Tiêu Thụ

Dân Mỹ có thiếu MD không?

Friday, 09/02/2018 - 08:28:42

Sự thật thì... theo cây viết Halline Levine của Consumer Reports, tờ tạp chí nổi tiếng trong giới tiêu thụ Hoa Kỳ, sự thật là thế này: Bây giờ thật khó mà tìm một MD thực thụ.

Bài ERIC TRẦN

Đề bài trên, nếu được đọc theo tiếng Việt là “dân Mỹ có thiếu EM – DZÊ không?” thì có vẻ khó hiểu. Nhưng nếu hai chữ MD được đọc là EM – ĐI (theo phát âm tiếng Mỹ), thì nhiều người sẽ hiểu ra đó là Medical Doctor viết tắt, và đề bài trên nghĩa là “dân Mỹ có thiếu bác sĩ không?” Dễ hiểu và gọn gàng hơn nhiều. Đúng là người viết có ý nói như vậy.


Số tân bác sĩ ra trường hằng năm không phải ít

Nhưng tại sao không nói thẳng ra là “bác sĩ,” mà viết tắt MD, rồi lại mất công giải thích dài dòng? Lý do là vì ngành y khoa hiện nay được chia ra nhiều thứ bậc như MD, PA, NP..., mà bậc nào cũng được đa số bệnh nhân người Việt gọi chung là “bác sĩ.” Người trong nghề dĩ nhiên không chịu một tên gọi “vơ đũa cả nắm” như vậy, nhưng có lẽ vì công việc bận rộn - dù là MD, PA hay NP – họ không có thời giờ giải thích. Nhưng giới bệnh nhân, hay nói chung là giới tiêu thụ, thì nên biết, cần biết về đẳng cấp của cái người mà chúng ta giao phó vận mệnh mỗi khi đau bệnh, hoặc mỗi khi cần kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Cứ như ngày xưa thì mỗi khi có bệnh, cần “đi khám bác sĩ” thì rõ ràng bạn sẽ gặp được một MD (Medical Doctor), một bác sĩ thực thụ, bác sĩ chính danh. Không có phương tiện đi bác sĩ, bạn có thể nhờ một ông/bà y tá đến chích cho một mũi, và bạn biết rõ ràng rằng mình đang được y tá, chứ không phải bác sĩ, phục vụ.
Nhưng bây giờ thì khác. Ngay tại nước Mỹ, với nền y học tiến bộ vào hạng nhất thế giới, mặc dầu bạn xin “đi khám bác sĩ” nhưng rất nhiều khi bạn không thể gặp MD, mà lại được lên lịch gặp một PA, NP, RN... Tại sao vậy? Không để ý thì thôi, nhưng nay biết rằng họ không phải là MD, trong đầu bạn dấy lên nhiều câu hỏi: “Họ là ai? Họ được đào tạo về y khoa như thế nào? Trong các danh vị lạ lùng ấy, người nào là giỏi hơn?” Nhưng trên hết là câu hỏi: “Vậy các MD đâu hết rồi?”

Sự thật thì... theo cây viết Halline Levine của Consumer Reports, tờ tạp chí nổi tiếng trong giới tiêu thụ Hoa Kỳ, sự thật là thế này: Bây giờ thật khó mà tìm một MD thực thụ.


Có những thầy thuốc dù không phải là MD, vẫn có thể khám bệnh cho toa...

Nếu đúng là như vậy thì lại càng khó hiểu! Chẳng lẽ các trường đại học ngày nay, ngay cả những đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, không còn đào tạo được MD nữa?

Không phải thế, trường y vẫn liên tục cho các MD ra trường hằng năm, với số lượng mỗi ngày một nhiều hơn. Nhưng dù vậy, con số MD đông đảo ấy không đủ đáp ứng lượng nhu cầu được săn sóc, vừa nhiều lại vừa tăng trưởng nhanh. Vì hai lý do: Dân số đông đúc hơn, và nhu cầu về săn sóc y tế mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Cứ soi vào trường hợp cụ thể của cá nhân từng người là đủ rõ: Ngày xưa (khi còn ở Việt Nam) chúng ta chỉ đi bác sĩ mỗi khi đau bệnh ngặt nghèo, còn thì chỉ có “ ốm no bò dậy.” Cái lối sống với nhu cầu giản lược như vậy giảm gánh nặng cho nền y khoa nhiều lắm, vậy mà bệnh viện nào cũng đông như nêm, ông bà bác sĩ nào cũng bận rộn “tối mày tím mặt.”

Nói gì tới bây giờ, bất cứ một triệu chứng nào bất thường (nhức đầu, sổ mũi, đau bụng, tiêu chảy, khó ngủ...) cũng đi bác sĩ. Chưa kể không có bệnh gì cũng phải đi bác sĩ mỗi năm ít là một lần (y như tín đồ buộc phải đi xưng tội mỗi năm một lần vậy), gọi là đi khám sức khỏe tổng quát, nhưng chính là đi để... tìm bệnh. Với nhu cầu tăng cao như thế, các trường y không kịp đào tạo MD để đáp ứng là lẽ đương nhiên. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi “Dân Mỹ có thiếu MD không?” câu trả lời chắc chắn là... THIẾU!
Nhất là đối với số bác sĩ gia đình, sự thiếu thốn còn trầm trọng hơn. Lý do, vẫn theo Consumer Reports, là vì: Các sinh viên y khoa không muốn làm bác sĩ gia đình, họ muốn học thành bác sĩ chuyên khoa để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Quả thực vậy, các công trình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bác sĩ gia đình ở Mỹ ít hơn một số quốc gia phát triển khác. Chẳng hạn, tại Canada, cứ 1,000 người dân thì có 1.2 bác sĩ gia đình chăm sóc. Trong khi đó, tại Mỹ, 1,000 người dân được săn sóc bởi... 0.3 ông/bà bác sĩ. Nghĩa là, hơn 3,000 dân mới có một bác sĩ gia đình.

Ít bác sĩ gia đình hơn có nghĩa là bệnh nhân khó lấy hẹn hơn. Theo nghiên cứu của Merritt Hawkins, công ty tuyển dụng y sĩ tại Hoa Kỳ, cách đây hơn ba năm (2014), bệnh nhân trong một thành phố lớn ở Mỹ phải chờ 19.5 ngày mới có hẹn gặp; Nay, nếu là bệnh nhân mới (cần phải làm hồ sơ đầy đủ hơn), bạn phải chờ tới 29 ngày mới được đi khám tổng quát.



Nhưng nhu cầu y tế tăng nhanh, khiến số bác sĩ trở nên khan hiếm, không thể đáp ứng thỏa đáng

Thêm vào đó, công việc của một bác sĩ bây giờ lại vất vả hơn. Theo luật pháp y tế Hoa Kỳ, các bác sĩ phải lưu tài liệu của tất cả những cuộc thăm khám của mình, không được phép bỏ sót một ai. Dù hệ thống điện toán tinh vi, giúp việc lưu trữ qui mô dễ dàng hơn, nhưng đòi hỏi đó chắc chắn là thêm một gánh nặng đặt lên vai các bác sĩ, một gánh nặng mà bác sĩ ngày xưa không phải gánh vác. Theo thống kê 2017 của công ty Medscape, hơn một nửa số bác sĩ gia đình cho biết rằng họ cảm thấy hoàn toàn mệt rũ (burned out) sau một ngày làm việc. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng tới việc săn sóc bệnh nhân, thậm chí còn khiến nhiều bác sĩ giải nghệ.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn này, trường y bắt buộc phải có những biện pháp thích ứng. Thế là, các D.O (Doctor of Osteopathic), N.D. (Naturopathic Doctor), P.A. (Physician Assistant), N.P. (Nurse Practitioner), R.N. (Registered Nurse)... ra đời. Đó là thực tế mà chúng ta, giới bệnh nhân, chứng kiến ngày nay.
Là người sử dụng các dịch vụ y tế, chúng ta buộc phải tự hỏi: Các vị thầy thuốc này được huấn luyện ra sao? Họ có đáp ứng nhu cầu của người bệnh giống như các MD mà chúng ta vốn có hay không? Các câu hỏi này sẽ được đề cập chi tiết trong bài lần sau.
Erictran216@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT