Đạo và Đời

Đám giỗ của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác

Tuesday, 20/09/2022 - 05:56:27

Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã tận tụy đem hết sức mình góp phần xây dựng cho cuộc đời thêm đẹp, Phật Pháp thêm hưng thịnh.


Bài KIỀU MỸ DUYÊN

 



 

Hôm thứ Ba, ngày 20/9/2022, là ngày giỗ của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác (1929-2006), một bậc Cao Tăng đã hiến trọn đời cho lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc.

 

Tiểu sử của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác

 

Pháp danh: Nguyên Cao. Pháp tự: Mãn Giác. Đạo hiệu: Huyền Không. Làm thơ với bút hiệu Huyền Không.

Sinh năm 1929 tại làng Phương Lang, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Xuất gia năm 10 tuổi với Hòa Thượng Thích Quảng Duệ, Chùa Thiên Minh, Huế.

Tốt nghiệp Đại học Phật Giáo tại Phật Học Đường Báo Quốc

1960 du học Nhật Bản.

1965 tốt nghiệp Tiến sĩ tại Nhật Bản.

Giáo sư Đại Học Văn Khoa và Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Khoa Trưởng phân khoa Phật Học và Triết học Đông Phương kiêm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

Định cư tại Hoa Kỳ năm 1977.

Viện chủ Chùa Việt Nam, Los Angeles, Hoa Kỳ

Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ

Chủ Nhiệm báo Phật Giáo Việt Nam, Hoa Kỳ

Viên tịch lúc 8:25 sáng ngày 13 tháng 10 năm 2006 tại thành phố Los Angeles, California, Hoa Kỳ.

 

Trong nhiều cương vị và trọng nhiệm, cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã tận tụy đem hết sức mình góp phần xây dựng cho cuộc đời thêm đẹp, Phật Pháp thêm hưng thịnh. Lễ Húy Nhật lần thứ 16 của Hòa Thượng Thích Mãn Giác được tổ chức tại chùa Phổ Đà, thành phố Santa Ana.

 

 


Chùa Phổ Đà, 5110 W. Hazard Ave., Santa Ana, California

 

Chúng tôi đến chùa thật sớm, từ cổng chùa vào, cây cỏ xanh mướt, tượng Phật uy nghi, cờ Phật Giáo phấp phới trong gió. Các sư cô và Phật tử đang nấu ăn trong bếp, tiếng cười, tiếng nói reo vui. Phật tử nào làm việc cho chùa, khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ, vì từ trong trái tim của họ đã có niềm vui.

 

Hòa Thượng Thích Trí Tuệ, chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, viện chủ chùa Phổ Đà, về từ miền Đông Hoa Kỳ, đón mọi người một cách niềm nở. Thầy gốc người Nha Trang đến từ Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh, khuôn mặt rất nghiêm trang nói chuyện với khách. Hòa Thượng Trí Tuệ vượt biên đến Singapore và định cư ở Hoa Kỳ rất sớm năm 1979. Sau đó thành lập nhiều chùa mà một là Trung Tâm Vạn Hạnh, Virginia. Thầy Trí Tuệ về chùa Phổ Đà ở miền Nam California trong những ngày lễ lớn như lễ Phật Đản, Vu Lan, đám giỗ của thầy Nhất Hạnh, thầy Thiên Ân, thầy Mãn Giác, v.v..

 

 


Hòa Thượng Thích Trí Tuệ, chủ tịch hội đồng điều hành tổng hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, viện chủ chùa Phổ Đà.

 

 

Chúng tôi hỏi thầy Trí Tuệ về thầy Thiên Ân, thầy Trí Tuệ cho biết:

 

- Thầy Thiên Ân du học ở Nhật, có bằng Tiến Sĩ về Việt Nam năm 1963, đến năm 1964, giáo hội Phật Giáo Việt Nam gửi sang dạy học ở UCLA.

 

- Thưa thầy, chúng tôi được gặp 22 tu sĩ người Mỹ, giáo sư đại học UCLA và nhiều đại học khác trả lời phỏng vấn của chúng tôi, họ nói là đệ tử của thầy Thiên Ân. Bây giờ, Hòa Thượng và các tu sĩ Hoa Kỳ đã thành lập chùa ở sa mạc và đào luyện đệ tử.

 

Thầy Trí Tuệ trả lời thầy có gặp những vị đệ tử này. Chúng tôi còn nhớ mấy chục năm về trước, mỗi lần thầy Trí Tuệ đến từ Texas đều được thầy Mãn Giác cho người đi đón và đưa về ở chùa Việt Nam, Los Angeles. Chúng tôi cũng được phỏng vấn thầy nhiều lần ở chùa Việt Nam.

 

Hỏi về kỷ niệm nào đáng nhớ nhất về thầy Mãn Giác, thầy Trí Tuệ trả lời:

 

- Nhiều lắm, nhiều lắm.

 

Làm việc chung thì chắc chắn sẽ có nhiều kỷ niệm để nói, nhưng thầy Trí Tuệ lặng lẽ, có lẽ xúc động vì đang nghĩ đến người đã về cõi Phật. Sự im lặng trong vài giây phút, chứng tỏ lòng thương nhớ với người đã qua đời.

 

Khi đang trả lời phỏng vấn của chúng tôi, thầy Thích Nguyên Hạnh, viện chủ chùa Việt Nam, Houston, Texas và một thầy trẻ bước vào cửa.

 

Thầy Nguyên Hạnh kính phục thầy Mãn Giác về tấm lòng của thầy Mãn Giác tha thiết với quê hương, đất nước, góp phần xây dựng Phật Giáo độc lập, dân chủ và trí tuệ.

 

 


Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh, viện chủ chùa Việt Nam Houston, Texas.

 

Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, qua đạo hiệu Huyền Không là một hồn thơ Đạo. Tiếng thơ rộn rã trong hơn một ngàn bài gói trọn tâm hồn và gương mặt tác giả thu được gồm 5 tập:

 

- Không bến hạn

- Hương Trần Gian

- Không Gian Thành Chiếc Áo

- Kẻ Lữ Hành Cô Độc

- Mây Trắng Thong Dong

 

Ngoài ra, về phương diện phiên dịch, biên soạn, ngài còn để lại trên 20 cuốn sách giá trị cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau. Đi vào khu rừng nhận thức trù phú ấy, người ta có thể tha hồ gặt hái những nụ đẹp cành mềm, những hương và những sắc nồng nàn mà lý tưởng một đời của người mài miệt trồng rừng là chỉ làm đẹp đời sống văn hóa, làm đẹp tâm hồn con người.

 

"Thiền môn xưa sạch phong trần

Kim Canh Kinh khép trầm luân thoát rồi

Ta từ sinh tử về chơi

Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng..."

(Đạt Đạo, Huyền Không)

 

"Trong mơ thấy đóa hoa tươi

Bây giờ tỉnh dậy ta cười với ta

Giang tay đón cả ta bà

Lòng nghe rợn ngợp hằng sa kiếp người."

(Tỉnh Giấc Chiêm Bao, Huyền Không)

 

"Bây giờ ta mới hiểu ra

Phù hư mộng ảo, hằng sa kiếp người

Còn đây giọt lệ cuối rơi,

Trần gian xin hứng cuộc đời xin mang"

(Giọt Lệ Cuối, Huyền Không)

 

"Thân ta là dãy đất bằng

Tâm ra là nước sông Hằng mênh mông

Tình ta là đóa hoa hồng

Ý ta là cả cánh đồng tâm linh."

(Đạt Đạo, Huyền Không)

 

"Ô hay, Xuân đến bao giờ nhỉ

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh"...

(Xuân, Huyền Không)

 

Bài thơ Nhớ Chùa, tuyệt tác của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc. Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã viết bài thơ Nhớ Chùa mộc mạc nhưng thiết tha gắn bó với gốc rễ dân tộc, làm lay động tâm tư biết bao thế hệ Phật tử toàn quốc: "Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông."

 

Nhớ chùa

 

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông. 

 

Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã viên tịch 16 năm, nhưng hàng năm đến ngày đám giỗ của thầy, các chùa ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, các Phật tử cầu nguyện cho thầy.

 

Chúng tôi còn nhớ mỗi lần lễ, Tết, thầy thường về chùa A Di Đà của ni sư Như Ngọc ở thành phố Westminster, ở đây Phật tử đến rất đông đợi thầy. Thầy nói chuyện vui vẻ với tất cả mọi người, nhất là các gia đình Phật tử, thầy rất chú trọng đến trẻ thơ. Chùa A Di Đà có sinh hoạt của các gia đình Phật tử, có lớp học tiếng Việt cuối tuần, có ban văn nghệ, trẻ em học hát, học múa. Sinh hoạt của chùa A Di Đà rất phong phú vào cuối tuần. Mỗi năm vào ngày đám giỗ của thầy Mãn Giác, sư cô Như Ngọc cũng thường về chùa Phổ Đà.

 

Khi về chùa Phổ Đà, chúng tôi nhớ đến cố Hòa Thượng Hạnh Đạo, viện chủ, ngài là sĩ quan tuyên úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Khi Hòa Thượng Hạnh Đạo còn sống, các Phật tử là cựu quân nhân ở khắp nơi mỗi lần về Orange County hội họp đều đến chùa Phổ Đà thăm Hòa Thượng trụ trì.

 

Mỗi lần gặp chúng tôi, cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác thường nói:

 

- Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu là hai viên ngọc kim cương của Phật Giáo Việt Nam.

 

Hai thầy còn đang ở Việt Nam, hai thầy sau năm 1975 đem Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc đọc trước trụ sở Quốc Hội, bị bắt và bị kết án tử hình, và được các nguyên thủ quốc gia can thiệp. Hòa Thượng Thích Mãn Giác đi khắp nơi kêu cứu với các hội Phật Giáo Thế giới, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền, các nguyên thủ quốc gia, v.v.. Cuối cùng, thầy Trí Siêu và thầy Tuệ Sỹ được bỏ án tử hình, nhưng ở tù 20 năm, sau đó xuống còn 15 năm. 

 

Bây giờ, Hòa Thượng Thích Mãn Giác và Hòa Thượng Hạnh Đạo về cõi Phật, các Phật tử vẫn về thăm chùa. Trong chánh điện, chúng tôi thấy có hình của cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa Thượng Thích Mãn Giác và Hòa Thượng Hạnh Đạo. 

 


Chùa Phổ Đà, 5110 W. Hazard Ave., Santa Ana, California

 

Người đi thì đã ra đi, người đến vẫn đến, chùa Phổ Đà với cây cỏ xanh mướt, hoa lá rực rỡ vẫn thu hút nhiều người ở xa tìm đến viếng chùa lễ Phật, ngắm cảnh thiên nhiên, nhớ về những vị trụ trì hết lòng phụng sự Phật pháp và là tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng ni và Phật tử noi theo.

 

Để tưởng nhớ đến vị Hòa Thượng có công đức sâu dày trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp, xin đốt nén tâm hương dâng lên giác linh cố đại lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác. 

 

Orange County, 20/9/2022

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT