Người Việt Khắp Nơi

Đài SBTN Giới Thiệu Bộ Film “40 Năm Nhìn Lại“

Wednesday, 15/04/2015 - 08:13:27

Bộ phim cũng có mục đích để cho thế hệ thứ hai, thứ ba và sau này biết về lịch sử và sự hình thành các Cộng Đồng Người Việt như thế nào, cũng như tại sao người Việt phải bỏ nước ra đi? Anh Trần Vũ cũng cho biết có nhà văn Phan Nhật Nam làm cho cái sườn tức là viết kịch bản để anh dựa vào đó thực hiện cuốn phim, và ca sĩ Ngọc Đan Thanh đọc lời bình.

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Sau sáu tháng thực hiện, tối Thứ Ba 14.4.2015, Đài truyền hình SBTN đã giới thiệu với giới truyền thông và một số thân hữu chọn lọc bộ phim tài liệu “40 Năm Nhìn Lại” tại cơ sở của Đài ở địa chỉ 10501 Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92843.

(từ trái qua phải): Ô. Nguyễn Tự Cường (Giám Đốc Điều Hành SBTN); anh Trần Vũ (Đạo diễn); ông Phạm Hoàng Trung (Chủ Tịch HĐQT Đài SBTN); LS Đỗ Phủ (Phó Giám Đốc Đài SBTN) ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông



Trước giờ chiếu, chúng tôi có dịp phỏng vấn anh Trần Vũ, một thanh niên trẻ, vừa là đạo diễn vừa là người quay phim. Trả lời các câu hỏi của Viễn Đông, anh Trần Vũ cho biết: Sau 40 năm người Việt phải bỏ nước đi tỵ nạn, Đài SBTN thấy cần phải làm một phóng sự, ghi lại những sinh hoạt của Cộng Đồng người Việt khắp nơi trên thế giới để lưu lại cho các thế hệ sau. Nhạc sĩ Trúc Hồ, Giám Đốc Đài đã nẩy ra sáng kiến và giao cho em thực hiện bộ phim phóng sự này. Em đã đi 15 nước, đa số có người Việt tỵ nạn từ 1975, và mất 6 tháng để hoàn thành bộ film này. Mục đích chính của phim là ghi nhận sự hình thành của cộng đồng người Việt, trong đó có cộng đồng nhỏ nhất là Cộng Đồng người Việt ở Brazil (Ba Tây). Ở bất cứ quốc gia nào, người Việt cư ngụ cũng hình thành một cộng đồng, duy trì nét văn hóa và bảo tồn ngôn ngữ qua những lớp Việt ngữ và tinh thần chống cộng rất cao, nhất là trong tình hình hiện nay. Bộ phim cũng có mục đích để cho thế hệ thứ hai, thứ ba và sau này biết về lịch sử và sự hình thành các Cộng Đồng Người Việt như thế nào, cũng như tại sao người Việt phải bỏ nước ra đi? Anh Trần Vũ cũng cho biết có nhà văn Phan Nhật Nam làm cho cái sườn tức là viết kịch bản để anh dựa vào đó thực hiện cuốn phim, và ca sĩ Ngọc Đan Thanh đọc lời bình. Được hỏi, sau bộ phim này, Trần Vũ có ý định thực hiện bộ phim nào khác? Anh trả lời: Phim tài liệu thì có rất nhiều đề tài, nhưng em muốn sắp tới em sẽ làm bộ phim những người Việt bị lưu đày từ thời Pháp thuộc để người Việt chúng ta có thể nhìn lại tấm gương yêu nước và lòng can đảm của tiền nhân.
Anh Trần Vũ đã lên cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ đã trao phó cho anh trọng trách làm film, mặc dù anh là người sanh sau đẻ muộn nhưng cũng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, và giới thiệu tập 1 bộ film:
Trên màn ảnh hiện ra lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phất phới, sau đó là trận đánh cuối cùng của QL/VNCH trên cầu Saigon với quân cộng sản, những thây người ngã gục, những đứa trẻ bị trúng đạn máu me chảy đầy mặt gào khóc thảm thiết; những người dân bị thương được các chiến sĩ quân đội VNCH tải thương, dù họ đang phải chống lại quân thù trước mặt, những chiếc xe tăng T54 của Việt cộng tiến vào Saigon. Rồi cảnh tượng hỗn loạn xẩy ra, mọi người vốn đã ghê sợ sự tàn ác của Việt cộng, giờ chỉ còn một lối thoát duy nhất là lao mình ra biển cả tìm sống. Những chiếc thuyền nhỏ chở hàng chục, hàng trăm người vượt đại dương ra đi, những nét mặt lo lắng, sợ hãi trước cơn sóng dữ như đang muốn phá tan những chiếc thuyền tỵ nạn mỏng manh; và cả những nụ cười rạng rỡ khi thuyền nhân đến được bến bờ tự do. Đó là phần mở đầu cho bộ film để trả lời câu hỏi “Vì sao hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi?”
Tiếp nối, hình ảnh ghi chuyến bay chở người thanh niên trẻ Trần Vũ từ phi trường LAX đi qua nhiều quốc gia như Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Úc Tân Tây Lan, Brazil... và những hình ảnh sinh hoạt của từng cộng đồng người Việt hiện ra trước mắt mọi người. Ở bất cứ đâu, lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng được trân quý. Hình ảnh những cuộc xuống đường với đại kỳ và rừng cờ Việt Nam biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược, Việt cộng bán nước, những buổi sinh hoạt, những lớp Việt ngữ, những buổi văn nghệ đấu tranh rất sống động, nói lên sự thành công mau chóng của cộng đồng người Việt tỵ nạn nơi các quốc gia mà khi đặt chân đến họ chỉ có đôi bàn tay trắng và ngôn ngữ khác biệt!
Đặc biệt, tập 1 chú trọng đến cộng đồng người Việt mà anh Trần Vũ cho là nhỏ bé nhất tại Ba Tây, một quốc gia Nam Mỹ, nổi danh là nước của vua túc cầu, chỉ vỏn vẹn có hơn 100 người lớn nhỏ đi từ Vũng Tàu và Bình Định, được tàu dầu Brazil vớt năm 1975. Những gian khổ lúc đầu được các vị cao niên tại đây kể lại cho anh Trần Vũ, rồi sau đó, vượt thắng gian khổ, bằng hai bàn tay trắng cộng với sự cần cù và lòng tự trọng, ngày nay cộng đồng người Việt ở đây trở nên giàu mạnh, ai cũng tậu được nhà, làm chủ cơ sở thương mại. Tuy ít người nhưng cũng có lớp dạy Việt Ngữ. Tết đến cũng có bánh Chưng, bánh Tét. Tuy sống êm đềm và không còn phải lo cái ăn, cái mặc nhưng một số vị trong cộng đồng thẳng thắn nói với Trần Vũ: “Chúng tôi ước mong chế độ cộng sản không còn cai trị trên quê hương để mình về và chết trên mảnh đất quê hương mình vẫn hơn”.
Trước khi kết thúc, LS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Thư Ký Ban Điều Hành Đài SBTN, lên phát biểu: “Thưa quý vị hiện diện trong đài ngày hôm nay, báo giới đã cùng chúng tôi chia sẻ và sống lại những kỷ niệm mà tất cả chúng ta là những nhân vật trong đó. Nãy giờ xem những câu chuyện từ nơi xa xôi dưới miền Châu Mỹ La Tinh cho tới các cộng đồng trên thế giới, chúng ta ai cũng có những cảm xúc vì mình đã sống lại những giây phút thuyền nhân ra đi và cám ơn anh Trần Vũ, người đạo diễn trẻ, đã có tấm lòng và tất cả nhiệt huyết, đã bỏ biết bao nhiêu ngày tháng để mang lại những thước phim giá trị cũng như đã lột trần và diễn tả được những tâm tư của người Việt hải ngoại qua mỗi câu chuyện, mỗi cộng đồng và mỗi nhân vật, chúng ta đã thật sự viết nên trang sử tỵ nạn khắp năm châu để lưu lại cho con cháu chúng ta mai sau.”
Bộ phim 40 Năm Nhìn Lại gồm 15 tập, sẽ được đài truyền hình SBTN chiếu vào trung tuần Tháng Tư 2015.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT