Đạo và Đời

Đấng phải đến

Wednesday, 14/12/2016 - 08:17:38

Thế nhưng Chúa Giêsu đã không đến với thứ uy quyền hùng dũng theo kiểu người Do Thái mong muốn.


Bởi vì không đồng tình với vua Hêrôđê về những việc vua làm, nhất là lại còn lên án Hêrôđê về việc vua đã chiếm đoạt nàng Hêrôđia là vợ của em mình, nên Gioan đã bị vua tống vào ngục. Từ trong ngục tối Gioan đã gửi các môn đệ của mình đến gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài có phải là Đấng mà thiên hạ đang mong đợi hay họ còn phải chờ đợi Đấng nào khác. Tại sao Gioan lại làm việc này? Việc làm này của Gioan đã tạo nên hai chiều suy nghĩ khác nhau. Cách suy nghĩ thứ nhất đó là có lẽ khi ở trong tù, Gioan đã bâng khuâng không biết Chúa Giêsu có phải Đấng mà thiên hạ đang mong đợi hay không, mặc dầu Gioan đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan và đã giới thiệu Chúa Giêsu “là Đấng đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi” và lại còn chỉ cho các môn đệ của mình rằng Chúa Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Gioan có một chút bâng khuâng có lẽ bởi vì Gioan cũng có một phần nào quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ cho rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến trong uy quyền mạnh mẽ, đầy dũng lực siêu phàm, Ngài sẽ đánh tan những thế lực chống đối và biểu lộ vinh quang sáng tỏ trước mặt mọi người. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không đến với thứ uy quyền hùng dũng theo kiểu người Do Thái mong muốn.

Cách suy nghĩ thứ hai mà có lẽ chúng ta thích hơn đó là mặc dầu câu hỏi của Gioan thoạt nghe thì có vẻ vô lý và mâu thuẫn với sứ mạng của Gioan là tiền hồ và dọn đường cho Đấng Cứu Thế, nhưng Gioan đã sai các môn đệ đi để hỏi Chúa Giêsu không phải vì nghi ngờ bởi vì ông đã làm chứng và ông đã vững tin. Việc sai các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu là để cho họ, những người đang phân vân lưỡng lự, chưa có những nhận định đích thật về Chúa Giêsu, sẽ nhận được ánh sáng phá tan mọi thắc mắc nghi ngờ còn đang ở trong suy tư của họ. Khi tới với Chúa, họ đã không phải chờ đợi lâu vì Chúa đã bancho họ thứ ánh sáng đó. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của họ thì Chúa đã nói với các sứ giả đó hãy về thường thuật cho Gioan những việc Ngài đã làm: “Người mù được thấy, người què được đi, người phong cùi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó.” Chúa Giêsu muốn thanh lọc cái nhìn của họ để cho họ thấy rằng Chúa Cứu Thế không đến trong dung mạo của kẻ uy quyền trần thế, nhưng trong dung mạo của Đấng từ bi, an ủi, chữa lành và tha thứ.

Người Do Thái vẫn luôn trông đợi một Đấng Cứu Tinh. Còn chúng ta thì khác, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Chúa Giêsu chính là Vị Cứu Tinh, là Đấng phải đến để đem ơn cứu độ cho con người. Trong các bài đọc của Chúa Nhật III Mùa Vọng tuần này, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta cái dung mạo trung thực của Chúa Cứu Thế. Ngài đã bước vào trần gian cách đây hơn 2000 năm trong thân xác yếu hèn của nhân loại. Hang Bêlem là ngôi nhà đầu tiên của Ngài và Núi Sọ là nơi cuối cùng Ngài đặt chân tới, chấp nhận hiến tế thập giá bước vào vinh quang. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật lịch sử đến rồi qua đi. Ngài là Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Đấng chúng ta đặt hết niềm tin tưởng và cậy trông. Ngài chính là Đấng phải đến và đang ngự trong trái tim của mỗi người chúng ta.

Lm Trần Văn Kiểm

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT