Bình Luận

Dán nhãn "phản quốc" lên ngực bị cáo

Monday, 08/08/2016 - 10:44:31

Sau vụ án thực phẩm nhi đồng, luật sư Zhou Shifeng nổi tiếng là bênh vực đám đông người Hoa khốn khó; dư luận thế giới cũng ca tụng hoạt động nhân quyền của ông.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Về vụ Trung Cộng đang đem hàng trăm chiến sĩ nhân quyền ra tòa, bà Eva Pils nhận định, “quảng cáo rầm rộ cho vụ xử án lần này là chỉ dấu cho thấy nhu cầu của chính quyền cần dán nhãn 'phản quốc' lên ngực những bị cáo.” Dĩ nhiên nếu Tập Cận Bình thành công trong nỗ lực thuyết phục quần chúng tin là những bị cáo phạm tội phản quốc, thì thuyết nhân quyền cũng trở thành một trọng tội.
Bị cáo bị giải tòa là hàng trăm nhà đấu tranh nhân quyền trong đó có quý ông Zhou Shifeng, Gou Hongguo, Zhai Yanmin và Hu Shigen là những khuôn mặt được dư luận chú ý nhiều nhất; bà Pils là một giáo sư luật tên tuổi, dạy tại viện đại học King's College, Luân Đôn; phiên tòa bà đề cập đến đang diễn ra tại Thiên Tân, một thành phố hải cảng gần Bắc Kinh để xử hàng trăm chiến sĩ nhân quyền -trong số đó có bốn vị vừa nêu tên ở đoạn trên.


Bốn trong hàng trăm chiến sĩ nhân quyền đang bị Trung Cộng đem xử tại Thiên Tân

Thành tích của bà Pils trong vấn đề theo dõi nhân quyền và luật pháp tại Trung Cộng được nhiều người ca ngợi, vì những nhận xét sắc bén của bà. Bà nói, "Mục đích của vụ án là giúp nhà cầm quyền có chính nghĩa trong nhu cầu chống nhân quyền để bảo vệ lý thuyết căn bản của chế độ Cộng Sản."

Suốt một tuần lễ dài các bị cáo và luật sư của họ bị đưa lên truyền hình dưới hình thức thông tin, nhưng nhiều người vẫn ý thức được đây chỉ là một màn đấu tố nhắm mục đích hướng dẫn tư tưởng quần chúng, mời gọi họ ý thức "nguy cơ" nhân quyền.

Quần chúng ủng hộ các chiến sĩ nhân quyền, và nhiều chuyên viên pháp luật, tố cáo hình thức “điều trần, thú tội” truyền hình như những màn đấu tố kiểu mới, đem sinh hoạt tòa án quảng bá lên màn ảnh để phục vụ nhu cầu chính trị của nhà nước.


Bà Eva Pils


Tám trong số hàng trăm chiến sĩ nhân quyền bị Trung Cộng đem xử

Trước khi tòa tuyên án xử họ, nhiều bị cáo xin thú tội, nói họ đã hối hận, hứa sẽ từ bỏ dĩ vãng đấu tranh, rồi lên tiếng cảnh tỉnh quần chúng trước nguy cơ nhân quyền có thể gây ảnh hưởng xấu cho Đảng Cộng Sản; cảnh bị can hối cải cũng phô diễn mục đích tuyên truyền.

Trung Cộng ra mặt đối phó với phong trào vận động nhân quyền từ năm ngoái, họ lùng bắt khoảng vài trăm luật sư và chiến sĩ nhân quyền; đa số luật sư trong tổ hợp Fengrui, kể cả luật sư Zhou Shifeng, trưởng nhóm này, đều đang bị đưa ra xét xử.

Trong cuộc phỏng vấn thu hình hôm thứ Hai 1 tháng 8, 2016, nữ luật sư Wang Yu -thuộc nhóm luật gia này- tố cáo luật sư trưởng nhóm Zhou Shifeng là người chủ trương đem thuyết nhân quyền phổ biến trong xã hội Trung Hoa. Bà Wang còn đề cập đến ảnh hưởng và tài trợ của ngoại bang trong sinh hoạt của tổ hợp luật Fengrui.


Luật sư Wang Yu tố cáo luật sư Zhou Shifeng, trưởng tổ hợp luật Fengrui là vận động nhân quyền


Luật sư Zhou Shifeng

“Là một phụ nữ Trung Hoa, tôi chỉ chấp nhận sự lãnh đạo của chính phủ Trung Hoa,” bà Wang nói trong dĩa video phát trên đài ONTV thuộc hệ thống tờ nhật báo Oriental Daily, phát hành tại Hong Kong.
Wang Yu là một trong khoảng trên 300 người Hoa bị bắt điều tra từ gần một năm nay. Các tổ chức nhân quyền chỉ trích cuộc phỏng vấn là một màn trình diễn của chính quyền Trung Cộng.
Cô Maya Wang, một chuyên viên sưu khảo cộng tác với Human Rights Watch, nói bà Wang Yu bị biệt giam trong suốt một năm, không được liên lạc với người bên ngoài, kể cả luật sư bênh vực bà; và trong tình trạng biệt giam đó, nhiều người đã mất tinh thần, thay đổi lập trường.


Cô Maya Wang

Bà Wang Yu được đóng tiền tại ngoại ngay sau khi đài truyền hình phổ biến dĩa video phỏng vấn bà, nhưng chồng bà vẫn còn bị giam, trong lúc công an vẫn theo dõi đứa con trai tuổi teenage của họ. Tổ chức China Human Rights Lawyers Concern Group nói bà Wang Yu có thể bị bắt trở lại, nếu bà lại lên tiếng chống đối.
Vụ án khai diễn hôm thứ Ba mùng 2 tháng Tám 2016 tại tòa án Thiên Tân số 2, cách Bắc Kinh 60 dặm về hướng Đông Nam. Nhiều bà vợ của những bị can nhân quyền đã biểu tình phản đối chính phủ.


Các bà vợ của bị cáo khóc lóc


Bà Fan Lili, vợ nhà đấu tranh nhân quyền Gou Hongguo nằm khóc trước tòa.


Ông Gou Hongguo ngồi nghe đấu tố.

Nhân vật được dư luận chú ý nhất là luật sư Zhou Shifeng; ông là người đứng ra bênh vực những nạn nhân của vụ ngộ độc vì thực phẩm nhi đồng baby formula, với tổng số ước lượng 300,000 nạn nhân nhi đồng trong tuổi còn bú sữa; sáu bé chết vì ngộ độc, 54,000 nằm bệnh viện.
Vụ án xảy ra từ năm 2008, liên quan đến việc làm ăn cẩu thả của 21 công ty thực phẩm nhi đồng, và liên quan cả đến các viên chức nhà nước nhận hối lộ cho phép bầy bán những sản phẩm không đủ điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng.


Luật sư Zhou Shifeng

Một số viên chức tham nhũng, và gian thương bị đưa ra tòa, với hai người lãnh án tử hình, một người lãnh án treo tử hình, ba người chung thân tù giam, hai người bị xử tù 15 năm; giám đốc Nha Kiểm Phẩm và 7 viên chức khác bị sa thải.

Sau vụ án thực phẩm nhi đồng, luật sư Zhou Shifeng nổi tiếng là bênh vực đám đông người Hoa khốn khó; dư luận thế giới cũng ca tụng hoạt động nhân quyền của ông.

Ông là bị can đầu tiên bị tòa Thiên Tân gọi ra xét xử, và lãnh bản án 7 năm tù giam. Biện lý buộc ông vào nhiều tội, trong đó có tội mưu cầu danh tiếng bằng cách nhận biện hộ nhiều vụ án sôi nổi, và làm cho quần chúng tưởng lầm chính quyền là kẻ thù của nhân dân.

Tòa từ chối không cho truyền thông phỏng vấn ông Zhou, và cũng giấu kín không cho ai biết tên tuổi, số điện thoại của luật sư do tòa chỉ định để bênh vực ông.

Dù vụ án chỉ mới bắt đầu ngày 1 tháng Tám, nhưng việc bắt giam các nhà đấu tranh nhân quyền và những luật sư bênh vực nhân quyền đã khởi diễn từ gần một năm nay; khoảng thời gian khá dài này giúp nhiều người trốn thoát qua nước khác.
Giáo sư Fu, viện đại học Hong Kong University nhận định, “Nhờ bị động ổ, một số khá lớn đã trốn đi được.”

Mục đích chính của cuộc “đấu tố” truyền hình này là dán nhãn phản quốc lên ngực trên, dưới 100 bị cáo đang theo nhau lần lượt ra đứng trước vành móng ngựa tư pháp.
Câu hỏi đang được đặt ra là "liệu chính phủ Trung Cộng có thành công trong nỗ lực 'dán nhãn' hay không?" Tờ The New York Times, số phát hành ngày 5 tháng Tám, 2016, cho là chính phủ Trung Cộng chỉ đốn gốc tre, vài tháng nữa măng non sẽ mau chóng mọc trở lại.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT