Gỡ Rối Tơ Lòng

Dâu Là Con

Saturday, 14/06/2014 - 12:11:04

Thưa Bác, cháu có cần phải giữ liên lạc với gia đình nhà chồng cháu không? Chồng cháu mới mất chưa đầy một năm, mất rất đột ngột trong một tai nạn giao thông. Cháu chưa hoàn hồn, chưa quen với cảnh nuôi con một mình. Cháu có hai đứa con trai, một đứa lên 10, một đứa 12. Trong khi đó, bố mẹ chồng cháu cứ quẫy nhiễu

Dâu Là Con

Thư của Lynn, Cali

Thưa Bác, cháu có cần phải giữ liên lạc với gia đình nhà chồng cháu không? Chồng cháu mới mất chưa đầy một năm, mất rất đột ngột trong một tai nạn giao thông. Cháu chưa hoàn hồn, chưa quen với cảnh nuôi con một mình. Cháu có hai đứa con trai, một đứa lên 10, một đứa 12. Trong khi đó, bố mẹ chồng cháu cứ quẫy nhiễu cháu hàng ngày. Hết gọi điện thoại rồi lại đến nhà cháu thăm hỏi, săn sóc các con cháu. Nhưng lúc này cháu thật không muốn gặp ai, nhìn mặt ai, nhất là bố mẹ chồng cháu. Cứ nhìn thấy ông bà ấy là bao nhiêu buồn phiền lại kéo về. Nếu cứ thế này thì cháu làm sao quên được để tiếp tục cuộc sống. Hai đứa bé nhà cháu thì chúng cũng yêu ông bà đấy nhưng nếu ông bà không lại thì cũng chẳng thấy chúng đòi đến gặp ông bà. Cháu muốn nói với bố mẹ chồng cháu rằng hãy để cho cháu yên, đừng thăm hỏi gì lúc này. Lúc nào cháu bớt đau buồn có thể cháu sẽ gặp ông bà. Ông bà nên để cháu yên thân để cố quên đi cái chết kinh hoàng của chồng cháu. Mà cháu không dám nói. Bác giúp cháu được không?

Bà Ba Phải trả lời:

Bác thành thật chỉa sẽ nỗi mất mát và thông cảm với sự buồn phiền của cháu. Mỗi người có một cách đương đầu với nghịch cảnh. Bác hiểu tâm trạng của cháu vì khi bác ở trong cùng hoàn cảnh với cháu nhiều khi bác cũng không muốn gặp ai. Nhưng mà sự đau đớn của cháu so với sự đau đớn của bố mẹ chồng cháu thì cũng không biết ai khổ hơn ai. Bố mẹ cháu thuộc một thế hệ khác với cháu cho nên có phản ứng khác với cháu, ông bà thật lòng thương cháu và nghĩ rằng sự hiện diện của ông bà sẽ an ủi được cháu. Thật là rất khó có thể từ chối lòng thông cảm và xót thương của ông bà. Nhất là con của cháu là cháu nội của ông bà, ông bà không thể nào bỏ cháu được. Cho dù cháu có hất hủi ông bà, ông bà cũng không thể bỏ cháu. Lý luận của ông bà là nếu không chăm sóc mẹ con cháu mọi người sẽ nghĩ ràng con mới chết mà đã tỏ vẻ lạnh nhạt với con dâu, và nhất là ông bà sợ mất cháu. Bác đề nghị, cháu thử nghĩ xem, cháu có hoàn cảnh và phương tiện đem con đi xa một ít lâu, chẳng hạn về nhà ông bà ngoại, nếu ông bà ngoại ở tỉnh khác, hay là về chơi với các anh chị em. Cháu đi xa sẽ dễ khuây khỏa hơn mà có thể tránh mặt ông bà nội mà không thất lễ hay tỏ ra vô ơn. Còn như, nếu cháu vẫn ở chỗ cũ thì luân lý và tình bác ái không cho phép cháu cắt đứt tình máu mủ của hai ông bà già rất tốt lành này, và cháu không có lý do chính đáng gì để bực bội với ông bà. Đừng bao giờ ăn ở không có trước có sau, không tình, không nghĩa. Cháu cũng có bổn phận với bố mẹ chồng và giũ gìn tình cảm với bên nội của các con cháu. Cứ nghĩ đến tình ruột thịt và đặt mình vào hoàn cảnh của ông bà, hai người già bị mất con trong một tình trạng đột ngột như thế, cháu sẽ thông cảm và thương ông bà hơn. Đừng nên coi sự chăm sóc của ông bà là một sự quấy nhiễu. Điều đó hơi ác độc đấy cháu ạ.

Cháu có quyền được hạnh phúc không?

Thư của Bích, Cali

Thưa bác, cháu năm nay 41 tuổi, cháu đi làm đã nhiều năm tại văn phòng luật sư này. Cháu chỉ làm thư ký trả lời điện thoại. Nhưng vì cháu làm lâu năm và chăm chỉ cho nên ông chủ cho phép cháu đi học bằng phụ tá luật sư - paralegal. Tất cả những khách hàng của hãng và bạn bè cùng sở, ai cũng khen cháu dễ thương, ưa nhìn và ăn nói có duyên. Nhiều người đi qua bàn làm việc của cháu cũng đứng lại tán tỉnh cháu vài câu, khen cháu vài lời. Nhưng chỉ đến đó là hết. Không một người nào lại gần cháu, thân huân, mời cháu đi date hay tán tỉnh cháu như tán một girlfriend. Chỉ vì cháu là một người tàn tật. Từ hồi nhỏ cháu bị bệnh polio. Hồi đó ở Việt nam chưa có thuốc chữa được bệnh này cho nên sau khi cháu khỏi bệnh thì một ống chân bị teo lại, cho nên cháu phải đi nạng. Ngoài cái tật đó ra, dáng người cháu xinh xắn, gọn gàng, cháu ăn mặc đúng thời trang, trang điểm kín đáo và như cháu nói ở trên ai cũng khen cháu dịu dàng, có duyên, nhưng không anh nào nghĩ đến chuyện tiến tới với cháu. Bộ cái cặp nạng và đôi chân tật nguyền của cháu làm cho mọi người sợ hãi, xa tránh cháu hay sao? Bộ cháu có hy vọng có bồ, có chồng con, gia đình như mọi người con gái khác không hả bác? Nhiều khi suy nghĩ cháu thấy cuộc đời thật bất công với cháu. Cháu tuy không hoàn toàn nhưng cũng hội đủ tính tốt để có thể làm một người vợ hiểu biết, một người mẹ chăm chỉ và một người đàn bà hiền hậu để làm vợ làm mẹ trong gia đình thì đàn ông chẳng ai nhìn thấy những tính tốt ấy của cháu. Họ chỉ nhìn thấy cái chân khập khiễng của cháu mà tránh xa. Trong khi ngoài xã hội, biết bao nhiều người đàn bà xấu xa, tính tình hư đốn, coi chồng chả ra cái gì, ăn hoang, phá hại thì lại được nhiều người tán tỉnh cưới về để sống một cuộc sống gia đình hỏa ngục. Cháu không oán trách Trời, nhưng cháu thấy tiếc là tại sao không có một người không nhìn tới đôi chân cháu mà chú ý đến những đức tính tốt lành của cháu để cùng cháu chia sẻ cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.

Bá Ba Phải trả lời:

Bác thông cảm với cháu nhưng không đồng ý với cái nhìn bi quan của cháu. Chuyện vợ chồng là duyên số. Có người số mau mắn, sớm sủa cho nên lớn lên là có người tán tỉnh cưới về làm vợ ngay. Có người số muộn màng, từ từ mới đến. Chắc chắn khi ông Trời sinh ra cháu, ông ấy đã chọn một người đàn ông tốt lành để mượn cái xương sườn làm nên cháu. Cái người đàn ông cho cháu mượn xương ấy cũng đang đi tìm cháu mà chưa gặp đấy thôi. Cháu đừng sốt ruột. Chừng nào cháu học xong, không còn bị bận rộn quá, cháu có thì giờ nhiều hơn, lúc đó cháu sẽ nới rộng vòng giáo tế của cháu ra ngoài cái văn phòng bé nhỏ đó. Cháu để thì giờ làm việc thiện nguyện, cháu sẽ gặp gỡ nhiều người hơn và lúc đó sẽ có người không nhìn thấy đôi chân tật nguyền của cháu mà họ nhìn thấy toàn thể con người đáng yêu của cháu và nhất là hiểu được, khám phá ra, cái tấm lòng tốt của cháu cũng những đức tính đáng quí của cháu. Bác đề nghị, từ nay trở đi, cháu không nên nghĩ đến đôi chân và đôi nạng của cháu nữa mà chỉ nghĩ đến những điều tích cực, những tính tốt của cháu, cùng những ưu điểm của cháu. Nếu cháu cứ bị ám ảnh bởi sự tàn tật của cháu và nghĩ rằng vì nó mà mọi người không dám đến với cháu thì - vô hình trung - cháu đã lôi kéo sự chú ý của họ vào cái nhược điểm của cháu. Chính cháu đã làm cho họ ngại ngùng khi lại gần cháu. Nếu cái chân cháu làm cháu có mặc cảm, bác không biết cháu có thể thay thế cây nạng bằng một chiếc chân giả được không? Như vậy bề ngoài cháu sẽ bình thường như tất cả mọi người. Còn nếu như không làm được, thì cháu cứ coi nó như là một sự thử thách lòng thành thật yêu thương của người nào dám vượt qua nó mà đến với cháu. Cháu phải bỏ những tư tưởng tiêu cực và bi quan đó đi. Nếu những người vì sợ cái chân của cháu mà không dám lại gần cháu thì những người đó cũng chẳng xứng đáng với những đức hạnh của cháu. Cháu hãy vui lên.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT