Thế Giới

Đài Loan tái xác nhận chủ quyền về Biển Đông

Tuesday, 31/05/2016 - 07:46:48

Bà Wang nói, “Chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp gần đây để chứng minh cho các quốc gia hữu quan thấy đảo Ba Bình là của chúng tôi, các biện pháp này rất ôn hòa, trong tương lai chúng tôi mong có sự hợp tác mọi mặt với các bên.”

Hôm thứ Ba Đài Bắc lên tiếng cương quyết một lần nữa để đòi chủ quyền ở Biển Đông. Đài Loan chiếm một đảo lớn trong Biển Đông, nhưng từ 60 năm qua, vẫn luôn nhận chủ quyền của vùng biển rộng lớn này về mình, theo lời phát ngôn nhân Eleanor Wang của Bộ Ngoại Giao Đài Loan cho báo cho hay. Chính phủ Đài Loan luôn luôn muốn nhắc nhở Việt Nam và Phi Luật Tân chủ quyền của Đài loan ở Biển Đông, nhất là đảo Taiping Island của quần đảo Trường Sa đã lọt vào tay Đài Loan từ lâu, cũng như bán đảo Dongsha gần Đài Loan.
Trong cuộc họp báo, bà Wang nói, “Các đảo và bán đảo này này là thuộc chủ quyền của chúng tôi về mặt lịch sử, theo luật quốc tế thì chuyện này là không tranh cãi được.”
Bà Wang nói, “Chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp gần đây để chứng minh cho các quốc gia hữu quan thấy đảo Ba Bình là của chúng tôi, các biện pháp này rất ôn hòa, trong tương lai chúng tôi mong có sự hợp tác mọi mặt với các bên.”

Dân bị dùng làm bia đỡ đạn ở Falluja
Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã lên tiếng báo động là nhóm IS “đang dùng hàng trăm thường dân làm bia đỡ đạn tại thành phố Falluja” khi quân đội Iraq mở cuộc tấn công dữ dội từ cuối tuần qua đây.
William Spindler, phát ngôn viên của UNHCR cho hay có 7 thành viên của một gia đình đã chết và bị thương khi bị IS dùng làm khiêng người chống lại đạn bom. Có ít nhất 50,000 người còn đang bị kẹt trong thành phố. Salem al-Halbusi, một cư dân của Falluja, cho báo USA Today hay, “Bọn IS dồn dân vào một bệnh viện rồi khóa lại rồi bảo với họ bọn quân Iraq và đồng bọn của chúng đang tiến vào vả sẽ giết chết hết chúng bây.”
IS chống cự quyết liệt đà tiến quân của quân đội Iraq, dù đã có nhiều cuộc oanh kích yểm trợ của lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo. Quân đặc nhiệm của Iraq đã chiếm trên 80% thành phố Falluja. Jan Egeland, Chủ Tịch Hội Đồng Người Tị Nạn tại Na Uy cho hay, “Một thảm kịch nhân đạo đang diễn ra, chỉ có 1 gia đình duy nhất thoát được từ Falluja hôm qua.”

Nga trấn áp mạnh thành phần chống đối
Anastasia Bubeyeva nói màn hình của máy điện toán của cô ở nhà là ảnh một ống kem đánh răng bị bóp với hàng chữ “Nước Nga đang bị bóp như thế này.” Chỉ vì muốn chia sẻ hình ảnh độc đáo này với 12 người bạn trên các trang mạng xã hội, người chồng của cô đã bị tuyên án đến 2 năm tù. Một làn sóng trấn áp âm thầm nhưng quyết liệt đối với các công dân bình thường ở Nga dám lên tiếng chống đối nhà nước Nga đang diễn ra.
Vào năm ngoái, ít nhất đã có 54 người bị bắt vì có lời ăn nói mà Moscow khép vào tội “thù ghét,” đa số chỉ vì họ đưa lên các trang mạng xã hội các ý kiến riêng của mình. Theo nhóm Sova chuyên nghiên cứu về nhân quyền của Nga, con số người bị bắt đã cao gấp 5 lần so với 5 năm trước đây.
Nếu vào năm 2010, chỉ có 92 người bị kết tội “thù ghét” thì đến năm 2015, con số tăng lên đến 233 người. Vào năm 2002, chính phủ Nga có đưa ra định nghĩa “chủ nghĩa cực đoan” là các câu nói hay hành động gây nguy hại đến an ninh quốc gia, ca tụng khủng bố và phân biệt chủng tộc

Chủ trương đòi Anh rút ra khối EU đang thắng
Đồng bảng Anh đã bị sụt giá trên thị trường hối đoái sau khi một kết quả khảo sát cho thấy khuynh hường muốn thoát ra khối EU đang có mòi thắng thế ở Anh. Khi ICM công bố kết quả thăm dò hôm Thứ Ba thì trị giá đồng bảng Anh sụt đối với hầu hết 16 đơn vị tiền tệ lớn của thế giới. Có 45% người được hỏi ý kiến đồng ý Anh phải rút ra khỏi khối EU, so với 42% chủ trương nên ở lại. Cũng có 13% phân vân chưa có ý kiến rõ rệt.
Như thế kết quả mới nhất đã khác hẳn so với kết quả thăm dò lần trước, khi đó số người đồng ý ở lại đã cao hơn. Các chuyên gia cho là kết quả này cộng với biến động của đồng bảng Anh cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn như thế nào của chủ trương “đi hay ở lại” đối với các thị trường tài chính và lãnh vực đầu tư, vì thế nếu như kết quả cuộc trưng cầu dân ý trong ba tuần nữa có kết quả “nên rút lui” thắng thế thì người ta càng e ngại các thị trường tài chính trên thế giới càng thêm rối loạn.

Mỹ cảnh cáo Bắc Hàn về vụ bắn thử hỏa tiễn
Cộng Sản Bình Nhưỡng đã cho tiến hành bắn thử một hỏa tiễn hôm thứ Ba nhưng cuộc phóng đã thất bại, theo lời các viên chức Quốc Phòng Nam Hàn cho báo chí hay. Bộ Quốc Phòng Nam Hàn đã theo dõi vụ bắn hỏa tiễn vào sáng sớm và chính phủ Nhật Bản ngay lập tức lên tiếng kết án vụ phóng thử này như là “một hành động khiêu khích và không chấp nhận được.”
Tuy Bộ Quốc Phòng Nam Hàn từ chối loan báo loại hỏa tiễn gì đã được Bắc Hàn phóng lên, song các nguồn tin báo chí địa phương trích lời các viên chức quốc phòng của Nam Hàn cho hay đây là loại hỏa tiễn Musudan, đã từng bị thất bại ba lần khi phóng trước đây trong năm nay. Jeon Ha-Gyu, phát ngôn nhân của Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn, cho biết trong một cuộc họp báo, “Chúng tôi nghĩ vụ bắn thử đã thất bại, nhưng tại sao và thất bại ra sao thì chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu và điều tra.”
Hoa Kỳ cũng kết án mạnh mẽ vụ này như sau, “Những hành động của Bắc Hàn như thế đã đặt ra mối đe dọa cho an ninh của Hoa Kỳ, cho các đồng minh và cho an ninh vùng Châu Á-Thái Bình Dương”

Dãi san hô Great Barrier Reef của Úc bị tàn phá
Ít nhất 35% của toàn thể diện tích dãi san hô nổi tiếng Great Barrier Reef của Úc đã chết hay đang hấp hối do tình trạng nóng ấm toàn cầu, gây ra hiện tượng gọi là “bleaching,” theo các khoa học gia cho hay. Khi nhiệt độ trong nước biền tăng lên thì hiện tượng này xảy ra, các nhà khoa học đã đưa ra con số báo động kể trên sau nhiều tháng theo dõi nghiên cứu và đo đạc từ dưới đáy biển lẫn trên không.
Terry Hughes, Giám Đốc học viện chuyên nghiên cứu về san hô của đại học James Cook của Úc, cho hay, “Khi khảo sát 84 bãi đá san hô ở khu vực bắc và trung tâm của dãi san hô Great Barrier Reef, chúng tôi thấy có 35% các loài san hô đã chết hay đang chết, trải dài từ Townville đến Papua New Guinea. Đây là lần thứ 3 trong vòng 18 năm qua, chúng tôi tiến hành khảo cứu và thấy lần này hiện tượng san hô chết diễn ra rất mạnh mẽ, so với 2 lần trước đây.”
Các chuyên gia cho là phải mất trung bình 10 năm để một rặng san hô chết hồi sinh, nhưng đối với nhiều loài san hô già nua và lớn lao thì thời gian phục hồi kéo dài rất lâu.

Hỏa hoạn lớn ở kho vũ khí ở Ấn Độ làm 17 người chết
Hôm thứ Ba một trận hỏa hoạn lớn đã bùng ra tại một kho đạn dược của quân đội Ấn Độ nằm về phia tây khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và 19 người khác bị thương, theo tin từ Bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho hay.
Đại diện cảnh sát địa phương cho hay kho đạn Pulgaon bắt đầu phát hỏa vào sáng sớm và mãi đến chiều ngọn lửa mới được dập tắt. Đài TV New Delhi cho hay hơn 1,000 cư dân địa phương đã được di tản vì lý do an toàn, sau khi ngọn lửa bốc lên. Kho đạn này thuộc loại lớn nhất của Ấn Độ và nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ vì sao lại xảy ra tai nạn. Thủ Hiến bang Maharashtra là Deventra Fadnavis nhận định hỏa tai đã làm tổn thất nhân mạng lớn lao và thiệt hại của cải cũng rất nặng nề” và loan báo tiểu bang sẽ cung hiến mọi tài nguyên cần thiết giúp quân đội khắc phục hậu quả.
Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi cho hay ông rất đau lòng về số nạn nhân và ra lệnh Bộ Trưởng Quốc Phòng Ấn Độ phải đến tận nơi xem xét.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT