Thế Giới

Dân Nam Dương tràn ra biển để khai thác thiếc

Friday, 18/06/2021 - 06:50:49

Người Nam Dương phải tìm đến nguồn thiếc mới dưới đáy biển. Nhiều giàn khai thác thiếc đã được xây ở quần đảo Bangka Belitung.


Một công nhân đang xem xét máy hút cát từ đáy sông trong tiến trình khai thác thiếc tại Bangka Tengah, Nam Dương ngày 7 tháng 6, 2018. (Mahendra Moonstar/ Anadolu Agency/ Getty Images)

 

JAKARTA - Do nguồn tài nguyên thiếc trên đất liền đang cạn kiệt, người Nam Dương đang bắt đầu xây dựng nhiều giàn khai thác ven bờ biển để hút cát lấy thiếc, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sinh kế của ngư dân.

Nam Dương là quốc gia xuất cảng thiếc lớn nhất thế giới. Thiếc là kim loại quan trọng với đời sống con người, được sử dụng trong nhiều ngành, từ công nghiệp thực phẩm đến điện tử.

Quần đảo Bangka Belitung của Nam Dương vốn có nguồn quặng thiếc lớn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này hiện đã bị khai thác gần như cạn kiệt, để lại những hố nước lớn, có lượng acid cao.

Tình trạng này khiến người Nam Dương phải tìm đến nguồn thiếc mới dưới đáy biển. Nhiều giàn khai thác thiếc đã được xây dựng ở vùng nước gần bờ biển của quần đảo Bangka Belitung.

Các giàn khai thác này có nhiều ống hút dài tới hơn 20 mét, hút cát từ đáy biển. Hỗn hợp cát và nước sẽ được dẫn đến hệ thống sàng lọc, trong đó loại cát đen chứa quặng thiếc được giữ lại.

Phần lớn các giàn khai thác này do người dân quản lý, cung cấp quặng thiếc cho PT Timah, hãng sản xuất thiếc tinh chế lớn thứ hai thế giới. Mỗi ngày, một giàn khai thác có thể lấy được trung bình 50 ký cát đen.

Hãng Timah đang đẩy mạnh việc khai thác thiếc từ biển. Theo dữ liệu của hãng này, trữ lượng thiếc dưới đáy biển ước tính đạt 265,913 tấn, cao hơn nhiều so với con số 16,399 tấn trên đất liền. Tuy nhiên, các giàn khai thác thiếc này phá hoại nghiêm trọng môi trường ven biển, làm giảm sản lượng cá, dẫn đến mâu thuẫn giữa giới “thợ mỏ” và ngư dân.

Ông Apriadi Anwar, một ngư dân trên quần đảo Bangka Belitung, cho biết gia đình ông từng kiếm đủ tiền cho hai người em của ông học đại học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ chỉ đủ sống qua ngày.

“Ngay việc kiếm đủ tiền để mua đồ ăn cũng khó khăn,” ông Apriadi nói. Theo ông Apriadi, lưới đánh cá có thể bị vướng vào thiết bị của giàn khai thác thiếc.

Ngoài ra, việc hút và lọc cát khiến các rặng san hô bị bùn bao phủ, khiến cá không còn nơi đẻ trứng và nhiều hải sản khác cũng không thể sinh sống.

Nhiều tổ chức môi trường đang vận động nhằm chấm dứt việc khai thác quặng dưới biển. Họ đặc biệt chú ý tới khu vực phía tây đảo Bangka, nơi có vùng rừng ngập mặn đang được bảo tồn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT