Thế Giới

Đạt Lai Lạt Ma: Chắc chắn Phật sẽ giúp người Rohingya

Monday, 11/09/2017 - 09:55:37

Đạt Lai Lạt Ma: Chắc chắn Phật sẽ giúp người Rohingya


Người Hồi Rohingya từ Miến Điện đã lánh nạn bằng thuyền đến đảo Shah Porir ở Bangladesh vào ngày Chủ Nhật vừa qua. (Getty Images)


Quốc tế đang gia tăng áp lực đối với bà Aung San Suu Kyi cũng như với chính phủ Miến Điện. Trong ngày thứ Hai, một viên chức nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc cáo buộc chính phủ của bà về cuộc “khử trừ sắc tộc có bài bản,” và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ trích những vụ tấn công mang tính cách dân tộc chủ nghĩa của các Phật tử đánh vào sắc dân thiểu số Rohingya ở Miến Điện.

Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, chủ tịch Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nói rằng Miến Điện dường như đang thực hiện một “cuộc tấn công có hệ thống” nhắm vào thường dân, nhằm trục xuất nhóm phần thiểu số Hồi Giáo này ra khỏi Miến Điện, một nước là đa số dân chúng theo Đạo Phật.

Ông Zeid nói với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, “Vì Miến Điện đã từ chối không cho các điều tra viên nhân quyền tiếp cận, nên tình hình hiện thời vẫn chưa thể được đánh giá đầy đủ. Nhưng tình hình dường như là một ví dụ bài bản về việc diệt trừ sắc dân.”

Hàng trăm ngàn người Rohingya đã đến Bangladesh trong hai tuần vừa qua, sau khi bạo động bùng lên ở nước Miến Điện láng giềng, nơi mà những người Hồi giáo không có quốc gia phải chịu đựng hàng chục năm bị bách hại.

Ông Zeid đưa ra lới lên án, trong lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên cũng lên tiếng về cuộc khủng hoảng này, nói rằng Đức Phật sẽ giúp đỡ người Hồi giáo chạy thoát nạn bạo động.

Vào tối thứ Sáu, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với các ký giả khi họ hỏi ngài về cuộc khủng hoảng, “Những người nào đang quấy rối một số người Hồi giáo, họ nên nhớ Đức Phật. Chắc chắn Đức Phật sẽ giúp đỡ những người Hồi Giáo nghèo khổ này. Thật đáng buồn.”

Miến Điện nói rằng họ đang thực hiện các hoạt động chống khủng bố ở tiểu bang Rakine, đánh lại Lực Lượng Cứu Nguy Arakan Rohingya. Nhóm chiến binh này đã thực hiện một loạt tấn công gây chết người, đánh vào các đồn canh phòng biên giới hôm 25 tháng Tám.

Nhưng những người tị nạn và các nhóm nhân quyền nói rằng quân đội Miến Điện và những người cảnh vệ địa phương đang nhắm tới thường dân một cách có hệ thống, trong một chiến dịch khủng bố mà hoạt động đặc trưng là đốt nhà, nổ súng bắn hàng loạt, chặt đầu, và hiếp dâm tập thể.

Ông Zeid nói, “Hoạt động đó rõ ràng là không cân xứng, và chẳng quan tâm đến các nguyên tắc căn bản của luật pháp quốc tế.”

Ông nói, “Chúng tôi đã nhận được nhiều báo cáo và hình ảnh vệ tinh về các lực lượng an ninh và dân quân địa phương đốt cháy những ngôi làng của người Rohingya, và những bản tường trình nhất quán về những vụ giết người không được luật pháp cho phép, trong đó có việc bắn vào những thường dân trốn chạy. Tôi kêu gọi chính phủ chấm dứt hoạt động quân sự tàn ác hiện nay, chịu trách nhiệm về mọi vụ vi phạm đã xảy ra, và đảo ngược dạng thức của nạn kỳ thị nghiêm trọng và tràn lan đối với nhóm dân Rohingya.”

Ít nhất 313,000 người Rohingya tị nạn đã trốn khỏi Miến Điện, từ khi bạo động bùng nổ vào ngày 25 tháng Tám, Nhóm Phối Hợp Liên Ngành điều phối hoạt động cứu trợ cho biết vào hôm thứ Hai.
Con số này có nghĩa là ít nhất 400,000 người, tức hơn một phần ba trong tổng số khoảng 1.1 triệu người Rohingya ở tiểu bang Rakine đã chạy vào nước Bangladesh, từ khi xảy ra một đợt bạo động trước đó trong tháng Mười năm ngoái.

Theo ngoại trưởng Bangladesh cho biết hôm Chủ Nhật, có ít nhất 3,000 người đã bị giết chết trong chiến dịch “diệt chủng.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT