàng để bảo vệ an toàn cho người dân.

Máy bay Israel tấn công kho vũ khí Syria
DAMACUS - Chiến đấu cơ của Israel đã bắn phá sân bay Damascus và phá hủy số vũ khí đang chuẩn bị được chuyển đến cho quân đội Syria. Cuộc không kích của quân đội Israel hôm thứ Năm đã nhắm trúng một kho cung cấp vũ khí, do nhóm Hezbollah kiểm soát gần sân bay Damascus, nơi thường xuyên cung cấp vũ khí cho quân đội Syria từ Iran, đồng minh quan trọng của Tổng thống Bashar al-Assad. Các vũ khí này được vận chuyển qua các máy bay vận tải thương mại và quân sự.
Hai nguồn tin từ lực lượng nổi dậy ở vùng ngoại ô cho biết, ít nhất đã có 5 đợt không kích nhắm vào kho vũ khí này. Vụ tấn công chủ yếu gây ra thiệt hại vật chất, chứ không có thương vong về người. Trước đó, hồi tháng 3, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố quân đội nước này sẽ tiếp tục không kích Syria nếu thấy cần thiết. Israel tuyên bố bất cứ việc chuyển vũ khí hiện đại nào cho lực lượng Hezbollah ở Syria đều được coi là "giới hạn đỏ" và sẽ buộc họ phải tấn công.
Trong quá khứ, Israel từng nhiều lần không kích phủ đầu các nước láng giềng thù địch, nếu họ cho rằng nước đó có hành động đe dọa an ninh đối với mình.

Bắc Hàn nhờ ASEAN ủng hộ trong xung đột với Mỹ

BÌNH NHƯỠNG – Trong lá thư mới đây gởi tới Tổng thư ký Hiệp hội Các nước Đông Nam Á Asean, Ngoại Trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho cảnh báo rằng, bán đảo Triều Tiên đang ở trên bờ vực chiến tranh do các hành động của Hoa Kỳ. Ông Ri kêu gọi chủ tịch Asean nên thông báo cho 10 ngoại trưởng của các nước thành viên, về tình hình nghiêm trọng trên bán đảo, và đưa ra những đề nghị hợp lý. Đồng thời, ông Ri cũng chỉ trích các cuộc tập trận kéo dài của liên quân Hoa Kỳ và Nam Hàn.
Căng thẳng đã tăng cao trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây, sau hàng loạt vụ thử hỏa tiễn của Bắc Hàn và những lời lẽ cứng rắn từ Washington. Lá thư của Bắc Hàn được gởi đi trước khi Hiệp hội Asean mở phiên họp tại Manila, nơi các ngoại trưởng dự kiến sẽ thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên. Trong lá thư, ông Ri nói rằng khối Asean có vai trò quan trọng trong sự ổn định của khu vực, nên ông hy vọng hiệp hội sẽ chú ý đến các cuộc tập trận Mỹ-Hàn, và đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Bắc Hàn vẫn có quan hệ khá thân thiết đối với một số thành viên Asean, bao gồm Cambodia và Lào. Quan hệ ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Malaysia đã bị gián đoạn sau vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, tại sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur vào tháng 2 vừa qua. Theo một bản nháp của bài diễn văn tổng kết hội nghị Asean, phần nói về bán đảo Triều Tiên vẫn còn để trống, cho thấy các nước vẫn chưa đồng thuận về những điều cần nói liên quan đến vấn đề này.

Hong Kong bắt 9 nhà hoạt động dân chủ
HONG KONG – Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 9 nhà hoạt động dân chủ vào hôm thứ Năm, vì tội có liên quan đến cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái, trước văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại đặc khu hành chính này. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ 1 ngày sau khi 2 nhà lập pháp ủng hộ phong trào độc lập cho Hong Kong cũng bị bắt và bị truy tố. Trong số những người bị bắt hôm thứ Năm có các thành viên của các tổ chức Liên minh Xã hội dân chủ và Sinh viên tranh đấu vì dân chủ.
Nhiều người cáo buộc các vụ bắt giữ này là một chiến dịch nhằm dập tắt các tiếng nói đối lập. Ngoài ra, sự kiện này cũng xảy ra trong thời điểm Đặc khu trưởng Hong Kong, ông Lương Chấn Anh, chỉ còn 2 tháng nắm quyền. Các chuyên gia cho rằng, ông Lương đang tìm cách lấy lòng Bắc Kinh để bảo vệ cho sự nghiệp chính trị của ông. Vào ngày 1 tháng 7, bà Carrie Lam sẽ tuyên thệ nhậm chức tân đặc khu trưởng, đúng vào ngày kỷ niệm 20 năm Hong Kong được Anh quốc trao trả về Trung Quốc.
Các nhà hoạt động dân chủ đang lo ngại trước sự can thiệp ngày càng nhiều của Bắc Kinh vào các vấn đề của Hong Kong, dù Trung Quốc luôn hứa hẹn rằng đặc khu hành chính này sẽ có hệ thống pháp luật riêng và có quyền tự trị. Vấn đề độc lập cho Hong Kong, lâu nay vốn là chủ đề cấm kỵ, đã bắt đầu được quan tâm trong thời gian gần đây, sau khi phong trào dân chủ tại Hong Kong vào cuối năm 2014 không được Bắc Kinh đáp ứng.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT