Bình Luận

Danh chính, nhưng ngôn không thuận

Monday, 11/07/2016 - 11:24:40

Tội hate crime bị xử nặng hơn tội cố sát, nhưng luật hate crime nó như thế nào? Anh Mỹ Đen Micah Johnson có phạm tội hate crime hay không khi anh nổ súng giết 5 cảnh sát viên, và gây thương tích cho 6 người khác?

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Fraternal Order of Police (Hội Thân Hữu Cảnh Sát) -tổ chức lớn nhất, uy tín nhất của nhân viên cảnh sát tại Hoa Kỳ- vừa chính thức yêu cầu Bộ Tư Pháp liên bang “lập tức” điều tra vụ giết 5 cảnh sát viên tại Dallas như một tội ác vì ghét -hate crime. Hate là ghét, crime là tội ác, hate crime là vì ghét mà giết người; đại cương có thể hiểu như vậy.

Tội hate crime bị xử nặng hơn tội cố sát, nhưng luật hate crime nó như thế nào? Anh Mỹ Đen Micah Johnson có phạm tội hate crime hay không khi anh nổ súng giết 5 cảnh sát viên, và gây thương tích cho 6 người khác?

Micah Johnson giết 5 cảnh sát viên cảnh sát


Năm nạn nhân của Micah Johnson

Câu trả lời là "đúng, Johnson phạm tội hate crime;” vì trong lúc trả lời nhân viên cảnh sát gọi điện thoại thuyết phục anh buông súng đầu hàng, anh có nói là anh muốn giết người Mỹ Trắng, anh còn nói thêm là anh “ghét người Mỹ Trắng, ghét nhất là cảnh sát Mỹ Trắng." Giết người vì ghét là đặc tính quan trọng nhất để nhân viên tư pháp định đoạt xem phạm nhân chỉ phạm tội giết người (crime) hay tội giết người vì ghét.

Luật còn ấn định ghét như thế nào và giết những loại người nào, án mạng mới trở thành hate crime; ghét anh hàng xóm vì anh ta xả rác bừa bãi rồi vì thế mà giết anh ta, thì đó không phải là hate crime; nhưng giết anh ta vì anh ta da đen, da trắng, hay da vàng, hoặc vì anh ta thờ Chúa, thờ Phật, hay thờ Allah, hoặc vì anh ta cưới một thanh niên về làm vợ, hay anh ta đi cải giống để trở thành đàn bà, thì án mạng đó là hate crime.

Giết con vì nó thành hôn với chú con trai mà bà không ưa, như bà Christy Sheats đã giết hai đứa con gái bà hôm 24 tháng Sáu 2016, cũng không phải là hate crime.


Christy Sheats giết hai đứa con gái bà không phạm tội hate crime.

Johnson sẽ bị truy tố về tội hate crime, nếu anh không bị giết trong lúc giết cảnh sát, yếu tố khiến tội giết người của anh trở thành gia trọng là anh ghét cảnh sát da trắng; tuy nhiên, luật sư của Johnson vẫn còn một luận cứ khác để bào chữa cho anh: anh giết những phạm nhân phạm tội hate crime mà pháp luật không truy tố, không trừng phạt. Luật sư có thể nêu ra một điển hình to lớn là cảnh sát Mỹ giết 1,134 người Mỹ Đen chỉ trong vòng một năm -năm ngoái- mà không cảnh sát viên nào bị tù tội gì.
Có người so sánh để nêu lên thành tích cảnh sát Hoa Kỳ giết nhiều Mỹ Đen hơn là khủng bố giết họ trên chiến trường Trung Đông.

Đòi xác định tội của Johnson giết cảnh sát da trắng vì họ da trắng, và vì họ là cảnh sát, thì đòi hỏi đó lại chính danh, mặc dù chỉ là cái chính danh không đưa đến thuận ngôn; ngôn là ngôn từ, là tranh luận -cuộc tranh luận về quyền giết Mỹ đen vô tội là vô tội vạ, dù anh cảnh sát giết Mỹ đen rõ ràng phạm tội hate crime.

Điển hình mới nhất là trường hợp cảnh sát viên Jeronimo Yanez giết anh Philando Castile tại Falcon Heights, Minnesota hôm mùng 6 tháng Bảy, 2016. Bữa đó, trong lúc Castile chở cô girlfriend, Diamond Reynolds và đứa con gái 4 tuổi của cô trên xe, thì bị cảnh sát viên Jeronimo Yanez chặn lại.

Castile có kinh nghiệm đối phó với cảnh sát, vì trong 14 năm lái xe, lần này là lần thứ 52, anh bị chặn lại trong lúc đang lái. Tờ New York Daily News đăng tải bản thống kê cho thấy người lái xe Mỹ Đen bị cảnh sát chặn lại kiểm soát 310% nhiều hơn những người Mỹ khác.

Yanez cho là chiếc xe Castile lái “hơi giống” chiếc xe đã can dự vào một vụ cướp vài hôm trước.


Cảnh sát viên Jeronimo Yanez


Anh Philando Castile

Theo cô Reynolds, anh Castile bị cảnh sát chặn lại vì một cái đèn lái bị bể; cảnh sát viên Yanez hỏi bằng lái xe và giấy bảo hiểm; trước khi đưa tay về túi sau, móc bốp lấy giấy tờ cảnh sát đòi hỏi, anh bảo anh Yanez là anh có giấy cho phép mang súng, và khẩu súng hiện đang nằm trong xe. Reynolds kể tiếp, “Anh cảnh sát viên nói 'don't move' rồi bắn Castile 4 hoặc 5 phát.”

Hôm thứ sáu 7/8/2016 -một ngày sau cuộc thảm sát tại Dallas, ông Chuck Canterbury, chủ tịch Hội Thân Hữu Cảnh Sát, nói với báo chí, “Bộ Tư Pháp liên bang thường nhanh nhẩu chen vào những cuộc điều tra của địa phương; lần này, chúng tôi hy vọng họ cũng tỏ ra sốt sắng như vậy.”


Chuck Canterbury

Dĩ nhiên đây là một thách thức, ông Canterbury cho là lần này chính phủ liên bang sẽ không can thiệp, hoặc chỉ can thiệp ầu ơ, lấy lệ, vì can phạm là một người Mỹ Đen và tổng thống cũng là một người Mỹ Đen.

Nhưng liên bang không tránh né như Canterbury tưởng, không những FBI đã có mặt ngay từ phút đầu cuộc khủng hoảng, mà Tổng Thống Obama còn có mặt và đọc diễn văn trong tang lễ những cảnh sát viên bị giết trong lúc thi hành công vụ.

Chắc chắn ông sẽ mượn cơ hội này để kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng sắc tộc, thể hiện dưới hình thức cảnh sát Mỹ Trắng giết công dân Mỹ Đen -những người Mỹ có thể không lấy gì làm dễ thương lắm, nhưng khó thương lại cũng không hề là một tử tội

Chuyện công dân Mỹ Đen giết cảnh sát Mỹ Trắng hôm thứ Năm 7-7-2016 chỉ là phản ứng của một anh Mỹ Đen cựu quân nhân, biết rành về cách sử dụng súng đạn. Những người Mỹ đen có kinh nghiệm tác chiến và vũ khí cỡ anh Johnson có thể đếm trên đầu ngón tay của vài triệu người, và đó là điều ông Canterbury nên quan tâm.

Đòi hỏi của ông đem anh Johnson ra xử về tội hate crime là điều rất đúng, đầy chính danh, nhưng nó không thuận ngôn, vì dù ông có nói gì, có hành xử như thế nào, và dù bản án có nặng đến đâu đi nữa, thì Johnson cũng vẫn không care.

Trong lúc ông không có khả năng gọi 5 cảnh sát viên bị giết trở lại với cuộc sống hàng ngày, thái độ hung hăng của ông lại tạo phản tác dụng; vì nếu lập trường không hòa giải của ông gây ảnh hưởng chỉ trên 10% quân số cảnh sát toàn quốc Hoa Kỳ, thì vài ngàn cảnh sát viên lại sẵn sàng rút súng giết Mỹ Đen.

Người Việt cho là lối hành xử đó sẽ đưa đến cảnh "oán oán chập chùng," máu Mỹ chảy thành sông, và mắt Mỹ nhắm lại để không nhìn thấy nhau nữa. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT