Mẹo Vặt

Đất xài lại …

Thursday, 13/03/2014 - 11:04:05

Nói tới việc xài lại, chắc không ai thích. Bởi vì, con người bản tính chóng chán, nhiều đồ cũ xài chưa hết đã nằng nặc đòi thay mới…. Nhưng chúng ta biết rằng trên đời này không có thứ gì là mới hoàn toàn, chẳng qua chỉ là đồ cũ tân trang hay xào xáo lại mà thôi.

Vũ Hằng

 
Nói tới việc xài lại, chắc không ai thích. Bởi vì, con người bản tính chóng chán, nhiều đồ cũ xài chưa hết đã nằng nặc đòi thay mới…. Nhưng chúng ta biết rằng trên đời này không có thứ gì là mới hoàn toàn, chẳng qua chỉ là đồ cũ tân trang hay xào xáo lại mà thôi. Nhiều khi đồ cũ với người này chuyền sang tay người kia lại là đồ mới. Đất vườn cũng vậy. Nhưng mình có thể làm được gì để “tân trang” hay cải thiện phẩm chất của đất, đó là vấn đề chắc nhiều người tự hỏi, giống như bạn đọc sau đây: “Đất trồng cây mua mới thì khỏi phải nói rồi, còn những đất đã trồng năm ngoái có thể sử dụng lại được không? Hay phải bỏ hết? Nếu sử dụng lại được thì phải làm sao? Đề nghị chị cho biết đất mình trồng cây và rau mùa hè năm ngoái, năm nay muốn sử dụng lại để trồng các loại rau hoặc cây mới thì thêm những gì để sử dụng lại - Cám ơn”

Việc “tân trang” đất nên làm ngay từ cuối mùa thu hoạch năm trước, chứ không phải đợi đến mùa trồng cấy năm sau. Hằng không biết bạn ở vùng nào, nhưng nếu chỉ làm vườn vào mùa hè thì mùa đông nơi bạn ở chắc lạnh lẽo lắm, và có lẽ chỉ có thể trồng rau đến giữa thu là phải cho đất nghỉ ngơi. Nhưng dù ở đâu chăng nữa, chúng ta vẫn có thể chuẩn bị đất ngay sau khi thâu hoạch đợt rau cuối cùng. Công việc chuẩn bị bao gồm những giai đoạn như sau:

Làm sạch cỏ

Trước tiên làm sạch cỏ, chứ đừng để cỏ mọc xồm xoàm đầy vườn trong mùa đông. Khi làm cỏ, nhớ sắn sâu xuống để nhổ hết rễ. Như vậy, đến mùa trồng tỉa năm sau, bạn sẽ đỡ rất nhiều công phu nhổ cỏ. Nếu đó là vườn nâng (raised gardens) thì công tác làm cỏ kể như không có, bởi vì ít khi cỏ dại bén mảng được vào vườn.

Bón phân

Nhưng điều quan trọng là phải bón phân cho đất. Xới đất cho tơi ra, rồi bón phân. Nếu có phân xanh, mà nhà vườn chuyên nghiệp tôn lên thành “vàng đen” (compost), là tốt nhất. Mặc dầu đôi khi chúng ta có thể mua compost tại các cửa hàng có vườn cây như Home Depot hoặc Lowes, nhưng tốt nhất là tự chế “vàng đen” từ lá cây khô, từ các mẩu rau vụn, từ bìa các tông… là những thứ thường bị bỏ vào thùng rác trước đây.

Xới đất lên cho đều rồi trộn compost vào. Sau đó phủ lên mặt đất một lớp vỏ cây vụn, tiếng nhà vườn gọi là “mulch” (cũng có thể mua được ngoài cửa hàng), để giữ cho đất màu khỏi bị xói mòn bởi nắng mưa. Bạn cũng có thể gom lá vàng rơi rụng trong mùa thu, rải trên mặt đất vườn, thay vì phải bỏ tiền ra mua vỏ cây làm “mulch”. Vỏ cây và lá cây mục bảo vệ đất màu, rồi tự phân hủy trở thành một thứ phân bón suốt thời gian đất ngủ trong mùa lạnh.

Thực ra, tìm được compost đầy đủ phẩm chất không phải chuyện dễ dàng. Có thể bạn phải dùng phân hóa học để thay thế. Đó là loại phân có dạng hạt gạo (granular fertilizer), với thành phần 5 nitrogen, 10 phosphorous và 10 potassium. Thành phần và tỷ lệ phân hóa học được ghi rõ trên bao bì, chúng ta có thể nhận ra chúng dễ dàng ở các cửa hàng và vườn cây. Mang về nhà, xới đất lên, trộn phân vào, rồi phủ ‘mulch’....

Như vậy là đến mùa xuân sang năm, bạn sẽ có một khu vườn hoàn toàn hồi sinh để đón một mùa gieo trồng mới.

Thay đổi cây trồng

Nhưng nhớ là đừng trồng trên cùng một khoang đất những thứ rau mà bạn đã trồng trong mùa trước, mà phải thay đổi bằng một thứ hoa màu khác, đó là qui luật “crop rotation” mà nhà vườn chuyên nghiệp không thể bỏ qua. Thí dụ: Nếu mùa trước đã trồng broccoli thì mùa sau phải trồng một thứ khác, như rau diếp, rau đay, hay cà chua… thứ gì cũng được, miễn là đừng trồng lại broccoli trong khoang đất đó.

Sự luân chuyển giúp dưỡng chất trong đất được phong phú hơn, chứ không suy kiệt do bị tiêu thụ liên tục bởi cùng một thứ cây hết mùa này sang mùa khác. Là vì, trong khi tiêu thụ một tố chất nào đó trong đất để lớn lên, thì đồng thời cây cũng tiết ra những tố chất khác, hợp với một loài cây khác. Nếu trồng loại cây ấy vào chỗ đó, kết quả thâu hoạch sẽ cao hơn mà đất không suy kiệt. Ngoài ra, việc luân chuyển còn giúp cho vườn cây ít cỏ dại, ít sâu rầy.

Với một khung “vườn nâng” được phân thành nhiều lô nhỏ, thì việc luân chuyển cây trồng lại càng dễ dàng hơn. Bởi vì, khung vườn có thể chứa được nhiều loại rau khác nhau, mỗi loại trong một lô nhỏ, dưỡng chất đất vườn luôn luôn luôn được đổi mới và phong phú hóa ngay trong một mùa.

Nói tóm lại, sau mùa gieo trồng, chúng ta cần cải thiện đất vườn bằng cách bón thêm “vàng đen”, bất đắc dĩ mới dùng phân hóa học. Kết hợp với sự luân chuyển cây trồng, vườn của chúng ta sẽ hồi sinh với một bộ mặt mới mà chẳng phải bỏ đi một thứ gì.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT