Thế Giới

Đạo Luật Thẩm Quyền Quốc Phòng vi phạm quyền công dân Mỹ?

Vanessa White/Viễn Đông Thursday, 05/01/2012 - 08:29:41

Đạo luật này có thể trao cho chính phủ quyền bắt giữ theo lề lối quân sự và vô thời hạn bất cứ những công dân nào của Hoa Kỳ và những người thường trú hợp pháp trên đất Mỹ, nếu họ bị tình nghi khủng bố hoặc tiếp tay với khủng bố.

Vanessa White/Viễn Đông


Những người biểu tình Chiếm Đóng, như ở Los Angeles (trong hình),
có phải là những “kẻ khủng bố”? - ảnh: Venessa Beck/Viễn Đông

WASHINGTON D.C. – Tổng Thống Barack Obama đã đồng ý có thể truất khỏi bất cứ công dân Mỹ nào những quyền mà hiến pháp qui định cho họ được tòa án xét xử một cách công bằng.
Hôm 31-12-2011, Tổng Thống Obama đã ký Đạo Luật Cấp Thẩm Quyền Quốc Phòng 2012 (National Defense Authorization Act - NDAA). Dựa trên lối giải thích của đương kim tổng thống, đạo luật này có thể giao cho chính phủ quyền bắt giữ theo lề lối quân sự và vô thời hạn bất cứ những công dân nào của Hoa Kỳ và những người thường trú hợp pháp trên đất Mỹ, nếu họ bị tình nghi khủng bố hoặc tiếp tay với khủng bố.
Cuộc biểu quyết về NDAA của Hạ Viện, vào hôm 14-12-2011 đã bị chia phiếu ra bằng nhau nơi phe Dân Chủ, nhưng nhận được sự ủng hộ áp đảo của phe Cộng Hòa. Tuy nhiên, Dân Biểu Ed Royce, đại diện địa hạt 40, đã chống lại luật ấy, trong khi Dân Biểu Loretta Sanchez thì không bỏ phiếu biểu quyết.
Vào lúc bài báo này lên khuôn, Viễn Đông không nhận được những lời bình luận của cả Dân Biểu Royce lẫn Dân Biểu Sanchez, về chuyện tại sao họ đã bỏ phiếu như vậy.
Thượng Viện đã thông qua NDAA, còn gọi là HR 1540, vào hôm 15-12-2011, cả hai thượng nghị sĩ của California là TNS. Dianne Feinstein và TNS. Barbara Boxer đều ủng hộ đạo luật này.
Người ta đọc thấy trên một blog của Liên Hiệp Các Quyền Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU): “Đạo luật này đặc biệt nguy hiểm, vì nó không có những hạn chế tạm thời hoặc những hạn chế về mặt địa lý, và có thể được vị tổng thống này, cũng như những tổng thống trong tương lai, sử dụng để dùng võ lực quân sự mà giam giữ những người bị bắt ở những nơi xa khỏi mặt trận. Bất cứ một việc dùng quân đội để bắt giữ những người công dân Mỹ hoặc những người khác, ở bên trong nước Mỹ, đều có tính cách vi hiến và bất hợp pháp, bao gồm cả những vụ bắt giam chiếu theo đạo luật NDAA”.

Các công dân lo sợ
Cô Sara AbiBoutros, một người lâu nay tham gia Phong Trào Chiếm Đóng mang tính quốc tế, chính trị và kinh tế xã hội, nói với nhật báo Viễn Đông rằng chiếu theo NDAA, cũng như căn cứ trên định nghĩa của cơ quan FBI về từ ngữ “kẻ khủng bố”, thì vai trò của cô với tư cách là một người biểu tình Chiếm Đóng có thể dẫn đến chuyện cô bị bắt giam vô thời hạn.
Từ tháng 11 năm 2011, nhật báo Viễn Đông đưa tin về Phong Trào Chiếm Đóng. Phong trào này bắt đầu ở New York và San Francisco, trong tháng 9 năm 2011, lên tới cao điểm với những hành động bất phục tùng dân sự quốc tế, bao gồm những cuộc tuần hành, những vụ chiếm đóng các tòa thị chính và chiếm đóng nhà cửa, cũng như làm cho một số hải cảng phải đóng cửa. Cô AbiBoutros nói với Viễn Đông: “Mối quan ngại lớn nhất của tôi là kiểu ngôn ngữ mơ hồ được dùng để định nghĩa cái gì làm nên một kẻ khủng bố. Định nghĩa của FBI về khủng bố thật là buồn cười”. Cô nói thêm rằng mặc dù NDAA không nhất thiết phải định nghĩa về khủng bố giống như FBI, đạo luật này vạch ra cho chính phủ cách thức đối xử với những người ấy như thế nào. Mặc dù FBI công nhận rằng “không có một định nghĩa duy nhất nào về khủng bố là được mọi người chấp nhận”, nhưng cơ quan này định nghĩa khủng bố là “việc sử dụng một cách bất hợp pháp sức mạnh hoặc bạo động, chống lại người ta hoặc tài sản, để đe dọa hoặc cưỡng bức một chính phủ, các thường dân, hoặc một thành phần của dân chúng, nhằm thúc đẩy những mục tiêu chính trị hoặc xã hội”.
Bất cứ người nào tham gia vào những hoạt động như thế đều được coi là một “kẻ khủng bố”. Cô AbiBoutros nói thêm rằng NDAA cũng không minh bạch rõ ràng về chuyện một người nào đó “giúp đỡ cho khủng bố” có nghĩa là gì. Cô nói tiếp rằng chẳng hạn như nếu cô tạo ra một cái blog trên mạng điện toán, rồi một tổ chức khủng bố nào đó nhìn thấy được blog này và quyết định sử dụng những tin tức mà cô trình bày, thì cô có thể bị xem như là tiếp tay với một kẻ khủng bố.

Thêm những dự luật khác

Mặc dù TNS. Feinstein của California, cũng là chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, ủng hộ đạo luật NDAA, nhưng bà đã phản đối những điều khoản về việc bắt giữ vô thời hạn, và đệ trình một tu chính án sẽ nói rõ rằng việc bắt giữ quân sự ấy chỉ có thể được áp dụng cho những nghi can khủng bố bị bắt ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tu chính án của bà đã bị bác bỏ trong một cuộc biểu quyết của Thượng Viện, với tỉ lệ phiếu là 55-45.
Hôm 14-12-2011, bà đệ trình cho Quốc Hội một dự luật có thể giữ cho các công dân Mỹ và các thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ bị bắt trong nội địa khỏi bị giam giữ vô thời hạn bởi quân đội. Dự luật của bà mang tên “Luật Bảo Đảm Tiến Trình Thích Đáng Của Luật Pháp” số S. 2003, có thể bảo toàn quyền được xét xử công bằng cho các công dân Mỹ và các thường trú nhân hợp pháp.
Một bản thông cáo báo chí trích dẫn lời bà nói: “Lập luận ở đây không phải là liệu những công dân như Yaser Esam Hamdi và Jose Padilla – hoặc những người nào khác sẽ làm hại chúng ta – sẽ không bị bắt giữ, thẩm vấn, tống giam và bị trừng phạt nghiêm khắc hay không. Họ phải bị như vậy. Nhưng thế còn một người Mỹ vô tội thì sao? Một người nào đó bị bắt lầm địa điểm hoặc sai thời điểm thì sao đây?”.
Quốc Hội chưa biểu quyết về S. 2003.
Liên quan tới NDAA, liên hiệp ACLU đang chờ xem một phán quyết mà cuối cùng Tối Cao Pháp Viện sẽ đưa ra, về thẩm quyền mà Quốc Hội có được để giam giữ vô thời hạn những công dân Mỹ và những thường trú nhân hợp pháp bị bắt trên đất Mỹ. - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT