Thế Giới

Đan Mạch: Tìm được lưỡi cưa vụ cắt đầu cô ký giả

Thursday, 12/10/2017 - 08:52:19

Một chi tiết thật khủng khiếp trong trường hợp của Kim Wall. Người thợ lặn đã tìm được lưỡi cưa trong vịnh, nơi đó một phần thân thể của cô nhà báo Thụy Điển đã được vớt lên trước đó.


Cô Kim Wall và ông Peter Madsen


Một chứng cớ vừa được tìm thấy, và việc này gây phiền phức cho ông Peter Madsen, người bị tình nghi đã giết cô Kim Wall. Người thợ lặn đã tìm được một lưỡi cưa trong vịnh Kopenhagen, gần nơi ông Madsen và chiếc tàu ngầm của ông ta khi di chuyển.
Một chi tiết thật khủng khiếp trong trường hợp của Kim Wall. Người thợ lặn đã tìm được lưỡi cưa trong vịnh, nơi đó một phần thân thể của cô nhà báo Thụy Điển đã được vớt lên trước đó.
Vật này đã được tìm ra cạnh thủy lộ, mà người bị tình nghi giết người - nhà phát minh Peter Madsen-với những điều được khám phá mới nhất cho thấy ông đã lái chiếc tàu ngầm đi ngang qua đây, cảnh sát đã thông báo như thế trong ngày thứ Năm. Lưỡi cưa đang được điều tra bởi các chuyên viên về tội phạm.
Ông Madsen bị cáo buộc là giết cô nhà báo Kim Wall ngay trên chiếc tàu ngầm do ông tự đóng. Một phần thân thể của cô sau đó được tìm ra từ trong vịnh, đầu và chân đã bị cắt ra.
Nhà phát minh - ông Madsen - giải thích cái chết của cô Wall là do tai nạn, cô bị té, đầu bị đập vào nơi cửa thông hơi của chiếc tàu, ông ta không có cưa cô ra. Xương sọ ở đầu cô nhà báo sau khi cảnh sát tìm ra đã không thấy có dấu hiệu bị đập mạnh. Nguyên nhân cái chết của cô vẫn chưa được xác định chính xác.

Nga chỉ trích Mỹ tháo quốc kỳ khỏi lãnh sự quán
Nga cho rằng việc Hoa Kỳ tháo quốc kỳ của Moscow khỏi các cơ sở ngoại giao đang bị thu giữ là hành vi thù địch, và đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa. "Chính quyền Hoa Kỳ lại có thêm một hành động thù địch mới chống lại cơ quan ngoại giao của chúng tôi. Quốc kỳ Nga đã bị tháo khỏi các cơ sở đại diện thương mại Nga tại Washington và lãnh sự quán Nga ở San Francisco,” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm nói. Moscow coi hành động này là "sự xúc phạm biểu tượng quốc gia," và bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ với chính quyền Washington.
Cơ quan ngoại giao Nga nói rằng, với hành động này, một số lực lượng chính trị Hoa Kỳ đang cố tình phá hoại quan hệ với Nga, đồng thời khẳng định Kremlin sẽ cân nhắc đưa ra những biện pháp đáp trả. Vào hôm thứ Tư, trang Twitter của Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ cũng đăng tuyên bố phản đối hành động của Hoa Kỳ đối với các cơ sở ngoại giao của Moscow. "Nga phản đối mạnh mẽ Hoa Kỳ, liên quan đến việc quốc kỳ Nga bị hạ xuống tại các cơ sở ngoại giao của chúng tôi ở San Francisco và Washington, vốn đang do nhà chức trách Hoa Kỳ quản lý. Chúng tôi coi đây là hành động vô cùng không thân thiện," tuyên bố của đại sứ quán Nga nói.
Vào đầu tháng 9, Hoa Kỳ đã đóng cửa lãnh sự quán Nga ở San Francisco và 2 tòa nhà ngoại giao ở New York và Washington. Nhà chức trách Hoa Kỳ sau đó đã kiểm soát tòa nhà lãnh sự quá. Moscow tuần trước gọi việc Washington phá khóa cửa lãnh sự quán và vào khu vực nhà ở là hành động phi pháp và dọa đáp trả.

Tây Ban Nha: Chiến đấu cơ đâm xuống đất sau lễ duyệt binh
Bộ Quốc Phòng cho biết hôm thứ Năm, một chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đã gặp nạn tại vùng Albacete, cách thủ đô Madrid 300 cây số về phía đông nam, khiến phi công thiệt mạng. Chiếc máy bay đang trên đường trở về căn cứ sau khi tham gia lễ diễn binh tại Madrid. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Tây Ban Nha nói, chiếc Typhoon đang chuẩn bị hạ cánh và phi công không kịp phóng ghế thoát hiểm. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra.
Chính phủ Tây Ban Nha hôm thứ Năm đã tổ chức một cuộc diễn binh tại thủ đô Madrid nhằm kỷ niệm ngày nhà thám hiểm Christopher Columbus đặt chân tới châu Mỹ, đồng thời thể hiện sự đoàn kết trong nước, trước hành động tuyên bố độc lập của vùng tự trị Catalonia. Lễ diễn binh có sự tham gia của 4,000 quân nhân và cảnh sát, cùng nhiều thiết bị quân sự, diễn ra trước sự quan sát của Vua Felipe IV.
Quan hệ giữa chính phủ Tây Ban Nha và vùng tự trị Catalonia đang rất căng thẳng. Nhà lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong phiên họp quốc hội vào hôm thứ Ba, nhưng hoãn thi hành nhằm đối thoại với Madrid.

UAE ngừng cấp visa cho người Bắc Hàn
ABU DHABI – Bộ Ngoại Giao Các tiểu vương quốc Ả Rập UAE hôm thứ Năm tuyên bố dừng hoạt động của đại sứ không thường trực Bắc Hàn tại nước này, đồng thời chấm dứt hoạt động của đại sứ nước họ ở Bình Nhưỡng. Ngoài ra, UAE cũng ngừng cấp visa mới hoặc giấy phép kinh doanh cho các công dân Bắc Hàn. Vài ngàn lao động Bắc Hàn đang làm việc tại UAE, chủ yếu tại các công trường xây dựng. "Các biện pháp này nằm trong khuôn khổ nghĩa vụ của UAE với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhằm khẳng định quyết tâm chung trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn,” tuyên bố của Bộ Ngoại Giao UAE nói.
Tuyên bố của UAE được đưa ra trong bối cảnh Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đang kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc gia tăng áp lực để buộc Bắc Hàn ngừng chương trình vũ khí mà ông cho là thách thức hàng đầu đối với toàn thế giới. Trước đó, hai quốc gia vùng Vịnh khác là Qatar và Kuwait cũng giảm quan hệ với Bắc Hàn và ngừng cấp visa cho công dân nước này.

Myanmar đổ lỗi Anh về cuộc khủng hoảng Rohingya
Trong cuộc họp mới đây với đại sứ Hoa Kỳ, tướng chỉ huy quân đội Myanmar, ông Min Aung Hlaing, nói rằng người Hồi giáo Rohingya không phải là người bản địa Myanmar, và cáo buộc giới truyền thông đã thổi phồng số lượng người tị nạn. Vị tướng này là người có quyền lực cao nhất tại Myanmar, và tuyên bố cứng rắn của ông cho thấy lập trường của quân đội trong cuộc khủng hoảng Rohingya.
Trong cuộc họp với đại sứ Hoa Kỳ Scot Marciel hôm thứ Năm, Tướng Min Aung Hlaing nói, người Myanmar không đưa người Rohingya vào đất nước, mà chính thực dân Anh đã làm việc này. Ông khẳng định người Rohingya không phải là người bản xứ, và các tài liệu lịch sử cho thấy họ được gọi là người Bengali trong thời kỳ thuộc địa. Trước đó, tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào hôm thứ Tư nói rằng, quân đội Myanmar đã dùng bạo lực để buộc nửa triệu người Rohingya phải tháo chạy sang Bangladesh, đồng thời đốt hết nhà cửa, ruộng vườn của người tị nạn để họ không thể quay về.
Quân đội Myanmar nói rằng, các chiến dịch của họ là để đáp trả việc một nhóm phiến quân Rohingya đã tấn công khoảng 30 cơ sở an ninh vào ngày 25 tháng 8. Tuy nhiên, báo cáo của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc - vốn dựa trên các cuộc phỏng vấn với người tị nạn Rohingya tại Bangladesh - nói rằng các cuộc đàn áp của quân đội Myanmar đã diễn ra từ trước ngày 25 tháng 8, bao gồm nhiều hành động tàn ác như giết người, tra tấn, và cưỡng hiếp trẻ em. Liên Âu và Hoa Kỳ hiện đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo quân đội Myanmar.

Canada dọa hủy hợp đồng mua chiến đấu cơ Mỹ
Thủ Tướng Canada Justin Trudeau đã đe dọa sẽ hủy một hợp đồng mua vũ khí từ Hoa Kỳ do bất đồng về thuế, trong bối cảnh cuộc đàm phán hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ vẫn còn nhiều trở ngại. Chính phủ Ottawa đã đặt mua 18 chiếc F/A-18 Super Hornet từ hãng Boeing của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hợp đồng này đang có nguy cơ bị hủy, sau khi Boeing khởi kiện và yêu cầu chính phủ Trump đánh thuế chống phá giá lên các loại máy bay của đối thủ cạnh tranh Bombardier, vốn là công ty Canada.
Dựa theo đơn kiện này, Washington đã đánh thuế 220% lên các máy bay CS100 và CS300 của Bombardier bán tại thị trường Hoa Kỳ. Sau cuộc họp với Tổng Thống Donald Trump hôm thứ Tư, Thủ Tướng Trudeau cho biết, chính phủ của ông lên tiếng phản đối về việc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đánh thuế chống phá giá lên Bombardier. Ông Trudeau thêm rằng, hành động của Boeing đang khiến hàng chục ngàn công nhân có nguy cơ mất việc làm, và là một trở ngại cho các giao dịch mua bán giữa chính phủ Ottawa và Boeing trong tương lai.
Thông báo của ông Trudeau diễn ra giữa lúc Hoa Kỳ, Canada, và Mexico, vẫn đang đàm phán lại hiệp ước thương mại tự do Nafta, và tương lai của hiệp ước này vẫn chưa có gì chắc chắn. Sau vòng đàm phán mới nhất tại thủ đô Ottawa của Canada vào tháng trước, các nhà đàm phán Nafta nói rằng họ đã có tiến triển trong các chủ đề như viễn thông, chính sách cạnh tranh, thương mại điện tử, và giảm bớt các rào cản thương mại. Tuy nhiên, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ cho biết, vẫn còn một số vấn đề chủ chốt đang được thảo luận, và các vấn đề này có thể phá hủy toàn bộ thỏa thuận từ trước đến nay.

Phi Luật Tân: Duterte dọa trục xuất các đại sứ EU
Tổng thống Phi Luật Tân vừa lên tiếng dọa trục xuất các đại sứ Liên Hiệp Quốc và các nước châu Âu, vì cho rằng họ can thiệp vào công việc nội bộ của Manila. "Các ngài đừng cho rằng chúng tôi là một đám khờ khạo. Đại sứ của những nước này nên rút ra bài học ngay lập tức. Bởi vì chúng tôi có thể cắt quan hệ ngoại giao ngay ngày mai. Các ông có thể phải rời khỏi đất nước chúng tôi trong vòng 24 giờ. Tất cả các ông,” Tổng Thống Rodrigo Duterte nói hôm thứ Năm tại thủ đô Manila, nhắc tới các đại diện ngoại giao của Liên Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc (UN).
Lời đe dọa của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh 39 quốc gia thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva trong tháng 9 thúc giục Phi Luật Tân chấm dứt việc giết người trong chiến dịch chống ma túy, và cho phép thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về những cái chết liên quan. Ngoài ra, Cơ quan Giám sát nhân quyền tại Geneva và một phái đoàn nghị sĩ châu Âu trong tuần này cũng đề nghị rằng Phi Luật Tân nên bị tước bỏ tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
"Các ngài đang can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Giai đoạn Philippines chỉ là nước thuộc địa đã qua. Đừng can thiệp vào chuyện của chúng tôi và hãy đối xử với Philippines một cách công bằng", ông Duterte nói. Tổng thống Duterte đắc cử năm 2016 nhờ lời hứa tiêu diệt tội phạm ở Philippines, ngăn quốc đảo biến thành một "đất nước ma túy". Từ khi ông nhậm chức, cảnh sát Philippines được cho là đã tiêu diệt gần 3,200 người trong cuộc chiến chống ma túy.

'Góa phụ trắng' của ISIS có thể đã chết vì không kích
LONDON – Một tờ báo Anh ngày thứ Năm tiết lộ, nữ chiến binh ISIS Sally Jones đã bị máy bay drone của Hoa Kỳ tiêu diệt tại chiến trường ở Syria. Sally Jones, 48 tuổi, vốn là công dân sống miền nam nước Anh. Chồng của cô ta, Junaid Hussain, cũng là một phiến quân ISIS. Hussain bị tiêu diệt trong một vụ không kích hồi năm 2015. Kể từ đó, báo chí Anh đặt biệt danh cho Jones là "góa phụ trắng.”
Truyền thông dẫn lời một viên chức tình báo Anh cho biết, Jones và con trai 12 tuổi đã bị máy bay Hoa Kỳ tiêu diệt khi hai người cố gắng chạy trốn khỏi thành trì của ISIS tại Raqqa, Syria. Sự việc xảy ra hồi tháng 6, nhưng đến nay thông tin mới được rò rỉ cho giới truyền thông. Jones từng là ca sĩ tại Anh nhưng không mấy nổi tiếng. Cô ta chuyển sang đạo Hồi và rời bỏ gia đình ở Chatham vào năm 2013 để đến Syria. Tại đây, cô gặp người tình trên mạng Hussain và cả hai kết hôn.
Nhà chức trách Anh đánh giá Jones là một trong mục tiêu "giá trị cao" trong tổ chức ISIS. Cô ta là người chịu trách nhiệm chiêu mộ thêm chiến binh cho tổ chức này, chủ yếu qua những chiến dịch tuyên truyền trên mạng. Ngoài ra, Jones cũng là người kích động các tay cực đoan thực hiện các vụ tấn công ở Anh, và cung cấp hướng dẫn chế tạo vũ khí như bom. Chính phủ Anh không xác nhận bản tin của truyền thông, nhưng cũng không phủ nhận. Một số nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cũng nói rằng, họ tự tin đã tiêu diệt được Jones.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT