Đạo và Đời

Đạo Phật và Lễ Tạ Ơn

Wednesday, 27/11/2019 - 07:26:47

Đối với các Phật Tử, Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một thời điểm tuyệt vời. Hành động tạ ơn là một cách để cho chúng ta có thể phát triển bản thân.


Một bữa ăn chay thanh tịnh nhân mùa Thanksgiving. (Getty Images)


Bài JOSHUA SUMITTA HUDSON

Đối với các Phật Tử, Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một thời điểm tuyệt vời. Hành động tạ ơn là một cách để cho chúng ta có thể phát triển bản thân. Qua sự nhận biết tất cả các món quà tặng tuyệt vời mà chúng ta đã được người khác trao tặng trong cuộc sống, làm cho người Phật Tử cảm thấy trân quý thế giới chung quanh.
Quà tặng về Phật Pháp (dhammadana) mà chúng ta đã nhận được trong năm vừa qua, thì cũng quan trọng như thức ăn, và thức uống để nuôi sống thân thể của chúng ta.
Những món quà mà chúng ta trao tặng để chia sẻ với những người khác là do lòng từ bi. Sự cho-tặng là hình thức giúp chúng ta chống lại các trạng thái ác cảm, và sự dính mắc. Sự chấp nhận những món quà tặng là cơ hội để chúng ta phát triển sự trân quý, và sự kết nối. Những thay đổi trong tâm chúng ta có thể sâu sắc, hoặc cạn cợt, những điều này quan trọng, chúng ta nên hiểu biết rõ ràng.

Đối với một số người cho-tặng là điều tự nhiên, tuy nhiên, đối với một số người khác thì điều nầy không đến dễ dàng. Đối với những người cảm thấy dễ dàng, họ được hưởng nhiều phước lợi qua niềm vui thích làm những công việc thiện lành. Đối với những người không cảm thấy dễ dàng, họ cần thực tập “việc làm công đức” nầy với mọi người, để họ có được niềm vui thích vô song.
Đối với một số người, sự cho-tặng là điều hết sức tự nhiên - vì, họ thích thú cho tặng người khác, và họ sẽ cảm thấy không hạnh-phúc nếu họ không làm được điều nầy. Nói chung, sự cho tặng người khác là một việc làm rất tốt đẹp, và rất đáng khen thưởng, mặc dù đôi khi, có một vài người nào đó cho-tặng một cách dại dột. Có lẽ, cho-tặng là điều mà tất cả các tôn giáo đều nhìn nhận: trong đạo Thiên Chúa có nói rằng tặng quà sẽ có nhiều phước lợi hơn là nhận quà, và trong đạo Hồi có một giới luật tích cực là cho-tặng người nghèo một phần tiền bạc (hoặc là sự giàu có) của mình.

Sự cho tặng là sự thực hành để phát triển tâm chúng ta trở thành trong sạch, giúp chúng ta giảm bớt đi sự dính mắc về tài sản, tăng trưởng lòng từ bi. Đây là lý do tại sao sự bố-thí, hoặc sự cho-tặng (dana) được xem là một điểm khởi đầu tốt đẹp cho việc chúng ta thực hành thành công trong Đạo Phật.
Nhà sư Bhikkhu Bodhi viết, “Sự thực hành hạnh bố thí được mọi người xem là một trong những đức tính căn bản nhất của con người, là phẩm chất đã cho thấy rằng con người có sự phong phú về lòng nhân từ, và cũng là năng lực của một con người siêu việt.

“Cũng như thế, trong giáo lý của Đạo Phật, hạnh bố thí có một vị trí cao cả đặc biệt, là một hành động đáng chú ý, và đáng khen thưởng vì là nền tảng, cho hạt giống phát triển về tâm linh. Trong các kinh điển Pali, đề tài nói về hạnh bố thí (danakatha) được lặp đi lặp lại nhiều lần, và cũng là chủ đề đầu tiên bất-biến, không-thay-đổi được thảo luận bởi Đức Phật, trong các bài giảng Phật Pháp cao cấp của ngài.
“Bất cứ khi nào Đức Phật thuyết giảng cho một đám đông, những người mà chưa xem ngài là vị thầy của họ, ngài sẽ bắt đầu bài pháp bằng sự nhấn mạnh về giá trị của sự bố thí. Chỉ khi nào các khán giả trân quý đức tính cao quý nầy, ngài mới giới thiệu về những khía cạnh khác trong giáo lý của ngài, thí dụ như sự đạo đức, luật nhân quả, và các lợi ích về sự xuất gia, và chỉ khi nào tất cả các nguyên tắc này đã tạo ra ảnh hưởng trong tâm của người nghe, ngài mới giải nghĩa về sự khám phá độc đáo của Các Vị Phật, đấy là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế).”
(Applied Buddhism, chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến, đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT