Người Việt Khắp Nơi

Đại Nhạc Hội Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ & Vinh Danh QL/VNCH

Tuesday, 29/10/2019 - 07:04:36

Với tâm tình của một người viết văn, làm thơ và cũng là một cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, thi, văn sĩ Quốc Nam vừa đến Nam California...

Thi sĩ, văn sĩ Quốc Nam, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ và Vinh Danh QL/VNCH. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

 

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Với tâm tình của một người viết văn, làm thơ và cũng là một cựu sĩ quan Quân Lực VNCH, thi, văn sĩ Quốc Nam vừa đến Nam California tổ chức Đại Nhạc Hội Tôn Vinh Chữ Nước Ta và Vinh Danh Quân Lực VNCH. Đại Nhạc Hội được tổ chức tại hội trường Gymnasium của trường Warner School, thành phố Westminster, California vào ngày Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019.

Với mục đích trên, thi, văn sĩ Quốc Nam đã chuẩn bị cho Đại Nhạc Hội từ nhiều tháng trước đây, ông đã mời được giáo sư tiến sĩ Trần Huy Bích nói về cố học giả Huỳnh Tịnh Của và giáo sư Dương Ngọc Sum nói về cố bác học Petrus Ký. Về quân lực VNCH, ông đã mời được niên trưởng Trần Ngọc Thống, 97 tuổi, ( Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, Giám Đốc Nha Trừ Bị, Tổng Nha Nhân Lực Bộ Quốc Phòng VNCH); Bác Sĩ Sterling Mutz 94 tuổi (cựu Y Sĩ Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Bệnh Viện 3 Dã Chiến của quân đội Hoa Kỳ tại Saigon), đồng thời mời được một số cựu quân nhân đại diện các binh chủng Hải, Lục, Không Quân VNCH, một số ca nghệ sĩ và các ban nhạc đến tham dự. Phi công Đào Anh Tuấn, cựu Đại Úy Nhảy Dù Ngọc Đăng, cựu HQ Trung Úy Người Nhái Trần Xuân Tin, võ sư Tom Võ, cựu sĩ quan QL/VNCH, bà Như Hảo (Giám Đốc Đài Mẹ Việt Nam), ca sĩ Mỹ Lan (phu nhân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), ký giả Nguyễn Viết Hưng (Giám Đốc Ngoại Vụ Việt Phố/TV, Chủ Nhiệm tạp chí Thế Giới Phụ Nữ) là bảy MC phụ trách điều hợp toàn bộ chương trình Đại Nhạc Hội. Với một chương trình quy mô như thế nhưng hoàn toàn không bán vé vào cửa.


Ông Quốc Nam giới thiệu Ban Tổ Chức Đại Nhạc Hội (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Sau nghi thức chào cờ, thi, văn sĩ Quốc Nam, Trưởng Ban Tổ Chức đọc diễn văn chào mừng mọi người tham dự, trong đó có Linh Mục Nguyên Thanh, cựu Tuyên Úy QL/VNCH, một số niên trưởng trong QL/VNCH, một số thân hào nhân sĩ, Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Nghị Viên Nguyễn Mạnh Chí cùng đông đảo đồng hương và các cớ quan truyền thông. Ông nói, “Đại Hội này chúng tôi cố gắng đưa ra hai chủ đề nặng phần văn học và lịch sử. Phần thứ nhất, Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ với nhị vị diễn giả uy tín: Giáo sư TS Trần Huy Bích nói về cố học giả Huỳnh Tịnh Của, cùng GS Dương Ngọc Sum của Trung Học Petrus Ký nói về cố bác học ngôn ngữ Petrus Trương Vĩnh Ký. Phần thứ hai, Vinh Danh các Quân, Binh Chủng và các đơn vị QL/VNCH từ Trung Ương đến Xã, Ấp.”

Ông cũng cho biết, bản thân ông là một người lính trận thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, hai lần bị thương nặng vào năm Mậu Thân 1968, bị mất nhiều máu, nhưng được tiếp máu của đồng bào trên trực thăng tải thương nên đã sống sót, và ông nói một câu rất có tình, có lý, “Như vậy máu trong thân thể tôi hiện nay một nửa của mẹ cha và một nửa của đồng bào góp lại. Từ đó, tôi sống cho tha nhân hơn cho chính mình, bởi tôi nghĩ mình phải có hiếu với mẹ cha và phải có nghĩa với đồng bào ruột thịt. Tôi đã giải ngũ khỏi QL/VNCH từ năm 1971, nhưng Quân Đội không bao giờ ra khỏi tôi cho đến khi tôi nhắm mắt lìa đời.”


Đông đảo quan khách và đồng hương tham dự. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Trong suốt bài diễn văn khai mạc, ông dành nhiều lời ca ngợi QL/VNCH cũng như dẫn chứng các bài viết của báo chí Pháp so sánh trận chiến An Lộc không thua gì hai trận Verdun ở Pháp trong thế chiến thứ nhất và trận Stalingrad ở Nga trong thế chiến thứ hai, trong khi “History News Network” của Hoa Kỳ đã só sánh trận An Lộc ngang tầm với hai trận Saratoga năm 1777 và Gettysburg năm 1863.

Thi, văn sĩ Quốc Nam cũng không quên nhắc đến năm vị Tướng Lãnh và hàng trăm sĩ quan quân nhân QL/VNCH các cấp đã tự sát. Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một quốc gia nào khi sụp đổ mà có hàng trăm chiến sĩ các cấp đã tự sát theo vận nước bi tráng như vậy, và ông kết luận, “Hôm nay tập thể Quân, Dân, Cán, Chính VN chúng tôi tập họp nơi đây để cùng vinh danh QL/VNCH qua hình ảnh bất tử của các Quân, Binh chủng sau đây: Quân chủng Hải Quân, Không Quân, Lục Quân (gồm các sư đoàn Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Cảnh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, Tổng Cục CTCT, Quân Huấn, Tiếp Vận) và hôm nay xin quý vị cùng chúng tôi lớn tiếng vinh danh Quân, Cán, Chính VNCH cùng hai nhân vật làm đẹp Chữ Nước Ta suốt từ thế kỷ 19 đến ngày nay là cố học giả Huỳnh Tịnh Của và cố bác học ngôn ngữ Petrus Ký. Nguyện cầu Trời, Phật phù hộ chúng ta và cho ngôn ngữ Việt bất diệt trong bất cứ nghịch cảnh nào.”


Một tiết mục văn nghệ được nồng nhiệt tán thưởng. (Thanh Phong/Viễn Đông)

 

Sau đó, ban tam ca Hùng Việt trình bày ca khúc “Vinh Danh Học Giả Huỳnh Tịnh Của và bác học Petrus Ký,” sáng tác mới nhất của ca nhạc sĩ Nhật Hạnh, phổ thơ Quốc Nam. Tiếp đến, các MC giới thiệu đôi nét về tiểu sử và mời giáo sư tiến sĩ Trần Huy Bích lên nói về học giả Huỳnh Tịnh Của (bài nói chuyện của giáo sư TS Trần Huy Bích có nhiều dữ liệu ít ai biết và được giáo sư trình bày một cách rõ ràng. Vì bài tường thuật Đại Nhạc Hội khá dài, Viễn Đông sẽ đăng nguyên văn bài nói chuyện của giáo sư trong các số báo sau).
Kế tiếp, ca nhạc sĩ Thùy Linh trình bày nhạc phẩm “Khúc Ca Ngày Mùa” của nhạc sĩ Lam Phương. Dứt tiếng ca của ca nhạc sĩ Thùy Linh, Ban Tổ Chức giới thiệu tiểu sử và mời giáo sư Dương Ngọc Sum, vị giáo sư từng dạy tại ngôi trường nổi tiếng nhất tại thủ đô Saigon, Trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký thuyết trình về cố bác học Petrus Ký.

Sau bài thuyết trình, Ban Thiếu Nhi CLB Tình Nghệ Sĩ trình diễn tiết mục “Việt Nam Hùng Sử Ca” và ca, nhạc sĩ Nhật Hạnh trình bày nhạc phẩm “Tình Ca Chinh Phụ” do chính cô sáng tác.
Bước sang phần hai Vinh Danh Quân Lực VNCH, mở đầu với liên khúc “Ta Là Lính và Tưởng Niệm Chiến Sĩ Tự Do” do nhạc sĩ Xuân Điềm sáng tác và Ban Tù Ca trình bày. Tiếp theo, Y Sĩ cựu Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Bệnh Viện 3 Dã Chiến Hoa Kỳ được mời phát biểu. Vị cựu Đại Tá QL Hoa Kỳ cũng hết lời ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của QL/VNCH mà ông đã tận mắt chứng kiến trong suốt thời gian phục vụ tại Việt Nam. Sau đó, các chiến hữu Hải Quân Cửu Long hợp ca nhạc phẩm “Liên Khúc Hải Quân Hành Khúc.” Đến đây, một vị niên trưởng trong QL/VNCH, ông Trần Ngọc Thống, một trong ba tác giả đã hoàn thành bộ “Lược Sử QL/VNCH” rất công phu và giá trị (hai tác giả kia là Thiếu Tá Hồ Đắc Huân và Trung Úy Lê Đình Thụy). Mặc dù đã gần 100 tuổi, Đại Tá Trần Ngọc Thống vẫn còn minh mẫn, ông đã trình bày từng chi tiết từ ngày thành lập nền Đệ Nhất VNCH cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Cộng quân. Mọi người tham dự đều tỏ ý thán phục về kiến thức cũng như sự minh mẫn của một niên trưởng được coi là cao niên nhất trong Đại Nhạc Hội Tôn Vinh Chữ Quốc Ngữ và Vinh Danh QL/VNCH.


Các chiến sĩ Hải Quân Cửu Long trong nhạc phẩm Hải Quân Hành Khúc. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau bài nói chuyện của Đại Tá Trần Ngọc Thống, các chiến hữu Không Quân mặc đồ bay lên trình bày nhạc phẩm “Không Quân Hành Khúc,” và binh chủng Nhảy Dù với nhạc phẩm “Sư Đoàn Nhẩy Dù Hành Khúc.” Chương trình được tiếp tục với phần văn nghệ do các ca sĩ Mỹ Lan, Trần Thiện Anh Chí, vũ đoàn Việt Cầm, CLB Tình Nghệ Sĩ, Ban Hùng Việt... trình bày. Sau cùng là lời cảm tạ của thi, văn sĩ Quốc Nam và Đại Nhạc Hội kết thúc tốt đẹp với nhạc phẩm Xuất Quân” để vinh danh các Quân, Binh Chủng QL/VNCH.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT