Hoa Kỳ

Dân Nam California đổ xô đi mua sắm ngày Black Friday

Friday, 23/11/2018 - 09:22:43

Tại khu thương mại Citadel Outlets ở thành phố Commerce, nhiều cửa tiệm có dòng người xếp hàng dài từ nơi tính tiền ra đến tận cửa. Khu thương mại này đã đón khoảng 100,000 người trong ngày Black Friday.

COMMERCE – Các khu thương mại tại Nam California đã bắt đầu bước vào dịp mua sắp mùa lễ, bắt đầu bằng ngày Black Friday. Người dân tại miền nam đã đổ ra đường và cả săn lùng trên mạng để tìm kiếm những món đồ ưng ý có giá rẻ nhất.
Tại khu thương mại Citadel Outlets ở thành phố Commerce, nhiều cửa tiệm có dòng người xếp hàng dài từ nơi tính tiền ra đến tận cửa. Khu thương mại này đã đón khoảng 100,000 người trong ngày Black Friday. Những người đi mua sắm đã xếp hàng tại đây từ 8 giờ tối thứ Năm, và khu thương mại mở cửa liên tục trong 27 tiếng.
Vào lúc trời vừa sáng, nhiều người đã xếp hàng sẵn để mua sắm tại cửa hàng Kate Spade, nơi có mức giảm giá lên đến 70%. Nhiều khách hàng cho biết họ ra xếp hàng ngay sau bữa ăn tối Thanksgiving. “Nhiều món hàng được giảm giá rất rẻ. Mọi người có thể mua nhiều thứ cho bản thân hoặc làm quà tặng cho gia đình, và tận hưởng không khí mùa lễ hội với dòng người đi mua sắm đông đúc tại đây,” một khách hàng nói.
Nhiều người cũng tìm đến khi Glendale Galleria, nơi có hơn 200 cửa hàng để mua sắm. Ban quản lý khu thương mại cho biết, nơi này có hệ thống đậu xe rất tốt, giúp mọi người có thể có được một chỗ đậu xe, bất kể số người đông như thế nào. Ông già Noel cũng có mặt tại khu thương mại từ 11 giờ sáng tới 8 giờ tối, để chụp hình và trò chuyện với trẻ em.

Mưa giúp dập tắt cháy rừng tại California
PARADISE – Các trận mưa lớn đã giúp giảm bớt vụ cháy rừng ở bắc California, nhưng gây cản trở cho việc tìm kiếm người thiệt mạng, vì nước mưa khiến tro bụi trở thành lớp bùn đặc, che phủ các hài cốt, vốn đôi khi chỉ còn là các mảnh xương nhỏ. Vào thứ Sáu, đội tìm kiếm đã tập trung vào một khu mobile home dành cho người cao tuổi ở Paradise, đào bới tro tàn và lật giở các tấm kim loại để kiểm tra. Người dẫn đầu đội tìm kiếm cho biết, họ phải đến khu mobile home này lần thứ 2, do một số người mất tích có địa chỉ sau cùng của họ là tại khu dân cư này.
Camp Fire, vụ cháy gây chết người nhiều nhất tại Hoa Kỳ trong 1 thế kỷ qua, đã khiến ít nhất 84 người thiệt mạng, và hơn 600 người vẫn còn mất tích. Hai ngày mưa đã khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn, nhưng giúp gần như dập tắt hoàn toàn đám cháy. Camp Fire bùng lên vào ngày 8 tháng 11, thiêu hủy gần 19,000 kiến trúc, phần lớn trong số này là nhà ở.

CEO tự bỏ tiền túi $20 triệu để thưởng cho nhân viên
PHILADELPHIA - Người sáng lập một hãng chăm sóc sức khỏe ở Pennsylvania đã tự bỏ tiền túi $20 triệu Mỹ kim để làm tiền thưởng cho nhân viên. Ông Mark Bayada, chủ tịch kiêm người sáng lập của Bayada Home Health Care, đã phân chia “Gifts of Gratitude – Món quà của lòng biết ơn” cho hơn 32,000 nhân viên. "Tôi đang cầm $20 triệu Mỹ kim, tôi sẽ chia nó ra và tặng cho mọi người,” ông Bayada trong một bữa tiệc với nhân viên. Tôi muốn cám ơn mọi người vì tất cả những công việc vất vả mà các bạn đã làm để chăm sóc cho khách hàng của chúng ta.”
Bayada là công ty quốc tế trị giá $1.4 tỷ Mỹ kim, chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại gia, có trụ sở ở Philadelphia và 250 văn phòng trên khắp Hoa Kỳ và Ấn Độ. Số tiền thưởng được chia cho các nhân viên và tùy theo thời gian làm việc. Các nhân viên mới được tặng $50 Mỹ kim, trong khi những nhân viên lâu năm có thể nhận tới $8,500 Mỹ kim. Thậm chí những người đã nghỉ hưu và rời công ty sau năm 2010 cũng được tặng tiền.
Các nhân viên của hãng Bayada cho biết, họ sẽ dùng tiền thưởng để sửa xe, mua thêm quà Noel cho con cái, hoặc đi du lịch. Ông Bayada, 71 tuổi, cha của 5 người con, cho hay: “Đây là những người hàng ngày làm việc chăm chỉ trong một ngành dịch vụ lợi nhuận thấp. Tôi rất vinh dự được làm việc với họ.” Vào năm 2016, ông Bayada, người sáng lập công ty vào năm 1975, cho biết sẽ chuyển Bayada thành một tổ chức phi lợi nhuận từ tháng 1, 2019.

Nổ súng trong khu thương mại vào đêm Thanksgiving
ALABAMA – Vụ nổ súng tối thứ Năm tại một khu thương mại ở Alabama đã khiến 1 người chết và 2 thiếu niên bị thương, theo cảnh sát cho biết. Vụ nổ súng xảy ra lúc 9:52 tối giờ địa phương, sau khi 1 người đàn ông 21 tuổi và 1 thanh niên 18 tuổi phát sinh ẩu đả gần cửa hàng Footaction trong khu thương mại Riverchase Galleria, theo lời Đại Úy Gregg Rector của Sở cảnh sát Hoover.
Nghi can 21 tuổi rút súng và bắn người thanh niên 18 tuổi 2 lần vào phần thân trên, sau đó bỏ chạy khỏi hiện trường. Thanh niên 18 tuổi được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng nghiêm trọng.
Một cô bé 12 tuổi vô tình đi ngang cũng trúng đạn và được đưa vào bệnh viện nhi đồng. Thông báo mới nhất của bệnh viện cho biết nạn nhân đang trong tình trạng ổn định. Nghi can 21 tuổi bị 2 cảnh sát mặc thường phục phát hiện khi đang bỏ chạy. Một trong 2 cảnh sát đã rút súng và bắn chết nghi can ngay tại chỗ. Sở cảnh sát Jefferson County đang điều tra sự việc. Người cảnh sát nổ súng đang được cho tạm nghỉ việc.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm
NEW YORK - Giá dầu Brent vào chiều thứ Sáu đã có lúc giảm 0.8% xuống $61.52 Mỹ kim một thùng - thấp nhất kể từ tháng 12, 2017. Trong khi đó, dầu thô Hoa Kỳ - WTI có thời điểm mất gần 2.5% xuống $52.82 Mỹ kim một thùng - thấp nhất từ tháng 10 năm ngoái. Giá dầu đã giảm tới 30% kể từ mức đỉnh vào đầu tháng 10, do sản xuất tăng cao hơn nhu cầu trong quý cuối năm. Việc này đã chấm dứt thời kỳ thiếu dầu bắt đầu từ quý I năm ngoái. Ba quốc gia sản xuất dầu hàng đầu, gồm Hoa Kỳ, Nga và Ả Rập Saudi, đang bơm ra thị trường số dầu tương đương hơn 1 phần 3 lượng tiêu thụ toàn cầu, tức khoảng 100 triệu thùng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô đang giảm đi do kinh tế toàn cầu đi xuống. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải hôm thứ Sáu giảm mạnh nhất trong 5 tuần. Nhà đầu tư lo ngại về mức tăng trưởng của Trung Quốc và nghi ngờ khả năng giải quyết căng thẳng thương mại trong cuộc gặp giữa các lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuối tháng này. Để thích nghi với nhu cầu giảm, hôm thứ Năm, Ả Rập Saudi tuyên bố có thể giảm sản lượng. "Chúng tôi sẽ không bán số dầu mà khách hàng không cần,” Bộ Trưởng Năng Lượng Khalid al-Falih cho biết.
Ả Rập Saudi cũng đang thuyết phục các nước OPEC giảm sản lượng ít nhất 1.4 triệu thùng một ngày để ngăn tình trạng dư thừa. Vào ngày 6 tháng 12, OPEC sẽ có cuộc họp chính thức để bàn về chính sách giảm sản xuất. Hãng tài chính Morgan Stanley cho rằng nhiều khả năng OPEC sẽ đạt thỏa thuận cân bằng thị trường dầu mỏ trong năm 2019. Việc này có thể giữ giá dầu ở mức gần $60 Mỹ kim, ít nhất là trong giai đoạn ngắn hạn.

Mỹ điều tra công ty Nam Hàn gian lận đấu thầu quân sự
OHIO – Chính phủ Washington đang điều tra hàng loạt công ty Nam Hàn, bị nghi gian lận đấu thầu trong hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho các căn cứ quân sự Hoa Kỳ, gây thiệt hại hàng trăm triệu Mỹ kim trong 11 năm. Hai nguồn tin giấu tên cho biết, ba tập đoàn lớn của Nam Hàn là S-Oil, Hyundai Olibank và Jier Shin Korea đều liên quan trong vụ gian lận đấu thầu. Ba hãng này không được nêu tên công khai trong đơn kiện do Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ gởi cho tòa liên bang tại Ohio.
Hãng Hyundai Olibank xác nhận đang bị điều tra, còn hai hãng S-Oil và Jier Shin nói họ “không biết gì” về sự việc này. Theo hồ sơ tòa án, có 6 công ty đã thông đồng để tăng chi phí cung cấp nhiên liệu cho các căn cứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn trong thời gian từ năm 2005 đến 2016. Các hợp đồng nhiên liệu bị tăng giá tổng cộng hơn $100 triệu Mỹ kim. Bộ Tư Pháp hồi tháng 10 đã dàn xếp thành công khoản tiền phạt và đền bù thiệt hại, với tổng trị giá $236 triệu, với 3 hãng Nam Hàn là SK Energy, GS Caltex và Hanjin Transportation.
Bộ Tư Pháp cho biết, cơ quan này sẽ truy tố những công ty gian lận đấu thầu và qua mặt chính phủ Mỹ những năm qua. Ngân sách chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ trong năm tài khóa 2018 lên đến $700 tỷ Mỹ kim. Một phần lớn ngân sách này dùng cho các hoạt động của quân đội Mỹ tại Nam Hàn. Hiện Hoa Kỳ có hơn 28,000 quân nhân đóng tại miền nam bán đảo Triều Tiên. Doanh trại Humphreys với hơn 20,000 quân là căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ ở Nam Hàn, và cũng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Mỹ yêu cầu đồng minh không dùng thiết bị của Huawei
Vào hôm thứ Năm, một số nguồn tin cho biết Washington đang khởi xướng chiến dịch đối với các nước đồng minh, cố gắng thuyết phục các nhà cung cấp dịch vụ mạng wireless và Internet tại những nước này tránh sử dụng thiết bị viễn thông do hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc sản xuất. Chiến dịch vận động hành lang này còn hướng tới viên chức chính phủ các nước đồng minh, và đang được thực hiện ở những quốc gia sử dụng nhiều thiết bị của Huawei như Đức, Ý, Nhật Bản. Đây là các nước có nhiều căn cứ quân sự Hoa Kỳ, điều khiến Washington lo ngại khi họ sử dụng nhiều thiết bị viễn thông của Huawei.
Hoa Kỳ cũng đang cân nhắc tăng viện trợ tài chính cho việc phát triển viễn thông, tại các nước không sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Đồng thời, Washington đang thực hiện chiến dịch buộc các sản phẩm điện tử của hãng Huawei phải rời khỏi Hoa Kỳ. Washington cho rằng, những hãng công nghệ như Huawei có thể phục vụ cho lợi ích của các chính phủ là đối thủ của Hoa Kỳ.
Chiến dịch của Hoa Kỳ được khởi xướng trong bối cảnh các hãng viễn thông toàn thế giới sắp dùng thiết bị mới cho mạng 5G, công nghệ mới cho thiết bị di động. Viên chức Hoa Kỳ lo ngại các hãng Trung Quốc có thể do thám những mạng 5G có sử dụng thiết bị của họ. Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Úc, cảm thấy lo ngại vì ông Ren Zhengfei, người sáng lập Huawei, từng là sĩ quan kỹ thuật của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Huawei lâu nay vẫn bác bỏ cáo buộc cho rằng họ có liên quan tới tình báo Trung Quốc và gây rủi ro cho đối tác.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT