Thể Thao

Dân Bangladesh ngây ngất vì World Cup đến nỗi đánh nhau, mặc dù nước này không có đội tuyển tham gia

Monday, 18/06/2018 - 07:51:52

Vì không có đội nhà, những người hâm mộ túc cầu ở Bangladesh đã phận những đội từ các nước khác làm đội tuyển của chính họ, gây ra những vụ tranh chấp rất căng thẳng.

 


Những người mê đá banh đang tìm mua áo của những đội nổi tiếng như Argentina và Brazil, tại một khu chợ trời ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, ngày 31 tháng 5, 2018. (Getty Images)

DHAKA – Nước Bangladesh ở Nam Á chưa bao giờ có đội tuyển đá giỏi, hội đủ điều kiện để tham gia World Cup, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thiếu đam mê với môn thể thao phổ biến toàn cầu này.

Vì không có đội nhà, những người hâm mộ túc cầu ở Bangladesh đã phận những đội từ các nước khác làm đội tuyển của chính họ, gây ra những vụ tranh chấp rất căng thẳng.

Trong tuần qua, hai nhóm người ủng hộ cầu thủ Lionel Messi của Argentina và cầu thủ Neymar của Brazil đã đánh nhau bằng dao mã tấu ở thị trấn Bandar. Một ông và con trai ông bị thương nặng trong vụ chém nhau, theo phúc trình của cảnh sát.

Nước Nam Á này, có tiếng là nơi mê thích môn quất banh cricket, hiện thời đang tràn ngập cờ và màu áo của các đội tuyển tham dự giải vô địch túc cầu tại Nha. Chẳng hạn tại quận Magura ở Dhaka, một người thợ may đã làm một lá cờ Đức dài 1.2 mét để treo trên tiệm ông.

Ngay cả những chiếc xe xích-lô rickshaw cũng được sơn bằng màu sắc của đội tuyển mà người lái xe hâm mộ.
Hầu hết dân Bangladesh ủng hộ Argentina hay Brazil, mặc dù Bangladesh và hai nước Nam Mỹ ở xa nhau ở bên kia trái đất và thiếu bang giao.

Sự đam mê bóng đá bắt đầu từ World Cup năm 1982, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp ở Bangladesh.
Brazil là một đội được yêu chuộng ngay từ đầu. Tuy vậy cú sút phá lưới của Diego Maradona làm thắng trận đấu ở World Cup 1986 đã giúp Argentina giành được sự hâm mộ của rất nhiều người tại Bangladesh.
Manzur Huq, một nhà kinh doanh người Bangladesh nói, “Dân Bangladesh là một khối người rất có cảm tính, và người Nam Mỹ đáp ứng đúng cảm tính đó.”

Năm nay không phải là lần đầu tiên cơn sốt World Cup tràn ra thành bạo động.
Trong năm 2014, tại thị trấn Hatibanda ở miền bắc, Milon Hossain, 18 tuổi, bị giết chết khi một trận hỗn chiến xảy ra ra giữa các nhóm ủng hộ Argentina và ủng hộ Brazil.

Cách tám năm trước đó, trong kỳ World Cup 2010, nhiều vụ bạo động nổ ra khi những vụ cúp điện gây gián đoạn cho chương trình truyền hình. Chính phủ buộc lòng phải ra lệnh cho các nhà máy đóng cửa, để tránh xảy ra thêm những vụ mất điện.

“Mỗi trận đấu đều quan trọng,” Mahmudur Rahman Twlip, 21 tuổi, nói. Anh là sinh viên từ Chattogram, ở miền nam Bangladesh, và là một người cuồng nhiệt hâm mộ Brazil từ năm lên bảy tuổi.
“Đó không chỉ là một giải thi đấu: World Cup làm cho dân Bangladesh vui sướng, thậm chí ngây ngất.”
Tuy vậy, không phải ai ở xứ này cũng mê đá banh. SM Imamul Haq, viện trưởng trường Đại Học Barisal, đã cấm các sinh viên treo cờ các nước ngoại quốc trong khuôn viên nhà trường ở miền nam Bangladesh. Như một số người khác, ông cảm thấy việc treo cờ ngoại quốc là không yêu nước.
Cơn cuồng nhiệt World Cup không cho thấy dấu hiệu giảm bớt.
Đối với ông Twlip, điều duy nhất gây hào hứng nhiều hơn, so với việc thấy Brazil giành chiến thắng trong năm nay, là đến một ngày nào đó Bangladesh sẽ tranh tài trong giải World Cup. Ông nói, “Trong thâm tâm, đó là điều mọi người đang mong đợi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT