Hôm Nay Ăn Gì

Đậu xanh đánh, món ăn mùa Vu Lan

Thursday, 03/09/2020 - 06:58:51

Nói tới món ăn mùa Vu Lan, món mặn có chay hội, món ngọt có chè đậu xanh đánh.

Chè đậu xanh đánh (Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM
Nói tới món ăn mùa Vu Lan, món mặn có chay hội, món ngọt có chè đậu xanh đánh. Tại sao cứ phải là chè đậu xanh đó mới đúng món Vu Lan mà không phải chè đậu đen, chè đậu xanh hạt hoặc chè mè đen, chè thưn, chè bưởi, chè đậu ngự, đậu váng hoặc chè thập cẩm? Bởi lẽ, về mặt âm dương ngũ hành và trong đó có cả vấn đề tâm thức di truyền của người Việt, thì có vẻ như tháng Bảy, đặc biệt rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan cũng là lúc con người bắt đầu chạm với màu Thu, sắc thu. Mùa thu có ba tháng, Mạnh (tháng Bảy), Trọng (tháng Tám) và Quí (tháng Chín). Và cảm thức về mùi vị cũng bắt đầu thay đổi theo Trung Thu (Trọng Thu), mùa của những giác quan chín lịm, sâu sắc và se lạnh… Chè đậu xanh đánh như một thức quà của cảm thức này.

Nói tới chè đậu xanh đánh, tôi nhớ tới hai địa điểm rất quen thuộc, mà cả hai địa điểm này đều đang nằm trong vùng cách ly dịch Covid-19, đó là Đà Nẵng và Hội An. Đà Nẵng có quán chè ở ngã ba Trần Quốc Toản, Nguyễn Chí Thanh, nơi đây mệnh danh ngã ba chè, bởi có đến năm quán chè, trong đó có hai quán của người Minh Hương và ba quán của người Đà Nẵng.

Cả năm quán chè này bán chè giống nhau, đồng giá hai trăm đồng mỗi ly. Hồi đó hai trăm đồng có thể mua được gói mì ăn liền Vifon, như vậy tương đương với năm ngàn đồng bây giờ. Quán ở Hội An thì nằm gần ngã ba Tin Lành, chỉ bán độc nhất chè đậu xanh đánh, giá mỗi ly ba trăm đồng, quán là nhà cổ, có khoảng sân vườn rộng, có cây vú sữa già trăm tuổi che mát cả khoảng sân (cây vú sữa to lớn như vậy tôi chỉ gặp đúng ba chỗ: trong vườn nhà ngoại tôi, trong sân nhà của nhà thơ Trần Vàng Sao và ở quán chè này).

Thường Chủ Nhật mỗi tuần, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp mini cổ, (loại sườn xe to khác thường, cổ xe cong lên rất đẹp và xe cứng cáp, tuy là xe mini nhưng có thể chở được cả trăm ký, xe của Pháp, mua trước 1975, thời đó cả xóm có đúng ba chiếc xe đạp, gồm cả xe của mẹ tôi), đi từ Điện Bàn xuống Hội An hơn mười cây số, nhưng do đường xấu, đường sau chiến tranh, gặp toàn ổ gà, ổ voi, thỉnh thoảng trên đường có những cây dừa cụt ngọn với bị đạn cắt, có những ngôi nhà bỏ hoang mà theo mẹ nói là do người ta đã bỏ nhà đi vượt biên hoặc nhà đó từng là sĩ quan chế độ cũ, đã đi kinh tế mới trên Tây Nguyên… Đạp xe từ Điện Bàn xuống Hội An thì mẹ tôi đã ướt đẫm mồ hôi lưng, cách gì tới đó mẹ cũng ghé vào quán chè, gọi một ly trà đá cho mẹ và một ly chè đậu xanh đánh cho tôi. Mẹ nói mẹ ghét loại chè này, bây giờ tôi mới hiểu là mẹ rất ưa chè đậu xanh đánh nhưng hồi đó không có tiền, mẹ chỉ mua mỗi ly cho tôi và tranh thủ uống ly trà đá miễn phí.

Ăn chè xong thì mẹ chở tôi đi tiếp, xuống chợ Hội An để mua rau khoai về trồng, nhà ngoại tôi đất rộng, cứ tới mùa thì trồng rau khoai, trồng đậu, mè, mà rau khoai Hội An đặc biệt cho củ rất thơm, lá rau cũng ngọt. Hồi đó chợ Hội An bên này sông, nhìn sang phía An Hội là một bãi cỏ hoang, cầu An Hội lúc đó là chiếc cầu cổ dùng phục vụ du lịch bây giờ, chưa có những cây cầu khác. Làng bánh tráng đập, bán bắp luộc và chè bắp An Hội lúc đó cũng chưa có như bây giờ.

Hồi đó, Hội An chỉ có đúng ba thứ nổi tiếng, đó là rau khoai, chè gồm đậu xanh đánh và tàu hủ, thêm nữa là nghề buôn phế liệu, hầu hết người Hội An đi buôn phế liệu, sáng ra là đàn ông bủa đi khắp nơi để mua phế liệu, đàn bà ra đồng trồng rau trồng lúa. Còn người từ Điện Bàn, Đại Lộc thì lại chạy xuống Hội An để mua rau khoai. Hiệu buôn hồi đó ở Hội An rất ít, dần về sau mới tăng dần cho đến thời du lịch phát triển, khi kỹ sư Kazik người Ba Lan nộp hồ sơ, xin Hội An thành di sản văn hóa thì xứ này mới ngoi lên theo đúng bản chất của nó vài trăm năm trước.

Nói tới quán chè ở ngã ba Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Toản, tuy có năm quán nhưng có đúng một quán ngồi ngay góc ngã ba Nguyễn Chí Thanh là có chè đậu xanh đánh. Hồi đó Đà Nẵng cũng nghèo không kém Hội An, khá hơn một chút vì Hội An là thị xã, còn Đà Nẵng là thành phố, trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trung tâm hành chính của tỉnh nằm ở đây, nên có phần nhỉnh hơn. Nhưng Đà Nẵng hồi đó không rộng như bây giờ, trung tâm thành phố nằm quanh quẩn ở khu vực ngã năm Phan Châu Trinh, Trần Quốc Toản, Hoàng Diệu và Trần Bình Trọng. Trục đường thịnh vượng nhất Đà Nẵng là đường Hùng Vương và Phan Châu Trinh, hai trục đường này bây giờ vẫn còn khá nhưng thiên về trục đường cổ, đường di sản nhiều hơn là phát triển so với mặt bằng chung của thành phố.

Tôi biết quán chè này là nhờ vào mợ tôi, chồng của mợ là anh em cô cậu ruột với mẹ tôi, vì mẹ tôi không có anh em ruột nên mợ là người khá thân, coi như trong nhà. Cứ mỗi khi tôi đi Đà Nẵng, ngoài việc được bà dì dắt đi ăn gỏi đu đủ bò khô thì thỉnh thoảng, bà mợ rủ tôi đi chở rau heo, cám heo phụ với mợ (ở Đà Nẵng những năm trước 1990 người ta nuôi heo nhiều, nhà nào có thế lực một chút thì nuôi heo rất tốt, vì có thế lực mới tới được các khách sạn, nhà hàng để xin nước thức ăn thừa về nấu, pha thêm cám, rau vào cho heo ăn, mau lớn…), mỗi khi chở cám và rau về, mệt quá, mợ lại rủ tôi vào quán chè, hai mợ cháu ăn hai ly chè đậu xanh đánh với đá xay. Cái cảm giác ăn ly chè sau khi làm việc vã mồ hôi phải nói là ngon khó tả. Và hơn nữa, sau hai lần tính toán để đi Mỹ mà không thành công, trắng tay, mợ tôi lâm bệnh và qua đời. Mỗi khi nhớ tới mợ, tôi lại nhớ tới thuở hai mợ cháu đi ăn chè, chở rau cám… Tự dưng hương vị của chè thêm ám nhớ tôi hơn.

Rằm tháng Bảy, bà xã tôi nấu một nồi chè đậu xanh đánh, nấu mâm xôi nếp hương để cúng trời đất, cúng những vong linh không nơi nương tựa (đương nhiên tục xưa bày thì nay làm và thành tâm mà làm, chứ thực ra nếu thực sự có chuyện cúng - hưởng thì mỗi năm cúng vài lần như vậy, những ngày còn lại lấy gì sống, ăn gì? Uống gì? Nhiều khi ranh giới giữa mê tín và tâm linh quá mỏng manh, khó phân biệt).
Cúng xong thì mang vào cất tủ lạnh, bởi chỉ để lạnh cho đến khi chè hơi khô lớp da mặt, lúc đó đập đá thật nhỏ, xay nhuyễn càng tốt, cho vào chè, nếu có nước cốt dừa cho thêm một chút xíu cho có vị béo. Cứ như vậy mà dằm lên, cảm giác như đang hòa quyện cùng với đất trời, cảm cái se lạnh tiết trời vào thu, cảm một chút hương của đậu xanh, của dừa, của thiên nhiên mỗi khi chạm đầu lưỡi.

Có những thức quà mà mùi vị của nó theo người ta suốt cả đời, thanh tao, nhẹ nhàng và dẫn dắt tâm hồn đến với thiên nhiên. Nhưng không phải lúc nào cũng có thời gian và quan tâm để chạm nó, bởi nó quá dung dị, nhiều khi không nằm trong danh sách ẩm thực có phần hơi cao cấp của thời đại.
Xin cầu chúc quí vị có món ăn ẩn chất kỉ niệm và thanh nhiệt!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT