Đạo và Đời

Đau khổ

Thursday, 20/09/2018 - 12:04:28

Vậy thì đau khổ từ đâu và ai sẽ cứu ta khỏi khổ? Nhờ ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giesu hôm nay, Mc 8, 27-5, chúng ta mới hiểu được nguyên do của đau khổ, đó chính là tội lỗi. Đau khổ đã xuất hiện từ khi loài người bắt đầu phạm tội và sẽ còn mãi cho đến tận thế.


Khi gặp đau khổ, Chúa dạy chúng ta đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn rủa trời, chửi đất mà hãy đến cầu xin với Ngài. (Getty Images)

Bài LM JOSEPH NGUYỄN THÁI

Không tin ở Thiên Chúa thì người ta không làm sao hiểu nổi vấn đề đau khổ. Và người ta có thể tuyệt vọng khi không làm sao tránh được đau khổ và bệnh tật. Văn hào vô thần Henry de Montherlant, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, sinh năm 1895, năm 1972 lúc về già ở tuổi 77, ông bị mù. Vì không chịu được sự đau khổ ấy, ông đã dùng súng lục bắn vào họng tự sát!

Đức Phật Thích Ca đã cho rằng: “Đời là bể khổ” và “nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của đại dương.” Kitô giáo trong Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) kêu rằng thế giới này là một thung lũng nước mắt, và giáo thuyết Công giáo cho rằng thế gian này chỉ là tạm gửi “sinh ký tử quy,” là một cuộc lữ hành, là nơi chiến đấu lập công đền tội, chứ không phải là nơi an hưởng. Thiên đàng mai hậu mới thật là quê hương muôn đời, nơi hưởng phúc thanh nhàn, “Thiên Chúa sẽ lau khô mọi dòng lệ” nơi đó sẽ không còn khổ đau, thử thách hay lâm cảnh đoạn trường.

Vậy thì đau khổ từ đâu và ai sẽ cứu ta khỏi khổ? Nhờ ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giesu hôm nay, Mc 8, 27-5, chúng ta mới hiểu được nguyên do của đau khổ, đó chính là tội lỗi. Đau khổ đã xuất hiện từ khi loài người bắt đầu phạm tội và sẽ còn mãi cho đến tận thế. Mở trang đầu của Kinh Thánh, Chúa dựng nên vạn vật, chim trời, cá biển, cầm thú và con người với kết luận: “Mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp, rất tốt đẹp.” Nhưng rồi chương trình tốt đẹp ấy đã bị đổ vỡ.

Tội lỗi đã len vào thế gian. Và vì tội thì có sự chết nữa. Nghĩa là từ ngày nguyên tổ phạm tội thì đau khổ báo trước sự chết và sự chết đã ngự trị trên trần gian. Mỗi ngày có biết bao nhiêu tiếng khóc, có biết bao nhiêu dòng nước mắt. Mỗi ngày có hàng vạn người chết. Bản án còn vang lên: “Vì ngươi đã phạm tội thì trái đất sẽ sinh gai góc, ngươi phải làm ăn vất vả, đổ mồ hôi trán mới có ăn và ngươi là tro bụi thì sẽ hoàn về tro bụi.”

Từ đó, đời là bể khổ, đời là thung lũng nước mắt. Đau khổ là do tội lỗi phát sinh. Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại. Nhờ sự chết và sống lại, Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng Ngài không cất đi hình phạt của tội lỗi là gian nan đau khổ. Hơn nữa, Ngài dùng đau khổ làm giá cứu chuộc chúng ta. Vì thế, đời sống Chúa Giêsu là một đời đầy gian lao đau khổ. Vì yêu thương, Chúa đã chịu đau khổ để đền tội cho chúng ta, thì Ngài cũng thánh hóa sự đau khổ để nêu gương sáng cho chúng ta.

Hơn nữa, Ngài lấy sự nhẫn nại chịu đau khổ như là một điều kiện để theo Ngài, để làm môn đệ của Ngài: “Ai muốn theo tôi, hãy vác thập giá mình mà theo.” Từ đây không ai có thể tự hào là môn đệ Chúa mà không tham gia vào cuộc thương khó của Chúa, không vui lòng lãnh nhận phần đau khổ riêng tư của mình. Vì thế, khi gặp đau khổ, Chúa dạy chúng ta đừng buông xuôi, đừng thất vọng, đừng lồng lộn rủa trời, chửi đất mà hãy đến cầu xin với Chúa: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho.”

Con đường cứu thế của Chúa là con đường thập giá, con đường đau khổ vì tình yêu. Hãy dùng tình yêu mà làm cho đau khổ nở hoa cứu độ như Chúa Giesu đã cứu rỗi nhân loai và xây dựng hạnh phúc Nước Trời.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT